Đệ nhất phong lưu những thú chơi gác cu, gà kiểng...

( PHUNUTODAY ) - Mê thú phong lưu, có người sẵn sàng từ chối mức lương cả ngàn USD, vợ đẹp, con ngoan để về một vùng đất hẻo lánh, xa xôi gây dựng nên giống gà quý. #160;




Trong một lần xuống Cà Mau, tôi được tiếp kiến ông Ba Thành, người được coi là truyền nhân của ông tổ nghề gác cu ở Cà Mau. Năm nay ông Thành đã hơn 80 tuổi, cả cuộc đời ông là một thiên truyện về cái nghề chơi này. Ông Ba Thành sống trong 1 ngôi nhà nhỏ ở TP. Cà Mau. Vây quanh nhà ông là gần 30 chiếc lồng cu thi nhau gáy. Mỗi ngày ông tiếp hàng chục lượt khách, chủ yếu là đệ tử, sư đệ đồng môn đến học hỏi kinh nghiệm. Ông Ba Thành kể nghề chơi này đối với gia đình ông mang tính gia truyền. Bắt đầu từ ông cố, truyền lại cho ông nội, rồi đến cha ông và truyền lại cho ông, tính đến nay đã 4 đời, cộng lại gần 200 năm chơi cu.

Ông Ba Thành nói, chính cái nghề chơi này đã đưa ông đến xứ Cà Mau, nơi tận cùng của đất nước rồi cắm rễ lại đây, chứ kỳ thực ông quê ở Sóc Trăng. Thân sinh ông học đến tú tài thời Pháp, lại giỏi cả Hán-Nôm và võ nghệ cao cường. Sinh thời ông dạy học ở đô thành Sóc Trăng, nhưng vì mê gác cu, bạn bè rủ rê, ông chấp nhận về Cà Mau sống, làm một ông giáo làng để thỏa chí chơi cu.

Trong ký ức ông Ba Thành, hồi 9, 10 tuổi đầu đã lẽo đẽo đi theo cha học nghề gác cu, được ngồi nghe các bậc cha chú đàm luận về cái đạo của nghề chơi. Ông Ba Thành nói thời đó cái thú chơi này chỉ dành cho những bậc thượng lưu, nho nhã. Người chơi gác cu tâm hồn phải sáng, “thoát tục”, có được phong thái ung dung, tự tại thì mới dành hết tâm trí, niềm đam mê cho cuộc chơi, mới thưởng thức được cái hay, cái thú của phong lưu.

Theo ông Ba Thành, chim cu có ít nhất 7 giọng khác nhau được chia ra: sấm, đồng, thổ, đồng kim, đồng chuông, thổ thùng (sền), đồng thổ. Giọng nào cũng hay nhưng dân chơi chim thường chuộng con có giọng đồng thổ hơn vì là giọng dịu dàng nhất. Sách “Phong lưu cũ mới” của ông Vương Hồng Sển cho rằng: những con chim cu nào gáy được tiếng ba, tiếng bốn, tiếng năm mà dân trong nghề gọi là ba, bốn hay năm “cốt” tức: “Rục cu… cu… cu…” thì đó là chim bạc, chim vàng. Dân trong nghề thừa nhận chỉ cần 3 cốt thôi đã là chim quý, còn từ bốn, năm cốt thì quá hiếm.

Một con chim cu của ông Ba Thành ở Cà Mau có tuổi đời hơn 20 năm.
Một con chim cu của ông Ba Thành ở Cà Mau có tuổi đời hơn 20 năm.

Tuy nhiên chim quý phải được chứng minh bằng bản lĩnh và sự khôn ngoan nơi “trận mạc”. Ông Ba Thành bảo, con chim mồi tốt phải biết bo, kèm, dập tốt khi lâm trận. Nghĩa là nó phải khéo ăn, khéo nói, văn hay, chữ tốt, biết “xuất khẩu thành thơ” phun châu nhả ngọc, nói sao cho đối thủ phải hết đường chống đỡ, giận quá mất khôn mà lao vào cạm bẫy.

Riêng về âm giọng của cu, cũng được chia ra nhiều loại, chim gáy có tiếng “thổ” có nghĩa là chất giọng trầm, ấm; chim gáy có tiếng “còi” tức giọng thanh, cao; nếu chất giọng nằm giữa 2 thứ gáy trên còn được gọi là tiếng “pha”.

Về hình thức, con cu nhìn phải đẹp, thân hình cân đối, lông màu sáng, đầu nhỏ, mắt bé, con ngươi đen nhiều, cườm dầy, quấn kín cổ, chân phải dài màu đỏ son, lông che kín xuống đầu gối. Đối với những chú chim như thế, có giá cả mấy chục triệu đồng.

Theo ông Thành, hiện tại ông đã qua tuổi bát tuần mà vẫn chưa có người con nào nối nghiệp để bước sang đời thứ năm của một gia đình phong lưu, nhưng ông già vẫn ung dung sở hữu gần 30 con cu mồi “chiến”. Tôi hỏi liệu cái nghề chơi này của gia đình ông sẽ dừng lại ở đời thứ tư, ông cười hiền đầy tự tin nói: “Các con tôi bây giờ mỗi đứa một nghề, nhưng khi “đến tuổi” tự khắc chúng sẽ thấy cần chơi!”.

Những thú chơi là cả một gia tài

Từ ngày bỏ quê ra phố, anh Sỹ Tân (quận Gò Vấp) gửi lại mấy con cu mồi cho bạn bè nuôi, lòng buồn nao nao. Những tưởng Tân bỏ luôn thú chơi tao nhã này. Nào ngờ vừa đặt chân lên Sài Gòn, Tân mới biết rằng ngay chỗ mình ở trọ, có 1 hội gác cu. Bạn “đồng môn” đông quá cỡ, trong danh bạ điện thoại của Tân hiện giờ đã có hơn 50 người. Theo Tân ước tính, chỉ riêng quận 12, Hóc Môn, Gò Vấp, đã có hàng trăm người chơi phân thành nhiều nhóm. Tân bảo, ở Sài Gòn, chơi gác cu còn “máu me” hơn các tỉnh.

Theo thân thế và địa vị xã hội, dân chơi gác cu Sài Gòn có thể tạm thời chia làm 2 loại khác nhau, một thuộc loại bình dân, có gì chơi đó, một loại khác là giới thượng lưu, sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để sở hữu một chú chim ưng ý. Giới thượng lưu mỗi lần “xuất quân” đi toàn bằng xe xịn cả trăm ngàn đô nên cuộc chơi của họ rất tiện nghi, sang trọng. Tân kể cho tôi, nhiều người chơi cu sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu để được sở hữu một cặp chim cu ưng ý.

Riêng con cu mồi của Tân, lúc mua trị giá 7 triệu, sau 2 năm, có người trả lên 20 triệu nhưng Tân nhất quyết không chịu bán. Tân kể: “Người chơi gác cu cũng như một nghệ sĩ chơi đàn. Nghệ sĩ nào muốn đàn hay thì phải có cây đàn tốt, cũng như người gác cu, phải có được con cu mồi giỏi. Mình bán con cu giỏi, cũng như nghệ sĩ bán cây đàn tốt nhất thì còn gì là nghề chơi nữa. Cho nên đối với con cu này, giá nhiêu mình cũng không bán”.

Anh Nguyễn Hải Đăng bên chú gà Mã Lại xám đuôi quạt quý hiếm của mình. Giá mỗi con gà như thế thường lên tới cả ngàn USD.
Anh Nguyễn Hải Đăng bên chú gà Mã Lại xám đuôi quạt quý hiếm của mình. Giá mỗi con gà như thế thường lên tới cả ngàn USD.

Con cu mồi được ngã giá 20 triệu ấy, Tân mua lại của một bạn “đồng môn” hồi còn ở Cà Mau, tính đến nay cũng được 17 năm kể từ ngày bắt ở rừng về. Nếu tính cả tuổi rừng, ước chừng cũng trên dưới 20 năm tuổi. Theo ông Ba Đức ở Cà Mau, một người có trên 50 năm trong nghề chơi thì đó là một con chim hay, giọng “thổ”, một chất giọng mà dân chơi ưa chuộng.

Theo ông Ba Đức, trong số các loại chim cu thì chim Huỳnh Kiền là loại được nhiều người săn lùng nhất. Đây là con chim có bộ cườm vàng đóng từ trên đầu “ót” xuống tới bờ vai, tất cả các hột cườm đều vàng. Đối với loài này thì những con có bộ lông màu nâu đỏ mới có bộ cườm như thế. Chim Huỳnh Kiền có nhiều đặc tính như gù nhiều nhất, nuôi lâu ra mồi nhất, khó chịu, nóng tính nhất và rất hiếm gặp, được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất cu”.

Ông Ba Đức cho biết, cái thú vị nhất của thú chơi này không phải là giá trị của con cu đắt rẻ thế nào, tập tính của cu ra làm sao mà là lúc ngồi “gác cu”, xem con mồi và con bổi (cu rừng) vờn nhau đấu khẩu. Lúc đó chúng sẽ bộc lộ hết bản chất đâu là “tiểu nhân” đâu là “quân tử”.

Theo thuộc tính của loài chim cu, chúng sống thành từng đôi một. Một cặp vợ chồng nhà cu chiếm một khoảng không gian nhất định để làm lãnh địa sống (sau mùa lúa chín, chúng nhập bầy đi tìm thức ăn, xong ai về nhà nấy chọn 1 cây làm nhà – dân gác cu gọi là “cội”) nên khi người gác cu đưa bẫy, bên trong có chim mồi vào đúng lãnh địa của chim rừng, con chim rừng thấy có đối thủ dám xâm phạm lãnh địa, thế là cuộc chiến diễn ra.

Con gà Mã Lại Ó Tam thể này được hiệp hội gà Lông vũ thế giới đánh giá rất cao, với người chơi là…vô giá.
Con gà Mã Lại Ó Tam thể này được hiệp hội gà Lông vũ thế giới đánh giá rất cao, với người chơi là…vô giá.

Con chim rừng khôn ngoan giống như người “quân tử”, có ‘văn hóa” nên trước hết nó phải dùng lý để đấu khẩu với kẻ xâm phạm để tìm hiểu nguyên nhân, thấu tình đạt lý.

 Lúc đó người chơi cu núp trong lùm cây thưởng thức, muỗi cắn không dám đập, sâu chạm không dám gãi. Hai con chim trên cành cây đẩy nhau quyết liệt có khi cả buổi trời bất phân thắng bại mặc cho người chơi nấp trong lùm cây đói mờ cả mắt, cuối cùng phải “thu quân”, hoặc con mồi đuối lý, tâm phục khẩu phục, người gác cu phải tính đến chiến lược mới. Hoặc nếu gặp con chim rừng thất học, hồ đồ, lòng dạ “tiểu nhân” thấy khách lạ đến nhà, không phân biệt bạn thù, nóng nảy, hét lên vài câu rồi xông vào chiến thì sập bẫy. Gặp loại ấy, người gác cu mất đi hứng thú.

Ông Ba Thành kể, thế giới loài cu có những con khôn đến kỳ lạ, không dễ gì dụ được chúng vào bẫy. Chúng thà đổi vùng tìm “cội” mới chứ không dễ bị đánh lừa. Người chơi gặp những con cu như vậy mới hứng thú và quyết bắt cho bằng được rồi về thuần chủng làm cu mồi. Suốt 70 năm lang thang khắp các nẻo làng quê, các vùng miền, ông Ba Thành nghiệm ra một chân lý đối với người chơi cu phải biết trọng nghĩa khinh tài, phải biết nhớ câu “Vật khinh, hình trọng” để phân biệt chánh tà.

Nếu có con chim hay, chim tốt, người xấu hỏi mua bao nhiêu cũng không bán, gặp người tốt, để kết tình tri kỷ thì tặng không, một xu cũng không nhận. Phải biết giữ cốt cách ấy thì nghề chơi mới lâu bền được. Bởi gác cu, ngoài cái thú tiêu giao để ngẫm ngợi cuộc đời, để được những ngày tháng tự tại ung dung cùng trời cuối đất thì không có mưu cầu gì khác.

Bỏ phố về quê “thuần” gà quý

Nhà biên kịch Võ Đắc Dự, một người có tiếng mê gà kiểng, từng kể với tôi: “Có lần, bé Nhí con gái mình thả dế cho gà ăn. Không may chú gà con mới 3 ngày tuổi tham lam ngậm một con dế mèn khá to. Thấy thế, gà mẹ đuổi theo và mổ liên tiếp. Bé Nhí sợ gà mẹ đánh gà con không chịu nổi nên chạy vào gọi ba “can ngăn”.

Sau một hồi “đánh” con, cuối cùng gà con buộc lòng phải thả chú dế, gà mẹ chỉ chờ có thế, liền mổ ngay ăn. 2 bố con ngồi quan sát suốt cả buổi chiều, thấy chú gà con làm “nũng” và giận mẹ suốt mấy giờ đồng hồ. Gà mẹ cà mỏ vào mình gà con làm lành. Mình giải thích cho con gái rằng gà mẹ sợ gà con mắc ghẹn khi nuốt một chú dế to nên cố tình đánh để gà con nhả ra. Sau đó 2 mẹ con giận nhau. Mẹ con nhà gà cũng giống như người vậy. Nếu con không ngoan sẽ bị bố mẹ đánh thôi”. Cái cách nuôi, quan sát gà, đủ biết người chơi tinh tế đến nhường nào…
s
Với người chơi thực thụ, đá gà chỉ để chiêm ngưỡng.

Anh Nguyễn Hải Đăng (quận 10), làm nghề kinh doanh với mức thu nhập gần 1000 USD/ tháng. Tuy nhiên anh đã bỏ mức lương hấp dẫn, vợ đẹp, con ngoan để về Tây Ninh làm một người nông dân thực thụ với mục đích bảo tồn giống gà Che Mã Lại đuôi quạt đã bị thất truyền mấy chục năm nay. “Hồi 8 tuổi, mình đã theo các anh lớn trong vùng ra chợ Phú Nhuận, chợ Bà Chiểu xem gà và mê gà từ đó. Đến một lần, người bạn từ Cần Thơ lên chơi than thở muốn kiếm một con gà kiểng tặng cho con trai mà tìm hoài không thấy.

Mình lấy làm ngạc nhiên: “Trước năm 1975, gà Che nuôi thịnh hành, bán dọc chợ khắp miền Nam mà giờ chả lẽ không có?”. Anh Đăng chia sẻ. Từ đó, anh Đăng ấp ủ, nung nấu trong đầu ý nghĩ nuôi, phổ biến gà Che Mã Lại. Nói là làm, năm 2006, anh xuống Tây Ninh thuê đất nuôi gà, từ bỏ hẳn việc kinh doanh.

“Lúc thấy tôi bỏ việc, cô tôi bức xúc hỏi: “Mày về đó làm nghề gì Đăng?”, tôi trả lời: “Dạ, con nuôi gà kiểng”. Bả ngạc nhiên” “Bộ gà cũng nuôi kiểng được à?”, tôi liền liệt kê một loạt các danh sách gà kiểng, vẻ đẹp, đặc tính  của từng loại suốt gần một giờ liền, tuy nhiên cô cứ lắc đầu quây quẩy: “Bộ hết nghề làm rồi sao đi nuôi gà?!”. 

Mấy anh bạn tôi ở nước ngoài cũng gọi về hỏi sao từ bỏ mức thu nhập gần 1000 USD/ tháng để đi làm một nghề mà chẳng có tương lai gì hết vậy. Ngay cả ba tôi cũng cho rằng tôi là một người khùng, hơn 40 tuổi đầu mà chưa nên trò trống gì cả. Tôi phải giải thích nhiều lần ba mới hiểu và ầm ừ cho qua chuyện”.

Từ ngày bỏ phố về quê nuôi gà kiểng tới nay, anh đã phải bán 2 miếng đất với hơn 3000m2 để “cho gà ăn”: “Thấy tôi nuôi nhiều gà nên có người khuyên nên nuôi thêm trăn, con nào bệnh thì làm mồi cho trăn ăn luôn khỏi lây lan bệnh. Tuy nhiên tôi kiên quyết không chịu. Con nào bệnh thì tôi tách riêng ra chăm sóc tới cùng, nếu chẳng may nó chết thì đem chôn”, anh Đăng chia sẻ.

Anh mê gà đến nối mỗi buổi sáng, nằm nghe tiếng gà gáy, có thể biết được con gà nào đang gáy, ở chuồng số mấy. “Nhiều lúc, mình chỉ cần búng tay vào là lông của nó liền xòe ra, mỗi con có một dáng đi rất vui vẻ, nhanh nhẹn, vừa đi, trong miệng như phát ra tiếng cúc cúc rất vui tai. Khi cất tiếng gáy rất to và đều giống gà rừng, mỗi con anh đều đặt tên cho nó.

“Anh nhìn xem, con “Cốt Đòn” kia thuộc đuôi một lớp, văn võ song toàn, bước đi mạnh mẽ, sung túc; hay như chú gà “Cốt Lông” kia, bộ đuôi 2 lớp, dáng đi oai phong lẫm liệt, đẹp Phụng vĩ, tiếng gáy rất thanh thoát”. Vừa nói, anh vừa chỉ vào một chú gà quý đang bươi cát và nói.

“Nhìn chúng dễ thương thế, có bán hết cả cơ nghiệp để bảo tồn giống gà này tôi cũng chấp nhận”, cứ có khách đến thì Đăng có dịp khoe gia tài của mình. Hiện nay trang trại của anh Đăng có gần 400 con gà Mã Lại, chi phí cho chúng ăn mỗi ngày lên tới cả triệu bạc tuy nhiên để bảo tồn giống gà quý, anh đã không ngần ngại chi trả, mà còn có ý định mua đất ở Hóc Môn (TP. HCM) để chuyển đàn gà về cho gần nhà.

Anh Đăng cho biết: “Sau năm 1975 cuộc sống khó khăn, tất cả gà Che bị lai tạo xử thịt. Do không ai chơi, nên giống gà thuần chủng mất dần. Người ta ghét gà Che vì “gà Che đạp mái lai tạo cho ra giống gà nhỏ con, không có lợi về mặt kinh tế, nên thấy gà Che lai vãng lại gần là xua đuổi, đập chết. Lúc đó, kinh tế khó khăn, không ai nuôi kiểng, mà nuôi gà thịt thì quá nhỏ”.

 Đối với một “hoa hậu” gà Mã Lại đuôi quạt, phải đạt được các yếu tố như hình dáng phải cân đối từ đầu, lưng, bộ chân. Phần đầu cái mào và cái tích phải cân đối với khuôn mặt, cái tai màu trắng; bộ đuôi xòe lên như chú công trống đang tỏ tình, gương mặt phải đỏ, dáng đi phải sung túc. Màu sắc được ưa chuộng thường có bộ lông màu trắng (gà Nhạn) đặc biệt là Bạch nhạn (lông trắng, mỏ trắng, tích tai trắng, chân, móng, cựa trắng.

Đó là những kinh nghiệm quý báu đối với dân chơi, còn trong cuốn sách “Phong lưu cũ mới” của nhà Khảo cổ học, chuyên sưu tầm đồ cổ Vương Hồng Sển xuất bản năm 1961 trang 107 có viết: Gà Che tên đầy đủ là Monche (tiếng Campuchia) có nghĩa là: Gà Rừng xứ thổ. Sau khi Pháp qua xâm chiếm 3 nước Đông Dương làm thuộc địa đã đưa giống gà này vào. Từ gà Che có xuất xứ từ Campuchia.

Hồi đó các loại gà dưới 1,2kg đều gọi là gà Che. Tuy nhiên ở Việt Nam, sau khi du nhập vào do giống gà này nhỏ con, lại hay đi kiếm ăn trong các bụi rậm, bụi tre và từ “Che” cũng gần giống với từ “Tre” nên lâu ngày người dân gọi luôn là gà Tre. Tuy nhiên đối với những người nghiên cứu và chơi gà một cách cẩn thận, họ luôn dùng từ gà Che chứ không phải gà Tre như nhiều người vẫn gọi hiện nay.


d
Nhiều người chơi gà từ khắp các tỉnh miền Nam đổ về một quán cà phê ở Tây Ninh để cùng nhau trao đổi và chiêm ngưỡng những con gà quý.
Theo tìm hiểu của người viết, gà Che Mã Lại gọi là gà Mã Lại (hoặc gà Mái lại theo tên gọi cách đây hơn 50 năm) du nhập vào việt Nam khoảng đầu thế kỷ 20 do các vị Công sứ người Pháp khi sinh sống, làm việc tại Việt Nam và các nước châu Á. Khi du nhập vào Việt Nam có 2 dòng gà Mã Lại kiểng và dòng Mã Lại đá với đặc điểm với chân cao (thấp hơn gà Che việt Nam), bộ đuôi tôm (một lớp đuôi). Gà Mã Lại kiểng đặc điểm với chân thấp, bộ đuôi xiên.

Truyền thụ đam mê

Hiện tại, ở TP. HCM và các tỉnh phía Nam, anh Đăng là người sở hữu nhiều gà Mã Lại đuôi quạt nhất. Tuy nhiên, người có công lai tạo ra giống gà này không phải là anh mà chính là ông Bảy Cư, ngụ tại quận 8. Năm 2006, ông đổ giống thành công gà Mã Lại đuôi quạt và sinh ra con đầu tiên đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, con gà có hình dáng giống chú công đực đang xoe đuôi tỏ tình.

Bộ đuôi của chú gà thẳng đứng, đẹp như đuôi công. Bây giờ ông Bảy Cư đã già, gần 80 tuổi, không có nhiều điều kiện để phát triển giống gà này. Tuy nhiên ông vẫn còn một vài “hoa hậu” gà cất kín sau nhà, lâu lâu mới đem ra ngắm và ít khi khoe ai.

Theo nhiều người trong nghề chơi gà kiểng thì, hiện nay, số người nuôi gà kiểng ở TP. HCM còn quá ít, họ lại vướng nhiều thủ tục pháp lý, chính quyền địa phương còn mang tâm lý e ngại, lúng túng trước những người nuôi và chơi gà kiểng nên nhiều người dạt về các vùng ven TP. HCM như Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An để chơi. Đích thân ông Bảy Cư cũng nhiều lần lên trạm thú y huyện đăng ký các thủ tục pháp lý, kiểm dịch để chăn nuôi một cách hợp pháp.

 Ông kể: “Tuy nhiên các cán bộ ở đây hỏi số lượng bao nhiêu, tôi trả lời khoảng 400 con. Mấy ổng bảo biết rồi, về đi, có thể số lượng gà của tôi nuôi ít quá chăng? Nhiều lúc tôi cũng lo, vì gà mình tuy ít, nhưng mỗi con rẻ cũng tiền triệu đến vài chục triệu nếu không được đăng ký cấp phép chăn nuôi, kiểm dịch lúc có vấn đề xảy ra như dịch bệnh thì thiệt hại rất lớn, nên nếu không thực sự mê thì người nuôi cũng chùng tay”.


Nói về sự kỳ công của người chơi, ông Võ Đắc Dự cho biết: “Gà rất dễ mắc bệnh nên phải hiểu được tập tính của gà cũng như các loại bệnh để kê đơn, bắt mạch. Nhà chật mà nuôi hơn 30 chú gà nên ngày nào cũng phải lau chùi vài lần cho đỡ hôi. Đôi lúc muốn cho bớt bạn chơi nhưng cô con gái nhất quyết không chịu. Mà tính mình, gặp gà đẹp thì mắc mấy cũng mua nên gà cứ thế ngày một nhiều hơn. Việc chăn nuôi ngày càng vất vả. Được cái gà gáy suốt ngày và mọi người ai cũng thích nghe tiếng gáy dân dã đó.

Cứ mỗi sáng, người chơi gà kiểng thường tự tập tại các quán cà phê theo từng nhóm vài ba người cốt là để thi thố vẻ đẹp và “khoe” nhau chứ mô hình chưa được nhân rộng vì sợ dịch bệnh. Các chú gà cưng thuộc dòng gà Tân Châu, gà Thái Lan, gà Serama…  đi qua, đi lại và thỉnh thoảng cất tiếng gáy vang.

Nhiều con gà thuộc loại rất hiếm, giá thị trường hiện nay từ 30 – 35 triệu đồng/con. Một số con khác thì có tiếng gáy vang xa, lảnh lót. Số còn lại thì có thế mạnh là chiếc đuôi dài thướt tha hoặc có đuôi xòe như cây quạt, trông khá lạ mắt. Nếu đi sâu tìm hiểu thì mới thấy ở cái xứ Nam Bộ này cũng có nhiều thú chơi kỳ công đến tuyệt diệu.

Đinh Bảo Trung
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn