Ca sĩ Chế Linh và những bí mật đặc biệt trong việc dạy 14 người con (kỳ 2)

( PHUNUTODAY ) - 30 năm tái ngộ” vào đêm ngày 21/10 tới đây tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, ông chắc chắn là sẽ không bao giờ hát nhép, bởi như thế sẽ là hình thức phản bội khán giả.

(Phunutoday) - Chế Linh bắt đầu bước ra cuộc sống rất khổ cực. Trang Wikipedia đã trích lục cuộc đời của Chế Linh: “Sau khi học hết bậc tiểu học Pháp ở trường làng và được các linh mục Pháp trong trường hướng dẫn về căn bản nhạc lý, Chế Linh theo học tiếp bậc trung học tại Trường Bồ Đề, Phan Rang. Tháng 8/1959, anh quyết định vào Sài Gòn một mình thay vì lên Đà Lạt hoặc Nha Trang như ý muốn của gia đình.

Ca sĩ Chế Linh nói: “Các con sợ cái bóng của tôi lắm, cho nên con đường tôi đi cũng là con đường nguy hiểm với các con mình...
“Các con sợ cái bóng của tôi lắm, cho nên con đường tôi đi cũng là con đường nguy hiểm với các con mình..."
Tại Sài Gòn, anh đã trải qua biết bao nhiêu cực khổ đi mưu kế sinh nhai, từ làm đầu bếp, giữ trẻ. Anh rất chịu khó, siêng năng trau dồi kiến thức cho bản thân của mình trong những hoàn cảnh vô cùng cực khổ trong đời. Năm 1962, anh đã gặp lại vị linh mục người Pháp đã dạy anh trước kia ở trong làng, từ vùng Cao Nguyên Ban Mê Thuật về Sài Gòn. Vị linh mục này nhận nuôi anh và khuyến khích anh theo học tiếp.
 
Một thời gian sau anh về ở với người anh, cho đến lúc này Chế Linh mới liên lạc với gia đình để sau đó nhận được thêm tiền của bố mẹ anh gửi lên cho ăn học tiếp. Với sự chỉ dẫn của người cháu họ, Chế Linh đã cố gắng và nhảy lớp để bắt kịp tuổi. Sau khi thi rớt tú tài ban Văn Chương vào cuối năm 1962, anh không phải nhập ngũ vì chính sách thời đó miễn dịch cho người Chàm.
 
Người anh bà con có ý định giới thiệu Chế Linh với cô em vợ để đi đến việc hôn nhân nhưng anh không bằng lòng. Mẹ anh cũng muốn như vậy và một lần nữa Chế Linh bỏ nhà ra đi. Một thời gian sau, Chế Linh được Duy Khánh hướng dẫn bước vào lãnh vực ca nhạc để sau này trở nên một ca sĩ tên tuổi. Từ ngày đó đến nay, cuộc đời ca hát của anh đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm…”.
 
Nói về cuộc đời của mình, Chế Linh chỉ biết nói một câu: “Vất vả lắm, cực khổ lắm”. Ngày ông về Sài Gòn kiếm kế sinh nhai khi bỏ nhà ra đi, cần một công việc để làm quá, khi một gia đình người Tàu nói tuyển người làm bếp, ông đã nói đại rằng mình biết làm. Gia đình họ để cho người nấu bếp giữ em, còn ông thì nấu ăn. Nhưng, chỉ nấu ăn đúng một ngày, do nấu dở quá, Chế Linh bị chuyển sang giữ em còn chị giữ em lại tiếp tục nấu ăn.
 
Tuy nhiên, chính ông chủ người Hoa tốt bụng này, đã giúp đỡ Chế Linh có công việc và có lương tốt để ông có thể gom góp được tiền để tiếp tục đi học. Sau này, Chế Linh còn phải làm tài xế chở xe đá tại Biên Hòa để mưu sinh nuôi giấc mộng sáng tác và làm ca sĩ.
 
Tất cả những chặng đường đi ấy Chế Linh đều ghi lại trong cuốn sách của mình. Ông biết cuốn sách đã ảnh hưởng rất nhiều tới các con, bởi con ông đã đọc và phân tích những giai đoạn cuộc sống của cha mình, thấy rằng ngày hôm nay họ sinh ra quá sung sướng so với những gì cha đã trải qua. Ngày xưa, cha vất vả như thế còn có thể sống tốt và thành công được thì hà cớ gì ngày hôm nay các con lớn lên trong sung sướng lại không phát huy được những giá trị tinh thần ấy?!

Chuyện của người cha không phải là người… của gia đình
   
Chế Linh cho biết, tính ông rất rõ ràng, khi sống với các bà vợ, ông cũng nói để các bà vợ thấy, ông không phải của riêng họ, ông là người của công chúng, của tất cả những khán giả thân thương. Bởi khán giả của ông họ không bao giờ đòi hỏi ở ông điều gì, vẫn thường cầu nguyện cho ông mạnh khỏe để có thể sống lâu, hát tốt, chấp nhận bỏ tiền ra để đi coi ông hát, mua băng đĩa ủng hộ… vậy thì ông không thể làm cho khán giả bị thất vọng.
“Chế Linh không bao giờ sợ vợ sống với mình sẽ buồn phiền mà chỉ sợ khán giả của mình buồn phiền về mình”.
“Chế Linh không bao giờ sợ vợ sống với mình sẽ buồn phiền mà chỉ sợ khán giả của mình buồn phiền về mình”.
Việc ông san sẻ hết chuyện đời tư của mình cũng là một trách nhiệm của ông đối với khán giả. Ông nói vui: “Đến giờ, tôi mới biết mình hồ đồ quá, ai tới cho bao nhiêu tình cảm là nhận bấy nhiêu, không chê gì cả. Tuổi này mới biết mình có những điều không tốt từ ngày xưa. Mấy cô thuở trước còn bé bé, giờ thành bà cả rồi nhưng các bà không ai oán than một câu. Tôi hạnh phúc kinh khủng. Thậm chí đến giờ các bà vợ vẫn thăm hỏi nhau, đối xử tốt với nhau”. Ông cũng nói thành thật: “Chế Linh không bao giờ sợ vợ sống với mình sẽ buồn phiền mà chỉ sợ khán giả của mình buồn phiền về mình”.
 
Tiếp xúc với Chế Linh, nghe ông nói như thế, nhưng ai cũng hiểu phía sau những câu nói đó là cả một nghệ thuật sống rất tình người của ông. Làm sao để các bà vợ tôn trọng nhau, làm sao để 14 người con lớn nên người là chuyện không đơn giản, tự nhiên mà có được. Trong nghệ thuật ứng xử với gia đình, với vợ, ông bảo gia đình nào cũng có chuyện này, chuyện kia. Khi xảy ra chuyện, người đàn ông cứ bưng cho người đàn bà của mình một cốc nước lạnh thật lạnh rồi bỏ ra sân hóng mát. Người phụ nữ không uống cũng kệ họ vì chắc họ thấy mình đứng ngoài sân mắc cỡ cũng không nỡ uống đâu, nhưng nếu uống thì sẽ có những cái khác lắm… Chắc chắn rất nhiều người đàn ông phải học Chế Linh ở cách ứng xử bình tĩnh và khôn ngoan như thế trong gia đình.
 
Với các con, ông tự hào là các con ông ý thức được cuộc sống của mình để không làm ảnh hưởng đến gia đình, họ hiểu rằng nếu họ sống không tốt, không khéo thì chính họ là người… chôn cha mình. Ông có thăm dò qua các bạn bè của con, ông biết các con sống bên ngoài rất giữ gìn, thậm chí các con còn… sợ ông. Ông rất thương cho các con và luôn quan tâm tới dù không mặt này thì mặt khác. Đối với các con, ông luôn coi họ như những người bạn chứ không bao giờ có khoảng cách thế hệ cha- con, chỉ có cách đối xử như người bạn như thế mới giúp ông ở gần con, giúp đỡ con được.
 
Điều đầu tiên trong cuộc sống mà Chế Linh muốn các con mình phải quan tâm là đạo đức, phải biết tôn trọng và lắng nghe trên mọi mặt, kể cả tốt và xấu. Với những người con trở thành nghệ sĩ, ông luôn nói khi chấp nhận làm nghệ sĩ thì phải hiểu mọi thứ vô cùng gian nguy chứ không đơn giản.
 
“Với ba là người đi trước, ba thấy làm làm nghệ sĩ khó lắm, khó nhất là giữ được đạo đức nghệ sĩ trên sân khấu. Đạo đức của nghệ sĩ khác với những người khác, cần phải có sự trung thành với bản thân và khán giả, khi khán giả chửi có chấp nhận nổi hay không? Khán giả nói chối tai có bằng lòng hay không hay nổi nóng? Và bây giờ ai cũng muốn làm nghệ sĩ nhưng nếu làm không tới còn có thể xúc phạm tới gia đình, nên nghĩ cho kỹ, nếu đi được thì đi, còn đi không nổi thì dừng lại, đừng tiếp tục”. Các con của ông sau khi thấu lời cha đều nói cố gắng đi, dù có vất vả, khó khăn cũng sẽ không lấy làm khó chịu. Chế Linh đứng ở bên cạnh giúp đỡ các con những gì mình có thể, truyền đạt cho con nghề nghiệp của mình.
 
“Các con sợ cái bóng của tôi lắm, cho nên con đường tôi đi cũng là con đường nguy hiểm với các con mình. Tôi giúp các con tìm con đường khác để đi, có thể nhẹ nhàng hơn, có nghĩa là tạo cho mỗi mỗi đứa một phong cách riêng dù cùng trên một thể loại, mới mẻ hơn hoặc cổ hơn, hoặc lạ hơn chút với những tiết tấu, phối âm, dàn nhạc khác… để phục vụ khán giả”.
 
Trong liveshow “Chế Linh - 30 năm tái ngộ”, Chế Linh không đưa các con về cùng hội ngộ trong chương trình bởi đây là chương trình ông trở về để dành cho khán giả của riêng ông. Chương trình có những tên tuổi khách mời như: Tuấn Ngọc, Hương Lan, Thái Châu, MC Kỳ Duyên, Đức Huy… là những người mà ông coi như gia đình của mình khi ở Hải ngoại. Cái đại gia đình đó vừa gắn bó, vừa luôn yêu quý Chế Linh bởi sự vui tính, luôn biết làm người khác vui vẻ của ông.
 
Chế Linh cũng nói, ông hát nhạc sến, sầu buồn vậy thôi nhưng tính cách bên ngoài ông không như thế, rất cởi mở và phóng khoáng, vui vẻ. Sự vui vẻ đó giúp ông giữ được tinh thần trẻ trung. Trong sự nghiệp của Chế Linh, ngoài tài năng ca hát, ông còn là một nhạc sĩ với bút danh Tú Nhi. Có lẽ sẽ nhiều khán giả Việt Nam bất ngờ khi biết được rằng, những ca khúc gắn với tên tuổi của ông, rất nổi tiếng lại chính là sáng tác của Chế Linh như: “Xin làm người xa lạ”, “Nỗi buồn sa mạc” (sáng tác chung với Tuấn Lê), “Mai lỡ mình xa nhau”, “Thành phố buồn 2”, “Cứ tưởng còn trong tay”, “Đêm buồn tỉnh lẻ”,…
 
Dù sáng tác và sáng tác rất nhiều nhưng ông không nói ra chuyện đó, bởi Chế Linh muốn những nhạc sĩ khác vẫn sẽ thấy ông diễn đạt tốt bài hát của họ chứ không phải chỉ hát bài của ông tự sáng tác mới hay. Tuy nhiên, muốn giấu mà giấu không được, cuối cùng bạn bè người quen của ông lại tìm ra.
 
30 năm mới có dịp trở về hát một cách thoải mái nhất, khán giả thân thương của ông cũng mới được gặp ông bằng xương bằng thịt, đêm diễn của Chế Linh đã phải tăng số buổi diễn do khán giả mong ngóng được xem chương trình của ông. Sau đêm diễn tại Hà Nội (21/10), Chế Linh sẽ tới Đà Nẵng (29/10), Nam Định (2/11), Hải Phòng (5/11), Nha Trang (12/11), và cuối cùng là T.P. Hồ Chí Minh (19/11).
                                                   
  • Song Phúc   
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn