Chuyện tình Nu Hắc Phun Xa Vẳn và cô gái Hà Nội

( PHUNUTODAY ) - Bà cười: “Hơn 64 năm làm vợ ông ấy, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy ân hận. Ông là một người nổi tiếng nghiêm khắc nhưng lại đối xử với vợ rất tinh tế, nhẹ nhàng và chứa chan tình yêu thương..."

Viêng Chăn đang là cuối thu. Trái ngược với sự ồn ào nào nhiệt ngoài đại lộ Lan Xang, trong căn phòng nhỏ ở bản Xa Pan Thon Nứa, quận Xỉ Xắp Ta Nac thời gian như ngừng đọng, tĩnh lặng. Bên ấm trà thoang thoảng hương hoa sen, bà Nguyễn Thị Lan ngồi trò chuyện với chúng tôi về mối tình đẹp tựa cổ tích với người chồng dấu yêu.

[links()]

Bước sang tuổi cửu thập được 2 năm rồi nhưng đôi mắt bà vẫn tinh nhanh, bà vẫn giữ được phong thái nhẹ nhàng, dịu dàng của phụ nữ Việt Nam dù đã sống xa quê cha đất tổ hơn 76 năm có lẻ…

Chuyến “tha hương” định mệnh và mối tình sét đánh

Bà là phu nhân của một trong những người nổi tiếng nhất ở Lào, một người bạn của nhân dân Việt Nam; một trong những người sáng lập Đảng NDCM Lào, lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc đất nước Triệu Voi từ khi còn trứng nước đến ngày toàn thắng đó là ông Nu Hắc Phun Xa Vẳn nguyên Chủ tịch nước CHDCND Lào từ tháng 11/1992 đến năm 1998.

Ông sinh năm 1910 (mất năm 2008), là một trong những người sáng lập và lãnh đạo phong trào chống thực dân Pháp ở Lào từ những năm cách mạng Đông Dương còn đang trong thời kỳ trứng nước.    

Bà Nguyễn Thị Lan có tên Lào là Bun Ma Phun Xa Vẳn. Bà sinh ra và lớn lên ở làng Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà (Hà Nội). Năm 1936 khi vừa tròn 16 tuổi, bà được một phụ nữ Việt kiều ở Lào nhận làm con nuôi.

Năm 1942, bà được giác ngộ và bắt đầu tham gia cách mạng Đông Dương trong vỏ bọc của người buôn bán từ Lào về Việt Nam qua các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Quá trình hoạt động tại đây, một cuộc gặp định mệnh với một thanh niên người Lào tên là Nu Hắc Phun Xa Vẳn đã làm thay đổi cuộc đời bà…

Vợ chồng Chủ tịch Nu Hắc Phun Xa Vẳn - Nguyễn Thị Lan thời trẻ
Vợ chồng Chủ tịch Nu Hắc Phun Xa Vẳn - Nguyễn Thị Lan thời trẻ

Bà kể rằng cả hai người đều “dính” đòn sét ái tình ngay từ cái nhìn đầu tiên. Hôm đó, được sự phân công của tổ chức, từ Nghệ An, bà nhận nhiệm vụ móc nối với một cơ sở buôn bán xe cũ ở Quảng Bình.

Khi được dẫn đến gặp “ông chủ” - một thanh niên người Lào có vầng trán cao, thông minh, nụ cười cởi mở, thân thiện, trái tim người con gái chưa một lần yêu đã thực sự rối nhịp. Sau này Nu Hắc cũng thừa nhận rằng, ông đã thực sự bị cô gái Việt bắt mất hồn, cả ngày hôm ông chẳng làm được việc gì…

Nu Hắc có một gara sửa ô tô kiêm buôn bán xe cũ từ Lào về Việt Nam và ngược lại. Mãi sau này yêu nhau rồi bà mới biết, đấy chỉ là vỏ bọc bí mật của ông.

Nu Hắc là một thanh niên hiền lành, giản dị nhưng có ý chí và hoài bão lớn lao. Việc ông sang Việt Nam làm ăn, kinh doanh cũng nhằm mục đích tiếp cận đường lối kháng chiến, tích cóp của cải vật chất cho cuộc kháng chiến lâu dài nhằm giành độc lập tự do cho quê hương.

“Một buổi chiều sau Tết Giáp Thân 1944, khi tôi vừa từ Thanh Hoá nhận chỉ thị về thì Nu Hắc đến chơi. Anh ấy cứ lúng túng một hồi rồi ngỏ lời yêu tôi. Thú thực lúc đó tôi cũng hồi hộp quá, chẳng biết trả lời anh ấy thế nào nên ù té chạy ra sau nhà…”, bà Lan kể.

Nu Hắc thấy Lan chạy cũng tần ngần rồi ngượng ngùng ra về. Dễ đến cả tuần, cô thiếu nữ không dám xuất đầu lộ diện, nhưng tình yêu là thứ khó giấu giếm nhất huống hồ cả hai “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.

Yêu nhau được một thời gian, được sự đồng ý của tổ chức, bà Nguyễn Thị Lan kết hôn với Nu Hắc Phun Xa Vẳn và mang họ của chồng là Bun Ma Phun Xa Vẳn. Tuy thế, họ chẳng mấy khi được ở bên nhau vì thời kỳ đó cách mạng Đông Dương nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng đang vào giai đoạn sục sôi nhất, chuẩn bị giành chính quyền.

Cách mạng tháng Tám thành công ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Lan theo chồng về nước. Đây là thời điểm khó khăn nhất của cách mạng Đông Dương khi thực dân Pháp bội ước, tiến hành cuộc xâm lược Đông Dương lần thứ hai.

Ông Nu Hắc cùng với những người đồng đội của mình dưới sự lãnh đạo của đồng chí Cay Xỏn Phon Vi Hẳn hoạt động chống Pháp ở vùng Đông Bắc Lào.

Thời kỳ đó, Quân đội cách mạng Lào Ít Xa Nạ vừa được thành lập đã phải đương đầu với đội quân viễn chinh thiện chiến của Pháp và tay sai trong điều kiện hoạt động ở khu vực rừng núi cực kỳ kham khổ, sự sống và cái chết chỉ cách nhau một lằn ranh mỏng manh.

Trong vòng vây của kẻ thù, bà đã ở bên chồng, tham gia công việc hậu cần, nấu ăn cho bộ đội Ít Xa Nạ ở vùng Đông Bắc Lào. Không biết bao lần, bà đã cùng chồng và đồng đội vượt qua những trận càn quét, máy bay bắn phá của kẻ thù.

Bà vẫn nhớ lần ở Pắc Soòng, vấp phải sự phục kích của toán biệt kích dù hỗn hợp GCMA rất thiện chiến đánh rừng rú của Pháp, lực lượng của Nu Hắc bị thương vong lớn. Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc đó, bà Lan vẫn nguyện sống chết cùng với chồng và cùng với những người còn lại dũng cảm chiến đấu.

Trong vòng vây của lửa đạn, với cương vị chỉ huy, ông Nu Hắc đã ra lệnh cho bà cùng những người bị thương di chuyển về một hướng khác, còn ông và một vài người nổ súng đánh lạc hướng quân địch. Ông đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ cho người vợ yêu quý cùng những đồng đội của mình.

Có một điều bà Lan cảm phục và càng yêu con người ông đó là dù trong những lúc nguy nan nhất nhưng ông vẫn bình tĩnh xử lý công việc và sắt son một niềm tin chiến thắng. Những lần bị địch vây giáp, bộ đội Ít Xa Nạ của Nu Hắc chủ yếu chỉ ăn lá rừng và củ dại, thi thoảng mới được một bơ gạo nấu cháo.

“Hồi đó ông ấy gầy lắm chỉ còn chưa đầy 50 ký, nhưng ông vẫn chiều chuộng, chăm sóc vợ từng ly từng tí. Là chỉ huy có cần vụ nhưng ông hiếm khi phiền mà tự tay làm các việc. Không ít lần, tôi thấy ông lén đổ nốt khẩu phần cháo ít ỏi cho những người bị thương hay sốt rét nằm điều trị…” - Bà Lan rưng rưng xúc động nhớ lại.

Hơn 6 thập kỷ sắt son và điều ước nguyện cuối cùng

“Mùa Xuân năm 1955, sau hội nghị thành lập Đảng NDCM Lào được ít ngày, anh Nu Hắc vào phòng với thái độ lạ lắm; nhìn sắc mặt có vẻ nghiêm trọng nhưng ánh mắt lại buồn vô hạn. Anh ấy động viên tôi quay về Việt Nam tiếp tục học văn hoá.

Sáng hôm đó thức dậy, sương còn giăng trắng cả đỉnh Mường Sài, tôi không thấy chồng đâu cả. Theo đúng kế hoạch, tôi theo giao liên lên đường. Đến gần đỉnh Pò Kẹo thì anh ấy đuổi theo, mồ hôi nhễ nhại, dúi vào tay tôi một gói nhỏ bọc bằng vải dù trong có 1 cái mật gấu rừng bảo quà gửi cho bố vợ.

Hồi đó hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn lắm, để có món quà nhỏ đó, ông ấy đã phải dậy sớm vào tận bản người dân tộc đổi bằng mấy cân đường và hai bộ quần áo”.

Bà từ biệt ông sang Việt Nam học tập ở Hà Nội. Hồi đó hơi nóng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã bắt đầu phả hơi nóng rừng rực vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ, vợ chồng bà xa nhau biền biệt 4 năm ròng.

Trong những thời điểm khó khăn đó, những cánh thư từ đất nước Triệu Voi đã tiếp thêm cho bà nghị lực, vượt qua chông chênh của nỗi nhớ, để bà học tập giành kết quả cao.

Sau khi sự nghiệp học hành ở Việt Nam đầu năm 60, bà lại quay về Lào. Ông Nu Hắc Phun Xa Vẳn khi đó không quản ngại nguy hiểm đối mặt với sự hoạt động của các toán thổ phỉ, gián điệp biệt kích đi bộ nhiều ngày ra biên giới đón vợ.

Vợ chồng mừng mừng tủi tủi nhưng cũng chỉ vội vã hưởng dư vị hạnh phúc được vài ngày trên các cung đường giao liên rồi lại đôi ngả chia ly. Thập kỷ 60 là thời kỳ ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên chiến trường Đông Dương.

Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, hạnh phúc chồng vợ chỉ là những giây phút gặp gỡ ngắn ngủi bên những hố bom, vạt rừng cháy sém còn khét lẹt khói bom rồi ông lại tất tả ra đi…

Do phải sống trong điều kiện thường xuyên phải xa nhau, hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, thiếu thốn nên bà và ông Nu Hắc Phun Xa Vẳn không có con.

Ông vẫn động viên, an ủi vợ rồi công việc lại cuốn cả hai vợ chồng đi cho đến ngày đất nước Lào được giải phóng. Ông bà nhận nuôi 5 người con, trong đó có 4 người con là người Lào và một người Việt. Tình yêu của hai ông bà là biểu tượng bất diệt của tình hữu nghị đặc biệt giữa 2 dân tộc Việt – Lào.

Tình yêu đó được thử thách, kết tinh trong những năm tháng chung một chiến hào chống kẻ thù chung, giành độc lập tự do cho dân tộc.

Bà cười: “Hơn 64 năm làm vợ ông ấy, nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy ân hận. Ông là một người nổi tiếng nghiêm khắc nhưng lại đối xử với vợ rất tinh tế, nhẹ nhàng và chứa chan tình yêu thương. Và chính tình yêu của chồng đã nâng đỡ tôi, giúp tôi vượt qua tất cả”.

Năm nay đã bước sang 92 dù đã yếu nhiều từ ngày chồng mất đi (2008) nhưng trong căn phòng làm việc của ông, giờ trở thành phòng lưu niệm chưa một ngày vắng bóng bà.

Hàng ngày, bà vẫn tự mình vào lau chùi, dọn dẹp, thắp nén nhang trước bàn thờ ông rồi ngồi đó nhiều giờ thủ thỉ tâm sự với chồng. Dù âm dương cách trở nhưng bà đã thực hiện đúng ước nguyện của ông là được ở bên người vợ thân yêu dù trái tim đã ngừng đập….

  • Vũ Mạnh Hà
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn