Nghiệm số duy nhất trong cuộc đời Trung tướng Trần Hanh

( PHUNUTODAY ) - 53 năm trước, anh lính trẻ Trần Hanh và cô gái Lê Thị Xuyến yêu và cưới chỉ vỏn vẹn trong đúng 1 tháng. Nhiều người vẫn trêu đùa gọi đó là tình yêu thần tốc và dự cảm về một cuộc hôn nhân không trọn vẹn.

(Phunutoday) - 53 năm trước, anh lính trẻ Trần Hanh và cô gái Lê Thị Xuyến yêu và cưới chỉ vỏn vẹn trong đúng 1 tháng. Nhiều người vẫn trêu đùa gọi đó là tình yêu thần tốc và dự cảm về một cuộc hôn nhân không trọn vẹn.


Thế nhưng, bôn ba thời gian, trong đám cưới vàng của họ cách đây 3 năm, khi vợ chồng Trung tướng Trần Hanh đều đã lên chức ông bà, gặp lại những người bạn chiến đấu ôm nỗi băn khoăn, lo lắng năm nào đều nắm chặt tay hai người, bày tỏ niềm cảm phục, yêu mến, ngưỡng mộ tình yêu bền bỉ, sắc son, thủy chung của họ. Nhìn lại quãng đời rực rỡ, bi hùng máu và hoa, song hành với những biến cố của lịch sử, có một thứ chưa từng gợn chút tì vết, trái lại, nó vẫn tròn trặn, nguyên sơ như thuở ban đầu. Tình yêu ấy, đủ giản dị, ngọt ngào và bền vững để vợ chồng Trung tướng Trần Hanh thốt lên đầy tự hào: "Chúng tôi đã sống với tình yêu như thế".

Đi tìm nghiệm số duy nhất của phương trình một ẩn

Trung tướng Trần Hanh hào hứng kể lại những kỉ niệm về mảnh đất Nam Định - "mảnh hồn làng" ghi dấu những kỉ niệm suốt thời niên thiếu, cũng là nơi chắp cánh cho tình yêu của ông. Ngày ấy, tôi và nhà cô ấy ở chung một dãy phố, cùng phố cùng làng nên anh em biết nhau cả.

 Lại thêm gia đình hai bên có mối thân tình từ trước, cùng là hội viên trong Hội Công thương nên thường xuyên qua lại rất gần gũi. Trong rất nhiều cô gái ít tuổi hơn tôi, xinh đẹp, giỏi giang đều có cả, không hiểu sao bố mẹ chỉ nhắm người con gái tên Xuyến, người gầy gò, mảnh mai, kém tôi tới 8 tuổi.

Trong khi tôi được cử sang Trung Quốc học tại trường Hàng không số 3, bố mẹ nhiều lần giục giã về nhà lấy vợ, hai cụ đánh tiếng xa xôi mai mối tôi với người con gái tên Xuyến ấy, nhưng công việc học tập bận rộn, tôi khất lần khất lượt nấn ná không chịu về. Cho tới hết năm đầu tiên học lý luận về những nguyên lý cơ bản của Hàng không Dân dụng Việt Nam, nhà trường cho về nước nghỉ phép 1 tháng - đó cũng là quãng thời gian tôi chính thức làm quen, tìm hiểu, đặt vấn đề và tổ chức đám cưới với Xuyến.

Ở tuổi 25, tôi được đồng đội gọi bằng biệt danh "ông Hanh sữa" vì tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã được làm cán bộ tiểu đoàn, sau đó là Chính trị viên tiểu đoàn, trong công việc nhanh nhẹn, bạo dạn, gan góc là thế, nhưng hành trình đi tìm hiểu người thương thật tình đến "toát mồ hôi hột".

Bố mẹ Xuyến là những người hết sức ý nhị, thấy tôi đến, họ chủ động tránh mặt, tạo cho đôi trẻ không gian riêng. Khi tôi tới gác hai, thấy một người con gái tóc buộc đuôi gà đen mượt đang lúi húi học bài. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh người con gái ấy ngồi sát khung cửa sổ, ánh nắng sớm hắt qua khe cửa hẹp, nhảy nhót trên bờ vai cô ấy.

 Tấm thân mảnh mai, mong manh như lá lúa phất phơ trước gió làm bừng lên trong tôi những cảm xúc đặc biệt. Một nỗi khao khát vừa mơ hồ vừa rõ ràng, rất mong manh song không kém phần thôi thúc, rằng một ngày nào đó sẽ được chở che tấm thân mảnh mai ấy, chăm lo, dịu dàng với người con gái ấy.
 

Tôi tiến sát bên cô, đáp trả lại câu hỏi nhẹ nhàng của tôi là sự bối rối, ngượng ngùng với giọng nói lý nhí, khẽ khàng như hơi thở: "Em đang làm toán. Bài toán giải phương trình một ẩn số", đôi mắt trong veo thoáng màu lúng túng vẫn nhìn chăm chú vào cuốn sách, không dám ngẩng lên nhìn anh hai bộ đội đã đứng gần kề. Có thể, vào thời khắc đặc biệt ấy, cả hai chúng tôi đều cảm nhận được những dự cảm về tương lai và số phận của nhau.

Tôi tin vào định mệnh. Định mệnh thật sự lên tiếng và đưa đẩy, run rủi sắp đặt chúng tôi trở thành nghiệm số duy nhất của người còn lại. Bài toán giải phương trình một ẩn số đã có lời giải bằng nụ cười chúm chím, ngoan hiền của cô gái ấy, đó cũng là lúc tôi cảm nhận trọn vẹn và đầy đủ sự ngọt ngào, thăng hoa nơi những tế bào cảm xúc đang râm ran reo khúc hoan tình thổn thức sau lồng ngực. Sau buổi ấy, tôi thường xuyên ghé qua nhà chơi và ăn cơm cùng gia đình nhà cô ấy.

Bước làm quen, tìm hiểu đầu tiên có thể tạm coi đã "thuận buồm xuôi gió", nhưng đến khâu đặt vấn đề lại gặp phải trở ngại từ chính người trong cuộc. Mới nói tới chuyện cưới xin, bên nhà trai đã nhận phải sự phản đối quyết liệt từ chính "cô dâu" tương lai.

Bởi thời ấy, cô gái Lê Thị Xuyến mới 17 tuổi, đang học phổ thông, sắp tới phải đối mặt với những kỳ thi chông gai phía trước, cô muốn chuyên tâm học hành tới nơi tới chốn, không muốn trở thành vợ, thành dâu khi tuổi đời vẫn còn quá trẻ.

 Thời ấy, đỗ vào trường Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến - một trong ba trường phổ thông lớn nhất miền Bắc là một niềm tự hào và hãnh diện vô bờ bến, đồng nghĩa với việc chuyên tâm học hành, phấn đấu rèn luyện sẽ áp lực hơn rất nhiều. Nhưng nếu lấy chồng, ắt không tránh khỏi những tác động của cuộc sống mới.

17 tuổi, đang ở thời điểm tươi tắn, trẻ trung nhất của tuổi thiếu nữ, cô cảm thấy mình còn quá non nớt, vụng dại để bước vào hôn nhân. Trong tay không chút vốn liếng về kinh nghiệm, sự hiểu biết về đời sống vợ chồng, thậm chí cả nấu nước, thổi cơm cô cũng vụng về không biết xoay xở, bấy nhiêu thứ khiến cô từ chối lời đề nghị  về một đám cưới lơ lửng phía trước.

Bố mẹ thương con gái, song trọng đức độ của gia đình nhà chàng trai nên không ít lần khuyên bảo con mình: "Gia đình bên ấy hiếm con, hai ông bà lại có tuổi rồi, người con cả là liệt sĩ, được cậu con thứ hai thì đi sang Trung Quốc học hành biền biệt, nếu con về làm dâu chắc chắn họ sẽ rất hạnh phúc, phần nào xua tan không khí lạnh lẽo, buồn tẻ.
Cậu Hanh tuổi trẻ, tài cao, lớn lên trong một gia đình nghèo nên ý chí, nghị lực được tôi luyện, mài giũa hơn người. Từ nhỏ đã được truyền thụ tinh thần cách mạng sục sôi, chắc chắn sẽ là bờ vai vững chãi để con có thể gửi gắm cả đời".

 Biết được điều cô lấn cấn, bố mẹ anh thường xuyên sang nhà cô, làm công tác tư tưởng: "Nhà bác nửa công, nửa thương như con đã thấy, con về làm dâu hãy cứ yên tâm học hành chăm chỉ, việc đồng áng con không phải bận tâm. Hai nhà ta cũng đã gần gũi, thân tình hàng chục năm nay, gia đình bên ấy cũng như gia đình bên này, đám cưới xong con vẫn có thể về nhà bố mẹ đẻ để chuyên tâm học hành".
Cuối cùng, sau nhiều đêm nước mắt đẫm gối vì lo lắng, nghĩ suy, cô gái trẻ đã đồng ý theo chàng bộ đội về làm vợ, làm dâu, âu cũng bởi thương hoàn cảnh nhà chồng neo đơn, vắng bóng.
 
Trong đám cưới đúng ngày thành lập đoàn 26/3/1958 hôm ấy, không ít bạn bè trêu đùa rằng tình yêu thần tốc vậy dễ không bền lâu. Câu nói nửa đùa nửa thật khiến sóng lòng cô dâu trẻ gợn nỗi băn khoăn, nhìn bạn bè đồng trang lứa tới dự đám cưới, chẳng hiểu sao những giọt nước mắt cứ đua nhau tuôn chảy. Ngày về làm vợ anh lính cụ Hồ, cô vừa chớm bước sang tuổi 18 ắp đầy mộng mơ.

Làm vợ phi công không hề đơn giản

Theo tục lệ của người Việt Nam, sau đám cưới, vợ chồng son phải dắt nhau về quê thăm họ hàng, gốc tích, chào hỏi anh em dòng tộc và thắp hương nhà thờ họ. Vốn là con gái thành phố, mải mê bận học hành chẳng mấy khi về quê nên đường về quê cũng chỉ bập bõm nhớ.

Chính vì cái sự bập bõm này mà hai vợ chồng lạc đường lung tung. Tìm đúng nhà trưởng họ thì mồ hôi cũng đã ướt đẫm cả áo, hai vợ chồng cứ nhìn nhau cười râm ran xóa tan mệt nhọc của quãng đường đạp xe đạp gần hai mươi cây số. Bà Xuyến quay sang âu yếm nhìn chồng, đôi mắt bồi hồi nhớ về những năm tháng xa xăm.

 " Ngày ấy tôi và anh về quê chào họ hàng, khổ nỗi từ nhỏ ít khi về quê nên nhìn đâu cũng thấy lạ lẫm, từ cái ao, con gà, con vịt, cho tới cây nhãn, cây cau... tất thảy đều mới mẻ, tinh khôi. Buồn cười nhất là con đường làng sau cơn mưa mấp mô toàn những ổ voi, ổ gà, tôi đi không quen nên tập tễnh ngã lên ngã xuống, thành thử anh phải nắm tay tôi suốt dọc con đường làng. Cảm xúc lúc ấy thật lạ lùng, chúng tôi nắm tay nhau bước đi trong ánh nhìn lạ lẫm của bà con cô bác thôn quê, hình như, hình ảnh trai gái nắm tay nhau đi tung tăng ngoài đường vẫn là điều gì đó hết sức xa vời.
 

Trước cái nhìn tò mò của mọi người, anh vẫn nắm chặt tay tôi, không hề xáo trộn, tuy hành động rất nhỏ ấy thôi nhưng đủ để tôi cảm nhận được tình yêu và sự vững vàng nơi anh, người đàn ông tôi nguyện gửi gắm cả đời con gái cho đến lúc về già".

Ngay cả lúc kết hôn rồi, gia đình đôi bên và cả người vợ hiền bên cạnh đều không biết anh được cử sang Trung Quốc học lái máy bay, họ chỉ biết con trai mình, chồng mình được cử sang Trung Quốc học. Nó liên quan tới bí mật quốc gia, hoàn toàn phải giữ kín ngay cả với những người thân yêu nhất. Hai vợ chồng son gần gũi được hai tuần, anh lại phải trở về nước bạn, tiếp tục theo đuổi con đường đào tạo phi công vất vả, còn lại người vợ trẻ ngổn ngang bài vở cuối khóa và nỗi nhớ thương không sao tả xiết.

Đến hôm nay, khi đã trải qua những năm tháng làm mẹ, làm bà, xum vầy bên dâu hiền, con thảo, bà Lê Thị Xuyến càng thấm thía hơn những ân tình, ân đức bố mẹ chồng dành cho mình trong những năm tháng non nớt mới bước chân về làm dâu.

Có lẽ, câu chuyện hậu đám cưới, con dâu vẫn về sống và sinh hoạt tại nhà bố mẹ đẻ giống như gái xuân thì là chuyện hiếm hoi của những năm đất nước bần hàn trong chiến tranh, thế nhưng, đúng như những gì họ đã hứa, họ cho phép con dâu về nhà bố mẹ đẻ, tập trung ôn luyện, dồn sức vượt qua kỳ thi trước mắt.

Thi thoảng ông bà lại ghé qua chơi, khễ nễ mang theo vài cân gạo và dăm chục trứng cho con dâu bồi bổ, có sức khỏe học tập. Khi thi cử xong xuôi, cô gái Lê Thị Xuyến nhận ra rằng mình đã có chồng, và cần toàn tâm toàn ý chăm sóc, vun vén cho tổ ấm mới, cô trở về đúng đạo của một người con dâu đảm. Thay bằng con đường học lên Đại học, cô chuyển sang học Trung cấp Khí tượng thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn, làm công tác của một người dự báo thời tiết.

Trong công việc, có lần đêm hôm khuya khoắt, một mình bà trực cơ quan phải tiến hành công tác đo nhiệt độ, khí hậu, áp suất kịp thông báo cho Tổng cục... Với một người bình thường đã vất vả, với một phụ nữ chân yếu tay mềm lại càng không đơn giản nhưng chưa bao giờ bà không hoàn thành nhiệm vụ, và càng không bao giờ thấy bà than thở sự vất vả của nghề.

Ông vẫn bảo, lấy chồng bộ đội đã khổ, lấy chồng làm lính phi công lại khổ bội phần, dù bà chưa từng kêu ca, than vãn nửa lời nhưng ông hiểu được những thiệt thòi mà bà gánh chịu. Dù chưa từng nói lời cảm tạ tấm lòng, sự hy sinh, nhẫn nhịn của người vợ hiền, nhưng với ông, ánh mắt nhìn âu yếm, nụ cười thân thương, tất cả đều gói ghém trọn vẹn những nỗi nhớ, niềm thương dành cho một nửa định mệnh.
Ông biết, ngày xưa bà khao khát được đi học đại học, nhưng gánh nặng gia đình đã níu giữ bước chân, đưa đẩy bà sang con đường khác, vợ ông chẳng bao giờ than vãn về ước mơ đại học dang dở, đứt gánh giữa đường mà luôn nhìn về phía ánh sáng tích cực của tình yêu, lấy tình yêu gia đình làm động lực phấn đấu và rèn luyện.
 

 Từ một cô gái ngây ngô, hoàn toàn lạ lẫm công việc nội trợ, từ tấm bé được cha mẹ nâng niu như báu vật, nay làm vợ một người lính phi công coi bầu trời là nhà, đồng nghĩa với việc phải gánh vác cả một gia đình trên vai, thay chồng phụng dưỡng cha mẹ già thường xuyên đau ốm, bấy nhiêu vất vả, lo toan mà chưa bao giờ ông thấy vợ kêu ca.


3 năm sau ngày cưới, ông lại mới có cơ hội và thời gian trở về quê hương, thăm vợ hiền và cha mẹ già. Trong lần về này, tình yêu của họ càng nồng đượm và kết lành trái ngọt. Khi vợ bắt đầu mang bầu cũng là khi ông tiếp tục quay trở lại Trung Quốc học thực nghiệm về kỹ thuật bay.

Giống như vô vàn vợ người lính khác, bà không tránh khỏi cảnh sinh con một mình, người con gái đầu lòng mang tên Ngọc Hà ghi dấu điểm hẹn năm xưa của họ trong mỗi tái hợp tại con phố ngàn hoa. Nghe tin vợ sinh con đầu lòng, chàng phi công trẻ nơi xứ người mừng lắm, nhưng thêm 3 năm nữa, lại mới có dịp về nước tận mắt chứng kiến bản sao tuyệt vời của mình và người vợ đảm.

Ngày bố sang Trung Quốc, con vẫn ở trong bụng mẹ, ngày bố về, con đã chập chững lên 3, lần đầu tiên được mẹ dẫn đi đón bố, cô con gái Ngọc Hà tỏ vẻ hớn hở, mừng vui, dậy từ sáng sớm, tự chọn bộ váy xinh nhất, thế nhưng khi bố bằng xương bằng thịt đứng trước mặt, bé khóc òa lên vì sợ hãi và xa lạ, kiên quyết không nhận bố dù mẹ và bố có nói như thế nào đi chăng nữa.

 Bất chợt, người viết nhớ tới câu chuyện cảm động "Chiếc lược ngà" của nhà văn Nguyễn Quang Sáng năm nào và xót xa thay cho những đứa trẻ lớn lên thời chiến, thiếu thốn tình yêu thương của cha, mẹ, âu cũng bởi sự khốc liệt và ác nghiệt của chiến tranh chia cắt.

Nhưng thêm một lần nữa, câu chuyện cổ tích lại tái hiện, chỉ vài ngày sau đó cô con gái Ngọc Hà đã chịu nhận bố. Đó không chỉ bởi sự dịu dàng, gần gũi, bền bỉ của người bố phi công dành cho con gái mà còn bởi tình phụ tử chảy trong huyết mạch của họ tạo nên sợi dây liên kết vô hình đã thôi thúc họ nhận ra nhau.

 Từ giây phút con gái nhận bố, cô bé lúc nào cũng quấn quýt bên bố, cả ngày múa hát, kể chuyện cho bố nghe. Những ngày tháng ấm áp ấy tựa hồ như dòng nước mát lành chảy qua chuỗi ngày u ám, mệt mỏi, lạnh lẽo thiếu vắng bàn tay người đàn ông trong gia đình bà, xoa dịu những nhớ thương bao năm bà một mình nếm trải.

Trong thời gian này, bố chồng của bà bị ốm nặng, toàn bộ gia sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi, cốt sao thuốc thang cho bố, nhưng bệnh tình của ông không hề thuyên giảm. Đến thời điểm khánh kiệt, bà đành ngậm ngùi bán đi chiếc nhẫn đính ước của hai vợ chồng. Bà nghĩ rằng, con người mới là vốn quý.

Dù rằng chiếc nhẫn có ý nghĩa thiêng liêng đối với hai vợ chồng, nhưng vợ chồng sống với nhau về lâu về dài, còn bố mẹ tuổi cao sức yếu, nên báo hiếu bố mẹ trước hết. Sau khi bán đi chiếc nhẫn đính hôn, cặp nhẫn chỉ còn lại một chiếc khắc tên ông bà lên đó, trải qua 53 năm sóng gió, ngọt bùi, tuy giờ nó không còn tròn trặn như xưa, nhưng tình cảm của ông bà dường như càng sâu đậm.
 

Đôi khi họ vẫn thường tâm tình, ôn lại những kỉ niệm một thời lửa đạn. Kí ức của buổi sáng tinh sương, bà lặn lội đạp xe ra ga Hàng Cỏ đón chồng trở về từ Trung Quốc. Thấy ông gầy gò bước qua làn người đông đúc, nở nụ cười đôn hậu đứng trước mặt vợ, chẳng hiểu sao bà run bần bật, mắt ướt nhòe.

Rồi nhớ lần mẹ chồng hớt hơ hớt hải chạy từ đầu ngõ về giục giã con dâu lên đơn vị chồng ở Đa Phúc xem chồng có được bình an, vì bà vừa nghe hàng xóm báo tin có anh lính phi công quê Nam Định, có một cô con gái nhỏ tuổi, nghe đâu mới hy sinh trong một trận giằng co với địch trên bầu trời.

 Bà tất tả đạp xe tới đơn vị chồng, đúng hôm chồng trực chiến vợ chồng không gặp được nhau, càng làm tăng lên dự cảm chẳng lành về lằn ranh sống - chết. Liên tục những ngày sau đó, bà vội vã đạp xe đi tìm chồng, cho tới khi nhìn thấy ông vẫn rắn rỏi, mạnh khỏe, nỗi sợ hãi, lo âu trút khỏi đôi vai, bà mới chịu trở về nhà.

 Từng lát cắt trong quá khứ lần lượt tái hiện, đi qua trí nhớ ông bà tựa hồ như cuộn phim quay chậm. Trung tướng Trần Hanh nhìn vợ đầy dịu dàng, âu yếm, nhớ về những tháng ngày sơ tán năm xưa, một mình bà gồng gánh cả gia đình di rời về khu an toàn, đức hy sinh, tấm lòng nhân hậu, nhẫn nhịn ấy chẳng gì có thể lột tả.

Còn với bà, làm vợ một người lính phi công bận rộn, lại nổi tiếng đào hoa bởi tài năng, dung mạo, thậm chí có những người phụ nữ dù biết ông đã có gia đình song vẫn một mực công khai theo đuổi, bà cảm thấy đó là một niềm tự hào lớn. Chưa bao giờ bà nghi ngờ lòng chung thủy của ông, trái lại luôn tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của chồng mình.

Trong sâu thẳm tâm hồn của người phụ nữ Lê Thị Xuyến tưởng như yếu đuối là một ý chí thép, vững vàng và một mực kiên trung. Từ ngày làm vợ người lính, bà đã dạy cho mình tư tưởng sẵn sàng chấp nhận hy sinh.

Chiến tranh ác liệt và phi nhân đạo, đâu có thể biết trước sự sống, cái chết sẽ tìm tới ai, còn chồng mình là người lính cụ Hồ, anh nguyện sẵn sàng hy sinh để giữ gìn bờ cây, ngọn cỏ của đất nước, nếu có chăng là vợ liệt sỹ cũng hãy chấp nhận và gắng gượng sống để nuôi dạy các con nên người.

Dường như, với tấm lòng sẵn sàng hy sinh vì chồng con của những người phụ nữ hậu phương như thế, nên trải qua bom lửa đạn thù, những khúc ca đẹp về nghĩa vợ chồng, tình yêu đôi lứa vẫn vang vọng ngàn đời trên khắp dải đất hình chữ S này, và chuyện tình yêu của Trung tướng Trần Hanh và bà Lê Thị Xuyến là một bản tình ca giản dị, say mê trong dàn đồng ca ấy.

Vân Trang
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn