Kỳ thú chuyện câu cá trong rừng U Minh Thượng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday.vn) - Du khách đến đây chỉ cần mua vé 40.000 đồng là có thể vào câu với số lượng cá câu không giới hạn, điều kiện là phải câu thủ công.

(Phunutoday.vn) - Vườn quốc gia U Minh Thượng (VQGUMT- huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) đã hồi phục sau vụ cháy khủng khiếp năm 2002 và dần trở thành điểm đến hấp dẫn vào dịp cuối tuần của du khách muốn tránh cái ồn ào, náo nhiệt ở thành thị, nhất là vào mùa nắng oi bức. Những du khách về với thiên nhiên này đã hóa thân thành những nông dân chính hiệu, thả hồn theo mây nước chơi vơi giữa mênh mông rừng tràm, đắm hồn mình trong thú vui tao nhã, đó là thú đi câu cá.

 Bốn chục ngàn đã trở thành “ngư ông”


Ông Phạm Quốc Dân - Phó giám đốc VQGUMT - cho biết: Vùng lõi VQG có diện tích hơn 8.000ha, trong đó có khoảng 500ha là mặt nước trống để cho du khách vào câu cá giải trí. Khách đến nhiều nhất là từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Cần Thơ, TP.Rạch Giá…

Đồ nghề của du khách khá chuyên nghiệp, nên đến đây chỉ mua vé 40.000 đồng/người/ngày, thuê xuồng ba lá thêm 30.000 đồng, ai không tự bơi xuồng được thì thuê kéo vào, kéo ra điểm câu cá 20.000 đồng nữa, nếu không thì tự đi bộ vào nơi thả câu.

Như vậy, du khách đến đây chỉ cần mua vé 40.000 đồng là có thể vào câu với số lượng cá câu không giới hạn, điều kiện là phải câu thủ công. Khách có nhu cầu chế biến tại chỗ thì ở đây cũng đáp ứng, bảo đảm có đầy đủ rau đồng để khách cảm nhận trọn vẹn hương vị đậm đà của đặc sản cá rừng U Minh Thượng ở vùng đất Kiên Giang như: rau choại, lá mỏ quạ, rau nụ áo, bồn bồn tươi, cát loài…

Đắm hồn khách nhàn du

VQGUMT là một trong những khu bảo tồn đa dạng sinh học quan trọng bậc nhất đồng bằng Sông Cửu Long và của cả nước đã được các tổ chức quốc tế công nhận. Tại đây, có nhiều loài thú rừng, chim chóc và động vật thủy sinh được liệt vào sách đỏ Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng. Từ hồ Hoa Mai xuôi theo kênh trung tâm vào vùng lõi VQG, ven hai bên bờ cỏ lau cao lút đầu người.

Thỉnh thoảng, lũ khỉ dọc theo bờ đê trồng chuối lại tròn xoe mắt ngắm nhìn du khách, nhảy qua, nhảy lại như chào mời; đâu đó có chú chim cổ rắn giật mình vỗ cánh chao nghiêng trên bầu trời xanh thăm thẳm; rồi đến máng dơi với hàng ngàn con kêu chí chóe, thỉnh thoảng túa ra, giang đôi cánh rộng giữa không trung. Tiếng gió rì rào qua những rừng tràm ngập nước, tiếng cá đớp bóng lục bục gần xa, tiếng chim hót gọi đàn, tất cả hòa quyện thành một bản giao hưởng mênh mang mây nước, làm mê đắm tâm hồn khách nhàn du.

Trong VQG còn có các chòi canh của lực lượng kiểm lâm, bảo vệ rừng được xây dựng bằng bê tông khá chắc chắn. Du khách có thể lên đây thả tầm mắt đến cuối đường chân trời, ngắm nhìn toàn cảnh rừng tràm mênh mông bát ngát. Hôm chúng tôi đến làm việc với Ban quản lý VQGUMT, có 3 - 4 nhóm du khách từ Cà Mau, Hậu Giang, TP.Hồ Chí Minh, Cần Thơ đang lúi húi chuẩn bị “đồ nghề” câu cá.

Anh Nguyễn Thanh Vũ cùng một nhóm 6 người từ TP.Hồ Chí Minh về đây, vui vẻ nói: “Giờ có đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương nên về miền Tây, tới trung tâm Rạch Giá chỉ mất non 5 giờ. Từ Rạch Giá thong thả tới VQGUMT chừng hơn 1 giờ đồng hồ nữa. Gần 400 cây số vậy mà vẫn thấy gần vì nơi mình tới quá hấp dẫn. Cứ vài tuần là tụi tôi hùn hạp với nhau đi thư giãn sinh thái kiểu này một lần”.

Rừng U Minh Thượng
Rừng U Minh Thượng


Anh Châu - cán bộ Xí nghiệp in Hồ Văn Tẩu, TP.Rạch Giá - là người câu cá khá chuyên nghiệp, xách theo lỉnh kỉnh đồ nghề gồm cần câu máy, mồi, cơm hộp, nón lá, áo mưa…, chia sẻ: “Mỗi tuần, tôi dành thời gian một ngày để vào đây thư giãn, riết rồi đâm nghiện. Số cá câu được trong một ngày không đủ chi phí đi lại, nhưng thú vị nhất là khi được đắm mình trong dòng nước trong veo, nhìn thấy cá đớp mồi. Công đoạn hấp dẫn nhất là khi cá cắn câu và từ từ kéo lên”.

Theo kinh nghiệm của anh Châu, nơi nào có trảng nước với nhiều bèo tai tượng mà lúc trước là khu vực rừng tràm nguyên sinh bị cháy là nơi có nhiều cá. Đối với cá rô, phải câu từ 9 giờ sáng, cá lóc phải nhấp mồi lúc sáng sớm hoặc về chiều, cá thác lác thì câu giờ nào chúng cũng ăn mồi. Nhờ có kinh nghiệm giăng câu nên mỗi lần đi, anh câu dính mấy chục con cá rô mề và cá lóc, trê...

Đang lúi húi đồ nghề trên đường vào Khu di tích Tỉnh ủy trong VQGUMT, nhưng nhóm của anh San, anh Bình (công chức ở TP.Rạch Giá) kịp nhận ra người quen và chào hỏi. Thấy bộ dạng “dị hợm” của những tay câu này, mọi người tò mò, thì được các anh giải thích: Đi câu cá là phải “khác người” một chút. Nghĩa là phải trang bị đủ thứ đồ nghề, nào là cần câu, cơm hộp, cà phê, thuốc hút, áo mưa, thậm chí cả thuốc uống để có một ngày câu trọn vẹn. Nhưng trước khi hòa mình vào với thiên nhiên ở đây, điều đầu tiên là cần chuẩn bị vớ (tất), bao tay, dây thun… để mang, quấn chặt vào, không thì con vắt tìm tới, chui vô cắn dữ lắm, nhất là lúc trời sáng sớm và hôm nào có mưa.

 Theo nhóm của anh San, anh Bình, lúc đầu, do ở TP.Rạch Giá ít sân chơi lại luôn náo nhiệt, nên họ thường tụ tập nhau rủ nhậu riết rồi mệt. Cách nay hơn 2 năm, các anh rủ nhau thử làm “ngư ông”, vào VQGUMT trước là để thư giãn, sau đem câu theo câu cá cho vui, thêm nữa là được thưởng thức những sản vật vùng quê này.

Thế nhưng, lần đầu tiên vào đây, câu được vài con cá lóc, trê, rô mập ú, đen tròn rồi đem lên thưởng thức tại chỗ thì không còn gì tuyệt vời bằng. Lúc đầu, các anh chỉ dùng những cần câu loại thường, sau đó “nâng cấp” lên để vừa gọn nhẹ vừa dễ câu. Thế là cứ hết tuần này đến tuần khác, các anh lại có mặt ở đây để vừa câu cá, vừa thư giãn sau những ngày làm việc.

Vui là chính

Hầu hết những “ngư ông” mà chúng tôi gặp đều có chung quan niệm: vui là chính. Bởi vì theo nhóm của anh Vũ, nếu tính đi một nhóm 6 - 7 người cho một chuyến đi 3 ngày từ TP.Hồ Chí Minh vào đây để câu, phải tốn từ 3 - 4 triệu đồng cho ăn uống, xăng dầu, ngủ nghỉ…, nhưng giỏi lắm, câu cũng được chục cân cá, giá trị khoảng 1 triệu đồng.

Số cá câu được ăn tại chỗ, số còn lại làm khô, đem về biếu bạn bè, người thân thưởng thức đặc sản vùng đất U Minh Thượng. Bù lại, các anh có chuyến đi rất hữu tình. Nào là được ngắm chim trời, mây nước, thả hồn vào những thước dây câu, thú vị nhất là khi bắt được những con cá trong vùng nước đỏ, đen tròn, dù có đổi bằng nhiều tiền cũng không có được cái thú ấy! Chưa hết, khi màn đêm buông xuống cũng là lúc các anh tự đem những thứ cá chính tay mình câu được ra ven đường dẫn vào khu du lịch, ngồi chụm lại nướng trui, kể những câu chuyện thú vị khi những con cá cắn câu và từ từ được kéo lên, vẫy đuôi làm nước văng tung tóe.

 Thường là nhóm đi câu cá ở các tỉnh, thành phố xa, họ nghỉ đêm ở gần khu du lịch để đêm xuống lắng nghe những tiếng ếch nhái, chim rừng rồi sáng sớm tranh thủ đi câu. Theo các anh, sáng sớm là lúc cá “đói mồi” nên dễ câu hơn, nhất là loại cá lóc.

 “Cá lóc ở đây nướng trui thưởng thức cùng với các loại rau rừng là số một, làm khô là số hai, ăn không kịp để nó chết dọc đường là… số “bét” - anh Vũ hóm hỉnh nói. Khác với nhóm của du khách từ TP.Hồ Chí Minh, nhóm của anh Nguyễn Bình Nguyên ở Cần Thơ thì “hoang dã” hơn.

Anh Nguyên cho biết, lần này nữa là lần thứ năm các anh về đây câu cá, thưởng ngoạn cảnh thơ mộng ở vùng rừng nước mênh mông. Cách đây 3 năm, được người bạn học chung trường rủ đi du lịch ở đây, lúc đầu anh còn nghĩ tiêu cực là tại sao phải vào “rừng” du lịch mà không phải là những thắng cảnh nổi tiếng ở thị xã Hà Tiên hay Phú Quốc. Thấy nhóm bạn rủ hoài nên anh cũng bỏ ra 2 ngày xuống vùng đất U Minh Thượng này xem có gì lý thú.

 “Trên đường đi, tôi nghĩ chắc mấy người bạn đi thăm bạn ở đây chứ vô rừng thì có gì hay. Thế nhưng, khi tụi bạn đưa cần câu, móc mồi, thả câu thử chưa đầy 10 phút, con cá trê vàng to bằng cùm tay cắn dính câu. Lúc đó, tôi chỉ biết nhảy cẫng lên mừng như đứa trẻ lên 5. Thú thật, lúc này tôi mới biết giá trị của chuyến đi như thế nào” - anh Nguyên chia sẻ.

s
 


 Chưa hết, khi hoàng hôn vừa xuống là đến lúc phải dọn đồ nghề để nghỉ ngơi, rồi sau đó cứ đem rượu đế mang theo, cá tự câu, tự nướng thưởng thức, ngon chưa từng thấy. Thế là, lâu lâu, anh Nguyên lại “nhớ rừng” rồi rủ cả nhóm cùng đi câu, vừa thư giãn, vừa ngắm cảnh thiên nhiên trong lành ở đây, vừa có quà U Minh Thượng đem về biếu người thân, bạn bè.

Nhóm của anh Nguyễn Trường Thanh gồm có 6 người ở tỉnh Hậu Giang thì “gọn nhẹ” hơn. Sáng sớm, các anh dùng phương tiện là xe gắn máy, đi khoảng 150km là đến với VQGUMT. Tới nơi, các anh thuê phòng nghỉ trước, phân công một người ở lại phòng để lo “hậu cần”, khi nào khát nước, đói bụng thì “a lô” để người này “tiếp tế”. Theo kinh nghiệm của anh Thanh, trước đây, khi cả nhóm đi câu, không ai lo phần ăn, uống là rất bất tiện. Đồ nghề đem theo lỉnh kỉnh, mang những thứ đó có khi nguội lạnh, có khi không còn gì để mà ăn.

Anh Thanh cho biết: “Có lần lo mê câu, không để ý tới những con khỉ xung quanh. Chúng lấy cơm, cà phê đem đổ ra ngoài hết, khi hay thì không còn cái gì mà ăn”. Cũng vì sợ “Tề Thiên” quậy phá, mỗi lần đi, các anh luân phiên nhau lo hậu cần để vừa nhẹ nhàng di chuyển đến chỗ câu, lại ít bị “rủi ro” khi đàn khỉ xuất hiện. Không chỉ lấy thức ăn, đồ uống, khỉ ở đây còn “chôm” điện thoại của du khách khi để sơ hở.

Câu cá, ngắm nước đỏ U Minh

Rừng tràm U Minh Thượng hiện giờ đang vào mùa nước đỏ. Những dòng kênh, con rạch ở đây nhuộm một màu đỏ bầm tựa như màu trái mồng tơi chín muồi, trông thật kỳ thú, bắt mắt. Đó là nét đặc trưng độc đáo của rừng U Minh Thượng mà cư dân nơi làng rừng này nói rằng “không có nước đỏ, không phải là U Minh”. Những ai chưa từng đến rừng tràm U Minh Thượng khi đặt chân đến đây không khỏi ngỡ ngàng, thắc mắc bởi nước đỏ quạch một màu tự nhiên và nghĩ ngay nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng nề. Nước đỏ là màu nước lá tràm rụng xuống phân hủy, chảy từ trong lâm phần ra, nhưng không bẩn, không ô nhiễm mà ngọt, mát.

Ông Phạm Quốc Dân - Phó giám đốc VQGUMT - giải thích: Lớp than bùn dưới chân rừng tràm U Minh Thượng hình thành trong điều kiện thực vật bị phân hủy, phần lớn là cây tràm do thiếu ô-xi, lâu ngày dài tháng trở thành than bùn, có chức năng giữ nước, lọc nước, tích lũy các-bon.

 Lá tràm rụng nhiều trên mặt đất rừng nên khi gặp mưa xuống phân hủy, ngấm qua than bùn và xuống kênh, rạch nhuộm một màu đỏ thắm, rất tốt cho đời sống của các loài thủy sản nước ngọt. Nước đỏ chảy ra từ than bùn chỉ có ở U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau).

Nơi nào còn than bùn thì nơi đó còn nước đỏ và vùng nào có lớp than bùn dày, trữ lượng nhiều thì nước càng đỏ sậm. Vào mùa mưa, nước nhạt màu hơn; còn mùa khô, nước đỏ đậm do bốc hơi nhanh và sắc xuống dưới kênh, rạch, ao, đìa.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng có tổng diện tích 21.107ha, trong đó vùng lõi là 8.038ha, còn lại vùng đệm là hơn 13.000ha được giao khoán cho hộ dân sản xuất nông - lâm - ngư - nghiệp kết hợp, bình quân 4ha/hộ. Vào mùa mưa hàng năm, nước đỏ trong vùng lõi điều tiết ra ngoài vùng đệm, giúp nông dân sản xuất vụ mùa.

 Một lượng cá giống tự nhiên theo dòng nước đỏ bơi vào đồng ruộng và họ bao ví lại cho chúng sinh sôi nảy nở, phát triển bầy đàn. Vậy là mô hình lúa - cá kết hợp trên đồng đất U Minh Thượng đã nuôi sống nhiều thế hệ cư dân trên lâm phần này trong điều kiện sản xuất còn phụ thuộc vào nước mưa.

Nước đỏ U Minh vừa giúp cây lúa làm nên những mùa vàng bội thu trên đồng ruộng, vừa là môi trường sống thuận lợi, tái tạo nguồn lợi cá đồng cho khoảng 3.200 hộ dân ở vùng đệm U Minh Thượng phát triển kinh tế gia đình, cải thiện và nâng cao đời sống. Những ruộng lúa - cá này mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn lúa và từ hàng trăm kilogram đến vài tấn cá đồng vào mùa khô. Ngoài ra, nước đỏ U Minh Thượng còn giúp cho động, thực vật ở đây phát triển đa dạng, phong phú, góp phần phát triển du lịch sinh thái.

Không chỉ có câu cá…

Ngoài thú vui tao nhã là câu cá, ngắm thiên nhiên, rừng tràm bạt ngàn, du khách về VQGUMT còn được nghe kể nhiều câu chuyện đời thường có thật xảy ra ở địa bàn xã Thạnh Yên A, An Minh Bắc của huyện U Minh Thượng. Nào là chuyện ông nọ “xơi” của quý bà kia; một vợ sống cùng lúc với 2 chồng hoặc ngược lại, một chồng sống cùng 5 bà vợ với mấy chục đứa con. Nhưng ly kỳ nhất vẫn là chuyện “đánh vợ thằng bạn và đổi vợ”. Chẳng qua là vầy: Số là ở vùng nông thôn, thường lúc rảnh rỗi việc đồng áng, người dân hay tổ chức uống rượu và mời vài người bạn hàng xóm đến nói chuyện mùa màng.

 Một ngày nọ, nhà anh H. (ấp Hỏa Vàm, xã Thạnh Yên A, U Minh Thượng) tổ chức tiệc nhậu, mời bạn bè đến chơi, trong đó có anh K. Trong lúc đang vui vẻ “chén chú, chén anh” thì vợ của anh H. từ nhà bếp lên cằn nhằn và cho rằng chồng không chịu đi ra đồng thăm ruộng mà cứ ở nhà nhậu nhẹt hoài.

 Thấy vợ của bạn nói những lời lẽ khó nghe trước đám bạn nhậu, anh K. tỏ vẻ không hài lòng, quay sang nói với anh H.: “Sao mày không “dạy” vợ vài bạt tai cho bỏ cái thói nói năng hỗn láo với chồng?”. Anh H. từ tốn đáp: “Tôi không dám đánh vợ đâu ông ơi, có ngon thì ông đánh giùm tôi đi”. Như chỉ chờ có vậy, anh K. liền đứng lên, xông thẳng đến vợ anh H. đánh mấy bạt tai như trời giáng khiến vợ của bạn té xuống sông.

Sau khi được mọi người can ngăn, vợ của anh H. phải đi bệnh viện để điều trị. Điều trị về, vợ anh H. và cả anh chồng cùng đứng đơn kiện anh K. về tội cố ý gây thương tích. Lúc đầu, anh K. một mực khẳng định mình không hề có tội vì “được phép” của thằng bạn mới ra tay đánh, chứ đâu có khi không mà đánh. Thế nhưng, sau khi được chính quyền địa phương giải thích, cuối cùng, anh K. mới thừa nhận hành vi của mình là không đúng.

Ông Trần Văn Út - Trưởng ban lãnh đạo ấp Hỏa Vàm - thuật lại câu chuyện mà cười ngất: “Lúc xảy ra chuyện, ai nấy cũng mất hồn vía. Vì anh H. tưởng đâu K. nói chơi nên không để ý, nhưng khi anh K. đứng lên và có hành động mạnh tay với vợ bạn thì không ai trong bàn nhậu kịp trở tay. Bởi vì anh K. có thân hình hộ pháp gần 80kg, còn vợ thằng bạn cân nặng cỡ phân nửa”.

Chú Ba Thành - phụ trách Mặt trận ấp Hỏa Vàm - cho biết là đã gần 70 tuổi và cũng nhậu nhiều vô kể với bạn bè nhưng chưa hề chứng kiến vụ K. đánh vợ thằng bạn nhập viện. Chú Ba cười khà khà: “Câu chuyện xảy ra không chỉ có cái ấp này mà cả xã, cả huyện U Minh Thượng đều biết, tui cũng chỉ mới thấy lần đầu tiên trong đời”.

Ông Đặng Xuân Thắng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Yên A - cho biết thêm: “Khi sự việc xảy ra, lúc đầu chúng tôi tưởng mấy ông nhậu vẽ chuyện chứ đời nào có chuyện cười ra nước mắt như vậy. Thế nhưng, khi nghe báo là thật, tôi cử người xuống xác minh làm rõ. Cũng may là anh K. đã biết lỗi, qua tận nhà xin lỗi, bồi thường tiền thuốc thang cho vợ của bạn nên cũng êm xuôi. Có lần nhậu chung, tôi hỏi sao vợ thằng bạn mà đánh dữ quá vậy. Lúc đầu K. cũng ngại, nhưng anh ta nói rằng cũng do có rượu, không kiềm chế được nên mới đánh, bây giờ nhắc lại cũng quê lắm chứ”.

Không chỉ câu chuyện đánh vợ thằng bạn lan ra cả huyện mà chuyện “đổi vợ” cũng hấp dẫn không kém người nghe. Trên chiếc giường được chủ nhân hạ mấy cây tràm phía sau nhà để xả ván đóng, lâu lâu nghe “rắc” một cái qua những tiếng cười nghiêng ngửa mỗi khi trong bàn nhậu có ai đó nhắc lại chuyện hai ông hàng xóm đổi vợ với nhau. Tại căn nhà dựng cột tràm, lợp lá nằm ngoài đồng thuộc Kênh Giữa của ấp Thành Phụng, xã Đông Hưng, huyện An Minh (cách xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng khoảng 2km), nhiều người biết về câu chuyện đổi vợ đang nói cười rôm rả.

Chúng tôi không tin chuyện đó là có thật nên một trong nhóm người trên bàn nhậu liền điện thoại cho một anh cán bộ hiện phụ trách công tác Mặt trận của xã, trước đây nguyên là Chủ tịch UBND xã An Minh Bắc để xác nhận. Nhắc lại câu chuyện ấy, anh cán bộ này cười muốn sặc khi đang hớp ly rượu. Anh này rành đến từng chi tiết một.

 Bởi vào thời điểm hai người đàn ông ở Kênh 16, ấp Minh Hưng (cách xã An Minh Bắc 10km) đổi vợ với nhau, lúc đó anh là Bí thư xã đoàn nên không thể “bỏ qua” thông tin “đặc biệt” mà không tìm hiểu cặn kẽ câu chuyện.

 Câu cá, ngắm nước đỏ U Minh
Câu cá, ngắm nước đỏ U Minh


Hai người đàn ông vì hoàn cảnh khó khăn nên được cấp đất trong vùng đệm U Minh Thượng để lập nghiệp. Do ở vùng kinh tế mới, đường sá đi lại rất khó khăn, cho nên ai về đây cũng nghèo khó nên đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Cũng vì vậy, hai gia đình về đây sống gần nhau nên cả hai thân với nhau hồi nào cũng không biết. Anh T. nhờ có trình độ học vấn nên được xã An Minh Bắc chọn làm tài chính ấp để tiếp ngành thuế thu thuế nông nghiệp trong dân, còn anh V. thì tối ngày chỉ lo việc đồng áng để biến mảnh đất còn nhiễm phèn trở thành trù phú, giúp gia đình thoát nghèo.

Nhờ có công việc, anh T. hàng ngày giao tiếp với nhiều người nên khiếu ăn nói cũng lưu loát hơn. Cũng vì cái tính hay nói, nên có lần nhậu cao hứng, anh bảo với bạn mình “đổi vợ” để làm mới. Nghe bạn nói, anh V. chỉ cười đùa, bởi theo anh thì bạn bè thân nhau nói chơi cho vui trong bàn nhậu, chứ ở đời, ai mà làm chuyện gì kỳ vậy. Thế nhưng, những câu nói đùa “tai hại” ấy có ngày đã trở thành hiện thực.

Thành quả sau buổi đi câu
Thành quả sau buổi đi câu


Anh cán bộ xã này lại tiếp tục câu chuyện: “Nghe chuyện đã thành thật, chúng tôi cũng không hình dung ra được câu chuyện đó. Bởi vì, vào thời điểm đó, cả hai đã có con, có cuộc sống riêng tư rồi”.

Để xác định thêm thông tin, chúng tôi đến UBND xã An Minh Bắc, thì được nghe nhiều người quả quyết: Chuyện đổi vợ là hoàn toàn có thật. Sau khi “đổi vợ”, do vợ anh T. “xấu” hơn nên phải “bù” cho anh V. hơn 1 cây vàng 24k. Con của ai thì đi theo vợ người đó. Sau khi “đổi vợ” thành công, anh V. ở lại ngay mảnh đất được cấp, còn anh T. và vợ con của anh V. thì dắt nhau xuống chiếc xuồng rồi chèo đi nơi khác lập nghiệp. Bây giờ, họ cũng đã có con với nhau, nhưng theo cán bộ lãnh đạo xã An Minh Bắc xác nhận thì 100% là cả hai anh T. và V. trước khi lấy vợ không hề có đăng ký kết hôn và “vợ mới” bây giờ cũng vậy.

Theo một cán bộ xã An Minh Bắc, hiện giờ họ đã chung sống với nhau như vợ chồng rồi, ai cũng biết và ngay cả họ hàng hai bên cũng đồng ý nên chuyện đăng ký kết hôn hay không thì phía xã chỉ tuyên truyền mà họ không lên xã đăng ký thì cũng chịu. Nhưng, nếu sau này, con của họ muốn làm giấy khai sinh, phải có giấy đăng ký kết hôn giữa hai người thì xã mới giải quyết.

Khi tôi chia tay để trở về TP.Rạch Giá, một cán bộ lãnh đạo huyện U Minh Thượng nói: “Nói nghe chơi thôi, nhà báo ơi. Có đăng báo thì nhớ quảng cáo giùm đến khách du lịch gần xa hãy đến với VQGUMT thăm thú cảnh rừng thiên nhiên hoang dã, câu cá trong tán rừng tràm hay thưởng thức bánh xèo nhân thịt chuột đồng chỉ có ở U Minh Thượng, hoặc tới địa bàn mới sản xuất loại mắm cá lưỡi trâu ăn rất ngon nhé...”.

 Sau một tuần làm việc mệt nhọc, rời phố thị về với mênh mông sông nước rừng tràm và thả hồn thư giãn với thú vui tao nhã được làm nông dân thứ thiệt giữa rừng tràm thì còn gì thú vị hơn là cảm giác vừa được thưởng thức những món ăn đặc sản “hương đồng gió nội” như: cá lóc nướng trui cuốn rau sống, bánh tráng chấm nước mắm me, cá rô rừng to bằng bàn tay nướng lụi, cá thác lác chế biến thành 5 món… nhâm nhi với rượu đế miền Tây Nam bộ, lại vừa có quà thiên nhiên tươi rói mang về làm quà tặng cho bạn bè, người thân trong gia đình và còn được nghe những câu chuyện vui ở vùng đất U Minh.

Khu du lịch hồ Hoa Mai tuy chưa thật sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng, song chính nét hoang sơ và những đặc sản thuần tự nhiên, cùng với cảnh sắc thiên nhiên trong lành, thơ mộng sẽ níu chân du khách khi một lần đến đây.

Gia Bảo
[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn