Bà lão bán ngô nướng và bát phở triệu đồng

( PHUNUTODAY ) - (PNĐS)- Bát phở chứ có phái bát vàng đâu mà chú nói giá 750 nghìn đồng!?...Nếu thật đắt như vậy họ lấy tiền ở đâu ra mà ăn?

(PNĐS)- Đêm khuya, những cơn gió phía hồ Xuân Hương (Đà Lạt) thốc lên từng hồi lạnh buốt. Thoáng chút rùng mình, cụ Ba kéo lại chiếc áo ấm đã ngả sang màu bàng bạc sát người cố giữ hơi ấm cho cơ thể đã bước sang tuổi 70. Trên phố, từng tốp người rảo bước về nhà trong màn sương đêm nặng trĩu.

“Gớm!... bát phở chứ đâu phải bát vàng đâu”

23h30, dòng người đi về trên phố cứ loãng dần. Cụ Ba vẫn ngồi như một pho tượng. Giữa màn sương khuya lạnh buốt dưới gốc thông già bên hồ Xuân Hương, đã bao năm nay, không quản ngại đêm mưa hay lạnh giá, với gánh hàng rong là những củ khoai nướng, bắp ngô, bơ lạc luộc.. đựng trong một đôi thúng cũ kỹ vẫn cùng cụ co ro mỏi mòn chờ khách. 

Cụ nói rằng, gánh hàng rong không chỉ là “cần câu cơm” đem lại miếng ăn hằng ngày cho cả gia đình 7 người mà đã trở thành một người bạn tri kỷ gắn liền với đời mình những lúc buồn vui.

Đến nay, đã hơn 10 đôi gánh bằng sợi thép đứt gãy đi qua đời cụ, nhưng cụ vẫn giữ cẩn thận ở góc nhà, xem đó là những kỷ vật không thể nào quên trong quãng đời của mình.

Về khuya, từng tốp du khách quần áo ấm áp ngồi trên những chiếc xe sang trọng vội vã lướt qua trên phố, bỏ lại phía sau bóng dáng một bà cụ bán hàng rong lưng còng cô độc. Cụ Ba cẩn thận lấy ra một chiếc kim băng gim lại chỗ những cúc áo khoác đã bị thời gian giật đứt để ngăn lại những cơn gió lạnh.

Bàn tay đã yếu với những nếp nhàu nhĩ luôn tay quạt lửa nướng củ khoai, bắp ngô cho khách. Mỗi đêm được làm việc liền tay, liền mắt thì cụ lại vui hơn vì đêm đó bán được hàng. Rồi cũng có những đêm từng cơn mưa bất chợt kéo đến, cụ co ro trong bộ áo mưa ướt át mặc dù biết rõ không có khách nhưng cụ vẫn ngồi không nguôi hi vọng có người ra ăn.

Bữa cơm của cụ Ba cũng nghèo nàn như gánh hàng rong trên đôi vai cụ vậy. Chỉ một ít rau luộc, miếng cá kho cà chua trộn chung với hộp cơm vậy mà cụ vừa ăn vừa tấm tắc khen cơm hôm nay con cụ nấu ngon. Tôi kể cho cụ nghe nhiều người ăn sáng một bát phở trị giá tới 750 nghìn đồng thì cụ lắc đầu không tin. Cụ nói: “Gớm!... bát phở chứ đâu phải bát vàng đâu mà chú nói có giá 750 nghìn đồng!?...Nếu có thật đắt như vậy họ lấy tiền ở đâu ra mà ăn?!...”.

Bữa cơm hàng rong
Bữa cơm hàng rong

Cụ Ba tên là Võ Thị Thùy Chinh, nhà ở cuối đường Quang Trung (phường 6, TP Đà Lạt), đã có gần 40 năm gắn mình với nghề bán hàng rong. Thời đó cả xã không có ai tên đẹp như cụ, nhưng ngày đó sợ bị “con ma làng” bắt đi nên cả đời không ai gọi bằng cái tên Thùy Chinh một lần, mà cứ gọi cụ bằng cái tên thô gọn: Ba.

Hồi còn nhỏ thì bé Ba, lớn thì chị Ba, và bây giờ thì bà Ba, cụ Ba. Ai gọi thế nào cụ cũng một dạ, hai vâng như một đứa trẻ biết mình mắc lỗi.


Đêm nào cũng vậy, trước khi quảy gánh ra về, cụ Ba cẩn thận ngồi đếm lại số tiền sau một đêm kiếm được. Tôi hỏi sao không về nhà đếm cho sáng sủa? Cụ hóm hỉnh trả lời: “Đếm để cho biết đêm nay được bao nhiêu tiền, nhỡ bị chúng nó giật mất còn biết mình mất bao nhiêu chứ!”.

Chả là cách đây chưa lâu, trên đường quảy gánh hàng về cụ bị một nhóm thanh nhiên choai giật mất túi đựng tiền, tiếc đến đứt ruột mà không biết mình mất bao nhiêu.

Lời lãi từ gánh hàng rong chẳng được là bao, nhưng vốn có cái tính thường ngườn hơn thương thân, nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, ăn mặc mong manh trong cái giá rét lang thang ăn xin trên phố khiến lòng cụ lại không cầm nổi nước mắt vì xót thương.

Cụ nói: “Số mình nghèo nhưng cái bụng vẫn còn được no, còn họ thì đến mảnh áo cho ra hồn cũng không có, bữa no, bữa đói ăn nằm trên phố mà thấy thương!...”. Vậy là mỗi khi có những đứa trẻ ăn xin đi qua, cụ lại dúi vào tay nó củ khoai, nắm lạc ăn lót dạ mà chống lại cái đói dai dẳng hằng ngày. 

Số tiền kiếm được sau 1 ngày lao động.
Số tiền kiếm được sau 1 ngày lao động.


Không chỉ là người bán hàng rong, cụ còn là một bản đồ sống cho du khách đi đường hỏi thăm từ các địa điểm du lịch của thành phố cho tới những số nhà trong ngỏ hẻm không tên của Đà Lạt. Cụ nói rằng, một ngày không được ra đường, không được nhìn thấy du khách đi lại trên phố, không được ai hỏi thăm đi đến chỗ này, chỗ kia đi đường nào thì cụ không chịu được vì buồn.

Ai đã một lần ghé gánh hàng của cụ bên bờ hồ Xuân Hương ăn củ khoai luộc, ngô nướng hẳn không thể quên được cách nói chuyện hóm hỉnh của cụ lão đã 70 tuổi này. Cụ nói, cái nghề bán hàng rong nhiều lúc cũng vui như đi… trẩy hội, hạng người nào cũng được gặp gỡ, nói chuyện, từ cô gái bán hoa, ông lão ăn xin cho tới anh kỹ sư, bác sĩ, giới kinh doanh…

Tôi hỏi cụ bao giờ thì nghỉ hẳn cái nghề bán hàng rong mệt nhọc này? Chẳng phải suy nghĩ, cụ nói rằng còn sức là còn quảy gánh đi, chết chôn không kỹ lão già này vẫn cứ về đi bán hàng rong ở chỗ này, dưới gốc thông này, bên bờ hồ này!...

Vậy là mỗi khi màn đêm buôn xuống cụ lại rộn ràng với gánh hàng rong men theo con dốc khúc khuỷu của Đà Lạt vòng xuống bờ hồ Xuân Hương bắt đầu một đêm mưu sinh mới. Vẫn biết rằng nghề này không phải là để làm giàu, nhưng với cụ sau này khi về thế giới bên kia, cụ vẫn nặng lòng với gánh hàng rong nơi trần thế lắm nổi gian truân... 

  • Đ. L

 

TAGS:
Theo: