Ai đã giết chết Đại đế Khang Hy?

( PHUNUTODAY ) - Là ông Vua sở hữu nhiều mỹ nữ nhất, có nhiều con nhất và ở ngôi Hoàng đế lâu nhất trong lịch sử Trung Quốc những tưởng vị “đại đế” của triều Thanh Khang Hy cũng là vị Hoàng đế mãn nguyện nhất trong lịch sử của xứ sở này.


Ấy thế nhưng, những cái nhất ấy lại là nguyên nhân khiến Khang Hy phải chết trong uất giận khi chính đứa con trai của ông ta đã bí mật chuẩn bị cho cái chết của cha mình nhằm giành cho được ngôi báu…

1. Nhờ sự nỗ lực của Hiếu Trang Hoàng Thái hậu và giáo sỹ đến từ nước Đức Schall von Bell, sau khi Hoàng đế Thuận Trị băng hà, Thái tử Huyền Diệp mới 8 tuổi đã trở thành người kế vị, lập nên vương triều Khang Hy đình đám trong lịch sử Trung Quốc.

Tuy nhiên, vì sợ Huyền Diệp nhỏ tuổi, không đủ sức cai trị đất nước, Thuận Trị giao quyền nhiếp chính cho Hoàng thái hậu Hiếu Trang và bốn vị Tứ mệnh đại thần. Năm Khang Hy thứ 6, tức năm 1673, mới 14 tuổi, Huyền Diệp tuyên bố tự nắm quyền. Nếu như nói rằng những năm trước khi tự nắm quyền cai trị đất nước, Khang Hy được coi là một Hoàng đế “vứt đi” thì nguyên nhân chính là do tuổi tác của Khang Hy còn quá nhỏ cũng như sự kiềm chế của bốn vị đại thần nhiếp chính.

Ung Chính
Ung Chính

 Vì thế, ngay sau khi tự mình chấp chính, Khang Hy nhanh chóng bộc lộ rõ bản lĩnh của một Đại đế tham vọng và tàn bạo. Ngay khi mới 14 tuổi, Khang Hy đã dùng kế trừ khử cố mệnh đại thần Ngao Bái cùng thế lực của y trong triều đình, đoạt lại quyền lực trong triều đình.

Tiếp đó, Khang Hy phái Tĩnh Hải tướng quân Thi Lang dẫn quân tấn công Đài Loan, thu hàng Trịnh Khắc, thống nhất khu vực Đài Loan. Vào năm Khang Hy thứ 28, nhờ chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Nga, Khang Hy đã ký với Nga Hòa ước Trung – Nga, xác định đường biên giới phía giữa hai nước.

Trong những năm Khang Hy thứ 35 và 36, chính Khang Hy đã tự dẫn quân tấn công Gaklan, thống nhất vùng sa mạc phía Bắc cũng như khu vực phía Đông của Tân Cương vào lãnh thổ nhà Thanh. Tới năm Khang Hy 59, Khang Hy cho quân tấn công An Tạng, đánh đuổi thế lực của Tsewang Rapten, rồi phái đại thần trấn giữ Tây Tạng đồng thời phong cho Đạt Lai Lạt Ma làm lãnh tụ tôn giáo ở vùng này… Có thể nói, dưới thời của Khang Hy, bản đồ của Trung Quốc được mở rộng nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến.

Không chỉ có những chiến tích về quân sự, trong thời gian ngồi trên ngai vàng, Khang Hy được coi là người đã xây dựng nền móng cho “thời thịnh trị Khang – Càn” (Khang Hy và Càn Long) mà sử sách Trung Quốc ca ngợi. Chính vì những thành tích rực rỡ ấy, các sử gia Trung Quốc đời sau đều nhất loạt gọi Khang Hy bằng hai chữ: “Đại đế”.

Tuy nhiên, ngoài những thành tích được gọi là “kiệt xuất” về chính trị cũng như võ công, vị “đại đế” của triều Thanh còn có 3 “cái nhất” khác. Thứ nhất là hậu phi nhiều nhất trong lịch sử các Hoàng đế Trung Hoa. Chỉ riêng những người chính thức được gọi là hậu phi trong hậu cung của Khang Hy cũng đã 55 người. Còn lại những phụ nữ được vị “Đại đế” này sủng hạnh nhưng không hề có danh phận thì không ai có thể đếm hết. Thứ hai là con cái nhiều nhất.

Cả đời Khang Hy có tới 35 người con trai, 20 người con gái, tổng cộng là 55 người. Tính ra, cứ mỗi bà vợ chính thức của Khang Hy lại đều đặn sinh cho ông ta một đứa con. Một cái nhất nữa của Khang Hy chính là thời gian tại vị lâu nhất. Lên ngôi năm Thuận Trị thứ 18, tức năm 1611, cho tới năm Khang Hy thứ 61 tức năm 1772 khi Khang Hy băng hà, tính ra, vị “Đại đế” này đã ngồi trên ngài vàng tới 61 năm.

Trong quan niệm của người Trung Quốc, đông con và sống lâu chính là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mỗi người. Tuy nhiên, với Khang Hy cả hai điều đó lại đều trở thành một thứ tai họa. Khi Khang Hy hãy còn sống, số con trai đã trưởng thành lên tới 20 người mà đứa con nào cũng mang cái “gen trội” của Khang Hy, đầy những tham vọng và toan tính. Vì vậy, ai cũng ôm hy vọng một ngày kia mình sẽ trở thành người kế thừa ngôi báu và điều khốn khổ hơn, ai cũng nghĩ rằng mình là người có khả năng và cơ hội.

Trong khi đó, Khang Hy vẫn cứ thản nhiên ngồi lì trên ngai vàng suốt 61 năm không chịu xuống. Điều này khiến các vị Hoàng tử của Khang Hy thực sự cảm thấy nôn nóng, bực bội thậm chí là sự oán hận âm thầm người cha của mình. Đã thế, trong việc chọn lập Thái tử kế nghiệp, Khang Hy lại rất “sớm nắng chiều mưa”, cứ lập rồi lại phế, phế rồi lại lập khiến những đứa con của ông ta luôn ở trong hai trạng thái hy vọng rồi tuyệt vọng.

Cũng chính vì thế mà mối quan hệ giữa các Hoàng tử của vị Đại đế Thanh triều ngày càng có nhiều mâu thuẫn, thậm chí còn dẫn đến các cuộc chiến loạn “huynh đệ tương tàn”. Trước tình cảnh đó, một “Đại đế” như Khang Hy cũng chẳng còn biết làm gì khác ngoài việc dậm chân mà kêu trời.

2. Sau hơn nửa thế kỷ diễn ra những cuộc mâu thuẫn tranh giành, thậm chí là chiến loạn giữa các Hoàng tử, cuối cùng vương triều Khang Hy cũng có được một điềm báo sáng sủa cho một khả năng điều hòa các mâu thuẫn. Đó là sự kiện xảy ra vào năm Khang Hy thứ 57, tức năm 1718, khi Hoàng tử thứ 14 là Dận Đề được phong là Phủ Viễn Đại tướng quân.

Từ khi Khang Hy lên ngôi, thế lực của bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ ở Mông Cổ ngày càng phát triển lớn mạnh rồi dần trở thành một lực lượng chống đối lại nhà Thanh. Cho tới những năm Khang Hy thứ 50 trở về sau, bộ tộc này đã khống chế một khu vực cực kỳ rộng lớn bao gồm phía tây Nội Mông Cổ, Thanh Hải, Tân Cương, Tây Tạng đồng thời uy hiếp vùng đất thuộc Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên, Vân Nam… Đem quân đánh dẹp thế lực của bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ, bảo vệ sự “tôn nghiêm” của vương triều Mãn Thanh trở thành nhiệm vụ chính trị và quân sự quan trọng nhất của vua tôi Khang Hy vào thời điểm lúc bấy giờ.

Đối với triều đình nhà Thanh, đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, vô cùng phức tạp và không thể coi thường, do vậy nhất định phải cử một người thực sự lão luyện và có tài năng trên cả lĩnh vực chính trị lẫn quân sự trấn giữ tiền tuyến để có thể nắm bắt được toàn bộ thế cục. Lúc bấy giờ, Khang Hy vẫn chưa chính thức lập Thái tử, vì vậy, việc một Hoàng tử nào được lựa chọn đảm nhiệm trọng trách này sẽ mang một ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Ý nghĩa ấy không chỉ biểu hiện sự “tín nhiệm” của Hoàng đế đối với vị Hoàng tử mà quan trọng hơn, đó là cơ hội để vị Hoàng tử ấy lập được chiến công hiển hách, từ đó có thể vượt hẳn lên trên những người anh em khác đang tranh giành ngôi báu, trở thành người kế thừa ngai báu. Điều này càng quan trọng đối với một bộ tộc giành được thiên hạ trên mình ngựa như bộ tộc Mãn Thanh.

Khang Hy
Khang Hy

Và trách nhiệm không chỉ liên quan tới vận mệnh quốc gia mà còn gắn liền với vận mệnh tương lai của cá nhân ấy một cách may mắn và ngẫu nhiên rơi vào tay vị Hoàng tử thứ 14 khi ấy vừa tròn 30 tuổi: Dận Đề.

Trên thực tế, trước khi Dận Đề dẫn quân dẹp loạn, Khang Hy đã ban bố một chỉ dụ nhằm giải quyết những mâu thuẫn cũng như những âm mưu tranh giành ngôi báu đang diễn ra giữa những đứa con của mình. Trong chỉ dụ được công bố cho toàn bộ triều thần này, Khang Hy có nói: “Ta nhất định sẽ chọn một người đáng tin cậy xứng đáng làm chủ các ngươi, đồng thời khiến các ngươi tâm phục khẩu phục”. Chưa đầy một năm sau đó, khi phải chọn lựa người cầm quân xuất chinh, Khang Hy đã lựa chọn Dận Đề. Nếu như hai sự kiện này được nối liền với nhau, có thể thấy rõ ý định của Khang Hy trong việc lựa chọn Thái tử kế vị.

Không chỉ có như vậy, trước khi Dận Đề lên đường xuất chinh, Khang Hy đã tự mình đứng ra tổ chức một bữa tiệc tiễn đưa cực kỳ long trọng với sự góp mặt của tất cả các quan viên trong triều đình. Tại bữa tiệc hôm đó, Khang Hy đã phong cho Dận Đề làm “Đại tướng quân vương” đồng thời cho phép Dận Đề sử dụng cờ hiệu của một Thân vương.

Từ khi nhà Mãn Thanh thành lập, các Hoàng tử được phân thành bốn cấp từ Thân vương, Quận vương, Bối cần, Bối tử, trong đó Thân vương là cao nhất, Bối tử là cấp bậc thấp nhất. Vào thời điểm lúc bấy giờ, Dận Đề mới 30 tuổi, còn rất trẻ so với những người anh em khác, vì vậy, cấp bậc của Dận Đề chắc chắn ở mức thấp nhất là Bối tử. Tuy nhiên, trước khi xuất chinh, Ung Chinh lại phong cho Dận Đề danh hiệu “Đại tướng quân vương”, đối xử như một Thân vương.

Dường như Khang Hy muốn tuyên bố với triều đình rằng, Dận Đề giờ đây đã là một Thân vương hoặc chí ít được đối xử như một Thân vương, vì vậy, sau này nếu có lập một “Bối tử” như Dận Đề lên làm Thái tử cũng không phải vội vàng tấn thăng tước vị. Tất cả mọi việc đều phù hợp với những quy định của triều đình.

 Một loạt những việc làm của Khang Hy đều cho thấy, Dận Đề là người sẽ được Khang Hy lựa chọn lên làm Thái tử, ngôi vị mà những người anh em của ông ta đã tranh giành trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Chính vì vậy, Dận Đề dẫn quân hăm hở xuất chinh ôm theo mộng ước một ngày kia trở về và được ngồi lên ngai vàng thay thế Khang Hy.

Cũng có lẽ vì cái hy vọng mà Khang Hy nhóm lên trong đầu Dận Đề mà vị Hoàng tử trẻ tuổi không hề làm hổ danh cha mình. Sau bốn năm không quản hiểm nguy xông pha trận mạc, cuối cùng, Dận Đề cũng giành lại được vùng đất Tây Tạng. Sau đó, dưới sự chỉ đạo của Khang Hy, Dận Đề tiến hành đàm phán với bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ và nhanh chóng có được một hiệp ước hòa bình với bộ tộc này.

Cho tới năm Khang Hy thứ 61, cuộc chiến tranh ở phía Tây của vương triều Mãn Thanh coi như đã được dập tắt. Ca khúc khải hoàn trở về, Dận Đề tràn đầy hy vọng sẽ trở thành người kế thừa ngôi báu của vua cha. Thế nhưng, khi Dận Đề chưa kịp trở về đến kinh thành thì một sự việc bất ngờ đã xảy ra khiến mộng ước của Hoàng tử Dận Đề tan như bong bóng: Khang Hy Hoàng đế đột ngột qua đời, Hoàng tử thứ 4 là Dận Chân, tức anh trai ruột của Dận Đề trở thành người kế vị một cách thần bí, tức là Hoàng đế Ung Chính.

3. Vào ngày 7 tháng 11 năm Khang Hy thứ 61, tức năm 1722, Khang Hy ra chơi tại vườn Sướng Xuân nằm ở ngoại ô kinh thành. Đến ngày mùng 8, có chỉ dụ rằng: Hoàng đế bị trúng gió lạnh, hôm đó đã ra mồ hôi. Do “long thể” bất an nên từ ngày 10 đến ngày 15 sẽ thực hiện trai giới chay tịnh để chuẩn bị cho lễ tế diễn ra vào ngày Đông chí. Trong thời gian này, toàn bộ các tấu chương không nhất thiết đều phải đưa tới cho Hoàng đế. Việc các Hoàng đế “trai giới” ở một mình để nghỉ ngơi, dưỡng thể là một chuyện hoàn toàn bình thường vì vậy không có nhiều người đặc biệt để ý tới chuyện đó. Tuy nhiên, có một người đã cực kỳ tinh nhạy đã từ một chuyện rất thường xảy ra trong chốn cấm cung ấy tìm ra một cơ hội có thể thay đổi cả triều đại. Người đó chính là Dận Chân.

Trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn quyết liệt giữa các Hoàng tử của Khang Hy thì Dận Chân, vị Hoàng tử thứ 4 rõ ràng là một người cực kỳ lão luyện và kín đáo. Tất cả những lời nói cũng như việc làm của Dận Chân chưa bao giờ khiến những người anh em của ông ta cũng như Khang Hy cảm thấy nghi ngờ.

Trong mắt các Hoàng tử, triều thần cho tới chính vị “Đại đế” Khang Hy, vị “tứ Bối tử” Dận Chân này dường như là một người “an phận thủ thường” và không hề có hứng thú gì đối với ngôi báu mà các anh em của ông ta sẵn sàng đổ máu để tranh giành.

Tuy nhiên, sự thực sau đó đã chứng minh, tất cả mọi người đều nhìn nhầm. Việc tỏ ra an phận, không có chí tiến thủ của Dận Chân thực tế là để thực hiện theo lời của Đới Đạc, mưu sĩ rất được Dận Chân trọng dụng. Đới Đạc từng nói với Dận Chân rằng: “Vua cha sáng suốt thì làm Hoàng tử sẽ rất khó. Nếu như quá phô trương, khoe mẽ thì chắc chắn sẽ gây ra sự nghi kỵ của Hoàng đế. Ngược lại, nếu như một chút cũng không lộ ra thì Hoàng đế và những người anh em của mình sẽ coi thường, từ đó không chú ý tới nữa. Như vậy, nếu như giữ được vị thế ở giữa hai điều này, thì có thể an tâm chờ đợi thời cơ đến”.

Một kẻ cực kỳ tinh ranh như Dận Chân ngay lập tức đã nhận ra sự hữu hiệu trong kế sách của Đới Đạc, vì thế Dận Chân kiên quyết thực hiện theo kế sách này. Một mặt đối với Hoàng đế Khang Hy và các Hoàng tử khác, Dận Chân tỏ ra là một người an phận thủ thường, không có ý định tranh giành ngôi vị Thái tử. Mặt khác, Dận Chân lại ngấm ngầm kết giao với hai nhân vật cực kỳ quan trọng là Long Khoa Đa và Niên Canh Nghiêu.

Long Khoa Đa là anh ruột của Hoàng hậu đương triều, làm chức Thống lĩnh bộ binh, nắm giữ nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho kinh thành. Còn Niên Canh Nghiêu là tuần phủ Tứ Xuyên. Trong cuộc chiến đánh dẹp bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ ở chiến trường phía Tây, Niên Canh Nghiêu nắm giữ một cánh quân tinh nhuệ.

Mục đích của Dận Chân khi kết thân với hai người này chính là, nếu một ngày nào đó kinh thành xảy ra sự biến thì sẽ có Long Khoa Đa khống chế. Còn nếu như cánh quân Tây chinh của Dận Đề có biến thì Niên Canh Nghiêu có thể phái quân chống chọi lại với Dận Đề, không để cho Dận Đề có thể sử dụng vũ lực để tranh giành ngôi báu. Dận Chân có thể nói là một thiên tài trong việc áp dụng những nguyên tắc tranh đấu trong chính trị. Vì vậy, đúng vào thời điểm Khang Hy bị ốm tại vườn Sướng Xuân và các vị Hoàng tử khác thì vẫn đang chìm đắm trong mộng tưởng thì Dận Chân đã ra tay.

4. Từ ngày 9 tới ngày 12, Dận Chân vừa ngấm ngầm vừa công khai cử người vào cung thám thính bệnh tình của Khang Hy. Khi đã chắc chắn rằng, bệnh tình của Khang Hy ngày một thêm nặng, Dận Chân đã bí mật gấp rút chuẩn bị mọi thứ cho việc đoạt ngôi Hoàng đế.

 Tới sáng sớm ngày 13, bệnh tình của Khang Hy đã bước sang giai đoạn nguy kịch. Long Khoa Đa, người đảm nhiệm vai trò hộ vệ bên cạnh Khang Hy đã vội vàng sai người truyền chỉ lệnh cho 7 vị Hoàng tử ngay lập tức phải đến vườn Sướng Xuân. Là con thứ 4, Dận Chân cũng là một trong số 7 Hoàng tử được gọi đến để chứng kiến giây phút “phụ hoàng” lâm chung. Tuy nhiên, chẳng hiểu vì lý do gì cho mãi tới gần trưa, Dận Chân mới vội vã tới vườn Sướng Xuân.

Vào thời điểm lúc bấy giờ, không khí tại vườn Sướng Xuân vô cùng căng thẳng. Hoàng đế Khang Hy đã rơi vào trạng thái hôn mê, các Hoàng tử được triệu đến chẳng ai kịp nói lời nào với Vua cha của mình. Trước cơn nguy kịch của Khang Hy, tất cả các Hoàng tử đều cảm thấy đột ngột, sợ hãi thậm chí là lo lắng.

Cho đến tận giây phút đó, ngôi Thái tử vẫn chưa được lập, trong khi đó, người đã được Khang Hy ngấm ngầm “nhắm” trước là Hoàng tử thứ 14 Dận Đề vẫn còn chinh chiến ở miền Tây xa xôi chưa kịp trở về. Vì thế, nếu như Khang Hy đột ngột băng hà mà chưa kịp nói lời nào thì một cuộc chiến đẫm máu huynh đệ tương tàn tranh giành quyền lực giữa các vị Hoàng tử là khó có thể tránh khỏi.

Khi mặt trời xuống núi, màn đêm bao trùm vườn Sướng Xuân. Mặc dù các cung nữ đã thắp đèn khắp trong ngoài cung nhưng những người đang lo lắng đứng đợi bên ngoài phòng bệnh của Hoàng đế Khang Hy vẫn không hề cảm thấy ấm áp bởi những con gió đông liên tục thổi. Cho đến 10 giờ tối hôm đó, một tiểu thái giám được giao nhiệm vụ chầu chực bên cạnh Khang Hy chạy hộc tốc từ trong phòng ra bên ngoài, nơi các Hoàng tử, Hậu phi đang đứng lên ngồi xuống trong sự căng thẳng tột độ. Viên thái giám mặt tái xanh, lắp bắp nói không ra lời.

 Ngay lập tức những người có mặt vội vã chạy vào phòng của Khang Hy. Vị “Đại đế” triều Thanh đã chết, khuôn miệng hơi hé ra dường như vẫn còn muốn nói điều gì đó. Đúng trong giây phút bàng hoàng ấy, Long Khoa Đa tuyên bố với các Hoàng tử có mặt tại vườn Sướng Xuân cái thông tin còn bàng hoàng hơn: “Hoàng thượng di chiếu, lệnh cho Hoàng tử thứ 4 là Dận Chân kế thừa ngôi báu!”.

Các vị Hoàng tử có mặt đều nhảy dựng dậy, mắt long sòng sọc nhìn Long Khoa Đa như muốn hỏi: “Di chiếu ở đâu?”. Long Khoa Đa bình thản nhìn những Hoàng tử đang vây quanh mình, nói: “Là khẩu chiếu” (chiếu chỉ bằng lời nói). Các Hoàng tử lúc này mới té ngửa, “khẩu chiếu” tức là chẳng chiếu chỉ, chẳng có gì làm bằng cớ, muốn nói sao thì là như vậy. Tuy nhiên, tất cả đều đã quá muộn, số phận của họ đã được quyết định tại vườn Sướng Xuân. Nắm trong tay toàn bộ cấm vệ quân bảo vệ kinh thành, Long Khoa Đa đã bí mật khống chế toàn bộ Bắc Kinh.

 Tất cả những Hoàng tử cũng như vương công đại thần có khả năng chống đối với Dận Chân đều được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt của cấm vệ quân. Cũng vào thời điểm đó, Dận Chân đã viết một bức mật thư sai người hỏa tốc gửi cho tuần phủ Tứ Xuyên Niên Canh Nghiêu, lệnh cho ông ta dẫn đội quân tinh nhuệ của mình tiến gần tới doanh trại quân của Dận Đề dưới danh nghĩa phụng mật chiếu của Hoàng đế Khang Hy.

Mục đích của Dận Chân là muốn đề phòng người em Dận Đề của mình. Một khi thấy Dận Đề manh động, quân của Niên Canh Nghiêu sẽ lập tức ra tay, nếu giết được thì giết, không giết được cũng giam chân Dận Đề ngoài biên ải, không cho ông ta trở về kinh thành tranh giành ngôi báu.

Sau khi đã sắp xếp mọi việc, Dận Chân và Long Khoa Đa đã đưa di thể của Khang Hy về kinh ngay trong đêm. Tiếp đó, Dận Chân cho phong tỏa Hoàng cung, không cho phép bất cứ Hoàng tử nào vào cho tới khi tang lễ của Khang Hy chính thức được cử hành. Cuối cùng, sau 7 ngày bí mật chuẩn bị và lên kế hoạch, Hoàng tử thứ 4 Dận Chân, m
ột người chưa bao giờ được Khang Hy để ý tới đã chính thức lên ngôi, tức Hoàng đế Ung Chính nổi tiếng trong lịch sử triều Thanh.

Phong Nguyệt
TAGS:
Theo: