Huyền thoại và sự thật về thầy rắn Tư Dược

( PHUNUTODAY ) - Nhiều thế kỷ đã qua cho đến tận ngày hôm nay, vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều những câu chuyện huyền thoại và sự thật khá li kì về những thầy rắn chữa rắn độc cắn rất thần kỳ.

(Phunutoday) - Nhiều thế kỷ đã qua cho đến tận ngày hôm nay, vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều những câu chuyện huyền thoại và sự thật khá li kì về những thầy rắn chữa rắn độc cắn rất thần kỳ.


Những ông thầy rắn vang danh được thiên hạ đồn đại khá nhiều ở miệt U Minh, vùng Thất Sơn (Bảy Núi), Bến Cầu (Tây Ninh) ít nhiều có pha màu sắc thần bí liên quan đến ngãi bùa được tu học từ núi Tà Lơn bên Campuchia. Tất cả đều là bịa đặt và hoang đường mang màu sắc mê tín dị đoan do con người đồn thổi, phao tin mà thành. 

Trong những huyền thoại về thầy rắn, có một câu chuyện rất thật về một con người mà thiên hạ mệnh danh là “đệ nhất phương Nam chữa rắn độc”, Đại tá Trần Văn Dược (Tư Dược) cũng là người đã sáng lập ra Trại nuôi rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành - Tiền Giang) ngày nay.

Có khá nhiều huyền thoại lên quan đến cuộc đời làm thầy rắn của ông mà ít người được biết nên đã phủ lên bằng một màn bí ẩn mang màu sắc huyền thoại. Nhưng những huyền thoại ấy lại vô cùng thực tế, ông đã cứu sống hàng ngàn ca rắn độc cắn mà không một ai chữa khỏi, cũng chính người dân Đồng Tháp Mười và đồng bằng sông Cửu Long phong ông là thần rắn như một sự ghi nhận tài năng và công lao của ông trong lĩnh vực này.

Sau cái chết đầy bí ẩn và li kỳ của ông, những thầy thuốc, cán bộ, chiến sĩ y vụ của quân đội kế tục sự nghiệp và mơ ước của ông nuôi các loài rắn độc, để nghiên cứu, sáng chế các loại huyết thanh hữu hiệu nhất để chữa trị cho người dân bị rắn độc cắn, cứu lấy những sinh mạng con người từ tay tử thần.


Trong dân gian từ bao đời nay vẫn lưu truyền những câu chuyện về những loài rắn độc hễ cắn ai, thì người đó lập tức chết ngay. Nhưng dù độc đến mức nào thì đó cũng là loài rắn độc mà con người có khả năng chữa trị được. Trừ phi đó là những loài rắn “ông bà” linh thiêng theo cách gọi đầy kiêng kỵ và kính trọng của người dân. Rắn ông bà là gì? Vì sao nông dân ai cũng sợ?

Tương truyền các loài “rắn ông bà” thường đi có cặp hai con, một con trống, một con mái. Con trống được mô tả trong tín ngưỡng người dân có mồng đỏ như lửa trên đầu như đầu con rồng trong trí tưởng tượng, khi di chuyển lớp vảy phát ra tiếng kêu vo vo như tiếng chuông gió. Thân rắn dài từ 1,5 m đến 3m. Người dân miền Trung và miền Đông thì coi đây là rắn “ông bà chủ ruộng”. Còn có tên gọi mang màu sắc dân tộc Chàm là rắn “Chà Dung chủ ruộng”.
d
 

Nơi trú ngụ của cặp rắn này thường là hang sâu nhiều ngóc ngách trong ụ gò mối to, ở chỗ cao ráo, có cây bụi rậm rạp, dưới một gốc cây to nhất trên cánh đồng. Do quan niệm này mà trên mỗi cánh đồng người ta thường để lại một gốc cây bụi to lớn rậm rạp không bao giờ dám bén mảng đến chặt phá.

Việc này cũng giống như thứ tô tem giáo thờ Thần vật trong tín ngưỡng người dân tộc Ê Đê, Ba Na, Giarai, Raglai, Churu, K’ho vùng Tây Nguyên. Bao giờ cũng vậy, trên các nương rẫy người dân tộc luôn chừa lại một cây to nhất, đặc biệt là cây Da Đá (Kơ nia) vì đó là Thần Cây rất linh thiêng. Đi dọc theo QL. 14 lên Tây Nguyên, hầu như nơi nào cũng có thể nhìn thấy những loại cây Kơ nia rất to trong các nương rẫy của đồng bào dân tộc.

Trong lễ cúng ruộng hàng năm, người ta mang lễ vật đến chỗ này bày biện ra khấn vái rất thành tâm, cầu cho mùa màng thắng lợi, gia đình khỏe mạnh, an lành. Những ai có hành vi quấy phá, ăn ở bất nhơn thất đức, làm điều xúc phạm đến “ông bà chủ ruộng” sẽ gánh lấy hậu quả thảm khốc.

Có thể vì như vậy mà người vô phúc gặp loài rắn này cắn chỉ tích tắc là chết tím rịm, nhưng khi bị rắn cắn, người dân cũng chỉ dám nói là “ông bà quở”, “ông bà bắt” chứ không dám buông lời chửi bới, mắng mỏ. Thậm chí thù ghét nhau, những người dân độc miệng vùng Phú Yên,  Khánh Hòa, Bình Thuận còn mượn lời nguyền rằng: “Chà Dung chủ ruộng sẽ bắt mày”… thì xem như là lời nguyền độc nhất, nặng nề nhất.

Một loài rắn độc nữa từng là nỗi kinh hoàng của người dân trong chiến tranh là loài rắn trun, thân nhỏ màu đen bóng nhẫy, dài hơn chiếc đũa ăn cơm, có nguồn gốc từ Phi Châu do Mỹ thả xuống các khu rừng ở vùng Cẩm Mỹ, Hòa Bình thuộc Công ty Cao su Đồng Nai ngày nay và chiến khu D.- Dương Minh Châu, Dầu Tiếng, Tân Phú, Cần Giờ khá nhiều để cắn bộ đội miền Đông. Đây là một tội ác vô nhân đạo nhất của quân xâm lược Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam, gây hậu quả không thua kém gì chất độc hóa học, chất da cam.

Mãi đến nhưng năm sau giải phóng, người dân và công nhân cao su còn bị loài rắn độc này cắn chết. Dường như đây là loài rắn độc không sinh sản được nhiều nên ngày nay đã gần như mất dấu. Hoặc có thể phối giống với các loài rắn khác trong tự nhiên kém độc hơn nên các thế hệ F1, F2 không còn độc tính cao như nguyên thủy.

Trở lại câu chuyện về thầy rắn Tư Dược, vì hơn ai hết tổ tiên ông xuất thân từ vùng Quảng Ngãi nên chuyện về các loài rắn độc ông biết rất tường tận. Nhất là những năm tháng làm quân y trong vùng Đồng Tháp Mười mênh mông nước nổi, lúc nhúc rắn độc đã giúp cho ông có nhiều kinh nghiệm trong việc bắt rắn, nuôi rắn, lấy nọc độc để bào chế huyết thanh chữa trị rắn cắn.

Có lẽ từ thuở xa xưa, con người đã phải chống chọi với thiên nhiên và thú dữ để tồn tại nên đã tích lũy những kinh nghiệm quý báu rồi đúc kết nó thành luật lệ riêng cho mỗi loại nghề nghiệp đặc thù. Trong nghề làm thầy chữa trị rắn cắn, có những điều kiêng kỵ rất lạ đời. Không biết có tự bao giờ, do ai bày ra luật lệ nhưng hầu hết các thầy lang hành nghề đều răm rắp làm theo như một tín đồ của giáo phái Ngũ Độc ở Tây Vực.
 
Dân miệt đồng bằng sông Cửu Long còn đồn đại rằng, mấy thầy rắn vùng U Minh - Cà Mau học nghề từ các thầy rắn bên Ấn Độ, nhờ bùa ngải Lỗ Ban, bùa Lèo, bùa Miên ở bên núi Tà Lơn - Campuchia mách dẫn, chỉ bảo nên mới biết cách trị rắn độc cắn rất thần diệu.

Mà đã là bùa ngải, ắt phải có kiêng kỵ. Tỷ như việc khiêng người bị rắn cắn đi cấp cứu, không được khiêng qua cầu tre, cầu khỉ lắt lẻo. Khi đến nhà thầy rắn phải để ngoài vườn hoặc ngoài đường không được mang vào nhà, không bước qua ngạch cửa… nếu làm sai thì người bệnh lập tức chết, cho dù là thầy giỏi đến mấy cũng không cứu sống.
 
Thực chất, việc kiêng kỵ này của các thầy rắn miệt vường còn có lý do khác: vì không muốn có người chết trong nhà, lỡ không cứu sống được sẽ mất uy tín nên các thầy rắn tự bày ra luật lệ làm vậy. Khi người nhà khiêng nạn nhân bị rắn cắn đến trước cổng, thầy rắn sẽ ra ngõ bắt mạch xem thử vết thương để xác định loài rắn gì cắn, rồi chuẩn đoán qua mạch tim để xác định tình trạng nạn nhân… để còn liệu mà cứu chữa.

Nếu thấy mạch đập yếu, thời gian rắn cắn đã qúa lâu, nạn nhân đã chết lâm sàng, thầy rắn biết là bó tay nên xua đuổi người nhà khiêng về chuẩn bị hậu sự. Do việc đi lại ở vùng sâu rất khó khăn, đa số những ca rắn hổ cắn khi đưa đến chỗ thầy rắn, phần lớn là đưa về. Ngày nay hệ thống y tế vùng sâu đã phát triển, giao thông thuận lợi tỷ lệ người chết vì rắn độc cắn giảm đi rất nhiều.

Đây cũng là một loại mánh lới của thầy rắn, ngay cả khi biết tình trạng sức khỏe của nạn nhân xấu nhất, nhưng xác định vết thương do loài rắn cắn không phải loài độc nhất, tức là có thể cứu sống hoàn toàn ăn chắc, thầy rắn cũng giở trò làm mình, làm mẩy nâng mức độ nguy hiểm liên quan đến tính mạng lên mức báo động để cho người nhà nạn nhân nài nỉ, van xin mấy lượt, chi tiền bao nhiêu cũng được thầy rắn mới chịu ra tay cứu người một cách miễn cưỡng. 

Ai cũng biết rắn độc nhất như chàm quạp, hổ chúa, cạp nia, hổ mang khi cắn vào người, khoảng 1 giờ đồng hồ sau nọc độc mới làm tê liệt não bộ, sẽ gây ra chết lâm sàng. Với loài rắn hổ mang chúa có con to khoảng 20 kg, dài 4-5 mét, lượng độc tính khá cao, chỉ cần 12mg thấm vào cơ thể đủ làm tim người ngưng đập và tử vong.


Trong một chuyến về vùng sâu Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Đồng Tháp tìm tư liệu về nghề chữa rắn cắn, chúng tôi đã nghe nhân dân kể lại một câu chuyện lưu truyền từ thời kháng chiến liên quan đến anh quân y Tư Dược.  Chính câu chuyện này mà người dân trong vùng Đồng Tháp Mười luôn coi Tư Dược là “Thần Rắn”, bảo hộ cho người dân khi bị rắn độc cắn.

Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười có một thầy rắn rất nổi tiếng tên S. Người dân trong vùng đồn đại rằng ông này trị rắn độc cắn bằng bùa ngải Lỗ Ban rất tài.

Vào một ngày nọ, có một cô gái còn rất trẻ và xinh đẹp khoảng 16 tuổi trên đường đến gần nhà thầy S. thì bị rắn cắn ngã lăn quay. Mọi người khiêng đến đặt trước sân nhà van xin thầy S. cứu chữa. Sau khi xem xét vết cắn, bắt mạch cho cô gái xong, thầy S. lạnh lùng phán một câu xanh rờn: “Bị rắn hổ mang bành cắn, chết toi rồi, mang về chôn đi, không cứu được”.

Mặc cho người nhà cô gái khóc lóc, van xin, nài nỉ thầy rắn bỏ mặc vào nhà đóng cửa không đếm xỉa gì hết. Người nhà của cô gái bất hạnh đành khiêng con gái về chuẩn bị hậu sự. Thật may mắn, trong lúc người nhà cô gái vật vã, khóc lóc thảm thiết, quấn chiếu định chôn thì cũng vừa lúc Y sỹ quân y Trần Văn Dược đi công tác ngang qua, nghe khóc lóc nên hỏi thăm sự việc.

Là một Y sĩ quân y, việc cứu người luôn thường trực trong anh như một trách nhiệm. Hơn nữa, qua lời kể người thân cô gái trẻ, bị rắn cắn không phải bao giờ cũng gây ra cái chết tức thì. Còn nước, còn tát nghĩ vậy nên anh mạo muội xin phép gia đình cho bắt mạch, xem đồng tử mắt cô gái để kiểm tra lại lần cuối cùng.
Hổ mang chúa
Hổ mang chúa

Sau khi biết thời gian cô gái bị rắn cắn chết chưa được bao lâu, nghĩa là nọc độc của rắn chưa phát tán tác động lên não bộ và thời gian rất ngắn chưa thể làm người bị rắn cắn tử vong, Tư Dược mạnh dạn đề nghị người nhà dừng ngay việc chôn cất cô gái trẻ. Đối với anh, cô gái trẻ vẫn chưa chết, hy vọng cứu sống vẫn còn.

Bằng kinh nghiệm và hiểu biết riêng, Tư Dược chạy băng đồng đi tìm một nắm lá rừng giải độc về đâm nhuyễn lấy nước, rồi cạy miệng cô gái trẻ đổ vào. Không bao lâu, cô gái thở mạnh hơn, tay chân cử động rồi mở mắt từ từ tỉnh dậy trước sự kinh ngạc và mừng vui tột đỉnh của mọi người đang quay quanh.

Ngay sau đó, tin loan truyền khắp nơi về “Thần y” Tư Dược - Y sĩ quân y của bộ đội đã cứu sống cô gái trẻ, từ cõi chết mà thầy rắn S. đã chê, kêu mang xác về nhà chôn cất đã làm rung động nhân dân trong vùng và đến tai thầy rắn S. Nhiều người đến ngay trước cửa nhà chửi đổng vọng vào cho là ông này bịp bợm, quá ác độc, bất tài suýt nữa làm chết oan một cô gái trẻ đẹp nhất vùng.

Ông này tức lồng lộn không chịu nổi, ra trước sân nhà nổi giận quát to: “Giỏi gì, chẳng qua là may! Thấy nó cứu con gái trẻ về làm vợ nên được bề trên độ…”

Nhiều người nghe thầy S. nói không nhịn được, quay về báo cho Tư Dược biết. Nghe tin, Tư Dược cười hiền lành rồi khiêm nhường đến chỗ thầy rắn S., từ tốn giải thích bằng kiến thức y học về độc tính của rắn: “Thầy ơi, nọc độc rắn hổ phát tán trong vòng 12 giờ mới làm chết người. Nếu sau một hai giờ thì người bị rắn cắn mới chỉ chết lâm sàng…còn cứu được, sao thầy bảo chôn? Đâu phải rắn Hổ chúa cắn mà chết liền. Làm thầy thuốc là để cứu người, bất luận bệnh nhân là ai, sao thầy không thấy cái sai của mình mà còn nói cứu gái trẻ làm vợ, khó nghe quá”.

 Là một chiến sỹ cách mạng, hành nghề y, đã có gia đình vợ con, Tư Dược bật cười trước thái độ thiếu y đức của thầy rắn nên anh nghĩ cần phải dằn mặt ông này một lần để cho mọi người biết luôn, tránh những chuyện đáng tiếc sau này có thể tái diễn. Tư Dược rất tự tin nói luôn: “Nếu thầy không phục, chiều nay tôi trở lại nhà thầy chứng minh cho thầy và mọi người coi…”.

Vì công việc của đơn vị nên anh không thể nấn ná lâu, quay về báo cáo xong, anh hẹn chiều sẽ quay lại để “biểu diễn” một lần cho thầy rắn biết và cũng để mọi người tin tưởng vào y học, không mê tín dị đoan nghe lời thầy bùa ngải lăng nhăng gây hại cho con người.

Buổi chiều hôm đó, nhân dân tụ tập đầy khu vườn nhà thầy rắn đợi anh bộ đội quân y Tư Dược trổ tài. Ai cũng háo hức chờ đợi điều kỳ diệu sắp xảy ra làm ê mặt thầy rắn S. cho hả hê, bỏ tức. Nhưng dù có bàn tán sôi nổi đủ điều cũng không tài nào ai đóan được anh bộ đội, Y sĩ quân y Tư Dược sẽ làm chuyện gì.

Đến hẹn, Tư Dược đến nhà thầy rắn và nói to cho mọi người nghe: “Cô gái trẻ hôm qua trên đường tới nhà thầy rắn, lúc ngang qua gốc dừa kia, bị rắn hổ mang bành dài khoảng một mét hai cắn ngã lăn tại chỗ. Loại rắn này có nọc độc nhưng không thể gây chết người trong vòng 12 đến 24 giờ đồng hồ”.

Để chứng minh điều vừa nói, Tư Dược huýt sáo với âm thanh vi vu, réo rắt gọi rắn ra hang. Anh như một phù thủy điêu luyện mà con người có thể gặp trên phim ảnh Bom Bay hay trên đường phố nước Ấn Độ. Mọi người căng mắt như thôi miên dán chặt vào cái hang to dưới gốc cây dừa, nơi cô gái bị rắn cắn theo tay chỉ của Tư Dược hồi hộp chờ đợi điều kỳ diệu sẽ xảy ra.

Điều diệu kỳ đã đến. Từ trong hốc hang đen ngòm của gốc dừa, con rắn hổ mang bò trườn ra từ từ, ngóc đầu lên nhìn mọi người như một nghệ sĩ vừa xuất hiện trên sân khấu khi hạ màn. Mọi người bật kêu à lên thành tiếng vì quá sức kinh ngạc. Tư Dược đứng gần sát một bên, vừa huýt sáo điều khiển và phất tay xua rắn đi nơi khác.

Nhiều người nhao lên định đánh chết con rắn kia, nhưng Tư Dược can ngăn để cho rắn bò đi nơi khác. Vì sao phải làm như vậy, chỉ có mỗi mình anh biết. Bí mật về chuyện xem vết cắn, biết răng loại rắn gì cắn và nghệ thuật huýt sáo gọi rắn ra hang, xua rắn đi không giết là bí quyết riêng của nghề chữa rắn cắn mà sau này khi hòa bình, thống nhất đất nước ông mang tất cả tâm huyết cùng đồng đội lập nên trại nuôi rắn Đồng Tâm.

Mọi người ngạc nhiên, bái phục thần rắn trẻ Tư Dược, trong lúc thầy rắn S., đứng chết trân như trời trồng vì kinh ngạc lẫn thán phục và sự ê chề, bẽ mặt. Tư Dược không muốn làm tổn hại đến sĩ diện của một người đáng tuổi cha chú, nên anh nhẹ nhàng khuyên thầy nên rút kinh nghiệm để cứu người bị rắn cắn. Nếu cần sự giúp đỡ gì về thuốc men y học, Tư Dược hứa sẽ sẵn sàng hỗ trợ vì anh là bộ đội quân y.
 
Kể từ dạo đó, tiếng tăm “Thần Rắn” Tư Dược đồn đại khắp vùng sông nước Đồng Tháp Mười một nơi lúc nhúc rắn bò vào mùa nước nổi. Tiếng đồn về thầy Tư Dược huýt gió gọi rắn hổ ra khỏi hang, biết rắn gì, nằm ở đâu và cứu người chết sống lại cứ thế lan truyền khắp đồng bằng.

Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian lang thang hết vùng Cao Lãnh, Tân Hồng, Tam Nông dò hỏi về cô gái năm xưa đã được “Thần Rắn” Tư Dược cứu sống. Đáng tiếc chúng tôi biết về ông rất muộn màng khi ông đã ra nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang an nghỉ cùng đồng đội trong cõi vĩnh hằng.

Trong một lần tại khu du lịch Xèo Quýt huyện Cao Lãnh là căn cứ Tỉnh ủy Đồng Tháp thời kháng chiến, ông Nguyễn Văn Nam 76 tuổi, từng là nông dân kháng chiến trong vùng căn cứ cách mạng kể chuyện ông từng nghe tiếng tăm “Thần Rắn” Tư Dược cứu người khi còn trong thời kháng chiến. Không riêng ông mà tất cả nhân dân trong vùng Đồng Tháp Mười đều kính trọng và mến mộ tài năng “Thần Rắn” Tư Dược. Nhiều người ước mơ có tấm hình ông để thờ trong nhà như một vị tổ sư bảo hộ cho sự an lành của gia đình mình.

Về câu chuyện liên quan đến “Thần Rắn” Tư Dược cứu cô gái trẻ, có người kể lại, sau khi khỏe mạnh trở lại, cô gái trẻ một mực xin được làm vợ ân nhân đã cứu mình. Vì cô cho rằng, sự sống của đời cô là do anh bộ đội quân y Tư Dược giành lấy từ tay thần chết. Nếu cô quên công ơn ấy thì cuộc đời cô sống không còn ý nghĩa gì hết. Ơn đền, nghĩa trả cô nghĩ như vậy và mang tâm nguyện trả ơn cho người ân nhân Tư Dược nhưng ông đã từ chối không nhận lấy ân huệ đặc biệt này.
Lấy nọc độc của hổ mang chúa
Lấy nọc độc của hổ mang chúa

Ngày đó, anh bộ đội quân y Trần Văn Dược còn rất trẻ, sau khi tập kết ra miền Bắc một thời gian, anh lập tức được điều động về Nam chiến đấu ngay trên mảnh mảnh đất, đồng nước quê hương. Vợ và con nhỏ của anh trong vùng tạm chiếm, chưa có thông tin liên lạc mặc dù rất gần nhau về khoảng cách chiều dài.

Nhưng là bộ đội, Tư Dược còn có tổ chức, còn có lý tưởng riêng và trách nhiệm với gia đình vợ con, anh không thể tùy tiện sống theo ý thích riêng mình hay theo ý người khác được. Tư Dược từng có những phút xao lòng nhưng không vì thế mà anh phản bội bản thân, tổ chức và gia đình. Những ý niệm mơ hồ, lãng mạn có thể chợt hiện, chợt ẩn trong trái tim một chàng trai trẻ, nhưng để vượt qua được lý trí và bản lĩnh vững vàng là chuyện không phải dễ dàng.

Anh Trần Thiện Tín, con trai trưởng của Đại tá Trần Văn Dược có lần đã cho tôi biết, trước đây anh có nghe bạn bè của ba anh kể sơ sơ về chuyện đó, nhưng khi hỏi thì ba chỉ cười cười nói: “Người ta bịa ra đó mà. Cứu người bị rắn cắn thì có thật, biết bao nhiêu người làm sao nhớ nổi”.
 
Giả dụ như câu chuyện “Thần Rắn” Tư Dược được người đời tạo nên giai thoại hay huyền thoại thì cũng phải thừa nhận đó là một giai thoại cực hay và tuyệt đẹp dành cho một con người tài hoa, y thuật rất cao minh, y đức rất sáng ngời lấp lánh như viên ngọc giữa đời thường .

Mãi về sau này, khi lập ra trại nuôi rắn và nghiên cứu dược liệu Đồng Tâm, nhân dân trong vùng khi bị rắn độc cắn, chỉ cần đưa đến Trại rắn Đồng Tâm gặp thầy Tư Dược thì coi như cầm chắc mạng sống. Cả khi ông Tư Dược mất, 100% các ca cấp cứu bị rắn độc cắn trước 12 giờ hoặc 48 giờ nếu kịp đến Đồng Tâm các y bác sĩ quân y (Quân khu 9) kế nghiệp Tư Dược sẽ cứu sống.



Nam Yên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn