Người con gái khổ sở loay hoay giữa hai người mẹ

( PHUNUTODAY ) - 2 người mẹ, tôi không biết phải chọn ai. Tôi không muốn để mẹ nuôi ở lại nhưng cũng không muốn xa mẹ ruột. Tôi muốn có cả hai người làm mẹ của tôi nhưng tôi lại chỉ có một lựa chọn. Tôi phải làm sao để yên lòng?

Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ đến ngày mẹ ruột sẽ quay lại tìm tôi. Tôi cũng không tin rằng mình có thể tha thứ cho bà. Nhưng tình mẫu tử khiến tôi chẳng thể giữ mãi hận thù. Cho đến cuối câu chuyện, tôi vẫn không biết phải làm sao để mình được hạnh phúc…
[links()]
Tôi luôn tin mình là một đứa trẻ mồ côi dù tôi biết rõ, mẹ ruột của tôi vẫn còn sống ở đâu đó trên cõi đời này. Năm nay tôi 23 tuổi. Mẹ ruột bỏ tôi đi khi tôi mới lên 5. Bà bày đồ chơi cho tôi chơi cùng tụi nhỏ cùng xóm rồi biến mất không một lời dặn dò.

Người trong xóm nói tôi mang lại vận đen cho gia đình mẹ ruột, nên từ khi tôi ra đời, mọi thứ trong gia đình không còn suôn sẻ như trước. Mẹ tôi là con gái nhà giàu. Nghe người ta kể lại, vì sinh tôi mà mẹ bị ông bà ngoại từ mặt. Ông bà ở đâu giờ tôi cũng không biết.

Mẹ vốn không quen lao động, có thể nuôi tới tận lúc tôi 5 tuổi đã là một sự cố gắng lớn của bà. Tôi không có người thân. Khi bị mẹ bỏ rơi, tôi đương nhiên trở thành đứa trẻ mồ côi, không chốn dung thân.

Người trong xóm cho tôi thứ này, thứ kia để ăn và sống qua ngày nhưng không một ai dám cho tôi vào nhà ngủ dù chỉ một đêm, bởi họ sợ tôi sẽ mang vận đen của mình ám vào nhà họ. Cuối cùng, tôi được một người đàn bà nghèo ở cuối xóm nhận nuôi.

Chúng tôi vẫn gọi bà là phù thủy bởi bà luôn che mặt bằng đám tóc rối xù của mình. Rất ít người biết khuôn mặt thật của bà như thế nào. Bà cũng không tiếp xúc với ai trong xóm. Thấy tôi tội nghiệp ngủ co ro ở góc chợ nên bà đưa tôi về. Từ khi ấy, tôi bắt đầu sống với bà.

Người trong xóm nói, để có tiền lo cho tôi, ngày nào mẹ cũng dậy từ 3 giờ sáng, đi bộ hơn 10 cây số vào thành phố để nhặt rác vì quanh xóm giờ chẳng còn rác cho mẹ nhặt.
2 người mẹ, tôi không biết phải chọn ai. Tôi không muốn để mẹ nuôi ở lại nhưng cũng không muốn xa mẹ ruột. Tôi muốn có cả hai người làm mẹ của tôi nhưng tôi lại chỉ có một lựa chọn.

Nhà bà chỉ là một gian nhà tranh nhỏ. Chưa một ai trong lũ trẻ chúng tôi được phép vào trong nhà nên chúng tôi chẳng thể biết trong nhà bà có những gì.

Tôi nhớ, chúng tôi vẫn thường đoán đủ thứ kì quái và ghê sợ mà bà chứa trong nhà như những con nhện hay những xương xẩu của động vật, chỉ có điều không ai ngờ rằng, trong nhà bà là rất nhiều sách. Bà cũng nói rất nhiều chứ không giữ vẻ mặt lầm lì như chúng tôi thường thấy trước đó.

Ở với bà lâu, tôi không còn thấy sợ bà nữa mà ngược lại, thấy rất thú vị. Bà chăm sóc tôi rất cẩn thận, hệt như tôi là đứa con mà bà dứt ruột đẻ ra vậy. Trong xóm, hễ có ai bắt nạt tôi hay đem chuyện tôi là con hoang ra để trêu chọc thì chắc chắn bà sẽ không để yên.

Tôi vẫn nhớ bà nói rằng: “Con cứ yên tâm mà học. Ai bắt nạt cứ bảo bác”. Mọi người nghĩ tôi sống với một người đàn bà đã có tuổi, kiếm sống bằng nghề nhặt rác thì sẽ khốn khổ nhưng kì thực, cuộc sống của tôi rất tốt và đầy đủ.

Mẹ nuôi lo cho tôi đầy đủ mọi thứ mà tôi cần. Bà không bắt tôi phải làm việc. Mọi thời gian tôi có đều dành cho việc học. Nhờ tủ sách của mẹ, tôi biết rất nhiều thứ và việc học của tôi hơn hẳn chúng bạn cùng tuổi.

Tôi không bao giờ tò mò hỏi về gia đình của mẹ nuôi. Không bao giờ tôi hỏi vì sao mẹ lại sống một mình, vì sao mẹ lại che khuôn mặt của mình đi để hù dọa mọi người, hay vì sao mẹ lại nhận nuôi tôi… Thực ra, tôi chưa từng gọi bà là mẹ một lần nào dù mẹ nuôi đã không ít lần nói: “Con làm con gái của mẹ nhé”.

Trong sâu thẳm, tôi vẫn nhớ tới người mẹ kia, người mẹ đã lặng lẽ bỏ rơi tôi. Tôi không hiểu vì sao bà lại sinh ra tôi để rồi lại đẩy tôi khỏi cuộc đời bà. Vì luôn nghĩ tới chuyện đó nên chưa bao giờ tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng.

Tôi trở thành một người ít nói, ít bày tỏ cảm xúc của mình, rất nhạy cảm mỗi khi có người hỏi đến chuyện gia đình tôi. Tôi xấu hổ vì tôi là đứa con bị bỏ rơi. Thà làm một đứa con hoang còn hơn là làm một đứa con bị bỏ rơi.

Mẹ nuôi rất thương tôi. Vì tôi mà bà dần bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài của mình, bắt đầu trò chuyện với những người trong xóm. Mẹ nuôi nói muốn kết bạn với nhiều người để tôi cũng sẽ có bạn và tôi sẽ không mãi buồn vì chuyện cũ nữa.

Những người không biết khi nhìn tôi và mẹ nuôi, sẽ ngỡ rằng tôi và bà là mẹ con ruột thịt. Mẹ nuôi rất đẹp. Bà ăn nói cũng rất dịu dàng và được lòng mọi người. Năm tôi học lớp 10, mẹ xây một gian nhà nhỏ cho 2 mẹ con ở.

Mẹ nói, xây nhà tươm tất một chút để mai mốt tôi đi học xa, có đưa bạn về, tôi cũng sẽ không xấu hổ vì nhà cửa lụp xụp quá. Tôi vào đại học, mẹ nuôi bán chiếc nhẫn vàng mẹ vẫn cất kĩ để lấy tiền lo tiền học phí cho tôi.

Mẹ nói: “Mày đỗ đại học, mẹ mừng chẳng hết. Mấy cái chuyện tiền nong này, không phải để ý làm gì cho mệt người. Cứ để đó mẹ lo cho”. Tôi đi học xa nhà, 1 năm chỉ về nhà 2 bận là dịp Tết và khi nghỉ hè. Mỗi tháng, mẹ gọi điện cho tôi 1 lần để thông báo đã gửi tiền và cuống quýt hỏi thăm xem tôi sống ra sao.

Lần nào trước khi cụp máy mẹ nuôi cũng nói: “Thôi con nhé. Mình đi gọi nhờ, gọi lâu không hay”, dù tôi biết mỗi lần gọi nhờ như vậy mà đều mang chục trứng sang biếu người ta gọi là phí điện thoại.

Có lần, tôi viết thư về cho mẹ nuôi, chỉ là để kể cuộc sống hàng ngày của tôi vậy mà mẹ nuôi vui mãi. Mẹ nuôi mang thư đi khoe khắp xóm, nói tôi tình cảm, đi học xa lúc nào cũng nhớ, cũng lo cho mẹ.

Mỗi lần về hè hay Tết, tôi đều thấy mẹ già đi nhiều. Người trong xóm nói, để có tiền lo cho tôi, ngày nào mẹ cũng dậy từ 3 giờ sáng, đi bộ hơn 10 cây số vào thành phố để nhặt rác vì quanh xóm giờ chẳng còn rác cho mẹ nhặt.

Đến khi ra trường, tôi tìm được một công việc khá tốt ở thành phố, hàng tháng cũng dành dụm được tiền gửi về cho mẹ. Tôi cũng mua tặng mẹ một chiếc di động để mẹ con tiện liên lạc với nhau. Tôi dặn mẹ nuôi không được đi nhặt rác nữa, vì tiền tôi gửi về hàng tháng đã đủ cho mẹ ăn tiêu.

Tết về, tôi vẫn thấy mẹ cặm cụi ngồi phân loại chai lọ. Tiền tôi gửi về, mẹ nuôi không dùng. Bà tích lại rồi đi mua vàng. Mẹ nuôi cười hiền hậu: “Mẹ phải tích vàng sau này con gái lấy chồng còn có cái mà trao, mà tặng chứ”. Tôi nghe mẹ nói mà ứa nước mắt.

Tôi làm việc cật lực, cố gắng tằn tiện, tôi tính sẽ đón mẹ lên thành phố ở với tôi, giàu nghèo thế nào mẹ con cũng có nhau. Rồi có một chuyện không ngờ xảy ra. Sau bao nhiêu năm trời, mẹ ruột tôi trở về. Bà trở về để tìm tôi.

Tôi gặp bà ở bến xe. Mẹ ruột ăn mặc sang trọng, mặt trang điểm dày nhưng vừa nhìn, tôi đã nhận ra bà. Bà ôm tôi khóc thảm thiết, luôn miệng nói xin lỗi. Tôi không khóc nổi. Tâm trạng tôi rất hỗn loạn. Tôi không biết mình vui hay buồn. Mẹ ruột mang rất nhiều quà và tiền đến biếu mẹ nuôi tôi.

Mẹ ruột luôn miệng cảm ơn vì mẹ nuôi đã cưu mang và yêu thương tôi trong từng ấy năm. Tối mẹ ruột ra ngoài thành phố ngủ. Tôi ngủ với mẹ nuôi. Mẹ nuôi quay lưng vào tường. Tôi biết mẹ đang lặng lẽ khóc. Bà lo sợ tôi sẽ rời đi cùng mẹ ruột.

Mẹ ruột nói muốn đưa tôi qua Mỹ để học và sống cùng mẹ. Mẹ nuôi nói đó là cơ hội tốt, tôi là đứa ham học nên có cơ hội thì nên đi học. Mẹ nuôi nói thêm: “Dù gì đó cũng là mẹ ruột của con còn mẹ thì…”. Tôi vẫn chưa từng gọi mẹ nuôi là mẹ nhưng tôi vẫn luôn coi bà là mẹ của tôi.

Đối với mẹ ruột, dù bà đã bỏ rơi tôi, dù tôi đã nghĩ rằng mình hận bà đến tận xương tủy nhưng khi gặp mẹ, mọi hận thù dường như đều biến mất.

Tôi thực sự, thực sự rất mừng vì mẹ đã quay lại tìm tôi. Tôi không quan tâm đến chuyện ngày xưa bà bỏ tôi đi vì lí do gì nữa. Tôi chỉ cần biết bây giờ mẹ đã ở đây. Sự thân thiết của tình mẫu tử là thứ tình cảm kì lạ. Tôi không thấy mẹ ruột là người xa lạ.

2 người mẹ này, tôi không biết phải chọn ai. Tôi không muốn để mẹ nuôi ở lại nhưng cũng không muốn xa mẹ ruột. Tôi muốn có cả hai người làm mẹ của tôi nhưng tôi lại chỉ có một lựa chọn. Cuối cùng, tôi phải làm thế nào để có thể thực sự yên lòng với quyết định của mình?

  • Nguyễn Thụy Anh (Hòa Bình)
TAGS:
Theo: