20 năm chờ đợi tình mẫu tử của ca sĩ Randy

( PHUNUTODAY ) - Bà chỉ đứng từ xa bảo: “Thôi, con thông cảm hỉ (nhé), con thông cảm hỉ”. “Mọi thứ giờ đã qua rồi, má cũng chẳng sống được bao lâu. Có nhiều chuyện đau đấy nhưng thôi không nhắc đến nữa..."

(Phunutoday) - Là một ca sĩ hải ngoại nổi danh ở những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ít ai biết Randy có một tuổi thơ khốn khó. Đó là những chuỗi ngày bị bỏ rơi, bị ngược đãi, bị khinh miệt… bởi Randy là con lai, không biết mặt cha, bị mẹ bỏ rơi ở cô nhi viện từ khi đỏ hỏn. Tuổi thơ cay đắng, không hơi ấm tình thương đó thật may đã không giết chết nổi bản chất thiện và lòng bao dung trong anh, để vượt qua tất cả anh vẫn tha thứ và khao khát tìm lại mẹ.
[links()]
Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Khi người người được đoàn tụ với gia đình, Randy lại một lần nữa lên ti vi với thông điệp tìm mẹ. Nhiều khán giả khóc khi nghe những tâm sự gửi mẹ qua cái giọng hát buồn buồn, cam chịu của anh.

Randy có một cách tìm mẹ khác người, là qua những bài hát. Anh biểu diễn ở đâu cũng hát những bài về mẹ, kèm với những lời nhắn tìm thống thiết: “Con là Randy, sinh năm 1972, bị bỏ ở cô nhi viện Thánh Tâm, Đà Nẵng…”.

Cuộc tìm kiếm đã kéo dài hơn 20 năm, và chưa biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ. Randy bảo sau chương trình Tết đó, anh nhận được nhiều phản hồi lắm, nhưng tiếc là vẫn chưa có thông tin nào trùng khớp.

Tuổi thơ không hơi ấm tình thương

Randy, sinh năm 1972, bị bỏ ở cô nhi viện Thánh Tâm, Đà Nẵng…
Randy, sinh năm 1972, bị bỏ ở cô nhi viện Thánh Tâm, Đà Nẵng

Từ khi mới lọt lòng, cậu bé mang 2 dòng máu Việt – Mỹ với màu đa đậm hơi khác thường, đã được đưa vào cô nhi viện Thánh Tâm ở Đà Nẵng. 5 năm sống ở đây, trong vòng tay yêu thương của các xơ là những ngày bình yên nhất thời thơ ấu của Randy.

Sau quãng thời gian đó là những ngày khốn khó. 6 tuổi, Randy được nhận làm con nuôi và đưa về sống tại huyện Cẩm Hà (nay là Thanh Hà), tỉnh Quảng Nam. Cha mẹ nuôi làm nông, cũng nghèo. Randy phải nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống mới, đi chăn bò, làm ruộng.

Có điều, anh chưa bao giờ cảm nhận được niềm vui có bạn bè và niềm hạnh phúc có gia đình. Vì màu da, anh thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Còn mẹ nuôi đối xử rất khắc nghiệt. Nếu mắc phải lỗi lầm gì, dù nhỏ, Randy đều bị đánh thừa sống thiếu chết.

Chăn bò mà để bò ăn khoai, ăn lúa, thì Randy khỏi được ăn cơm và cũng khỏi được ngủ luôn. Những hôm như thế, bò thì về chuồng, còn Randy quay lại ruộng tìm chỗ ngủ. Nhiều đêm, Randy lăn lóc cạnh những ngôi mộ ở nghĩa trang, tìm củ khoai, củ chuối ăn cho đỡ đói.

Còn mẹ nuôi đối xử rất khắc nghiệt. Nếu mắc phải lỗi lầm gì, dù nhỏ, Randy đều bị đánh thừa sống thiếu chết.
Còn mẹ nuôi đối xử rất khắc nghiệt. Nếu mắc phải lỗi lầm gì, dù nhỏ, Randy đều bị đánh thừa sống thiếu chết.

Trên người Randy còn nhiều vết sẹo của những ngày tuổi thơ cơ cực ấy, như một vết trên sống mũi, hậu quả của lần bị mẹ nuôi cầm guốc đánh; hay vết sẹo trên má trái, đó lần bị mẹ nướng cả chiếc đũa bếp dí vào mặt vì tội ngủ gật khi đang nấu cơm.

Thậm chí có lần, người ta đến nhà mắng vì Randy để bò ăn lúa, bà giận dữ đổ dầu hỏa lên đầu cậu bé, tay cầm mồi lửa và hét lớn: “Tao sẽ giết mày”. Đó là lần đầu tiên Randy gọi bà bằng mẹ và quì xuống van xin: “Con lạy mẹ. Mẹ đừng giết con”…

Sống như vậy 6 năm, đến năm 1983, bà bán Randy cho một gia đình người Hoa để lấy 3 cây vàng. Về đây Randy không bị đánh nữa, nhưng người mẹ nuôi này không bao giờ ngồi ăn cùng mâm với cậu con nuôi đáng thương.

Vài lần như thế, Randy biết thân biết phận, tự tụt xuống dưới ngồi. Gia đình này cho Randy đi học. 12 tuổi, cậu bé bắt đầu vào lớp 1. Dù bị bạn bè trêu chọc, Randy vẫn mê học lắm, thường là học sinh giỏi nhất lớp.

Được đến lớp 3, vì việc học hành khiến gia đình có thêm gánh nặng, họ để Randy nghỉ đi làm cho một hãng xì dầu. Lúc đó là năm 1987, Randy đã được 14 tuổi. Trên giấy tờ là làm con nuôi nhà người ta, nhưng Randy bị bỏ mặc, sống vất vưởng thế nào cũng được, có nhà cũng như không.

Sau này cậu bé mới hiểu, họ mua mình không phải vì thương, mà vì cậu là con lai, sắp được đi Mỹ. Sau 4 năm chờ đợi, chưa thấy tin tức gì, họ bỏ mặc Randy, xem như đầu tư nhầm chỗ.

Tuổi thơ của Randy không có cả đến một chút niềm vui, chứ đừng nói đến hạnh phúc. Thế nhưng vết thương da thịt dễ lành hơn vết thương tình cảm. Người mẹ nuôi đầu dù đánh Randy rất dữ, anh vẫn nhắc đến trìu mến hơn người mẹ sau.

Phần vì lúc đó anh đã lớn hơn, có ý thức rất rõ. Phần vì anh hiểu rằng, bà coi Randy như một thứ hạ đẳng, chỉ là một công cụ để đạt mục đích. Năm 1990, ước mong của họ cuối cùng cũng được thực hiện, Randy được cùng họ sang Mỹ.

Với anh, Việt Nam vẫn là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn. Ngôn ngữ Việt, người mẹ Việt và tình người Việt còn đọng lại trong người anh.
Với anh, Việt Nam vẫn là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn. Ngôn ngữ Việt, người mẹ Việt và tình người Việt còn đọng lại trong người anh.

Những tưởng ở đất lạ quê người, mọi người sẽ xích lại gần nhau, nhưng tình cảm là thứ không thể gượng ép. Những ngày mới sang, Randy đau ốm triền miên, họ cũng không bao giờ hỏi thăm Randy lấy một lời.

Họ chia số tiền trợ cấp ra làm 5 phần, của ai người ấy tiêu, sống với nhau như người dưng nước lã. Và như thế, mọi sự liên hệ hoàn toàn chấm dứt.

Không có tin tức nào để tìm cha, không người thân, bạn bè… thấy mọi thứ quá bạc bẽo và thực sự thấm cảnh cô đơn trên đất Mỹ, Randy đã nhiều lần muốn quay lại Việt Nam. Ít ra, đó cũng là nơi anh nói cùng một thứ ngôn ngữ, và có thể đi tìm mẹ.

Thậm chí, có khi anh không muốn sống nữa. Chết đi, tất cả sẽ kết thúc. Nhưng rồi anh thấy tội cho mình quá. Không được ai yêu, thì ít nhất cũng tự mình phải học cách yêu mình. Và anh lại đứng lên, tiếp tục can đảm sống.

Miệt mài tìm kiếm và chờ đợi tình mẫu tử thiêng liêng

Rồi cuộc sống cũng mỉm cười với Randy một lần, khi qua một cuộc thi hát karaoke, anh được giải nhất và được giới thiệu đến một trung tâm ca nhạc hải ngoại. Không có chút kỹ thuật nào, Randy hát bằng tâm hồn và bằng tuổi thơ cơ cực của mình.

Giọng hát buồn của anh nhanh chóng được yêu thích qua những bài song ca với Mỹ Huyền. Anh thực sự đổi đời nhờ âm nhạc, một cuộc đổi đời ngoạn mục cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ năm 1992 – 1995 là khoảng thời gian vàng son nhất của Randy.

Anh đi diễn khắp nơi trên thế giới, bất cứ nơi nào có cộng đồng người Việt. Ngay cả trong nước thời gian đó, cũng tràn ngập tiếng hát Randy. Từ một người chỉ thu nhập 60 USD, anh trở thành ca sĩ nổi tiếng, kiếm được đến 20.000 USD/tháng.

Trước đó quá khổ sở, bây giờ có tiền, Randy quyết chơi xả láng. Hết nhậu nhẹt, rồi đánh bạc và mua xe đời mới. Năm 1995, anh kết hôn với Á hậu châu Á của 1 tiểu bang ở Úc và có 1 đứa con. Lúc đó danh tiếng đã bắt đầu đi xuống, cuộc sống gia đình cũng trục trặc và 2 người chia tay.

Năm 2000, Randy tái hôn với con một gia đình người Hoa, nhưng không được gia đình vợ chấp nhận. Những bí bách của cuộc sống khiến 2 người lại đi vào vết xe đổ, và chia tay. Hiện tại, Randy đang sống với người vợ thứ 3, kém đến 16 tuổi, một người yêu nhạc Randy.

Hai lần đổ vỡ đã cho Randy nhiều bài học. Để cuộc sống yên ấm, anh bỏ bớt những thói quen bất lợi cho hôn nhân như hơn thua lời nói, rồi cái tôi quá lớn…

Giữa những sóng gió liên tiếp của cuộc sống, Randy vẫn đau đáu một ước mong tìm lại mẹ ruột. Nhiều đêm anh nằm mơ, thấy mẹ rất hiền, tóc dài và luôn mặc 1 bộ đồ trắng bạc. Bà rất dịu dàng, luôn đến ôm anh và thì thầm những gì anh không nghe rõ.

"Bằng tình cảm của mình, tôi biết mẹ tôi đang ở đâu đó trên cuộc đời này. Tôi hy vọng rồi sẽ một ngày tôi được gặp mẹ bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ trong những giấc mơ". Với mong muốn đó, Randy đã nhiều lần về Việt Nam, và đi hát ở đâu, anh cũng nhắn tìm mẹ.

Lần đầu tiên anh nhắn tin, rất nhiều người mẹ đến phòng trà Tiếng xưa để xem anh hát và trao đổi thông tin. Mặc dù những thông tin không trùng hợp, nhưng nhiều người mẹ đã xem Randy như con mình. Họ cùng nhau khóc rất nhiều cho sự ly tán bởi chiến tranh.

Thật may mắn, cuộc sống khắc nghiệt dù để lại cho Randy nhiều vết thương, nhưng không khiến anh trở nên cay nghiệt. Anh vẫn dịu dàng và bao dung. Giấc mơ thì đẹp đẽ, nhưng Randy biết sự thật có thể sẽ khắc nghiệt, và anh chấp nhận.

Điều duy nhất anh cần, là được chính thức một lần có mẹ, được cảm nhận tình cảm máu mủ ruột rà. “Sự thật cho dù ghê gớm, đau đớn đến đâu cũng chẳng bằng những gì mà tuổi thơ tôi đã trải qua. Tôi đã chịu đựng được và bỏ qua tất cả cho mọi người, thì mẹ tôi, sao tôi lại không tha thứ được”.

Randy vẫn luôn tâm niệm, sống mà không biết yêu thương, tha thứ thì cuộc sống sẽ không còn ý nghĩa. Những ngày cay cực nhất, anh trút tất cả vào nhật ký. Nhưng khi mọi sự qua đi, anh lặng lẽ đốt hết những trang đen tối của đời mình.

“Tôi chỉ lưu giữ lại những kỷ niệm vui buồn trong tiềm thức, gửi tâm sự vào những bài hát, đặc biệt là những bài hát về mẹ”. Đó là cách Randy làm để tha thứ. Như năm ngoái, anh đã trở về thăm người mẹ nuôi ở Quảng Nam.

Những vết sẹo trên da thịt và trong tim vẫn còn, anh cũng muốn biết vì sao bà đối xử với anh tàn nhẫn như vậy. Nhưng anh không hỏi. “Tôi đã đi một quãng đường quá dài với những chuyện đó và tha thứ là một điều cần thiết”.

Bà đã 82 tuổi, ngôi nhà vừa bị bão cuốn đi. Randy giúp bà một chút để dựng lại cuộc sống. Bà cũng không nói gì, chỉ đứng xa xa và bảo:

“Thôi, con thông cảm hỉ (nhé), con thông cảm hỉ”. “Mọi thứ giờ đã qua rồi, má cũng chẳng sống được bao lâu. Có nhiều chuyện đau đấy nhưng thôi không nhắc đến nữa. Dù có thế nào thì mảnh đất đó, sự khổ đau đó đã nuôi tôi lớn lên cả về thể xác lẫn tinh thần”.

Bây giờ, tuy không còn là một ca sĩ nổi tiếng. Ở bên Mỹ, anh thi thoảng giúp vợ ở tiệm nail (thời trang vẽ móng). Hai người có một cuộc sống giản dị. Thế nhưng, với anh bây giờ là hạnh phúc. “Không có công việc xấu, chỉ có con người xấu”.

Anh vui vẻ với cuộc sống lao động của một người bình thường. Hơn nữa, anh có niềm hạnh phúc khác, là nhận được thêm rất nhiều tình yêu từ khán giả. Mỗi khi đi lưu diễn ở đâu cũng có người hỏi: Randy đã tìm được mẹ chưa?

Dù chưa tìm được chút hơi ấm mẹ cho đúng nghĩa, chưa tìm được một vòng tay mà Randy khao khát bấy lâu, nhưng đã cảm nhận được tình yêu từ những người đồng bào mà anh mang trong mình nửa dòng máu.

Với anh, Việt Nam vẫn là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rốn. Ngôn ngữ Việt, người mẹ Việt và tình người Việt còn đọng lại trong người anh.

  • Như Loan
     
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn