Muốn yêu cuộc sống, hãy một lần thử cái chết!

( PHUNUTODAY ) - Thử một lần đặt chân lên ranh giới giữa sự sống và cái chết, con người có thể thay đổi nhiều đến mức chính họ cũng không ngờ tới. Cho nên, căn phòng “Thể nghiệm cái chết” kia chắc chắn còn có thể “hồi sinh” cho không ít người.

Trong vòng hai năm qua, một căn phòng nhỏ tí xíu tại một trung tâm trị liệu tâm lý của thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc đã đón tiếp hơn 1000 người đến để trải nghiệm cảm giác “chết đi sống lại”. Điều kỳ diệu là phương pháp này đã vượt qua cả sự mong đợi ban đầu của các chuyên gia tâm lý, khi những bệnh nhân bước vào căn phòng này để chết “giả”, bước ra đã khỏi bệnh “thật”.

[links()]

Phòng “Thể nghiệm cái chết”

Một căn phòng chỉ rộng 5m2 được sơn một màu trắng toát, những vật trang trí chủ yếu trong căn phòng là một chiếc quan tài đặt dưới đất, một bức chân dung “người quá cố” treo trên tường, và cây đèn tỏa ra ánh sáng trắng lạnh lẽo.

Cảnh tượng này hẳn nhiều người trong số chúng ta đã từng chứng kiến khi tiễn đưa người khác về thế giới bên kia. Song sẽ thế nào, nếu bức chân dung kia là ảnh của chính chúng ta, và người nằm trong cỗ quan tài kia chính là ta?

Căn phòng được miêu tả ở trên đã “tiễn đưa” hơn 1000 người về cõi chết, và lại đón họ trở lại với cuộc sống. Chỉ có điều, khi bước vào căn phòng họ là những bệnh nhân đang gặp phải những rắc rối về tâm lý, đang bị stress, hay thậm chí đang có ý định tự tử, còn khi bước ra khỏi căn phòng đó, họ đã hồi sinh trở thành những con người khác, họ không còn muốn tìm đến cái chết nữa, và họ nhìn cuộc đời tích cực hơn.

Các bác sĩ của trung tâm trị liệu tâm lý tại thành phố Thẩm Dương đặt tên cho căn phòng này là “Phòng thể nghiệm cái chết”. Bên trên bức ảnh của “người chết” là dòng chữ “Chết đi sống lại”, còn hai bên bức ảnh, thay cho câu đối thường thể hiện sự tiếc thương là hai hàng chữ: “Thể nghiệm sự thần bí của cái chết, Cảm nhận sự quý giá của cuộc sống”.

Phòng “Thể nghiệm cái chết”
Phòng “Thể nghiệm cái chết”

Đầu tháng 12 này, 16 bệnh nhân là sinh viên đại học ở Vũ Hán đã thay nhau bước vào căn phòng thể nghiệm cái chết này. Sau khi ra khỏi đó, họ đều có chung một cảm nhận rằng: Có đi qua cái chết, mới biết cuộc sống quý giá đến chừng nào!

Cách trị bệnh tâm lý độc đáo này được một trung tâm trị liệu tâm lý ở thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc đưa vào áp dụng cách đây 2 năm. Các chuyên gia tâm lý ở đây nhận ra rằng, rất nhiều người, thậm chí có thể nói rằng hầu hết những người tìm đến trung tâm trị liệu thực ra có thể sống thanh thản hơn nếu họ có thể trút bỏ được những áp lực tâm lý mà họ tự tạo ra trong cuộc sống của mình và biết trân trọng cuộc sống mình đang có hơn.

Từ đó, ý tưởng về việc tạo điều kiện cho những người bệnh này thể nghiệm “cái chết” và sự hồi sinh đã ra đời. Kết quả của ý tưởng này chính là “phòng thể nghiệm cái chết”.

Nhằm tạo cảm giác cho người bệnh được “chết như thật”, quy trình chết đị sống lại cũng có nhiều giai đoạn. Đầu tiên người bệnh sẽ được chụp di ảnh, treo lên tường, viết lời trăng trối để lại, mặc quần áo trắng toát, và được đưa vào nằm trong quan tài.

Họ cũng sẽ được nghe nhạc đám ma của chính mình từ bên trong chiếc quan tài đóng kín. Tiếng nhạc ai oán vừa chấm dứt, xung quanh chỉ còn sự im lặng tuyệt đối khiến họ thấy mình như đã chết thật.

Sau một khoảng thời gian nhất định đủ để họ cảm nhận sự đau thương và cô đơn của cái chết, tiếng trẻ con khóc kèm với một điệu nhạc vui tươi trong sáng của bài hát mang tên: 

“Hôm nay là một ngày tươi đẹp” vang lên, họ bước từ quan tài lạnh lẽo và tối tăm ra bên ngoài, giống như một đứa trẻ vừa được hồi sinh và gia nhập vào cuộc sống. Toàn bộ quá trình này chỉ có một mục đích duy nhất là làm cho người ta có được một chút trải nghiệm thế nào là chết đi, và thế nào là sống lại.

Nghe thì đơn giản như vậy, nhưng nó đã góp phần giúp cho biết bao người giải tỏa được những áp lực của cuộc sống thường ngày, và thoát ra khỏi căn bệnh tâm lý ám ảnh họ trong suốt bao năm của cuộc đời.

Chết một lần để sống ý nghĩa hơn

Sau khi con người đã trải nghiệm qua phòng “Thể nghiệm cái chết” tỉnh lại
Một người khi đã trải nghiệm qua phòng “Thể nghiệm cái chết” tỉnh lại

Chuyên gia tâm lý Thang Ngọc Long của trung tâm trị liệu cho biết, công việc khiến ông được tiếp xúc với rất nhiều người mắc bệnh về tâm lý, thông qua tiếp xúc với họ, ông đã nhận ra rằng, bản chất họ đều không phải những người ngốc nghếch, thậm chí trong nhiều vấn đề tâm lý, họ còn hiểu biết nhiều hơn là các chuyên gia tâm lý, chỉ có điều do muôn vàn chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống thường ngày đã che mắt họ, không để họ nhìn thấy sự thật.

Con người vốn dĩ rất phức tạp, và cũng rất khó thay đổi. Bằng cách giúp họ trải nghiệm cảm giác “chết đi sống lại”, có thể giúp họ tự tỉnh ngộ và biết trân trọng bản thân mình hơn.

Những người tìm đến với phòng thể nghiệm cái chết này cũng muôn hình vạn trạng. Có những người mắc bệnh nặng về tâm lý, đã tự tử không thành vài ba lần, nhưng sau khi được thử chết một lần, thì họ như bừng tỉnh và không còn muốn tìm đến cái chết nữa.

Có những người bị stress lâu năm, ăn không ngon, ngủ không yên, luôn luôn bị ám ảnh bởi một điều gì đó như tiền tài, địa vị, danh tiếng,… nhưng trải qua cảm giác “chết đi sống lại”, họ bỗng thấy những điều mình theo đuổi bấy lâu nay hóa ra không  quan trọng như mình tưởng.

Tổng giám đốc của một doanh nghiệp có tiếng tại Thẩm Dương cũng từng là khách của căn phòng này. Vị tổng giám đốc này mới 35 tuổi, nhưng áp lực công việc và cuộc sống khiến anh ta trông chẳng khác gì một người đã 55 tuổi.

Anh đã từng tự tử không thành đến 4 lần. Sau khi bước ra khỏi căn phòng đó, anh đã thay đổi rất nhiều, không còn muốn chết nữa, cũng không còn muốn ngày đêm lao mình vào công việc nữa.

Anh nói: “Suốt bao năm qua, tôi cứ nghĩ những gì tôi cần có, thì tôi phải bằng mọi cách đạt được, nhưng giờ tôi mới hiểu rằng, cái tôi cần không phải là một đại dương, mà chỉ là một cốc nước! Tôi đã từng nghĩ rằng mình cần một biệt thự lớn, nhưng thực ra cái tôi cần chỉ là một mái ấm”.    

Ngoài những người mắc bệnh tâm lý, còn có không ít người đến đây vì hiếu kỳ. Nghe nói có một căn phòng như vậy, họ muốn thử một lần xem sao, nhưng không ngờ sau một lần thử chết, tính cách của họ bất ngờ thay đổi đến nỗi những người xung quanh còn không nhận ra nổi.

Chẳng hạn, có một nữ lãnh đạo vốn có tiếng là tính tình thất thường, khi công việc căng thẳng thường không kiểm soát nổi cảm xúc của bản thân, rồi la mắng cấp dưới, sau khi tò mò đến thử phòng thể nghiệm cái chết, dường như đã biến thành một con người khác, tâm tính điềm đạm hơn rất nhiều, hầu như không còn vô cớ la mắng cấp dưới nữa.

Cấp dưới của bà đều thầm cảm ơn căn phòng “thể nghiệm cái chết” này đã biến lãnh đạo của họ thành một người tính tình hiền hòa dễ chịu hơn, còn bản thân bà thì cho biết, bà không ngờ chỉ một khoảng thời gian ngắn ngủi trải nghiệm cái chết ấy đã khiến cho bà bừng tỉnh, và bà chợt hiểu ra rằng: Không có gì là không thể từ bỏ được!

Tại sao chỉ một lần thử chết mà có thể hiệu quả đến như vậy? Theo các chuyên gia tâm lý tại trung tâm, thực chất đây cũng chỉ là một kiểu “ám thị”, một hình thức được sử dụng trong điều trị tâm lý.

Mục đích chủ yếu của nó là làm cho người bệnh có một khoảng không gian và thời gian nhất định để tĩnh tâm lại, để bỏ qua mọi thứ vẫn làm rối tâm lý của mình. Mà để làm được điều đó, có lẽ chẳng có gì tốt hơn cái chết.

Trước cái chết, chẳng còn gì là quá quan trọng nữa. Đó cũng là điều mà con người từ xưa đến nay, bất kể họ thuộc quốc gia nào, sống trong hoàn cảnh nào, cũng dễ dàng thể nghiệm được.

Tất nhiên, không phải ai cũng có thể bước vào căn phòng đặc biệt này. Trả lời câu hỏi của các nhà báo rằng liệu căn phòng này có thể sinh ra “tác dụng phụ”, ví dụ như làm cho người ta khiếp sợ, hay bị ám ảnh… hay không, các chuyên gia cho biết:

Những người bước vào đây đều phải trải qua sự sàng lọc, không phải bất cứ ai cũng có thể tùy tiện thể nghiệm cái chết được, bởi xét cho cùng, đây cũng là một phần trong liệu pháp điều trị tâm lý con người.

Cuộc sống bộn bề hàng ngày với bao lo toan và áp lực đôi khi khiến cho người ta quên đi giá trị của sự sống, và quên mất nó ngắn ngủi chừng nào, từ đó quên cả việc yêu cuộc sống. Con người ta quên rằng, mình được sinh ra đã là một hạnh phúc, và quên rằng cái chết luôn chờ đợi tất cả chúng ta ở phía cuối con đường.

Thử một lần đặt chân lên ranh giới giữa sự sống và cái chết, con người có thể thay đổi nhiều đến mức chính họ cũng không ngờ tới. Cho nên, căn phòng “Thể nghiệm cái chết” kia chắc chắn còn có thể tiếp nhận và “hồi sinh” cho không ít người.  

  • Lưu Giai
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn