Chồng chết, bố mẹ chồng tìm mọi cách đẩy mẹ con tôi ra đường

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Nỗi đau mất chồng chưa nguôi ngoai thì tôi lại phải chịu một nỗi đau khác, ấy là bị chính bố mẹ chồng thẳng tay đuổi ra khỏi nhà.

Trong khi nhiều gia đình muốn giữ chân cô con dâu góa bụa để suốt đời phụng sự gia tộc của họ, thì nhiều bậc bố mẹ chồng lại thấy nàng dâu chẳng còn lý do gì sống trong nhà họ một khi con trai họ đã qua đời. Bố mẹ chồng tôi cũng vậy. Họ nghĩ, con trai mình còn thì “nó” là dâu con, nhưng con trai chết rồi thì “nó” chỉ là người dưng nước lã. Đành rằng “nó” là mẹ của cháu mình, nhưng dù sao đứa bé cũng là con gái…

Thật ra, bố mẹ chồng tôi đã có suy nghĩ này ngay từ khi chồng tôi chết vì tai nạn giao thông đột ngột nhưng không nói ra, vẫn đối xử với tôi như con cái trong nhà. Bởi có lẽ họ nghĩ, kiểu gì rồi tôi cũng sẽ có người đàn ông nào đó và ra đi. Nhưng một năm rồi hai năm, tôi vẫn chỉ đi làm rồi về nhà, không hề giải trí hay hò hẹn. 

Có lần, tôi nghe bố chồng nhắc: “Đàn bà có thì, chồng con đã thiệt phận rồi, con cũng nên kiếm nơi nương tựa kẻo mỗi năm thêm tuổi, lại bớt đi cơ hội tốt”. Nghe bố mẹ chồng nói vậy, tôi cảm động nghẹn ngào, nghĩ rằng, bố mẹ chồng thật tốt bụng, lo nghĩ cho hạnh phúc của tôi. 

Mô tả ảnh.
Hy sinh tất cả cho nhà chồng, đến giờ tôi phải ra đi tay trắng. Ảnh minh họa.

Thế nhưng, tôi với chồng nghĩa nặng tình sâu, tôi không thể quên anh mà nghĩ đến việc qua lại với người đàn ông khác. Nhất là vì con gái, tôi thực lòng muốn ở vậy để nuôi con khôn lớn. Thế nên, tôi cũng thật thà với bố mẹ chồng: “Anh ấy sống là chồng con, chết đi rồi thì con vẫn mãi là vợ anh ấy. Con không muốn tái giá, ít nhất là khi con con còn nhỏ”. Nghe vậy, bố mẹ chồng im lặng nhưng ngoài mặt thì tỏ ý không vừa lòng.

Mãi sau tôi mới biết, bố mẹ chồng không muốn tôi ở trong nhà nữa, họ rất sốt ruột vì sự chậm hiểu của tôi, thậm chí còn nghĩ tôi giả ngu để ở lỳ nhà họ. 

Một ngày, không chịu nổi bố mẹ chồng tôi nói thẳng: “Không phải bố mẹ ghét bỏ gì con, nhưng con chuyển ra ngoài thì tốt. Sắp tới thằng Út cũng về Việt Nam rồi, nhà thì chật, cũng cần phòng cho nó ở”. 

Đến lúc này, tôi mới ngã ngửa, thấm thía cay đắng, bởi suốt những năm làm vợ, làm dâu, tôi cứ vô tư cống hiến mà không nghĩ đến chuyện phải tách bạch tài sản riêng. Rốt cục, khi bị đuổi ra khỏi nhà, tôi chẳng có gì trong tay.

Số tiền lương kế toán ít ỏi, hơn nữa việc kiếm nhà trọ ở thành phố đắt đỏ không phải dễ nên tôi nhờ bố mẹ chồng thư thư cho một thời gian, nhưng ông bà vô cùng sốt ruột. Thấy con dâu nói đi mà mãi vẫn chả chịu đi, họ dường như hết kiên nhẫn và không còn đối xử lịch sự nhẹ nhàng với tôi nữa. Họ hậm hực, liếc xéo, nói ra nói vào mỗi khi nhìn thấy tôi. Chưa hết, nỗi bực tức còn trút cả lên con gái chưa đầy 4 tuổi của tôi. 

Không thể chịu nổi, tôi bảo: “Bố mẹ không thương con thì hãy thương lấy cháu, nó là máu mủ của bố mẹ”. Chẳng ngờ, bố chồng tôi lạnh nhạt: “Cũng là nữ nhân ngoại tộc, chẳng qua đi sớm ít năm”. Thấy không thể ở được nữa, tôi đành cuốn gói dọn đi, trong tay chỉ có ít quần áo và vài triệu đồng dắt lưng.

Mô tả ảnh.
Tôi không hiểu sao bố mẹ chồng lại nỡ đối xử với tôi như vậy. Ảnh minh họa.

Khi lấy chồng, tôi đã từ bỏ công việc kiếm được nhiều tiền nhưng nhiều áp lực để chọn công việc kế toán nhàn nhã hơn, có thời gian chăm sóc chồng con hơn. Thế nên, đồng nghĩa với việc tiền lương cũng ít ỏi. Giờ đây, dọn ra ngoài, vừa nuôi con, vừa thuê nhà chúng tôi sa vào cuộc sống vô cùng chật vật. 

Nhiều lúc nghĩ về phận mình, tôi không khỏi rớt nước mắt cay đắng. Từ ngày về làm dâu, tôi phụng sự bố mẹ chồng hết sức chu đáo, hiếu thảo. Chồng tôi bận rộn, tất cả mọi thứ từ việc lớn việc bé, ma chay cưới hỏi, đối nội đối ngoại đều do tôi đảm trách. Ai cũng khen tôi chu đáo, nết na, chính bố mẹ chồng cũng luôn hài lòng về tôi. Ấy vậy mà chồng vừa mất đi, tôi đã bị coi chẳng khác nào kẻ bỏ đi, là con số không trong mắt họ. Tôi đã làm điều gì sai để phải chịu tất cả những cay đắng ấy?

(Chia sẻ) - Con tôi mất đi nhưng với họ lại là một cái thở phào nhẹ nhõm. Ngay lập tức họ "đá" tôi ra khỏi nhà, đuổi về nhà mẹ đẻ.
Theo:  khoevadep.com.vn