Trái ngọt sau bức tường lạnh lẽo trại giam Kim Chi

( PHUNUTODAY ) - Hơn 15 năm gắn bó với công việc của quản giáo đại úy Lệ đã tìm lại lẽ sống đúng đắn cho rất nhiều phạm nhân lầm lạc.

(Phunutoday) - Tôi luôn dành cho những người làm công tác quản giáo ở các trại giam sự khâm phục tuyệt đối. Phải giáo dục, cải tạo cho những đối tượng đã từng sống ngoài vòng pháp luật là nhiệm vụ không phải ai cũng có thể làm được. Những người quản giáo cần có bản lĩnh, lòng kiên trì thậm chí là sự hy sinh.

Đặc biệt hơn, với những quản là nữ thì khó khăn đối với họ càng tăng lên và sự hy sinh cũng cao hơn rất nhiều. Công việc, sự nghiệp thậm chí là cuộc sống tất cả đều nằm sau bức tường cao vút của trại giam đã khiến nhiều người quản giáo quên mất cả thời gian đến nỗi họ không còn cảm nhận được tuổi xuân của mình đi qua lúc nào.

Với đại úy An Mỹ Lệ, cán bộ quản giáo trại tạm giam Kim Chi (Hải Dương), làm quản giáo không đơn thuần là trông coi phạm nhân mà còn phải khơi dậy lòng ham muốn làm người lương thiện cho những kẻ đã lầm đường. Hơn 15 năm gắn bó với công việc của quản giáo đại úy Lệ đã tìm lại lẽ sống đúng đắn cho rất nhiều phạm nhân lầm lạc.

Gian nan nhiệm vụ quản giáo

Quản lý phạm nhân vốn đã gặp rất nhiều khó khăn nhưng với những phạm nhân nữ thì sự vất vả còn tăng lên rất nhiều lần. Những năm tháng gắn bó với công việc của quản giáo đã giúp đại úy Lệ hiểu rằng, mỗi một phạm nhân có những suy nghĩ khác nhau. Khi vào trại các phạm nhân đều có tư tưởng rối loạn và thường tìm đến những hành động tiêu cực… Nhiều phạm nhân còn tự nghĩ rằng khi đã vào trại thì cuộc đời của mình đã chấm hết và đó là nguyên nhân khiến nhiều người muốn kết thúc cuộc sống.

Với những phạm nhân nữ, diễn biến tâm lý càng trở nên phức tạp và khó hiểu khi họ thường ít nói mà chỉ hành động. Nhiệm vụ của những người quản giáo phải làm mọi cách để những phạm nhân có suy nghĩ chán nản tìm lại được cảm giác muốn sống. Đúng hơn, những cán bộ chính là người khơi dậy khát vọng muốn sống cho  những phạm nhân chán đời.

Nhớ lại trường hợp của phạm nhân tên Nga ở huyện Tam Giang, đại úy Lệ khẳng định rằng đây là một trong những phạm nhân khiến chị “lao tâm khổ tứ” nhiều nhất từ trước đến nay. Hai vợ chồng Nga vốn kinh doanh cửa hàng lương thực khá lớn ở Hải Dương. Nhưng vì lòng tham vô đáy nên cả hai vợ chồng đã phải vào tù với tội danh lừa đảo và trốn thuế. Chồng lĩnh án chung thân còn Nga nhân bản án 20 năm.

Chính vì bản án như vậy nên Nga nghĩ rằng cuộc đời của mình chẳng còn gì cả nên khi vào trại thị tỏ ra rất chán nản và tuyệt vọng. Chỉ vào trại được ít bữa Nga đã tự lao đầu vào bể nước để tự tử. Rất may mắn đại úy Lệ đã cùng các quản giáo khác đưa đi cấp cứu kịp thời nên đã giữ được tính mạng cho Nga. Tuy nhiên, sau lần đó Nga vẫn rất u mê và tiếp tục tìm đến cái chết. Chỉ sau khi được ra khỏi bệnh xá khi đang ở trong phòng giam Nga đã tự lao đầu vào tường để tự vẫn. Nhưng rồi Nga lại được cứu sống một lần nữa trong sự cố gắng hết sức của các quản giáo.

Không thể để Nga đắm chìm trong suy nghĩ u mê, đại úy Lệ đã liên tục gần gũi động viên. Đại úy Lệ nói với Nga rằng, tuy hai vợ chồng đều vào trại giam nhưng nếu ở chết đi thì những đứa con của thị sẽ trở thành mồ côi vĩnh viễn. Cơ hội về với gia đình để chăm sóc các con của Nga vẫn còn nhưng phải biết cải tạo tốt mới được hưởng sự khoan hồng của nhà nước lúc đó bản án rất có thể sẽ được giảm xuống.

Đại úy Lệ dành cho Nga sự quan tâm đặc biệt khi ngày nào chị cũng gần gũi, tâm sự để khơi sáng tư tưởng cho nữ phạm nhân chán sống này. Những lời động viên của quản giáo Lệ dần dần làm thức tỉnh suy nghĩ của Nga. Một thời gian sau Nga không còn đăm đăm tìm cách tự tử như trước mà thị trở nên rất nghiêm túc chấp hành những nội quy của trại. Ngày được chuyển sang trại giam mới, Nga đã tìm gặp đại úy Lệ và cảm ơn vì nếu như không có những lời động viên thì bây giờ chắc thị đã… xanh cỏ.

Có rất nhiều trường hợp phạm nhân nữ khi vào trại luôn luôn mang trong đầu ý định sẽ bỏ trốn. Nhớ lại khoảng thời gian trông coi tử tù Trần Thị Hoa Anh, đại úy Lệ vẫn còn cảm thấy “toát mồ hôi” bởi sự đa mưu của ả phạm nhân này. Khi bị vào phòng biệt giam của những kẻ tử tù Hoa Anh tỏ thái độ rất nhã nhặn, thị không có bất kỳ hành động phá phách hay chống đối. Chính điều này đã khiến cho những quản giáo ở trại giam cảm thấy tin tưởng vào thị đã biết ăn năn hối cải.

sd
Đại úy An Mỹ Lệ.

Tuy nhiên, trong đầu của Hoa Anh lại mang ý định sẽ trốn trại vì ả nghĩ dù sao mình cũng sắp chết chỉ có cách trốn trại mới mong giữ được mạng sống. Nhưng cái vỏ bọc của vẻ bề ngoài ngoan hiền của Hoa Anh không thể qua mắt được đại úy Lệ.

Tuy Hoa Anh chấp hành nội quy rất đầy đủ nhưng đại úy Lệ vẫn dành cho thị sự quan tâm đặc biệt để có thể biết được bản chất thực của thái độ “khác lạ” của ả tử tù. Không nằm ngoài dự đoán, Hoa Anh đã xây dựng một kế hoạch bỏ trốn khá chi tiết khi thị đã bảo người nhà giấu một chiếc đinh sắt ở bên trong đôi dép gửi vào phòng giam. Chiếc đinh sắt này sẽ là vật dụng để Hoa Anh cưa khóa bỏ trốn. Tuy nhiên, đại úy Lệ đã luôn để mắt tới ả tử tù đa mưu này và âm mưu của thị đã bị ngăn chặn ngay khi chưa được thực hiện.

Những câu chuyện ngọt ngào
   
Một đặc điểm mà chỉ có ở khu giam giữ phạm nhân nữ mới xảy ra đó là việc các phạm nhân nữ có thể sinh nở ngay trong trại giam. Trường hợp này xảy ra khi những phạm nhân đã mang thai trước khi vào trại. Một số phạm nhân vừa nhập vào giam tháng trước thì tháng sau đã phải ra nhà hộ sinh. Trong chặng đường 15 năm làm quản giáo của mình, đại úy Lệ đã không ít lần phải đối diện với tính huống “bi đát”.

 Nhớ lại về trường hợp của phạm nhân Vũ Thị Liên là một trong những phạm nhân mà đại úy Lệ cảm “ớn lạnh” nhất. Cả gia đình của Liên đều bị vào tù vì tội tổ chức vượt biên trái phép. Khi vào trại Liên đang mang bầu đến tháng thứ 6-7. Tuy nhiên, từ lúc vào trại Liên đã không biết an phận mà luôn giữ tư tưởng sẽ trốn trại khi có cơ hội. Trong khi đó, khi đến thời điểm sinh nở thị sẽ được chuyển ra khoa sản của bệnh viện tỉnh nên chính đây là một cơ hội để Liên thực hiện ý đồ của mình.

Ngày Liên trở dạ, đích thân đại úy Lệ cùng với một quản giáo nam khác phải túc trực 24/24 tại khoa sản để tránh tình trạng phạm nhân bỏ trốn. Nhưng bi đát thay lúc đó chồng đại úy Lệ lại gãy chân khi bị tai nạn giao thông phải lên bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để chữa trị. Chồng đi viện nhưng đại úy Lệ vẫn phải ở lại khoa sản của bệnh viện tỉnh để trông coi và chăm sóc cho Liên. “Lúc đó mình cảm thấy rất rối lòng. Chồng đi viện lại không đến chăm sóc lại phải đi nâng giấc cho một người khác. Nhưng nhiệm vụ phải hoàn thành chẳng còn cách nào khác…”.

Để tránh tình huống Liên có thể bỏ trốn, đại úy Lệ đã phải túc trực bên cạnh phạm nhân này trong những ngày sinh nở. Cho đến khi Liên đã mẹ tròn con vuông được chuyển về bệnh xá của trại thì đại úy Lệ mới có thể yên tâm trở về gia đình để chăm sóc chồng. “Lúc Liên được chuyển về bệnh xá thì chồng mình cũng đã được về nhà để nghỉ dưỡng. Vậy là mình cũng không có cơ hội để bù đắp cho chồng sự thiếu hụt. Cũng may mắn là chồng rất hiểu công việc của vợ nên thông cảm nên gia đình mới không xảy ra mâu thuẫn…”

Cũng chính nhờ sự chăm sóc của đại úy Lệ trong khoảng thời gian “vượt cạn” mà về sau Liên không còn có tư tưởng bỏ trốn. Liên thay đổi rõ rệt khi không còn thái độ chống đối lại những quy định của trại giam. Với Liên những tình cảm, sự quan tâm của các cán bộ trong thời kỳ thị sinh nở đã là “liều thuốc cải tử hoàn sinh” khiến suy nghĩ của thị trở nên sáng tỏ hơn và đúng đắn hơn.

Ngày được chuyển trại Liên đã tìm gặp đại úy và nói rằng, nếu như không có sự chăm sóc của cán bộ thì chắc mẹ con thị đã được “mẹ tròn con vuông” như bây giờ… Những năm tháng gắn bó với công việc của quản giáo đại úy Lệ đã không ít lần đối diện với chuyện phụ nữ sinh nở ngay ở trại giam. Với chị đó là những câu chuyện ngọt ngào khi tiếng khóc của những đứa trẻ thơ đã làn ấm áp hơn không khí lạnh lẽo của những phòng giam buồn tẻ.

Nhớ lại trường hợp của phạm nhân tên Thu quê ở Hà Tây đại úy Lệ không giấu nổi được cảm xúc hạnh phúc của mình. Thu vốn là một phụ nữ hành nghề và tổ chức bán dâm chuyên nghiệp. Ngày Thu bị bắt vào trại giam Kim Chi thị đang mang bầu đến tháng thứ 9. Chỉ vào ngày sau khi nhập trại Thu đã trở dạ và lại một lần nữa đại úy Lệ cùng với phạm nhân ra khoa sản của bệnh viện tỉnh.

Thu không có người thân thích nên khi sinh nở cũng chẳng có bất kỳ ai đến thăm nom. Một mình thui thủi khi vượt cạn khiến tinh thần của Thu cảm thấy rất cô quạch và tủi thân. Nhưng lúc đó, đại úy Lệ đã gần gũi chăm sóc và động viên Thu trong những ngày tháng khó khăn nhất.

 “Người phụ nữ lúc sinh nở là thời điểm yếu đuối nhất và rất cần sự chăm sóc của những người khác. Hoàn cảnh của Thu rất đáng thương nên mình đã cố gắng tận dụng mọi điều kiện có thể để bù đắp cho phạm nhân này…” Vậy là nhờ sự chăm sóc của đại úy Lệ mà Thu đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời. Đối với Thu, đại úy Lệ như là một vị ân nhân không những đã giúp đỡ thị trong thời gian sinh nở khó khăn mà còn là người làm hồi sinh những suy nghĩ lương thiện. Thu rất muốn trả ơn quản giáo Lệ nhưng thị biết thực hiện bằng cách nào. Vậy là Thu nghiêm chỉnh thực hiện mọi nội quy, nghe theo tất cả những lời khuyên bảo của quản giáo để không phụ lòng của những người đã giúp đỡ mình.

Gia Nguyễn

 
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn