Nghề săn đại bàng đặc biệt ở Mông Cổ

( PHUNUTODAY ) - Một người dân du mục khoác trên mình tấm áo choàng dài, đầu đội mũ làm từ lông thú với một con đại bàng khổng lồ đậu trên cánh tay, cưỡi ngựa đi len lỏi qua các vách đá trong tiết trời mùa đông khắc nghiệt để săn bắt các con thú là hình ảnh thường thấy ở một trong những nơi xa xôi nhất của hành tinh: vùng đất Mông Cổ.

(Phunutoday) - Một người dân du mục khoác trên mình tấm áo choàng dài, đầu đội mũ làm từ lông thú với một con đại bàng khổng lồ đậu trên cánh tay, cưỡi ngựa đi len lỏi qua các vách đá trong tiết trời mùa đông khắc nghiệt để săn bắt các con thú là hình ảnh thường thấy ở một trong những nơi xa xôi nhất của hành tinh: vùng đất Mông Cổ.

Đây được coi là một nghề truyền thống của các bộ lạc nơi đây: nghề săn đại bàng. Tuy nhiên cho đến ngày nay, do chịu tác động lớn của quá trình toàn cầu hóa, nghề truyền thống này đã dần mai một, song săn đại bàng vẫn được coi là nghề dành cho những người dũng cảm trong bộ tộc Kazakh và được gìn giữ theo kiểu cha truyền con nối.

Một nghề dành cho những người dũng cảm

Vùng đất núi đồi của bộ tộc người Kazakh nằm ở cực Tây Mông Cổ, được bao quanh bởi các dãy núi Altai, là một trong những nơi xa xôi nhất hành tinh. Người Kazakh là con cháu của người Mông Cổ do Thành Cát Tư Hãn đứng đầu đến xâm chiếm vùng này vào thế kỉ 13.

Cuối thế kỉ 15, họ thành lập một Nhà nước du mục ở phía Tây và vùng trung tâm của Kazakhstan ngày nay. Trong thời kì tiếp theo, các hãn (khan) của người Kazakh kiểm soát phần lớn các thảo nguyên vùng Trung Á. Hồi giáo được du nhập và phát triển vào thế kỉ 17-18.

Hơn 200 năm trước, quân đội Nga hoàng tiến hành các cuộc chinh phục và mở rộng các đợt di dân nên các bộ lạc Kazakh bị đẩy lùi dần tới các nước láng giềng xung quanh.

Đến giữa thế kỷ 19, bộ lạc Hạ Dzuuz và người Kazakh phương Nam đến sinh sống ở Bayan Ulgii, miền Tây Mông Cổ. Họ hình thành một cộng đồng nhỏ của Mông Cổ, nhưng sống biệt lập trong phần lớn thế kỷ 20. Cho đến những năm 1990, ngọn gió thay đổi đã thổi tới vùng Kazakh Mông Cổ này.

Tại đây, người Kazakh sống bằng nghề chăn nuôi bò và cừu, duy trì các tập quán văn hóa lâu đời. Và một trong những nghề rất đặc biệt của họ là nghề săn bắt bằng đại bàng, gọi là nghề săn đại bàng (hay săn ó vàng). Nghề này từ trước đến nay vẫn được coi là nghề dành cho những người dũng cảm trong bộ tộc Kazakh và được gìn giữ theo kiểu cha truyền con nối. Ngay cả phụ nữ cũng có thể trở thành thợ săn và mỗi dòng họ có các bí quyết và quy tắc riêng trong việc bắt, nuôi và huấn luyện đại bàng.

Để phục vụ cho công việc săn kiếm thức ăn của mình, người Kazakh bắt và huấn luyện đại bàng, loại chim mạnh mẽ xuất hiện nhiều ở Trung Á. Đại bàng lớn nặng tới 6,5kg, sải cánh rộng hơn 2 mét. Các móng vuốt trên chân của đại bàng cong và sắc nhọn. Bộ móng vuốt sắc bén này chính là vũ khí lợi hại của chúng trong việc tấn công và bắt giữ con mồi. Chính đặc điểm này khiến đại bàng được gọi bằng một cái tên mà ý nghĩa của nó xuất phát từ một từ Latinh đó là “rapere”, có nghĩa là kẹp chặt hay túm lấy.

Đại bàng là “loài chim săn mồi”. Không giống như các loài chim khác thường ăn hạt, côn trùng, các loại quả… và bay được khoảng cách ngắn, đại bàng săn mồi có thể bay rất xa để tìm con mồi. Chúng có thể dễ dàng vượt gió với tốc độ 20 dặm/giờ mà không tốn nhiều sức lực.

Tầm nhìn của đại bàng cũng là một điểm đặc biệt đáng chú ý, tầm nhìn của nó gấp 8 lần tầm nhìn của con người. Chúng có thể phát hiện ra con mồi như cáo hoặc thỏ khi ở cách xa hàng dặm. Thông thường, người Kazakh thường nuôi đại bàng mái, vì con mái nặng hơn con trống và săn dẻo dai, khéo léo hơn. Một con đại bàng có thể sống tới 50 tuổi, nhưng hầu hết chúng thường được giữ săn bắn trong 10 năm, sau đó chúng được thả về với tự nhiên hoang dã.

Người Kazakh rất coi trọng việc đối xử với đại bàng, họ đối xử với chúng rất nhẹ nhàng, cẩn thận, bởi ở nơi này, chúng là “chiến binh” quan trọng giúp họ có thức ăn và áo ấm làm từ lông thú để mặc.

Đã có thời việc săn đại bàng góp phần mang lại thức ăn và lông ấm để người Mông Cổ chống lại mùa đông khắc nghiệt trong cái lạnh thường là âm 30 độ. Ngoài việc săn bắt ra thì đại bàng còn giúp người dân nơi đây trông coi những đàn gia súc. Ngựa khỏe và đại bàng dữ được coi là hai trợ thủ không thể thiếu của chiến binh Mông Cổ.

Và theo quy tắc truyền thống thì thợ săn thường đi một mình cùng với đại bàng. Tuy nhiên, theo sử sách ghi lại thì Thành Cát Tư Hãn đã phá vỡ quy tắc đó khi ông ta có những hơn 5.000 thợ săn đại bàng trong đội cận vệ của mình.

Tuy nhiên, để có được những “thợ săn” dũng mãnh này không phải là chuyện đơn giản, một sớm một chiều. Những người thợ săn thường phải rất khéo léo và có kinh nghiệm thì mới tìm được con đại bàng ưng ý. Họ thường mất khá nhiều ngày để theo dõi và tìm bắt đại bàng con trên các vách đá cheo leo.

Họ phải theo dõi chờ lúc đại bàng mẹ rời khỏi tổ đi kiếm ăn để tiếp cận với những đại bàng con. Công việc này đôi khi rất khó khăn bởi những đại bàng con khôn ngoan thì không bao giờ ló đầu ra khỏi tổ, và những con đại bàng này mới chính là những “thợ săn” dũng mãnh và ngoan cường trong tương lai mà các thợ săn đang tìm kiếm.

Và biện pháp cuối cùng của họ là dùng chim bồ câu để bẫy. “Đại bàng là loài chim thân thiện với người sau khi đã được thuần hoá, và một khi đã về sống với con người, chúng không bao giờ tấn công trẻ em hoặc cừu dê của người. Chúng càng lớn thì khả năng săn bắt con mồi càng tốt”, ông Sembai, một thợ săn nổi tiếng đến từ Nogoon Nuur cho biết.

Bắt đầu chớm hè là thời gian thích hợp nhất cho một người thợ săn lên núi để tìm tổ và bắt lấy một con đại bàng con. Còn để bắt những đại bàng to hơn, những thợ săn phải làm bẫy bằng cách giăng lưới, sau đó đặt vào đó thịt bò tươi và chờ đợi cho đến khi đại bàng đến ăn và mắc bẫy.

 “Nhiều khi tôi phải buộc một con đại bàng khác bên cạnh miếng mồi chỉ với mục đích bắt được con đại bàng ưng ý. Bởi vì bạn biết đấy, khi nó nhìn thấy một con khác đứng cạnh miếng mồi, lại ở gần tổ của mình, nó sẽ cảm thấy nổi giận vì có một con khác đang xâm nhập vào lãnh thổ của mình. Nó không thể bỏ qua và chắc chắn sẽ đi xuống. Đó là cách tôi bắt con chim mà mình thích.”, Manai, một trong các thợ săn địa phương chia sẻ kinh nghiệm.


Những con đại bàng con được nuôi giữ trong lồng từ 1 đến 2 tháng, chúng được cho ăn hàng ngày và thức ăn là các miếng thịt phải được người chủ rửa sạch sẽ. Trong thời gian này, chúng sẽ quen với sự có mặt của con người. Đến cuối mùa hè, chúng được “sổ lồng” với một khối gỗ đủ nặng buộc ở chân khi chúng cố gắng để bay đi. Trong thời gian này, những người thợ săn sẽ không cho đại bàng ăn với mục đích sau vài ngày như thế, chúng sẽ trở nên kiệt sức và sẵn sàng cho khoá đào tạo trước mắt.

Khi bắt đầu huấn luyện, những thợ săn sẽ đặt đại bàng đứng trên một cái cột gỗ, sau đó, một trong những nam thanh niên sẽ làm động tác nhử mồi đại bàng bằng cách tung chim giả lên trước mắt đại bàng. Sau mỗi lần đại bàng tấn công con chim giả kia, nó lại được thưởng những miếng thịt nho nhỏ. Những đại bàng này được huấn luyện để săn cáo, chuột chũi và thỏ, thậm chí cả chó sói.

Đầu mùa đông được coi là thời gian thích hợp nhất để săn cáo, thường là sau đợt tuyết đầu mùa. Thợ săn cưỡi ngựa, giữ đại bàng săn trên tay trái, len lỏi giữa đồi núi tuyết phủ. Họ thường dừng lại ở các mỏm đá để quan sát và luôn hãnh diện có được con đại bàng thông minh, nhanh và tinh ranh.

Ngay khi phát hiện các con mồi là thỏ hoặc chuột, từ trên các mỏm đá, người thợ săn sẽ lập tức thả đại bàng săn lên không trung để nó rượt theo con mồi. Đầu tiên, đại bàng sẽ sải cánh bay lên tiếp cận mục tiêu, sau đó chúng dần giảm tốc độ rồi nhanh chóng tấn công vào cột sống của con mồi đang tìm cách chạy trốn. Nó chộp lấy con mồi bằng các móng vuốt của mình và chờ đợi người chủ đến gần chiêm ngưỡng thành quả.

Nghề săn đại bàng là nghề thể hiện mối quan hệ nguyên thuỷ sâu sắc nhất giữa con người và loài vật ở những miền núi xa xôi ở miền Tây Mông Cổ. Nếu đến đây vào mùa đông, bất kỳ nhà nào có đại bàng săn thì nhà đó sẽ treo đầy những tấm da của thỏ, cáo và chó sói. Ngồi bên bếp sưởi được đốt bằng gỗ hoặc than đá, bạn sẽ có cảm giác rất dễ chịu trong cái lạnh khắc nghiệt nơi đây.

Một nghề truyền thống, một cảm hứng bất tận

Hình ảnh một kỵ sĩ Mông Cổ cưỡi ngựa đi trong tiết trời mùa đông khắc nghiệt với một con đại bàng khổng lồ đậu trên cánh tay, họ đang tìm kiếm những con mồi là cáo, thỏ, thậm chí là cả sói… đã ám ảnh nhà văn Steve Bodio trong nhiều thập kỷ. Đó là lý do sự ra đời của cuốn sách “Eagle Dreams” nổi tiếng với những cảm xúc thật tuyệt vời về cuộc sống du mục Kazakhstan với nghề săn đại bàng nơi đây.

Ông từng tâm sự: “Hồi đó tôi còn là một đứa trẻ, hình ảnh một du mục người Kazakh mặc chiếc áo choàng dài, đội mũ lông thú, trên tay là một con đại bàng khổng lồ luôn để lại rất nhiều ấn tượng và mãi mãi khắc ghi trong tâm trí tôi.”

Còn với Alan Gates, một chuyên gia nuôi đại bàng nổi tiếng người Anh đã vô cùng hưng phấn khi kể lại câu chuyện lần đầu tiên nhìn thấy đại bàng Mông Cổ trong một chuyến du lịch đến nơi đây của mình. Câu chuyện này được đăng lần đầu tiên trên tạp chí Falconers and Raptor. Câu chuyện kể về lần bị mắc kẹt trên những rặng núi hiểm ở Mông Cổ và những ấn tượng không thể nào quên của anh về loài chim đại bàng săn mồi nơi đây.

“Nằm trên bề mặt của một tảng đá granite màu hồng rất lớn, đột nhiên tôi cảm thấy cô độc, hoàn toàn cô độc giữa chốn núi rừng hoang vu này. Tôi bị mắc kẹt ở một mỏm đá và vết thương ở đùi cứ âm ỉ đau kéo tận xuống tới gót chân của tôi. Lịm đi trong chút ánh nắng ít ỏi của buổi chiều muộn, đầu óc mơ màng, hoang mang, không một âm thanh, không một tiếng thì thầm của gió, không một tiếng sột soạt của ngọn cỏ hay lá cây.

Thế rồi bất chợt, tôi thấy đầu mình ấm như được quấn khen len. Tôi tưởng cơn mê sảng đánh lừa cảm giác của mình. Nhưng không, không phải thế, cảm giác này là thật. Hơn nữa, tôi còn thấy có cái gì đó mềm mềm như lông thú cọ vào mặt tôi. Và tôi biết mình đã được cứu. Tôi cố gắng tỉnh táo hơn, có người đã kéo cái chân bị thương của tôi ra khỏi khe đá, sau đó nắm chặt và ủ ấm nó bằng khăn lông thú. Cùng lúc tôi nhận ra mình được cứu, cũng là lúc tôi thấy có một vật gì đó khá nặng di chuyển từ khuỷu tay rồi về phía bàn tay tôi.

 “Trời ơi, đó là một con chim đại bàng”, tôi hé mắt nhìn thấy và định hét thật to vì kinh sợ, nhưng sức lực của tôi không cho phép. Thế nhưng cánh tay tôi không hề bị thương bởi móng vuốt của con chim đại bàng. Nó di chuyển rất khéo léo, đầu nó hơi xù lên, mắt đăm đăm nhìn và như đang cố đánh thức tôi dậy.

Tôi mở mắt, và thấy trước mắt mình là một cô gái xinh đẹp, tôi đoán cô ấy là người Mông Cổ vì trang phục cô ấy đang mặc trên người. Cô gái mặc một chiếc áo choàng mầu đỏ pha trộn màu vàng rực rỡ, đầu đội mũ lông thú, trên cổ có đeo rất nhiều vòng, đôi mắt đen láy kiên nhẫn chờ tôi. Và tôi không khỏi kinh ngạc khi nhìn thấy con chim đại bàng nãy giờ đang đậu trên vai cô ấy. Tôi không hiểu tiếng của người Mông Cổ, nhưng những gì cô gái ra hiệu cho tôi thì tôi có thể hiểu. Cô ấy bảo rằng chỉ những người như cô ấy cùng với con đại bàng này mới có thể đặt chân đến những vùng núi nguy hiểm như thế này.

Trong cái lạnh khô hanh, se sắt, chiếc áo màu đỏ vàng pha trộn rực rỡ với màu hồng của đá, với những cái đập cánh mạnh mẽ của con chim đại bàng… khiến tôi cảm thấy vùng đất này, con người nơi đây quả thật vô cùng huyền diệu và kỳ bí.

Tôi khập khiễng đi theo cô gái xuống núi về phía những cánh đồng cỏ bát ngát, những trang trại gia súc với cừu và dê. Bất chợt, tôi khựng lại bởi ngay bên cạnh tôi, trong lùm cây kia xuất hiện một con sói, đôi mắt màu đen như than của nó nhìn chằm chặp vào tôi như thách thức với cái chân đang rỉ máu. Tôi sợ hãi và rảo bước nhanh lại gần phía cô gái, đó cũng là lúc tôi nhìn thấy cô gái xinh đẹp giơ cao phía bên tay nơi con đại bàng đang đậu. Và rồi nhanh như cắt, con đại bàng rời khỏi tay cô gái, nó lao về phía có con chó sói đang quay chiếc đuôi dài rậm rạp định lẩn trốn.

Cô gái dũng cảm chạy theo con đại bàng của mình, từ trong bụi cây, con đại bàng xuất hiện và trên những móng vuốt của nó vẫn còn dính máu của con chó sói. Cách đó không xa, con chó sói nằm sõng soài bất động. Nó đã chết và như một công việc đã quen thuộc, cô gái cho con sói vào một cái tải và vác nó lên vai, rồi ra hiệu cho tôi rằng bộ lông của con sói này sẽ rất có ích cho mùa đông năm nay.

Trở về đến nhà của cô gái, tôi không khỏi bất ngờ trước sự đông đúc của những đàn dê, đàn cừu nơi đây. Tôi càng thấy bất ngờ hơn khi thấy có khá nhiều người trong trang phục ấm áp, trên cánh tay là một con đại bàng và họ cưỡi ngựa đi về phía những dãy núi. Họ giống như những chiến binh dũng cảm. Mãi sau này khi trở về tôi mới biết rằng những người Mông Cổ có nghề truyền thống là dùng đại bàng để săn bắt, nó là một nét văn hoá được coi trọng của những bộ tộc nơi đây.

Sau chuyến đi này, Alan cảm thấy thích thú với loài chim dũng mãnh này và anh tiếp tục thực hiện niềm đam mê về các loài chim từ nhỏ của mình bằng việc nuôi đại bàng và trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này. Anh tâm sự rằng mình sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bất cứ ai có niềm đam mê với đại bàng.


Vào những năm 1990, truyền thống săn bắn bằng đại bàng ở nơi đây có phần xem nhẹ. Tuy nhiên, những năm gần đây, vùng Bayan Ulgii Kazakh thường tổ chức ngày hội săn bắn, một sự kiện đầy màu sắc và ý nghĩa với sự tham gia của những tay thợ săn cự phách cùng với những chú đại bàng săn xuất sắc. Trong lễ hội này, cuộc thi bắt đầu bằng màn biểu diễn về trang phục của những thợ săn và các phụ kiện mà họ mang theo mình.

Sau đó, điểm kỹ năng thuộc về tài nghệ săn mồi của những đại bàng mà họ mang theo. Sau đó, đại bàng săn thường được phóng từ trên vách đá, trong khi người thợ săn đứng ở phía dưới dùng tay ra hiệu cho đại bàng của mình trong suốt quá trình săn mồi. Những đại bàng bắt được con mồi nhanh nhất và có kỹ thuật tốt nhất thường được cho điểm cao.

Ngoài các cuộc thi săn bắn chim đại bàng, những người dân ở đây còn tham gia một trò chơi với tên gọi “Kekbar”. Theo đó 2 đội sẽ cạnh tranh nhau để băng qua một tấm thảm da dê trơn láng, và đội chiến thắng sẽ cầm tấm da dê này ném về phía đám đông, nếu gia đình nào bị ném trúng tấm da dê này, họ sẽ là người tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ dành cho tất cả mọi người dự thi trong lễ hội. Bữa tiệc này cũng là cơ hội để những người tham gia chia sẻ với nhau về kinh nghiệm cũng như được thưởng thức những câu chuyện săn bắn thú vị.

Còn ở Chengelsy Gorge, Kazakhstan, cứ vào đầu tháng 12 hằng năm, người dân ở đây thường tổ chức cuộc thi “Đại bàng săn mồi”, những con đại bàng săn mồi đã thể hiện tài năng tuyệt vời của mình tại cuộc thi. Cuộc thi làm sống lại truyền thống cổ xưa của người dân địa phương khi sử dụng đại bàng làm phương tiện săn bắn hiệu quả. Đứng trên đỉnh đồi cao là nơi thích hợp nhất để những người đàn ông phát hiện dấu tích của con mồi và thả đại bàng ra để chúng bắt lấy những con cáo và thỏ.

 Hiện nay, dùng đại bàng săn mồi được xem là một môn thể thao tại Kazakhstan chứ không phải là một phương tiện để kiếm sống. Nhiều người dân Kazakhstan xem đại bàng săn mồi là biểu tượng cho quá khứ du mục của họ. Cuộc tranh tài “Đại bàng săn mồi” thường niên là cơ hội để Chengelsy Gorge thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Được coi là loài chim dũng mãnh nhất, là “chúa tể bầu trời”, chỉ làm tổ trên những vách đá, những nơi cheo leo giữa vực sâu để đẻ trứng. Khi được con người thuần hoá, với những động thái săn mồi đặc biệt, với bộ móng vuốt sắc nhọn là hình ảnh đa dạng nhất của loài chim này. Ngày nay với xu hướng toàn cầu hoá, nghề dùng đại bàng săn mồi không còn được phổ biến ở các bộ lạc Mông Cổ, những nét văn hoá đặc biệt của người dân nơi đây chỉ còn tìm thấy trong các lễ hội, các trương trình du lịch. Trong mỗi mùa lễ hội được tổ chức hàng năm ở Bayan Ulgii hay Chengelsy Gorge, nét truyền thống này như được khơi lại, và điều đặc biệt là sau khi kết thúc mùa lễ hội, những chú đại bàng này được thả ngay về với tự nhiên hoang dã.

Quỳnh Thi
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn