Mãng xà vương rừng U Minh Hạ

( PHUNUTODAY ) - Lúc đã hoàn hồn, ông Hai mới kể rằng, con mãng xà vương đó#160; dài gần 20 mét, với kích cỡ đó thì nó nặng không dưới 200 ký, cỡ ông và mấy con chó săn không đủ làm mồi cho nó…nhét kẽ răng.


Từ thành phố Cà Mau, chạy xe gắn máy chưa đầy nữa giờ là đến huyện U Minh, cũng là nơi bắt đầu những cánh rừng tràm bạt ngàn của rừng U Minh Hạ. Sau nhiều thăng trầm do nạn cháy rừng, do bàn tay con người tàn phá, hiện nay rừng U Minh Hạ chỉ còn diện tích hơn 55.000 ha đất rừng tràm, trong đó có Vườn Quốc gia U Minh Hạ rộng 8.286 ha.

Trong số này chỉ có 1.600 ha rừng tràm nguyên sinh tự nhiên ở Vồ Dơi, phần còn lại là rừng trồng. Trong khoảng rừng nguyên sinh Vồ Dơi thuộc xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, gần như có đủ mặt các loài động thực vật đặc trưng của hệ rừng tràm ngập nước U Minh: động vật có heo rừng, nai, tê tê, rái cá, rắn hổ mang chúa, rắn hổ mây, trăn; thực vật có tràm, trâm, móp, mật cật, dương xỉ, ráng, choại, dớn…

Theo các kiểm lâm viên Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho đến nay chưa ai điều tra cụ thể số lượng chim, thú trong vườn nhưng có thể nói là khá dồi dào do động vật ở các cánh rừng của lâm trường bị con người săn bắt, tác động nên dồn về đây và khu này từ trước đến giờ được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

Đến rừng U Minh Hạ, ngồi nhâm nhi rượu đế pha mật ong rừng với cá lóc nướng trui, người ta có thể nghe các kiểm lâm viên và người dân sinh sống dưới tán rừng kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất hết sức kỳ bí, huyền hoặc về rừng tràm U Minh. Nhưng những câu chuyện về loài rắn hổ mây khổng lồ, loài vật được kiểm lâm và dân chúng mệnh danh là “chúa tể rừng tràm”, nghe tới đâu nổi da gà tới đó.

Những câu chuyện về mãng xà vương

Một chiều cuối tháng 4 trời mưa lắc rắc, chúng tôi và những kiểm lâm viên xúm xít quanh một bàn nhậu dã chiến giữa rừng tràm với rượu đế cay xé họng, rau rừng và cá lóc nướng trui. Tiệc nhậu còn có sự tham gia của nhiều người dân cả đời sống dưới tán rừng, trong đó có nhiều bậc bô lão từng sống chết gắn bó với rừng U Minh qua nhiều cuộc thăng trầm.

Ông Tư Nhớt ở xã Trần Hợi, một thợ săn lão luyện, nói những câu chuyện huyền bí về rừng tràm U Minh Hạ nếu vừa lai rai rượu đế vừa ngồi kể cả tháng trời cũng không thể hết. Nhưng những người quanh bàn nhậu cam đoan rằng, U Minh Hạ chính là vương quốc bất khả xâm phạm của loài rắn hổ mây khổng lồ, loài vật được tôn là mãng xà vương của rừng U Minh với danh tiếng lẫy lừng đã truyền tụng qua hàng trăm năm.

Ông Tư Nhớt nói, trước đây bác Ba Phi (một kỳ lão của xứ U Minh, người được tôn xưng là tay đại nói dóc nổi tiếng xứ Nam kỳ lục tỉnh) kể hồi xưa trong rừng U Minh Hạ có những con rắn hổ mây khổng lồ không biết sống từ thời nào, chỉ biết khi nó say mồi nằm ngủ trong rừng, mấy ông thợ săn len lén tới ôm thử thì chu vi vòng bụng hết ba vòng tay người lớn. Con rắn giựt mình thức dậy, đầu cất cao khỏi ngọn cây rừng, hả miệng toang hoác khiến chim chóc tưởng thân cây nên đậu trên đầu và làm tổ trong miệng, bị nuốt chửng.

 Mới nghe chuyện con rắn hổ mây của bác Ba Phi, ai cũng nói là chuyện xạo, chuyện tiếu lâm bàn nhậu, nhưng với những bậc kỳ lão chuyên nghề săn bắn, nếu trừ đi những phần thêm mắm dặm muối của dân ăn nhậu thì những con rắn hổ mây khổng lồ của rừng U Minh là chuyện hoàn toàn có thật.

Ông Tư Nhớt và nhiều người sống lâu năm, cố cựu ở xứ  U Minh nói rằng, họ từng chạm trán những con rắn hổ mây to như cột đình, lướt đi trong rừng ào ào như những trận cuồng phong, đầu cất cao hơn ngọn cây tràm.

Người dân U Minh còn kể chuyện những con rắn hổ mây khổng lồ vào mùa khô bò đi tìm những đoạn kênh cạn nhung nhúc cá, dùng đầu đuôi quấn vào thân cây tràm mọc hai bên bờ kênh, phần thân thì thả võng xuống đong đưa tát cạn nước để bắt cá ăn. Ông Hai T., người có trên ba mươi năm gắn bó với rừng tràm U Minh, nói đã nhiều lần nghe tiếng rắn khổng lồ tát nước rào rào trong rừng để bắt cá nhưng không đủ can đảm đến gần để xem tận mắt, vì nếu bị nó phát hiện thì chỉ có nước “đoàn tụ ông bà”. Anh Chín một cán bộ kiểm lâm Cà Mau, kể chuyện cách nay mấy năm anh đã trực tiếp chạm trán mãng xà vương giữa rừng U Minh.

Hôm đó là một ngày oi bức, nắng chang chang như đổ lửa, anh Chín và một đồng đội dùng xe gắn máy đi tuần tra trong rừng theo những tuyến đường băng cản lửa chống cháy rừng. Khi hai anh em đến gần giữa ruột rừng đặc dụng Vồ Dơi thì anh Chín nhìn thấy một khúc cây đen sì to tổ bố nằm vắt ngang con đường.

 Anh Chín bảo đồng đội chạy xe đến để dẹp khúc cây sang một bên, nhưng khi đến gần nhìn kỹ thì anh Chín rụng rời tay chân, mặt cắt không còn hột máu khi phát hiện khúc cây đó vảy lấp lánh, đích thị là phần thân của một con rắn khổng lồ. Người đồng đội đi cùng anh Chín cũng run như cầy sấy khi nhìn thấy con rắn, hai tay cầm không vững tay lái chiếc xe gắn máy, nên để nó ngã cái rầm.

Hai kiểm lâm viên xanh mặt sợ hãi cũng phải, vì con đường đất rộng tám mét mà con rắn nằm vắt ngang không thấy đầu, đuôi đâu cả, chỉ thấy đoạn thân giữa to cỡ cái gối ôm của người lớn. Là người chuyên nuôi trăn nên anh Chín biết với kích cỡ như vậy thì con rắn khổng lồ này nặng ít nhất là vài trăm ký và dài không dưới chục mét.

 “Nếu không thắng xe lại kịp, cán qua con rắn thì hai chúng tôi té xe và bị nó nuốt chững tức thì. Nhưng vì cái xe bị ngã, con rắn nghe động ngóc đầu lên cao hai ba mét, phùng mang to bằng cái nia phun phì phì, hai con mắt vàng khè dòm chúng tôi một hồi khiến hai anh em tôi mặt xanh như tàu lá, không dám nhúc nhích. Nhưng chắc bụng con rắn đã no nên nó lặng lẽ bò vào rừng. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy một con rắn khổng lồ như vậy”, anh Chín nói mà tay run run bưng ly rượu đế làm một hơi cạn tới đáy.

Với cánh thợ săn, thợ ăn ong rừng U Minh, nhiều người đã từng chứng kiến cảnh những con rắn hổ mây khổng lồ quăng mình lướt đi trong lau, sậy nghe ào ào như cuồng phong kéo tới. Những câu chuyện của cánh thợ săn, những bậc kỳ lão rừng U Minh về rắn hổ mây khổng lồ còn kinh hoàng hơn chuyện của anh Chín kiểm lâm.

 Ông Tư Nhớt kể, một lần khi ông dẫn bầy chó đi săn trong rừng tràm U Minh Hạ đã phát hiện được ổ rắn khổng lồ nằm trên một nỗng đất cao, bên trên chằng chịt dây chọai, dớn. Cái ổ rắn nền đất bóng láng, đường kính rộng hơn 5 mét.

Nhìn cái ổ rắn, ông Tư Nhớt biết ngay là mình đã vô tình bước vào giang sơn của loài rắn hổ mây khổng lồ. Đối với cánh thợ săn, rắn hổ mây khổng lồ rất độc và là chúa tể rừng tràm nên ai cũng e dè, khiếp sợ, tránh càng xa càng tốt.

Khi nhìn thấy ổ con rắn khổng lồ và những hòn phân rắn to bằng bắp chân người lớn rải rác xung quanh ổ, ông Tư Nhớt mặt xanh như tàu lá, chân tay bủn rủn và im lặng tháo lui.
Bầy chó săn chiến đấu của ông cũng ngậm tăm cụp đuôi bám theo chủ rút ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhớ lại chuyện xưa, ông Tư nói hôm đó nếu chạm mặt con rắn thì cả ông và bầy chó chục con đều trở thành mồi bén cho mãng xà vương.

Chuyện chạm mặt mãng xà vương của ông thợ săn kiêm thầy rắn Hai Sanh ở xã Trần Hợi còn kinh hoàng hơn. Sau nhiều lần đám con cháu của ông đi rừng gặp rắn hổ mây khổng lồ nên hoảng hồn bỏ chạy tán loạn, về báo lại với ông nhưng ông không tin. Ngày nọ, ông Hai nai nịt cẩn thận, tay cầm cây mác vót cán dài, lưỡi sáng quắc bén ngót, miệng chóc lưỡi kêu bầy chó săn sáu con rất thiện chiến băng rừng tìm mãng xà vương.

 Đi từ sáng tới giữa trưa, vào tận ruột rừng già mà chẳng thấy tăm hơi mãng xà vương ở đâu, nên ông Hai quyết định tìm bóng mát nghỉ ngơi, ăn cơm lấy sức. Nắm cơm mở ra chưa kịp ăn, kiểm lại quân số thì thấy thiếu mất một con chó, ông Hai chóc lưỡi gọi mà chẳng thấy con chó sủa gâu gâu đáp lại như mọi khi. Kêu năm hồi mười hiệp, bất ngờ ông Hai nghe con chó la ăng ẳng tuốt trên ngọn cây tràm cao hơn chục mét.

Ngước mắt nhìn lên, ông Hai tá hỏa tam tinh khi nhìn thấy mãng xà vương khổng lồ thân xám mốc dựng đứng thân mình và đầu dọc theo thân tràm, miệng ngậm ngang lưng con chó săn quơ qua lắc lại, mang phùng ra, mắt vàng khè hăm dọa. Dù là một thầy rắn lâu năm và thợ săn có hạng nhưng nhìn cảnh mãng xà vương làm thịt con chó săn tuốt trên ngọn cây tràm, ông Hai mặt cắt không còn giọt máu, tốc giò kéo bầy chó săn bỏ chạy khỏi rừng.

 Lần gặp rắn khổng lồ đó ông Hai ngã bệnh nằm một chỗ gần một tháng trời. Khi khỏi bệnh, ông Hai tuyên bố giải nghệ, không làm thợ săn, không làm thấy rắn nữa. Lúc đã hoàn hồn, ông Hai mới kể rằng, con mãng xà vương đó  dài gần 20 mét, với kích cỡ đó thì nó nặng không dưới 200 ký, cỡ ông và mấy con chó săn không đủ làm mồi cho nó…nhét kẽ răng.

Một con mãng xà rừng U Minh nặng hơn 20 kg đã bị ngâm rượu
Một con mãng xà rừng U Minh nặng hơn 20 kg đã bị ngâm rượu

Ông Ba Hoàng và vợ ông thì chạm mặt mãng xà vương trong trường hợp rất buồn cười, nhưng cười ra nước mắt. Hôm đó ông ba và vợ ông vô rừng lấy mật ong, đốn sậy về bán. Đang đốn sậy bỗng bà Ba thấy cái đuôi rắn to bằng bắp chân nằm trong đám sậy, liền nhảy vào ôm chặt rồi kêu chồng: “Con trăn bự quá ông ơi, đến tiếp tôi bắt nó”. Nghe vợ kêu bắt được con trăn bự, ông Ba chắc mẫm phen này kiếm được vài triệu đồng, nên vội vàng len qua rừng sậy tìm cái đầu con trăn để chặn nó lại.

Chẳng ngờ khi chạm mặt “con trăn”, ông Ba điếng hồn, nó không phải là trăn mà là con rắn hổ mây lớn khủng khiếp, từ hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ ông chưa từng thấy. Con rắn hổ mây bị bà Ba ôm chặt đuôi đã giận dữ, nay thấy ông Ba xuất hiện chặn đầu, liền ngóc đầu lên cao khỏi ngọn sậy, phùng mang phun phì phì rồi hả họng đỏ lòm định táp ông Ba.

Thấy con mãng xà phùng mang chuẩn bị tấn công, ông Ba hồn phi phách tán cắm đầu bỏ chạy, bà Ba nhìn thấy con rắn quá lớn ngóc đầu cao hơn ngọn sậy cũng kinh hoàng vừa la làng vừa hộc tốc chạy theo theo chồng.

Cho đến giờ này, hai vợ chồng ông Ba cũng không hiểu tại sao hôm đó mãng xà vương không ăn thịt họ. Mỗi lần nhắc chuyện vây bắt mãng xà vương mà lầm tưởng con trăn, ông ba Hoàng và vợ đều cười rũ rượi, nhưng cười một hồi thì nước mắt chảy ròng ròng, khóc hu hu vì mừng cho việc không bị xà vương ăn thịt.

Những bậc cao niên ở rừng tràm U Minh Hạ nói rắn hổ mây khổng lồ trong rừng rất nhiều, nên mỗi người thấy mỗi kích cỡ khác nhau. Nhưng cho đến nay chưa ai thống kê và đếm được số lượng của loài mãng xà này, vì căn bản là không ai đủ dũng cảm để đi tìm và đối mặt với nó để xin được…làm công tác thống kê họ hàng của mãng xà vương.

Nhưng nhiều kiểm lâm viên nói, hiện nay loài mãng xà khổng lồ này sinh sống tập trung tại vùng rừng nguyên sinh thuộc Vườn Quốc gia U Minh Hạ với những cánh rừng tràm nguyên sinh tồn tại hàng chục, hàng trăm năm chưa có tác động từ bên ngoài và đang được bảo vệ nghiêm ngặt. Nhiều kiểm lâm viên nói rằng, dấu vết di chuyển của rắn hổ mây khổng lồ lâu lâu lại xuất hiện trên các con đường mòn ẩm ướt trong rừng, con nhỏ nhất bề ngang của vết bụng in trên đất đo được hơn 3 tấc, chứng tỏ nó nặng không dưới 50 ký. Rất nhiều lần mãng xà vương đã đến sát chòi canh của lực lượng kiểm lâm để săn mồi.

Lúc đó, khoảng  cách giữa người và rắn chỉ có vài mét hoặc cách nhau một con kênh nhỏ. Nhiều kiểm lâm viên nói, khi phát hiện mãng xà vương mọi người đều nín thở nằm im, bởi trong lúc xà vương săn mồi, chỉ cần một tiếng động nhỏ thì họ khó tránh khỏi cảnh làm mồi cho rắn dữ.


Những câu chuyện về mãng xà vương rừng U Minh Hạ đã thôi thúc chúng tôi tìm cách chạm trán với những con rắn khổng lồ. Những người dân và nhân viên kiểm lâm ban đầu còn e ngại, nhưng cuối cùng có lẽ do bị hơi men làm hưng phấn, cộng với những lời lẽ khích bác lẫn nhau, nên cuối cùng họ đồng ý giúp chúng tôi đi tìm rắn, với điều kiện: Nếu có gì bất trắc thì mạnh ai nấy chạy, thân ai nấy lo, ai sống chết mặc ai, bởi nếu bị rắn cắn thì chạy trời cũng không thoát chết vì nọc rắn rất độc.

 Họ hẹn đến đêm sẽ đi tìm rắn, vì loài này thường săn mồi từ giữa đêm đến rạng sáng, nên đám bạn tôi chuẩn bị lỉnh kỉnh nào là máy quay phim, máy chụp ảnh kỹ thuật số có hồng ngoại... và hồi hộp chờ đêm xuống.

Trời vừa sụp tối thì chúng tôi theo chân một cán bộ kiểm lâm đến một chốt  giữ rừng cơ động nằm giữa ruột rừng U Minh Hạ, bất chấp muỗi rừng bu đen đặc xung quanh.

Theo các kiểm lâm viên, ở chốt giữ rừng này rắn hổ mây thường lởn vởn xung quanh để kiếm mồi, hình như bọn mãng xà khổng lồ đang dòm ngó bầy chó cỏ của anh em trong chốt thả nuôi. Một kiểm lâm viên cho biết, chưa đầy nữa tháng trước, vào buổi trưa khi đứng quan sát rừng từ chòi canh lửa, anh nhìn thấy một con rắn hổ mây rất lớn bò tới bò lui trên bờ kênh cách chốt chưa đầy 50m. Lập tức mọi người được thông báo để chuẩn bị đối phó, nếu con rắn khổng lồ liều mạng xông vô chốt bắt chó. Nhưng con rắn chỉ bò tới bò lui thị uy một hồi rồi sau đó quay đầu tiến thẳng vào rừng sâu, lúc này mọi người mới hết căng thẳng, thở phào nhẹ nhõm. Anh kiểm lâm viên cho biết, từ trên cao nhìn xuống thấy cái đầu rắn to bằng cái chén, thân hình vàng vàng, xám mốc dài hơn chục mét, nên có thể nói con rắn nặng không dưới 30 kg.

“Nhưng con rắn đó chắc chỉ thuộc hàng cháu chắt của mãng xà vương. Hôm trước, anh em kiểm lâm ở chốt giữ rừng Kênh Đứng đã phải làm đơn xin lãnh đạo cho rút quân về vì suốt một tháng liền có một con mãng xà khổng lồ ước nặng hơn 50 kg cứ quanh quẩn ở những vạt rừng xung quanh chốt kiểm lâm, làm đủ mọi cách để xua đuổi mà nó không chịu đi. Nó chưa tấn công kiểm lâm, nhưng ban đêm xông vô sát chốt săn mồi khiến cả chốt không ai ăn ngon, ngủ yên vì không biết khi nào mình sẽ trở thành mồi ngon của mãng xà”, anh kiểm lâm viên cho biết.

Nhiều kiểm lâm viên nói, tiếng là chốt giữ rừng nhưng thật ra đó chỉ là một cái chòi nhỏ, chỉ có cái mái lợp tôn, bốn bề trống trơn không phên vách, bên trong chỉ có một chiếc giường dã chiến cho bốn người giữ rừng trú ngụ.

Vũ khí của họ chỉ có mớ dao rừng, đèn pin, đèn pha xài bình ắc-quy, vài cái mùng mền, máy bộ đàm. Với những trang bị đơn giản như vậy, nếu mãng xà vương tấn công, thì các kiểm lâm viên chỉ có một giải pháp duy nhất là “tẩu đào vi thượng”, nếu chạy không kịp thì đành nhắm mắt xuôi tay làm mồi cho rắn dữ.

 Nhưng cũng còn may là từ trước tới nay mãng xà vương chỉ tấn công đám chó cỏ của kiểm lâm và người dân trong vùng thả nuôi, chưa xơi tái thịt người lần nào. Chính vì vậy mà suốt mấy ngày ở trong rừng U Minh tôi chẳng thấy nhà nào thả nuôi chó, đơn giản là vì nuôi bao nhiêu đều bị rắn hổ mây rình bắt ăn thịt hết bấy nhiêu.

Ở chốt giữ rừng Kênh Đứng, anh em kiểm lâm viên ai cũng run giọng khi kể chuyện mãng xà vương hoành hành. Một kiểm lâm viên tên T. kể, tối hôm đó mấy anh em đang ngồi trên chiếc giường độc nhất của chốt trò chuyện, uống nước trà, hút thuốc vặt thì bỗng nhiên nghe phía bên kia bờ kinh xáng rộng chừng 10m có tiếng kêu thất thanh của con chồn.

Anh em bàn nhau, chắc con chồn bị mắc bẫy cò ke giăng hồi chiều nên lấy đèn pha đi gỡ, đinh ninh hôm sau có bữa thịt tươi cải thiện. Ra soi bẫy thì không thấy con chồn, trong khi tiếng con chồn vẫn la thất thanh gần đó, nên mấy người đều cho rằng con chồn bị trăn bắt sống.

Nếu như vậy thì xúm nhau lại vừa bắt được con chồn và bắt luôn con trăn. Nhưng soi đèn tới đâu  thì nghe tiếng ào ào của lau sậy và tiếng gãy của cây khô vang lên đến đó khiến mọi người rùng mình, vì ai nấy đều biết con trăn không khi nào ngậm con chồn bỏ chạy, trong khi đó tiếng lau sậy gãy vang tới đâu thì tiếng con chồn kêu thất thanh tới đó, dọc theo bờ kinh xáng.

 Nhưng mọi người vẫn soi đèn bám theo hướng di chuyển của con chồn, đến một lùm tràm cổ thụ cao khoảng 8m cách chốt gác rừng chừng 20 m thì con chồn hết la, tiếng lau sậy rung ào ào cũng không còn. Khi ánh đèn pha rọi lên ngọn những cây tràm, mọi người há hốc miệng đứng chết trân, không ai dám nhúc nhích khi thấy trên ngọn cây là một con rắn hổ mây khổng lồ, miệng ngậm con chồn và đang nhìn xuống đám nhân viên kiểm lâm bên dưới.

 “Lúc đó ai nấy tá hỏa tam tinh, nhưng tui vẫn kịp nhìn thấy hai mắt con rắn rất lớn bắt đèn pha đỏ như máu, thân mình nó to như thân cây dừa. Anh em chúng tôi vội vàng tắt đèn, nháo nhào băng rừng bỏ chạy về chòi. Đêm đó mấy anh em tui ai cũng thức tới sáng, sợ con rắn quay trở lại trả thù”, kiểm lâm viên tên T. kể lại.

Mấy ngày sau không thấy con rắn xuất hiện, nhưng rồi nó quay lại thật. Kiểm lâm viên tên K. kể, một buổi chiều chạng vạng khi anh đang câu cá dưới bờ kinh thì nghe phía bìa rừng bên kia kinh xáng lau sậy rung ào ào như dông gió tới, nhưng lúc đó cây rừng im phăng phắc vì đứng gió. Linh tính có chuyện không hay, anh K. quăng cần câu nhảy lên bờ, hô hoán anh em trong chốt ra tiếp ứng.

 Mọi người xách đèn pin chạy ra soi qua bên kia kinh xáng xem vật gì gây náo động đám lau sậy thì rọi ngay vào mắt của con rắn khổng lồ. Nó nhìn thẳng vào ánh đèn pin, đầu từ từ dựng đúng lên cao, mang bành ra, miệng phun phì phì nghe rợn tóc gáy. Nhìn thấy con mãng xà vương, cả đám hò nhau bỏ chạy thục mạng vô chốt, gom hết đồ đạc băng rừng đêm về trạm trung tâm.

 Anh K. nói, không biết con rắn lớn cỡ nào vì không đủ can đảm soi đèn xem suốt thân mình nó, nhưng với khoảng cách giữa hai mắt của con rắn gần 2 tấc, khúc thân chỗ cổ rắn cỡ thân cây chuối to, thì con mãng xà lần này lớn gấp mấy lần con rắn bắt con chồn hôm trước.

 Lần thứ hai chạm trán con rắn khổng lồ, cả chốt không ai còn đủ tinh thần để bám trụ giữ rừng, không ai chịu quay trở lại chốt mà đề nghị cấp trên cho chuyển sang địa bàn khác.

 Không có lực lượng thay thế nên lãnh đạo ngành kiểm lâm đã đưa ra giải pháp là dùng lưới B40 để bao bọc xung quanh cái chòi gác rừng nhằm bảo vệ mọi người tránh sự tấn công của mãng xà vương, nhưng các kiểm lâm viên phản đối. Họ nói, thà để căn chòi trống bốn bề, mãng xà có tấn công thì chỉ táp được một người, những người còn lại có cơ may chạy thoát. Nếu rào lại, lưới B 40 cũng chẳng có tác dụng gì với con rắn khổng lồ, ngược lại khi rắn tấn công, mở được rào B 40 xong là nó đã điềm nhiên xơi tái từng người một. Chuyện leo lên chòi canh lửa cao 8 mét để tránh mãng xà vương cũng hoài công vì anh em kiểm lâm đều biết rõ, rắn hổ mây leo trèo giỏi và rất nhanh.

Anh T. lắc đầu: “Với những con rắn dài chừng 20 mét thì chòi canh lửa cao 8m nhằm nhò gì nó. Nó chỉ cần vươn mình lên chút xíu thì đã đủ sức ngoạm cổ mấy anh em tui rồi. Hơn nữa, leo lên đó rồi chỗ đâu nữa mà chạy, không lẽ nhảy xuống đất cũng chết ?”.

Nhưng khi chúng tôi đề nghị bố trí để có thể một lần chạm mặt và ghi lại hình ảnh những con rắn hổ mây mãng xà vương khổng lồ thì tất cả kiểm lâm viên đều lắc đầu từ chối. Họ nói, mọi người đang sợ nó gần chết, cầu trời khẩn phật, xin thần rừng làm cho nó đi khuất mắt mà bây giờ kiếm cách dụ cho nó về nữa là sao ? Lỡ nó không thèm mồi nhử mà thèm chén thịt kiểm lâm viên thì sao? Nhưng năn nỉ mãi, cuối cùng các kiểm lâm viên và người dân cũng đồng ý mua vịt về nhử mồi cho rắn ra.

Nhưng suốt mấy đêm liền canh rắn, những con mãng xà vương của rừng tràm U Minh Hạ cũng không chịu xuất hiện. Những kiểm lâm viên nói với chúng tôi, hình như mồi nhử bằng vịt không đủ cho rắn nhét kẽ răng, phải có mấy con chó cỏ nhử mồi thì may ra rắn sẽ xuất hiện. Nhưng giữa rừng sâu, kiếm đâu ra chó trong khi những nhà dân ở bìa rừng đều không ai dám nuôi một con chó nào.

Chúng tôi bàn nhau hôm sau thay đổi mồi bằng con mèo, nên trời vừa sáng phải lội bộ mấy cây số đường rừng ra khu dân cư để năn nỉ người dân bán cho con mèo nặng trên 3kg.

Theo hướng dẫn của các thợ săn, chúng tôi để con mèo còn sống nguyên, buộc trên thân tràm cho nó giống con chồn để mèo kêu meo meo thu hút rắn đến, nhưng một lần nữa vẫn thất bại. Có điều đáng ngạc nhiên là trong lúc mãng xà vương dứt khoát không xuất hiện thì ở khu vực rừng xung quanh chốt gác, lâu lâu lại thấy rắn hổ mây to chừng 4 kg- 5 kg bò tới bò lui như trinh sát đi nghe ngóng, thăm dò động tịnh.

Suốt một tuần lễ phục kích giữa ruột rừng nhưng không ghi lại được hình ảnh những con mãng xà vương huyền thoại của rừng U Minh Hạ, chúng tôi đành kéo nhau ra về.

 Tuy tiếc nuối, nhưng những câu chuyện vừa mang tính huyền thoại vừa từ lời kể của những người từng chạm trán mãng xà vương cho chúng tôi một niềm tin: những con rắn hổ mây khổng lồ của rừng U Minh là chuyện chắc chắn có thật, nhưng để tìm được nó thật không dễ và chắc cũng không người nào đủ can đảm săn lùng, đối mặt với chúa tể rừng tràm.

Thường Dân
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn