Cuộc đời Trung tướng Trần Quang Khánh

( PHUNUTODAY ) - Khi đất nước hoà bình, thống nhất hai miền Nam– Bắc, đó cũng mới bắt đầu quãng thời gian đoàn tụ của ông bà. Họ có thời gian ở bên nhau, bù đắp cho nhau những thiếu thốn của mấy mươi năm chiến tranh xa cách.

Tiếp tục cống hiến khi đất nước hoà bình, sát cánh bên người vợ Nguyễn Thị Đông hiền lành, dịu dàng, nhìn những người con trưởng thành, trở thành những người có ích, đó có thể nói là sau những năm tháng oanh liệt, hạnh phúc đã toả bóng xuống gia đình ông.
[links()]
Trong khi bạn bè đồng trang lứa xây dựng gia đình đề huề, ríu rít dăm đứa con, hạnh phúc, yên ổn, thì anh lính trẻ Trần Quang Khánh dù đã bước sang tuổi băm được mấy mùa xuân, vẫn “nhửng nhừng nhưng”.

Bởi lúc ấy, toàn bộ tâm sức anh dồn cho công việc, cho những cuộc tham luận tại đơn vị về phương án tác chiến, đánh giặc, còn chuyện gia đình, vợ con “tạm gác” sang một bên.

Mấy mươi năm trước, anh từng nghĩ mình sẽ là người độc thân, sẽ không lấy vợ, nhưng số phận run rủi thế nào anh gặp được người con gái dịu dàng, nết na, thuần hậu Nguyễn Thị Đông để rồi “lời thề vô hình” được bóc gỡ bằng một đám cưới giản dị, ấm áp song không kém phần hạnh phúc.

Họ gắn bó với nhau, đi qua những năm tháng nghèo khó chiến tranh, trọn vẹn nghĩa tình, yêu thương cho tới khi về già. Bên cạnh niềm hào hứng kể về những năm tháng chiến tranh, về sự dày công, tỉ mỉ cùng đồng nghiệp soạn thảo cuốn sách Tổng kết chiến tranh Việt Nam, những lời đằm sâu, chân thành nhất và đẹp đẽ nhất, Trung tướng Trần Quang Khánh dành tặng cho người vợ của mình.

Người hoá giải “lời thề vô hình”

Trung tướng Trần Quang Khánh
Trung tướng Trần Quang Khánh

“Tôi lần lượt đi dự từng đám cưới của đồng đội, đồng nghiệp. Lần nào họ cũng khoác vai bá cổ hỏi han tíu tít: “Bao giờ cho chúng tớ ăn kẹo, uống nước chè xanh đây?”. Đáp lại mình chỉ cười tủm tỉm: “Sắp rồi”. Nói là “sắp rồi” cho qua thôi, chứ thực bụng chẳng biết đến khi nào lấy vợ.

Về nhà bố mẹ tôi cũng giục giã ghê lắm. Họ muốn có cháu bế bồng, chăm sóc, chẳng gì đứa trẻ cũng là linh hồn, là ánh sáng mặt trời trong nhà, nhưng thúc giục mãi cũng… chán khi thấy cậu con trai vẫn cứ “lửng lơ con cá vàng”, chẳng coi trọng chuyện gia đình, vợ con, suốt ngày chỉ cắm cúi vào công việc với biền biệt các chiến dịch lớn bé. Mà hồi đó, ngoài 30 chưa vợ ở quê đã bị coi là…ế”.

Trung tướng Trần Quang Khánh tươi cười kể lại. Bảo ai ế còn dễ tin, chứ một anh bộ đội đẹp trai, mắt sáng thông minh, có duyên ăn nói, tính tình cương trực, thật thà, đứng đắn…ế vợ thật chẳng thuyết phục. Nhưng lúc đó, chàng trai Khánh chỉ giải thích bằng cụm từ đơn giản: “Cái duyên chưa tới”.

Sinh ra tại mảnh đất Thái Nguyên – cái nôi cách mạng anh hùng, trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ Trần Quang Khánh đã được truyền thụ tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Cha là đốc học của một trường tiểu học, Trần Quang Khánh đã được học chữ và tỏ ra là một cậu bé thông minh, có khả năng nhận thức nhanh nhạy.

Mẹ làm nông và đảm đang công việc nội trợ trong nhà, tận mắt chứng kiến nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ, cậu bé Quang Khánh càng lấy đó làm động lực thôi thúc học tập, phấn đấu. Chẳng biết có phải mải mê học hành quá không, đến tận ngoài 30 tuổi, cậu vẫn chưa có lấy một mảnh tình vắt vai.

Tham gia quân đội từ năm 1945, cùng các binh đoàn chiến đấu khắp các mặt trận trong cả nước, từng giữ các chức vụ quan trọng như chủ nhiệm chính trị, thư kí đắc lực của đại tướng Văn Tiến Dũng, là anh cán bộ tuyên huấn từng dõng dạc phát biểu trước hàng trăm, hàng nghìn anh em chiến sĩ, nhưng hễ đứng trước mặt cô gái nào là ấp úng, ú ớ không nên câu, mặt đỏ dừ chỉ biết gãi đầu gãi tai. 

Mãi tới tận khi miền Bắc giải phóng, trong vai trò là cán bộ tuyên huấn của đại đoàn 324 được phân công trở về tiếp quản Hà Nội, anh mới có cơ hội trở lại miền Bắc sau những năm tháng biền biệt chiến đấu ở liên khu 4, liên khu 5.

Quý mến tính nết thật thà, khảng khái của Khánh, một người bạn chiến đấu đã giới thiệu em gái của anh với chàng trai muộn đường duyên này. “Tôi lúc ấy 32 tuổi, cô ấy mới có 22 tuổi, đang độ tuổi đẹp đẽ, lại nổi tiếng hiền lành, đảm đang, cũng nghĩ bụng rằng chắc gì cô ấy đã thích mình.

Gọi là giới thiệu, nhưng tính tôi vốn nhát, cô ấy cũng lại ít nói, nên cả buổi gặp gỡ cả hai chẳng nói với nhau được câu gì. Sau lần gặp gỡ đầu tiên, tôi cũng nghĩ ngợi nhiều lắm. Thực bụng nghĩ mình không còn trẻ trung gì nữa, “đầu 3 đuôi chơi vơi” rồi, cũng cần lấy vợ, cần một tổ ấm.

Nói vậy không có nghĩa đến với cô ấy là sự bắt buộc, là “sự lựa chọn cuối cùng” hòng cứu vớt đường tình duyên. Cảm mến Đông bởi đức tính chịu thương chịu khó, hiền lành, tháo vát, sau vài lần gặp gỡ chẳng biết yêu lúc nào không hay.

Khi chưa gặp cô ấy, trong tôi không hề có ý niệm về gia đình và những đứa trẻ, nhưng từ khi gặp Đông, tôi khao khát có được một tổ ấm viên mãn bên vợ con. Khỏi phải nói, khi tôi báo tin sẽ lấy vợ, bố mẹ và bạn bè mừng lắm. Họ bảo, cuối cùng đã có người hoá giải được “lời thề vô hình” của chàng trai quen làm bạn với công việc”.

Người tặng hoa thầm lặng

“Tôi đi lên từ nông dân, tính tình thật thà lắm, nên chẳng biết dành cho cô ấy những cử chỉ lãng mạn, những món quà kì công thế nào đâu. Có lẽ, hiểu điều ấy, Đông chưa bao giờ lấy làm phiền muộn, cô ấy hiểu được sự chân thành và thật thà trong con người tôi.

Cả đời làm vợ, Đông chưa một lần oán thán nửa lời về sự vụng về của chồng. Không hoa, không quà, chỉ có những lời hỏi han, động viên nhau qua những lá thư viết vội, nhưng cô ấy không coi đó là thiệt thòi” - Trung tướng Trần Quang Khánh không giấu nổi niềm tự hào về vợ.

Cưới nhau năm 1956, Trần Quang Khánh lại công tác xa nhà, mãi tới tận năm 1959, họ mới có với nhau người con trai đầu lòng.

Anh đi chiến dịch xa nhà, ở nhà mẹ con tảo tần rau cháo nuôi nhau. Lúc ấy cả gia đình anh chuyển sang ở cùng với bố mẹ vợ, bởi nhà neo người, bố mẹ đẻ anh chuyển vào miền Nam sinh sống.

Điều đặc biệt, cả đời chưa tặng vợ được bông hoa nào, trái lại anh còn được người vợ bé nhỏ tặng hoa mỗi lần trở về tranh thủ thăm nhà trong những lần ra Bắc họp. Ở nhà có một mảnh vườn nhỏ, cô thường trồng hoa.

Những luống hoa đủ màu sắc được chăm sóc tỉ mẩn bởi bàn tay người phụ nữ đảm luôn ra hoa đúng lứa, màu hoa tươi tắn, và hương thơm lan toả khắp nhà. Lần nào anh về, cô cũng lặng lẽ ngắt vài bông, cắm vào chiếc bình nhỏ đặt giữa gian nhà chật chội để ngôi nhà thêm hương sắc và ấm cúng.

Hoa ấy tặng trong lặng lẽ, tặng không cần bất cứ lời nói nào từ một người phụ nữ bình dị, “nông dân” đến người chồng không quen với lãng mạn của mình.

Hai người con sau lần lượt ra đời, ông vẫn bận rộn công tác tận liên khu 5, trong khi đó một mình bà xoay sở với đủ công việc. Chăn nuôi, trồng rau, trồng hoa, lại học thêm cả lớp thương nghiệp và trở về làm cửa hàng phó trung tâm buôn bán các nhu yếu phẩm hàng ngày như thịt cá.

Nhiều người vừa chọc, vừa thương “Chị Đông như thể có 3 đầu, 6 tay, ngần ấy công việc, 3 đứa con thơ mà vẫn đâu ra đấy”. Ông không hề biết và dường như không bận tâm quá nhiều tới những lo toan của vợ, phần bởi ông chỉ biết tới những chiến lược, những kế hoạch tác chiến, công tác binh vận, còn việc nhà và nuôi dạy con cái phó thác cho người vợ bé nhỏ.

Người khiến ông hiểu thấu nỗi vất vả của vợ lại chính là mẹ vợ. Mẹ vợ yêu quý và thương con rể như chính con ruột của mình. Ngày ngày bà vẫn đi bán xôi, phụ giúp con gái nuôi 3 cháu ăn học. Lần trở về nhà, nhìn mẹ vợ tảo tần với gánh xôi trên vai, ông lặng người vì thương xót:

“Một dòng cảm xúc đặc biệt chạy dọc cơ thể tôi. Tôi thương mẹ quá chừng”. Sau lần ấy, ông mới hiểu vì hoàn cảnh khó khăn, nhìn con gái bận rộn, gầy mòn, bà thương con, thương cháu nên cố công lặn lội bán xôi với mong mỏi kiếm thêm vài đồng rau, đồng muối.

Những lặng lẽ, âm thầm hi sinh của vợ, của mẹ hễ nghĩ tới lại khiến đôi mắt ông rưng rưng cảm động.

“Anh là bờ vai, là đôi chân của em”

Khi đất nước hoà bình, thống nhất hai miền Nam – Bắc, đó cũng mới bắt đầu quãng thời gian đoàn tụ của ông bà. Họ có thời gian ở bên nhau, bù đắp cho nhau những thiếu thốn của mấy mươi năm chiến tranh xa cách.

Được Tổng cục chính trị tin tưởng, ông cùng một số đồng đội giàu kinh nghiệm chiến đấu viết Tổng kết chiến tranh, rút ra những bài học kinh nghiệm, phương án tác chiến trong các trận đấu lịch sử trong hai cuộc chiến chống xâm lược lẫy lừng.

Tiếp tục cống hiến khi đất nước hoà bình, sát cánh bên người vợ Nguyễn Thị Đông hiền lành, dịu dàng, nhìn những người con trưởng thành, trở thành những người có ích, đó có thể nói là sau những năm tháng oanh liệt, hạnh phúc đã toả bóng xuống gia đình ông.

Nhưng, sinh – lão – bệnh – tử gần như là một quy luật khó tránh đối với một kiếp người. Bà bị tai biến, khiến việc đi lại trở nên khó khăn.

Suốt 7 năm bà ốm đau, bệnh tật ấy, người ta vẫn thấy trong ngôi nhà nhỏ trên phố Liễu Giai, hình ảnh một vị Tướng dìu vợ từng bước đi chậm rãi từ nhà ra sân, nhìn mấy chậu hoa đang trổ bông thơm ngát đã trở nên quen thuộc với người dân khu phố.

Ông trở thành bờ vai để bà dựa vào, trở thành đôi chân của bà trong những lần trái gió trở giời, đến mức hàng xóm nhìn vào cũng phải trầm trồ “Không ai chăm bà khéo léo như ông”.

Ông bảo, biết vợ bệnh tật đau ốm, nhưng chẳng lấy đó làm điều khó chịu, kể cả khi bà phải nằm một chỗ, không tự vệ sinh, ăn uống được, ông vẫn vui vẻ chăm sóc bà, ngày ngày kể cho bà nghe những câu chuyện về tổ dân phố, hội cựu chiến binh, hàn huyên về những năm tháng đã lùi vào quá khứ.

Cả đời bà ấy lặng lẽ hi sinh vì tôi và các con, cho tới mãi lúc về già, tôi mới có dịp báo đáp ân tình ấy. Vào một ngày không báo trước của 7 năm về trước, người bạn đời của Trung tướng Trần Quang Khánh đã vĩnh viễn rời xa bờ vai của ông.

Vượt qua nỗi buồn và sự chênh vênh, ông dành những khoảng lặng, bình thản nhất mỗi khi nhớ về người vợ hiền. Bởi lẽ, cả cuộc đời này, họ đã sống trọn nghĩa, vẹn tình, thời chiến cũng như thời bình và ngay cả khi âm dương cách trở.

  • Du Mục
TAGS:
Theo: