An Thuyên qua lời kể của nhạc sĩ từng chung vách

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trò chuyện với ông trong quán cà phê ngay sau đêm nhạc sĩ tài hoa từ giã cuộc đời, tôi biết thêm một An Thuyên khác, một An Thuyên...

Sống trong thời cơm tem, gạo phiếu sau hòa bình, hai gia đình nhạc sĩ An Thuyên và Quốc Nam từng chung vách trong khu tập thể của Đoàn ca múa kịch Nghệ Tĩnh (đóng tại phường Hưng Dũng - TP Vinh, Nghệ An).

Sự ra đi đột ngột của người bạn, người anh đã để lại trong Quốc Nam nỗi đau và lòng tưởng nhớ sâu sắc. Trò chuyện với ông trong quán cà phê ngay sau đêm nhạc sĩ tài hoa từ giã cuộc đời, tôi biết thêm một An Thuyên khác, một An Thuyên thống nhất giữa nhạc và đời, lại rất nặng tình với Hà Tĩnh.

Năm tháng không quên

“Vợ tôi và vợ anh An Thuyên là hai diễn viên của đoàn ca kịch, chúng tôi lại ở sát nhau trong một khu tập thể lụp xụp nên sống với nhau rất tình cảm” - nhạc sĩ Quốc Nam bộc bạch.

Theo lời kể của nhạc sĩ Quốc Nam, khoảng từ năm 1976 đến 1981, bấy giờ An Thuyên đang công tác ở Đoàn Văn công Quân khu 4, đóng ở Nam Đàn. Hai gia đình sống gần nhau, thương yêu và sen sẻ với nhau nhiều về tình cảm. Quốc Nam bảo không thể quên hình ảnh anh An Thuyên hàng ngày đi làm bằng chiếc xe đạp cũ, không còn bàn đạp, chỉ trơ lại cùi sắt nhọn hoắt; về đến nhà An Thuyên thường mở chiếc đài Trung Quốc mắt thần, có khi cả tiếng đồng hồ mới rè rè phát tiếng. Nhiều lần vợ đi biểu diễn xa, một mình nên An Thuyền thường gửi sang nhà tôi lon gạo để ăn cùng. Thời cơm tem gạo phiếu nên người nghệ sĩ rất khổ, thế nhưng những khi nhận được chế độ bảo vệ thanh sắc với 24đồng/tháng, chúng tôi lại làm chả cuốn ăn với nhau rất vui.

nhạc sĩ an thuyên

Nhạc sỹ An Thuyên.

Bấy giờ Quốc Nam đi công tác ở biên giới Tây Bắc về được tặng cây đàn ghi ta, hai nhạc sĩ đã dùng chung để sáng tác. Quốc Nam bảo: “An Thuyên rất say mê sáng tác. Dầu điện chỉ được đấu nối theo giờ, đa phần phải sử dụng đèn Hoa Kỳ, nhưng ông vẫn thường thức suốt đêm làm việc. Nhiều lần tôi sang chơi thấy nhiều bản thảo bị vò nát, vứt vào xó. Có hôm sáng sớm hai chúng tôi đi xách nước cho vợ nấu ăn, sờ lưng An Thuyên thấy vết muỗi cắn rất nhiều, tôi hỏi thì biết, tối qua bên đèn Hoa Kỳ dưới góc bếp, anh ngồi sáng tác đến hết đêm”.

Quốc Nam cũng kể, An Thuyên và ông thường ngồi bên ấm trà hát cho nhau nghe những ca khúc của mình: Em chọn lối này, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Tiếng đàn Balalaika trên sông Đà (An Thuyên); Những ngôi sao trên đầu mộ chí, Ta đi từ câu dân ca của mẹ, Kỷ niệm về Hồng Chân (Quốc Nam)…

Nặng tình với Hà Tĩnh

Đến năm 1981, An Thuyên đi học chuyên tu về sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội rồi về công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội (Trường Nghệ thuật Quân đội). Dầu ở xa nhưng tình cảm của hai nhạc sĩ vẫn gắn bó. Có lần, Quốc Nam đưa anh em đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh ra Hà Nội tập huấn 3 – 4 tháng trời, An Thuyên đã nhờ cơ quan cho ăn ở cùng, tạo điều kiện cho đoàn yên tâm với công việc. Không những vậy, An Thuyên còn phối hợp với Quốc Nam làm nên nhiều thành tựu nghệ thuật, mang lại tiếng vang lớn cho tỉnh Hà Tĩnh bấy giờ. Vào năm 1995, Quốc Nam nhờ An Thuyên viết ca khúc để tham gia chương trình hội diễn. Ca khúc “Thương nhau tìm về” đã ra đời và tên của nó đã trở thành tên chương trình tham gia hội diễn ở Hà Nội, Hải Phòng, sau đó giành Huy chương Vàng của Cục Biểu diễn.

nhạc sĩ an thuyên

Nhạc sĩ Quốc Nam: Với tôi, anh An Thuyên vẫn như đâu đây.

Năm 1999, An Thuyên viết tiết mục thanh xướng kịch “Cung đàn non nước” dài 45 phút nói về Uy viễn Tướng công (tức Nguyễn Công Trứ) do anh em Đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh biểu diễn và giành huy chương vàng. Quốc Nam kể: “Khi biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, hội đồng nghệ thuật đánh giá rất cao chương trình của đoàn Hà Tĩnh – một đoàn nghệ thuật tỉnh lẻ. Đêm đó, An Thuyên đội một thúng xôi trứng trèo vào hàng rào nhà khách Cơ yếu Chính phủ, nơi anh em đoàn đang nghỉ để ăn mừng, bị bảo vệ giữ lại, ông phải trình bày cụ thể thân thế, chỗ ở hiện tại mới được bảo vệ bỏ qua. Thành công lúc đó gây tiếng vang lớn, lãnh đạo tỉnh là ông Trần Đình Đàn đã chiêu đãi anh em nghệ sĩ tại một khách sạn sang trọng ở Hà Nội.

Để giúp đoàn, An Thuyên luôn trăn trở phải làm thế nào để cạnh tranh được với các đoàn của tỉnh bạn vì họ có rất nhiều nghệ sĩ ưu tú. Vì thế, ông đã viết thanh xướng kịch và tìm mọi cách đưa chất liệu đời sống xứ Nghệ vào các tác phẩm”. Quốc Nam còn nhớ như in có lần nói chuyện với An Thuyên ở đường Giảng Võ (Hà Nội) về cách làm thế nào để tạo được dấu ấn, An Thuyên đã suy nghĩ cả tháng trời và quyết định đưa những sản vật đặc trưng ở Nghệ Tĩnh lên sân khấu như áo tơi, nón lá cùng chất liệu dân ca Nghệ Tĩnh. Sau này có rất nhiều chương trình, đoàn ca múa kịch Hà Tĩnh đã mời An Thuyên cùng tham gia sáng tác, nhờ đó mà có những ca khúc để đời như: Quê mình quê thơ (Tố Nga trình bày).

“An Thuyên là người tài hoa. Sự ra đi của anh là một mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Với tôi, anh An Thuyên vẫn như đâu đây, có những kỷ niệm không bao giờ quên được. Trong anh có sự hội tụ nhiều vẻ đẹp: vừa mộc mạc, chân tình trong đời sống, vừa giàu ý chí, nghị lực trong sáng tạo, vừa mang cốt cách một nhà giáo luôn trân trọng, quan tâm dìu dắt lớp trẻ như Tố Nga, Đinh Thành Lê, Thái Bảo…” – nhạc sĩ Quốc Nam nói trong ánh mắt buồn.

Hình ảnh giản dị bên người thân và bạn bè của nhạc sỹ An Thuyên
Hình ảnh giản dị bên người thân và bạn bè của nhạc sỹ An Thuyên
(Giải trí) - (Phunutoday) - Cùng nhìn lại những hình ảnh đời thường giản dị của nhạc sỹ An Thuyên bên bạn bè và các anh chị em nghệ sỹ.

 

Điều trăn trở của nhạc sỹ An Thuyên trước lúc ra đi
Điều trăn trở của nhạc sỹ An Thuyên trước lúc ra đi
(Giải trí) - (Phunutoday) - “Tôi luôn hy vọng sẽ còn có nhiều người hy sinh lợi ích bản thân để cống hiến cho nghệ thuật. Tết nào, tôi cũng cầu mong điều này"
Theo:  khoevadep.com.vn