Tập tục kỳ lạ: Mẹ và con gái chung một chồng

( PHUNUTODAY ) - Chuyện một bà mẹ và cô con gái của mình có cùng quan hệ nam nữ với một người đàn ông và lấy người đó làm chồng (sau khi người chồng cũ/bố qua đời) nghe có vẻ khó tin, nhưng đây là một phong tục truyền thống có thực vẫn đang diễn ra đối với phụ nữ thuộc tộc người Mandi của đất nước Bangladesh.

(Phunutoday) - Chuyện một bà mẹ và cô con gái của mình có cùng quan hệ nam nữ với một người đàn ông và lấy người đó làm chồng (sau khi người chồng cũ/bố qua đời) nghe có vẻ khó tin, nhưng đây là một phong tục truyền thống có thực vẫn đang diễn ra đối với phụ nữ thuộc tộc người Mandi của đất nước Bangladesh.

[links()]

Oái oăm chuyện mẹ con cùng lấy chung một chồng

Từ khi còn là một đứa trẻ sống ở vùng nông thôn thuộc Bangladesh, Orola Dalbot, 28 tuổi, từng có quãng thời gian hạnh phúc khi lớn lên trong vòng tay nuôi dưỡng của mẹ đẻ và cha dượng tên là Noten. Bố đẻ của cô đã qua đời khi cô còn nhỏ, và mẹ Orola sau đó đã đi thêm bước nữa. Noten là một người đàn ông điển trai với nụ cười rất tươi. "Tôi từng nghĩ rằng mẹ mình thật may mắn" - Orola nói - "Và tôi vẫn hy vọng sau này mình sẽ tìm được một người chồng như cha dượng". Tuy nhiên, khi Orola đến tuổi dậy thì, cô mới biết được một sự thật phũ phàng, rằng cô đã trở thành vợ của Noten từ bao giờ. Trên thực tế, đám cưới của Orola đã diễn ra khi cô mới được 3 tuổi, và buổi lễ này được tiến hành chung với đám cưới giữa mẹ cô và Noten. Theo truyền thống của bộ tộc Mandi vốn duy trì chế độ mẫu hệ từ bao đời nay, mẹ và con gái buộc phải kết hôn với cùng một người đàn ông.

 

Orola đang nấu ăn cho chồng mình

 

"Thực lòng, tôi đã muốn chạy trốn tất cả sau khi phát hiện ra sự thật" - ngồi trước hiên nhà ở phía Bắc miền Trung Bangladesh, Orola ngậm ngùi kể - "Tôi đã vô cùng run rẩy và hoài nghi". Mẹ đẻ của Orola - bà Mittamoni, 50 tuổi - khuyên con gái phải biết chấp nhận điều này. Đối với người dân thuộc bộ tộc Mandi, những quả phụ khi muốn tái hôn buộc phải chọn một người đàn ông xuất thân cùng gia tộc với người chồng đã mất của họ. Tuy nhiên, những người đàn ông còn độc thân thì thường trẻ tuổi hơn họ rất nhiều. Vì vậy, để cánh đàn ông này đỡ “thiệt thòi”, góa phụ sẽ “tặng” thêm cho người chồng mới một trong số các con gái của mình làm cô dâu thứ hai để tiếp nhận các nhiệm vụ của bà - bao gồm cả quan hệ tình dục - khi con gái đến tuổi trưởng thành.

"Khi cha tôi qua đời, mẹ tôi mới ở tuổi 25. Lúc đó, bà không hề sẵn sàng với cuộc sống độc thân" - Orola tâm sự. Bộ lạc đã giới thiệu Noten, khi đó 17 tuổi, làm chồng mới của Mittamoni, với điều kiện là Noten sẽ đồng thời kết hôn với cả Orola. "Hồi ấy, tôi còn quá nhỏ nên không nhớ gì về đám cưới. Tôi không hề mường tượng lại được nó đã diễn ra như thế nào. Mẹ tôi đã có hai con với Noten, còn tôi, tôi chỉ muốn có được một người chồng cho riêng mình" - Orola nói.

Đối với Orola, sự việc này quả là quá bất công, bởi lẽ phụ nữ Mandi, theo phong tục, thường có quyền chọn bạn đời cho mình. Chế độ mẫu hệ của bộ tộc quy định phụ nữ là người đứng đầu trong gia đình, và tất cả các tài sản đều thuộc quyền sở hữu của họ. Phụ nữ cũng là người đưa ra lời đề nghị kết hôn với đàn ông. "Tôi vốn rất hào hứng tìm cho mình một người đàn ông nào đó” – Orola ngậm ngùi nói, giọng nuối tiếc.

Những mâu thuẫn nảy sinh từ tục lệ kì quặc

Hiện tại, Orola Dalbot đã là mẹ của ba đứa con với Noten, gồm một cậu con trai 13 tuổi cùng hai con gái 6 tuổi và 18 tháng tuổi (trong khi đó bà Mittamoni – mẹ của Orola – có với Noten một con trai và một con gái). Cả gia đình đông đúc sống trong một ngôi nhà đắp bằng bùn ở một ngôi làng nghèo nàn không có điện, nước. Tại thị trấn gần đó nhất cũng chỉ có một cửa hàng xiêu vẹo duy nhất bán dầu ăn và nến. Orola và Mittamoni cùng sở hữu một vài mẫu đất mà họ dùng để trồng dứa và chuối, qua đó kiếm sống nuôi cả gia đình.

Mối quan hệ giữa ba người đã nảy sinh những mâu thuẫn tế nhị khi Noten bắt đầu ngủ với Orola lúc cô mới 15 tuổi. "Mẹ tôi biết rằng việc tôi và Noten có quan hệ tình dục với nhau là điều không thể tránh khỏi. Nhưng ông đã nhanh chóng tỏ ra thích tôi hơn, và mẹ tôi cảm thấy bực tức vì điều ấy" - Orola thì thầm tâm sự bởi bà Mittamoni đang đứng ở gần đó. "Có lần, mẹ tôi đã bỏ một loại cỏ dại nào đó vào thức ăn của tôi, khiến tôi buồn nôn ghê gớm. Và trong những ngày tôi bị ốm, bà đã nhân cơ hội đó để qua đêm với Noten. Bà ấy thật sự rất yêu Noten".

 

Orola Dalbot (ngoài cùng bên trái) cùng với người chồng 41 tuổi và mẹ đẻ 50 tuổi của mình

 

Sự “cạnh tranh” này đã ít nhiều làm tổn hại đến tình cảm giữa hai mẹ con Orola. "Bà ấy không còn là mẹ của tôi. Tôi không thể tâm sự hay xin lời khuyên nào từ phía bà. Tôi cảm thấy mình bị phản bội và bỏ rơi" - Orola nghẹn ngào nói. Cô đã tìm cách nổi dậy, chống lại vai trò mới của mình bằng những chuyến đi dài ngày một mình tới huyện Madhupur để mua sắm và xem phim. "Tôi đã dùng một ít tiền của gia đình để mua những đồ trang sức bằng vàng" - cô nói. "Tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ có được một người đàn ông của riêng mình để mua quà cho tôi, vì vậy tôi đã tự mua quà cho bản thân".

Orola cũng trở nên xa lạ với các bạn gái của cô. "Họ có nhiều thời gian để tâm sự và trò chuyện về đám con trai, còn tôi thì không thể tham gia cùng" - cô nói. Bởi Mandi vốn là một cộng đồng có mối quan hệ rất gắn bó giữa các thành viên với nhau, nên trước sự cô lập đáng sợ mà Orola bỗng nhiên phải đối mặt, cô đã từng có ý định tự tử. Nhưng chẳng bao lâu sau khi quan hệ với Noten, Orola nhanh chóng mang thai đứa con đầu lòng, điều này đem lại cho cô một "một mục đích sống mới".

Mittamoni – mẹ của Orola – im lặng như tượng khi nghe những điều Orola thổ lộ. Liệu bà có cảm thấy có lỗi với con gái mình không? “Không, tôi chẳng có lỗi gì cả” – bà Mittamoni nói – “Kết hôn là một việc cần thiết. Sau khi chồng cũ mất, tôi không thể cáng đáng nổi cuộc sống của cả gia đình”. Khi đó, Noten là “ứng cử viên” sáng giá nhất – phần lớn người Mandi kết hôn ở độ tuổi 18 – bởi vậy, Mittamoni không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc lấy Noten làm chồng, đồng thời cũng để Orola trở thành vợ lẽ của người đàn ông đó. “Đây là quyết định của những vị bô lão trong bộ tộc, chứ không phải tôi” – bà nói thêm. Bà cũng bộc bạch rằng bà đã bảo vệ Orola đến khi cô lớn lên và rằng việc chia sẻ chồng mình với con gái đối với bà cũng là một điều rất khó khăn. “Tôi đã phải đứng sang một bên khi tình cảm mà Noten dành cho Orola ngày một lớn, và điều này quả thực khiến tôi rất đau khổ” – Mittamoni tâm sự. Kẹt giữa hai người phụ nữ, Noten chỉ còn biết giơ hai tay lên trời mà than thở: “Xin đừng bắt tôi phải đứng giữa chuyện này”.

Vì sao lại có tập tục kì lạ này?

Trong những năm gần đây, nhiều nhà quan sát cho rằng tục lệ mẹ và con gái cùng kết hôn với một người đàn ông đã không còn tồn tại. Các nhà truyền đạo thuộc phái Công giáo đã cải đạo cho 90% dân số của bộ lạc Mandi gồm 25.000 người Bangladesh này, và nhiều hủ tục của người Mandi nay chỉ còn là quá khứ, trong đó phải kể đến một tục lệ đặc biệt, không nơi nào có như "bắt cóc chú rể". Tuy nhiên, trong khi chưa có số liệu thống kê chính thức, một trong những nhà lãnh đạo địa phương khẳng định rằng có "nhiều" gia đình vẫn đang tiếp tục thực hiện phong tục kết hôn chung giữa mẹ và con gái. "Nhiều người vẫn tỏ thái độ im lặng trước hiện tượng này bởi trên thực tế, việc cùng lúc kết hôn và chung sống với nhiều vợ là điều không được nhà thờ tán thành" - bà Shulekha Mrong - một phụ nữ lớn tuổi người Mandi đại diện cho nhóm những người tiến bộ - phát biểu.

Tuy nhiên, mục đích của kiểu hôn nhân chung đụng này không đơn giản chỉ để thỏa mãn nhu cầu tình dục của người chồng. Hầu hết các phong tục kết hôn đa thê hay đa phu trên thế giới đều liên quan đến quyền lực và kinh tế nhiều hơn so với vấn đề quan hệ tình dục, và bộ tộc Mandi cũng không là ngoại lệ. Kể từ khi người dân Mandi duy trì chế độ mẫu hệ, ý tưởng về việc một người đàn ông nên kết hôn đồng thời với một góa phụ và con gái của bà đã ra đời với mục đích bảo vệ nguồn tài sản mà phái nữ của cả hai bên gia đình sở hữu. Đám cưới đối với người Mandi là biểu tượng cho sự củng cố tài sản giữa hai dòng tộc. Là một góa phụ, Mittamoni buộc phải tái hôn với người thuộc gia tộc của người chồng quá cố của mình nhằm duy trì mối quan hệ giữa hai gia đình. Bên cạnh đó, việc để con gái kết hôn với chính người đàn ông đó là nhằm hai mục đích: thứ nhất, trong gia đình sẽ có một người phụ nữ trẻ khỏe, có khả năng lao động và sinh con đẻ cái, tạo ra thêm của cải cho cả nhà; và thứ hai, quyền lực của nữ giới trong gia đình sẽ được bảo toàn, sau khi người mẹ mất đi, cô con gái sẽ được thừa kế tài sản để lại, cũng như tiếp tục duy trì vị trí nữ quyền của mình.

Bà Shulekha Mrong hiểu rõ tập tục này của bộ tộc mình và bà phản đối kiểu hôn nhân chung đụng giữa mẹ và con gái với cùng một người đàn ông. “Tập tục này là một sự bất công lớn đối với những cô gái trẻ” – bà nói – “ Điều đó khiến họ bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần khi phải lấy chung một người chồng với mẹ đẻ của mình”. Bà nêu lên một số trường hợp mới đây trong đó các cô gái trẻ vốn bị ép buộc vào mối quan hệ hôn nhân phức tạp này đã chạy trốn đến thành phố Dhaka để tìm một việc làm có khả năng giúp họ tự lập. Họ có thể làm người giúp việc trong các gia đình hoặc nhân viên của những cửa hàng thẩm mĩ. "Các cô gái Mandi ngày nay luôn mong muốn có được một tình yêu thực sự chân thành" – bà Shulekha nói.

Mong chờ một tương lai tiến bộ

Parvin Rema, 35 tuổi, đồng ý với quan điểm đó. Khi cô 13 tuổi, cô và bà mẹ góa bụa của mình đã cùng kết hôn với một người thanh niên 18 tuổi. "Tôi đã nghĩ cuộc đời của mình vậy là đã chấm dứt sau đám cưới đó. Mẹ tôi khi ấy 36 tuổi. Tôi không hiểu tại sao bà lại muốn lấy một người chồng trẻ đến vậy" – Parvin nói. – “Trong ba năm đầu, mẹ tôi ngủ chung với chồng của chúng tôi. Nhưng ngay khi tôi đủ lớn, chồng tôi đã không còn để ý đến bà. Tôi thường nấu cho chồng những món ăn ngon và không bao giờ từ chối việc quan hệ với anh ấy”.

Sau một vài năm, cô đã sinh được một bé gái và đặt tên là Nita. Năm nay, Nita đã 13 tuổi. Tình cảm giữa hai mẹ con họ thật đặc biệt. "Khi nhìn Nita, tôi không thể tin rằng mẹ tôi đã kéo tôi vào cuộc hôn nhân đó" - Parvin nói - "Tôi cảm thấy tức giận và rất buồn. Tại sao bà ấy có thể làm điều đó với con gái của mình?". Parvin đảm bảo rằng Nita sẽ có nhiều lựa chọn trong cuộc sống hơn mẹ của cô bé. "Nita luôn tràn đầy mơ ước và hy vọng. Tôi muốn con bé sẽ được đi học đại học và được tự quyết định sẽ kết hôn với ai và vào thời điểm nào".

Nita hiện đang học tập rất chăm chỉ tại trường, nơi cô bé đang bị bạn bè cùng lớp trêu chọc vì mối quan hệ bất thường trong gia đình cô. Đây cũng là một lý do khác khiến Parvin thực sự muốn hủ tục của bộ tộc Mandi sẽ được bãi bỏ. Nhưng cô cũng muốn con gái mình tự hào về truyền thống của người Mandi. "Phụ nữ Mandi đã điều hành bộ tộc này trong suốt nhiều thế kỷ qua" - Parvin nói - "Và bây giờ là lúc thế hệ trẻ của Nita cần chứng minh rằng tương lai bộ tộc trong thời đại mới sẽ tiến bộ và tốt đẹp hơn hiện giờ".

  • Diệu Châu
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn