Tâm sự của người vợ được đại gia ’mua’ về

( PHUNUTODAY ) - Có những tình yêu bắt đầu trong lặng lẽ và rồi ta sẽ nhận ra nó dù sớm dù muộn, để thấy ta được yêu và đó là niềm hạnh phúc chẳng thể nào miêu tả bằng lời.

Khi bắt đầu cuộc hôn nhân này, tôi không mong chờ mình sẽ nhận được hạnh phúc. Điều tôi làm đơn giản là trả ơn và trả nợ. Người ta có thể mong chờ gì từ một cuộc hôn nhân đổi chác? Tôi không mong gì cả và cố hữu giữ ý nghĩ đó trong đầu. Thế nên, phải rất lâu, tôi mới nhận ra mình là người hạnh phúc…
[links()]
Tôi lấy chồng năm 20 tuổi. Chồng tôi hơn tôi 22 tuổi, là một người giàu, rất giàu. Ông độc thân, vợ mất đã lâu, không có con cái. Năm ấy, mẹ tôi ốm nặng, cần tiền để chạy chữa. Em trai tôi lại vừa đỗ đại học, cần tiền để đi học. Nhà tôi nghèo. Cả nhà 4 người chỉ có mảnh ruộng con con làm kế sinh nhai.

Lúc nông nhàn, tôi vẫn phải đi mót khoai ngoài đồng, đi làm thuê cho người ta để có thêm tiền sinh hoạt cho gia đình. Thế nên tôi lấy ông. Câu chuyện về cuộc hôn nhân của tôi chỉ đơn giản thế.

Tôi không biết vì sao mình được chọn, bởi tôi nghĩ, người giàu có như ông, để lấy một cô vợ, có gì là khó? Hơn nữa, trước đó tôi vốn không biết ông.

Ông là người trên tỉnh, thi thoảng có về quê chơi để thăm mộ và họ hàng. Chuyện cưới xin của tôi và người đàn ông giàu có đó trở thành chủ đề bàn tán của những người trong làng một thời gian dài. Tôi về làm vợ ông trong nước mắt của bố mẹ và nước mắt của chính tôi.

Nhà tôi nghèo nhưng tôi cũng được đi học hết cấp ba nên ít nhiều cũng được đọc các câu chuyện về đại gia, tình, tiền. Tôi nghĩ, cuộc hôn nhân này sẽ chẳng mấy mà tàn, bởi đại gia, có mấy người có được một tình yêu tử tế?

Sau đám cưới, ông mở cho tôi một cửa hàng đồ sứ và dạy tôi cách kinh doanh. Mọi doanh thu trong ngày, ông yêu cầu tôi phải ghi chép lại cẩn thận. Hàng tháng, ông trả lương cho tôi, còn hàng ngày, ông cầm tiền hàng cất vào két riêng của mình.

Có những tình yêu bắt đầu trong lặng lẽ và rồi ta sẽ nhận ra nó dù sớm dù muộn, để thấy ta được yêu và đó là niềm hạnh phúc chẳng thể nào miêu tả bằng lời.
Có những tình yêu bắt đầu trong lặng lẽ và rồi ta sẽ nhận ra nó dù sớm dù muộn, để thấy ta được yêu và đó là niềm hạnh phúc chẳng thể nào miêu tả bằng lời.

Tất nhiên việc làm đó khiến tôi không mấy thoải mái, bởi nó thể hiện rõ sự không tin tưởng của ông đối với tôi. Nhưng tôi có quyền gì để khó chịu ở đây? Ông đã cứu sống mẹ tôi, chu cấp tiền cho em trai tôi học và giờ thì còn tạo công ăn việc làm cho tôi nữa.

Vậy nên, dù ông có coi tôi như một người làm trong hệ thống rất nhiều những người làm của ông, tôi cũng không có quyền tỏ thái độ. Tôi về nhà ông không phải để làm vợ mà để trả nợ. Khi tôi đã quen với việc quản lý và điều hành cửa hàng gốm, ông đưa cho một chiếc thẻ ngân hàng nói rằng, bao nhiêu tiền lãi của cửa hàng từ trước đến nay ông đều gửi vào đây, và từ giờ, tôi sẽ thay ông làm việc đó.

Ông nói thêm, tôi có thể tiêu số tiền trong thẻ tùy ý mà không phải hỏi ý kiến ông. Tôi không hiểu vì sao ông làm như vậy nhưng tôi không động đến một đồng nào trong thẻ. Tôi chỉ tiêu số tiền lương hàng tháng tôi nhận được.

Chúng tôi tiếng là vợ chồng nhưng kì thực không được gần gũi và tình cảm với nhau. Ông ít khi nói chuyện, tôi lại càng không. Ngoài chuyện ở cửa hàng gốm, chúng tôi gần như không có gì để chia sẻ với nhau.

Một ngày, chồng tôi đến cửa hàng cùng một nghệ nhân, nói rằng nghệ nhân sẽ dạy tôi làm gốm. Từ đó, ông qua cửa hàng luôn và cùng tôi học. Sự gần gũi bắt đầu đến từ đó. Chúng tôi giao tiếp với nhau qua việc trao đổi ý tưởng, khung màu và tạo thành phẩm.

Tuy nhiên, khi đó, trong ý nghĩ của tôi, ông vẫn là ông chủ, không phải là chồng của tôi. Mỗi lần tôi về thăm nhà, mẹ đều nằm tay tôi khóc ròng nói là mẹ hại tôi, khiến tôi phải làm vợ của một người mà tôi không yêu thương và người đó cũng không yêu thương gì tôi.

Mẹ luôn nghĩ bà đã bán tôi để đổi lấy mạng sống của mình. Tôi luôn động viên mẹ rằng tôi sống rất tốt, và thực tế, tôi thấy càng ngày tôi càng thích ứng hơn với cuộc sống hiện tại. Chồng tôi không bồ bịch. Tôi không điều tra ông nhưng những dự cảm của một người phụ nữ nói cho tôi biết điều đó.

Ông là người nhiều tiền nhưng sống rất giản dị. Thi thoảng ông có đưa tôi ra ngoài. Dù đi cùng nhau, không nắm tay nhau, nhưng tôi biết ông luôn có ý đi lên phía trước như để bảo vệ tôi, che chắn tôi khỏi những nguy hiểm không tên.

Kết hôn được 1 năm thì tôi mang thai. Khi nghe tin đó, chồng tôi mừng rỡ, nở nụ cười trẻ thơ rạng ngời. Nghe bác sĩ nói, trong những ngày mang thai, tôi cần được ở trong tâm trạng thoải mái nhất, vui vẻ nhất nên ông đón bố mẹ tôi lên ở cùng. Cả cậu em trai cũng chuyển về ở cùng tôi.

Tôi mừng lắm vì được sống cùng bố mẹ. Còn bố mẹ tôi quả thật vẫn có những ngượng ngùng. Bố mẹ gọi chồng tôi là ông chủ như một thói quen. Chồng tôi ngượng nghịu nghe những lời gọi khách sáo từ bố mẹ vợ.

Phải đến gần 1 tháng sau, bố mẹ tôi mới quen chuyện đại gia giàu có đã lấy con gái họ là con rể của họ. Những ngày tôi mang thai, mẹ nấu rất nhiều món. Đa phần là món tôi thích. Chồng tôi giao việc công ty cho phó giám đốc rồi ngày ngày ở nhà học nấu ăn từ mẹ tôi.

Mẹ bảo với tôi: “Chồng con hay lắm con ơi! Nó học nấu ăn rồi hỏi chuyện mẹ về con ngày xưa. Mẹ thấy có khi con lấy nó không phải là sai lầm”. Đến khi tôi mang thai tháng thứ 8 thì toàn bộ đồ ăn tôi ăn hàng ngày đều do chồng tôi nấu.

Vú già, giúp việc lâu năm trong nhà chồng, nói: “Ông chủ mong có con từ lâu rồi. Giờ sắp được làm bố nên chắc hồi hộp. Lúc trước, bà chủ còn sống, ông còn chưa một lần vào bếp mà giờ thì ngày nào cũng lo nấu món này món kia”.

Vú già rất ít khi nhắc tới chuyện cũ. Nghe vú nói, tôi chạnh lòng nghĩ những lo lắng mà chồng dành cho tôi đơn giản chỉ là vì tôi đang mang trong mình máu mủ của ông. Hóa ra, ông lấy tôi về chỉ để tôi sinh con cho ông.

Suy nghĩ đó cuốn sạch những ngọt ngào tôi đã có trong mấy tháng vừa qua với niềm hạnh phúc được chồng yêu thương và quan tâm.

Tôi trở dạ, sinh con gái. Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là có lẽ, chồng sẽ không vui. Ông cần con trai để nối dõi chứ cần gì đến một cô con gái. Nhưng biểu hiện của ông lại khác. Chồng tôi lóng ngóng đón con, luôn miệng hỏi tôi cảm thấy thế nào. Bất giác, tôi thấy ông vội vã lau nước mắt.

Người đàn ông lần đầu tiên được làm cha xúc động đến nhường ấy. Những ngày sau sinh, chồng vẫn lo cơm nước cho tôi. Ông tuyệt đối không để mẹ tôi hay vú già làm. Nửa đêm con khóc, ông lục đục dậy bế rồi khe khẽ hát ru con.

Chồng luôn nói: “Em cứ ngủ đi. Cứ ngủ đi. Con để tôi trông. Em vừa sinh. Sức đâu mà đòi thức đêm thức hôm”. Nghe những lời lo lắng của chồng, tôi thấy mình được chồng yêu thương thực sự, chứ không phải ông chỉ yêu thương đứa con của mình.

Tôi hỏi chồng, tôi sinh con gái, ông có buồn không. Ông ngạc nhiên, rồi lắc đầu liên tục nói: “Không hề! Không hề”.

Con gái tôi giờ đã được hơn 1 tuổi. Chồng tôi ngừng việc kinh doanh. Hàng ngày, ông chỉ quanh quẩn bên tôi và con gái. 3 chúng tôi cùng ngồi ở tiệm gốm. Chồng tôi bán hàng. Khách nào đến, chồng cũng hớn hở khoe: “Con gái tôi kia đó. Xinh ghê không? Xinh hệt như mẹ của cháu vậy”.

Những lúc như vậy, tôi chỉ cười. Tôi hạnh phúc thực sự. Tôi hỏi, vì sao chồng lại chọn tôi để lấy làm vợ vì tôi vốn chưa từng gặp ông cho đến khi ông cho người đến hỏi cưới tôi. Ông cười, nói:

“Tôi thấy em rất nhiều lần. Những lúc em ngồi một mình ở cánh đồng, miệng đọc vang những bài đồng dao xưa cũ. Khi ấy, tôi ở bên này cửa bức tường ngăn phần mộ của họ tộc tôi với bên ngoài, còn em ở bên kia.

Em không biết tôi ở đó nên em vẫn đọc. Tôi biết em không biết tôi ở đó nên tôi ngồi nghe. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng những cô gái yêu đồng dao là những cô gái thật đáng để yêu”.

Có những tình yêu bắt đầu trong lặng lẽ và rồi ta sẽ nhận ra nó dù sớm dù muộn, để thấy ta được yêu và đó là niềm hạnh phúc chẳng thể nào miêu tả bằng lời.

  • Trần Vy (Bình Dương)
TAGS:
Theo:  

TIN MỚI CẬP NHẬT