Nồi cá kho trám hay tình yêu của cha dượng tàn tật

( PHUNUTODAY ) - Bữa cơm với cá kho trám cháy trong buổi tối ấy, lần đầu tiên tôi gỡ một miếng cá bỏ vào bát cơm của người đàn ông đang khó nhọc xúc từng thìa cơm như lời xin lỗi, sự chấp nhận người cha mới của đứa con gái bướng bỉnh.

Hương cá diếc kho trám cháy bén không khét, không nồng mà lại có vị ngọt bùi, đậm đà đến kì lạ… Bữa cơm với cá kho trám cháy trong buổi tối mưa gió ấy, lần đầu tiên cô bé gỡ một miếng cá bỏ vào bát cơm của người đàn ông đang khó nhọc xúc từng thìa cơm như lời xin lỗi, sự chấp nhận người cha mới của đứa con gái bướng bỉnh. Cô bé ấy không ai khác chính là tôi. Và câu chuyện tôi kể là hành trình tôi có thêm một người cha tuyệt vời.
[links()]
Năm 10 tuổi, bố tôi mất trong một vụ tai nạn xe. Việc bố mất quá đột ngột khiến tất cả mọi người trong gia đình đều vô cùng đau xót. Ông bà nội tôi gần như ngày nào cũng khóc vì thương con. Mẹ tôi thì gầy rộc, xanh xao và cũng lặng lẽ, ít nói hơn.

Với mẹ, việc bố mất thực sự là cú sốc quá lớn, khi trước đó không lâu, em trai tôi bị mất vì viêm phổi cấp. Hai nỗi đau liền nhau khiến mẹ tôi suy sụp. Vì còn tôi, vì điều kiện gia đình không khá giả nên sau 49 ngày của bố, mẹ tôi đi chợ lại.

Mẹ lọ mọ dậy từ tinh mơ, đi khắp các nhà xung quanh, mua lại rau củ đem lên chợ bỏ mối. Tôi muốn dậy cùng mẹ nhưng mẹ không cho. Mẹ bảo mẹ không mệt, không khổ nhưng nhìn mẹ một mình, dắt xe đi ra từ lúc trời còn mờ sáng mà không còn bàn tay của bố đỡ đần, tôi biết mẹ buồn khổ.

Gần một năm sau khi bố mất, cuộc sống của tôi và mẹ cứ lặng lẽ trôi qua trong không khí ảm đạm như vậy. Cho đến một ngày…

Hôm đó, đi học về, tôi thấy ông bà nội đang ở trong nhà tôi. Mẹ cũng đã đi chợ về. Mẹ ngồi ở mép ghế, cúi đầu trong khi ông nội thắp hương trên ban thờ của bố, bà nội thì khóc. Nhìn thấy tôi, bà nội vừa khóc vừa nói:

“Mẹ cái An xem thế nào. Con nó còn nhỏ mà thằng Phong thì cũng mới nằm xuống. Như thế tội nó lắm…”. Mẹ im lặng. Tôi thấy mắt mẹ đỏ hoe. Ông bà nội về, tôi hỏi chuyện nhưng mẹ chỉ im lặng. Những ngày sau đó, lên lớp học, tôi bị mấy đứa bạn trêu rằng tôi sắp có bố mới. Rồi đi đường, những người hàng xóm đều bảo tôi: “Sắp có bố mới rồi, sướng nhé”.

8 năm, chưa một lần tôi gọi bác Hẩn là bố nhưng tôi biết, cuộc sống thực sự đã ban cho tôi thêm một người bố tuyệt vời.
8 năm, chưa một lần tôi gọi bác Hẩn là bố nhưng tôi biết, cuộc sống thực sự đã ban cho tôi thêm một người bố tuyệt vời.

Tôi dần hiểu câu chuyện của bà nội và mẹ. Tôi giận mẹ sao không nói cho tôi biết. Lúc ấy, chỉ là đứa bé 10 tuổi nhưng tôi luôn nghĩ mình là kẻ “già đời” – mà vào lúc viết những dòng này, tôi biết nó là sự đỏng đảnh của một đứa con nít mới lớn – nên đã rất hụt hẫng khi mẹ không chia sẻ cùng tôi.

Lúc đó, không hiểu vì sao, tôi lại ghét đến thế chuyện mẹ tôi đi bước nữa đến vậy. Vì tôi vốn thân thiết với bố. Vì tôi nghe ông bà nội, các cô chú nói rằng, mẹ tôi không phải người đàn bà có nết, chưa qua giỗ đầu mà đã cặp kè người khác.

Rồi có khi mẹ tôi đã quen với người đàn ông đó ngay từ lúc bố còn sống. Mọi người còn nói rằng, có đi bước nữa thì “cũng phải đợi qua vài cái giỗ, phải chọn lấy một người để còn nuôi con An” chứ sao phải vội vàng lấy ngay một ông què, ông cụt. Tôi ghét mẹ đi bước nữa vì tôi xấu hổ khi bị trêu chọc.

Ngôi làng nhỏ, bạn học cũng là những đứa trẻ hàng xóm. Chúng thường mang câu chuyện của tôi ra làm đề tài giễu cợt. Ngày giỗ đầu của bố, ông bà nội không cho mẹ làm bên nhà. Ông bà làm giỗ bên nhà chú. Ở bên nhà tôi, chỉ có hai mẹ con. Mẹ vẫn nấu cơm, thắp hương cho bố.

Hôm đó, lúc khấn, tôi thấy mẹ nói rất lâu rồi mẹ khóc. Nhìn mẹ khóc, tôi cũng khóc. Tôi thương mẹ nhưng nhớ đến những gì người ta nói về chuyện mẹ tôi đi bước nữa với người đàn ông sẽ chẳng giúp đỡ được cho mẹ, tôi lại giận. Hôm đó, tôi sang bên nhà chú để mẹ ở nhà một mình.

Sau ngày giỗ bố được khoảng một tháng, mẹ gọi tôi ra nói chuyện. Mẹ hỏi tôi có nhớ bác Hẩn – người gác cổng chợ mẹ thường bán hàng không. Rồi mẹ nói tôi nghĩ sao khi bác ấy về sống cùng chúng tôi. Tất nhiên, tôi phản đối. Tôi khóc lóc, tôi nói sao mẹ lại làm vậy.

Trong kí ức của tôi, mẹ không thanh minh. Mẹ chỉ nói, đại ý là số phận đã sắp đặt như thế. Bác ấy cần được giúp đỡ và mẹ cũng vậy. Bác Hẩn – người mẹ sẽ sống chung là người đàn ông có khuôn mặt xấu xí với những đám rỗ lớn, hai tay và chân đều bị tật, không co duỗi được làm công việc gác cổng và trông xe ở chợ.

Nghe đâu, việc bác bị như vậy là sau một trận cảm thập tử nhất sinh khi còn là cậu bé 6 tuổi. Tôi đã gặp bác Hẩn một vài lần khi mang rau cho mẹ. Xưa nay, bác Hẩn vẫn sống một mình ở căn nhà dựng tạm ngay góc chợ.

Bác Hẩn chưa lập gia đình bởi cũng người ta cũng ngại không muốn lấy một người tàn tật như bác. Bác Hẩn chuyển đến nhà tôi khiến cho tôi vô cùng khó chịu. Mẹ tôi vẫn đi chợ như thường ngày nhưng giờ đây khi đi lấy rau vào buổi sáng, bác Hẩn cũng đi cùng mẹ. Đến chiều, cả hai người lại cùng về.

Mẹ tôi rất chăm sóc bác Hẩn. Do tay không cầm được đũa nên bác Hẩn ăn bằng thìa. Mọi thứ bác đều dùng thìa xúc, từ cơm, canh cho đến thức ăn. Vì vậy, bác rất hay làm rơi vãi đồ ăn. Tôi chẳng thích điều đó một chút nào, nhất là khi không ít lần tôi được nghe những người xung quanh nói:

“Mẹ mày chả cái dại nào bằng cái dại đấy. Tự dưng đi lấy ông Hẩn. Ông ấy cơm ăn còn không nổi thì đỡ đần cái gì?”. Tôi thấy người ta nói đúng. Tôi vẫn nghĩ sao mẹ tôi không lấy một người đàn ông khỏe mạnh, có thể giúp đỡ mẹ. Đằng này, mẹ lại phải giúp đỡ, chăm sóc ngược lại.

Mỗi bữa ăn, nhìn mẹ tôi lo gỡ thịt cá, cắt rau nhỏ ra bỏ vào một cái bát con để bác Hẩn dễ xúc, tôi lại thấy như nhà tôi có thêm một trẻ nhỏ. Vậy nên, tôi thường tìm cớ sang nhà bà nội ăn cơm mặc cho mẹ tôi cố nài ép tôi ăn ở nhà.

Bác Hẩn biết tôi khó chịu nên bảo mẹ tôi không cần phải gỡ thức ăn và cắt rau nhỏ cho bác. Khi mẹ tôi định gỡ cá, bác Hẩn kiên quyết ngăn cản. Bác nói khó, câu chữ không tròn vành, cứ ú ớ. Bác cố gắng xua tay để mẹ tôi không làm. Mẹ tôi thấy vậy nên cũng thôi không gỡ cá.

Thế nhưng, khi lập cập xắn miếng cá, bác đã làm đổ cả bát canh và cơm xuống nền đất làm mẹ tôi vội vã ra đỡ. Mẹ nhìn sang tôi, buồn bã. Nhưng, tôi thì không như thế. Tôi nghĩ lại lần tôi làm rơi bát cơm, mẹ đã mắng tôi. Sao giờ bác Hẩn làm rơi, mẹ lại lo lắng. Tôi thấy ghét mẹ và càng ghét bác Hẩn hơn.

Mặc cho tôi tỏ thái độ không thích, bác Hẩn luôn cố gắng gần gũi, thân thiện với tôi. Đi chợ về, bác Hẩn thường cho tôi ít bỏng hay con tò he nhưng tôi lại nghĩ chắc mẹ tôi mua rồi đưa bác để lấy lòng tôi. Có hôm, bác Hẩn làm cho tôi con chuồn chuồn bằng lá cọ, tôi cũng bỏ dù đó là món đồ chơi tôi rất thích.

Không ít lần, tôi nói hỗn với bác. Tôi thường cố tình bảo bác làm những việc thật khó dù biết tay của bác không làm được. Mẹ biết điều đó nên rất buồn lòng.

Có lần, mẹ nói chuyện với tôi. Mẹ bảo, bác ấy không thấy may phải chịu những thiệt thòi nhưng bác là người tốt. Tôi thấy từ ngày bác đến, mẹ cũng bớt buồn dù mẹ vẫn thắp hương, nói chuyện với bố.

Mùa thu - mùa trám, mùa loại quả mà tôi mê mệt lại về. Tôi rất thích những quả trám nhỏ với vị chát mà bùi vô cùng của nó. Ngày bố còn sống, cứ vào mùa trám, bố lại dậy sớm, đi bỏ lưới lấy mớ cá sông nhỏ về làm món cá kho trám.

Hôm nào may mắn, bố bắt được nhiều cá diếc thì thích vô cùng. Tôi có thể ngồi im lặng thật lâu với đôi mắt hấp háy sung sướng xem mẹ tách đôi quả trám, bỏ đi cái hạt để lại những miếng trám hình thoi thật đẹp.

Tôi thấy đó như một công việc kì diệu mà những người tài giỏi mới làm được. Xếp vài con cá diếc vào nồi, rắc trám lên trên, rang đường làm nước hàng rồi bỏ vào kho nhừ. Cái vị chát mà ngọt bùi của trám, thơm bùi của cá cứ khiến tôi hít hà mãi không thôi.

Một nồi cá diếc kho trám làm thức ăn trong những ngày chớm gió, đưa cơm và ấm lòng đến kì lạ. Cũng bởi vì thế, với tôi, món cá kho trám thành thứ “đặc sản” gắn liền với ngày hạnh phúc mà tôi cất riêng cho mình.

Mùa trám năm nào, tôi cũng no nê cơm với trám kho. Khi thì vài con cá diếc khi với trám xanh, lúc là những quả trám đen kho với dăm miếng thịt ba chỉ. Vậy mà, mùa năm nay, mẹ tôi không mua trám về kho nhiều nữa. Mẹ bảo, cá kho trám, bác Hẩn khó ăn. Tôi giận mẹ kinh khủng. Đến cả món tôi thích, mẹ cũng không nấu nữa vì bác Hẩn.

Cũng đợt đó, thời tiết chuyển mùa, bà ngoại tôi ốm. Mẹ tôi về bên ngoại chăm bà một vài hôm. Mẹ đã kho sẵn một nồi thịt, dặn tôi về chỉ việc nấu cơm và luộc rau. Chiều hôm đó, không muốn về nhà sớm nên đi học về tôi sang bà nội chơi. Mãi đến sẩm tối, tôi mới về nhà.

Về đến cổng, tôi thấy bác Hẩn đang ngồi ở sân giếng. Bác đang làm cá, bên cạnh là một rổ nhỏ trám xanh. Nhìn thấy tôi, bác Hẩn cười, khó nhọc nói rằng hôm nay, bác làm cá kho trám. Tôi bảo bác không phải làm vì mẹ đã kho thịt sẵn. Nhưng bác Hẩn vẫn cười, bảo tôi vào nhà thổi cơm trước. Bác làm cá rồi đặt lên kho, chốc là được ăn.

Tôi không muốn nói chuyện nhiều nên vào thổi cơm. Ủ xong cơm và luộc xong rau, tôi lên nhà ngồi chơi. Nhìn ra sân giếng, tôi vẫn thấy bác Hẩn đang làm cá. Dáng lưng gù với hai cánh tay còng xuống, khó nhọc cầm con dao của bác khiến tôi thấy mình có lỗi. Song, tôi vẫn mặc kệ.

Một lúc lâu sau đó, tôi mới thấy bác Hẩn mang nồi cá vào trong nhà bếp. Tôi thấy bác thổi lửa, bỏ nồi cá lên kho. Rồi bác Hẩn lên nhà. Bác đi một cách khó nhọc, trên tay áo còn dính vài cái vảy cá. Bác cười: “Sắp có cá kho trám ăn rồi”. Tôi không đáp lời. Bác Hẩn nhờ tôi trông nồi cá, bác đi tắm.

Thế nhưng, tôi không để tâm. Chỉ đến khi, bác Hẩn tắm xong, hỏi tôi cá chín chưa, tôi mới nhớ đến nồi cá vẫn đang trên bếp. Tôi vội vàng chạy xuống, cời lửa. Nồi cá đã cháy đen một lớp, chỉ còn vài con cá và miếng trám ở trên. Bác Hẩn cũng lật đật xuống bếp, nhìn nồi cá, bác im lặng rồi nói: “Không sao đâu, cá phải thế mới ngon”.

Bữa cơm hôm đó, ngoài thịt kho của mẹ, rau luộc còn có một đĩa cá kho trám cháy. Những con cá không còn lành lặn, có mùi khen khét, những miếng trám không được tách đôi một cách khéo léo mà bị đập dập, lẫn cả hạt và thịt. Nồi cá cũng trắng tinh vì không có nước hàng. Vậy mà, tôi vẫn thấy ngon. Lần đầu tiên, tôi gỡ một miếng cá, bỏ vào bát cho bác…

8 năm trôi qua, giờ tôi đã là một sinh viên. Cuộc sống xa nhà cho tôi nhiều thứ mới lạ, kể cả những món ăn ngon. Song, với tôi, hương vị của nồi cá kho trám cháy năm đó vẫn là mùi vị tôi nhớ mãi. 8 năm, chưa một lần tôi gọi bác Hẩn là bố nhưng tôi biết, cuộc sống thực sự đã ban cho tôi thêm một người bố tuyệt vời.

  • Nguyễn Tràm
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn