Thanh Thúy– "nàng thơ" của các văn nghệ sĩ một thời (I)

( PHUNUTODAY ) - Ca sĩ Thanh Thúy đến với âm nhạc như một lẽ sống, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bà trở thành ca sĩ từ năm 15 tuổi vì bản năng nghệ sĩ thiên bẩm.

Thanh Thúy là danh ca nổi tiếng ở Sài Gòn những năm 1960, từng được yêu quý gọi là “Hoa hậu của các nghệ sĩ” và là “giọng hát liêu trai một thuở”. Ngày Thanh Thúy 15 – 16 tuổi, mới xuất hiện trên sân khấu cất tiếng hát, Thanh Thúy đã trở thành “nàng thơ” của rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng, trong đó có cả cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

[links()]

Giọng hát của Thanh Thúy đẹp liêu trai và ma mị, nghe da diết và thoang thoảng như khói sương; đôi mắt của Thanh Thúy có thể “đánh gục” bất cứ trái tim người đàn ông nào trót một lần nhìn vào nó. Bà trở thành “nàng thơ” trong lòng bao nhiêu nhà thơ, nghệ sĩ, cũng không có gì đáng ngạc nhiên.

Thanh Thúy – người yêu trong mộng của cả một thế hệ

“Người yêu trong mộng của cả một thế hệ” – đó là lời mà nhạc sĩ Nguyên Sa nổi danh một thuở nhận xét về Thanh Thúy.

Câu nói của Nguyên Sa không hề có phần nào tâng bốc hay quá ưu ái Thanh Thúy, bởi thực sự, đã có một thuở, rất nhiều người đàn ông đem lòng si mê cả nhan sắc và tiếng hát của Thanh Thúy, trong đó có cả các nhà thơ, các nhạc sĩ, các nhà điện ảnh; bởi thế nên Thanh Thúy là nghệ sĩ xuất hiện trong các tác phẩm thơ, ca, điện ảnh nhiều nhất trong giới nghệ sĩ.

“Người yêu trong mộng của cả một thế hệ” – đó là lời mà nhạc sĩ Nguyên Sa nổi danh một thuở nhận xét về Thanh Thúy.
“Người yêu trong mộng của cả một thế hệ” – đó là lời mà nhạc sĩ Nguyên Sa nổi danh một thuở nhận xét về Thanh Thúy.

Ca sĩ Thanh Thúy tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thanh Thúy, một nữ danh ca được yêu mến nhất tại Sài Gòn thập niên 60. Bà sinh năm 1943 tại Huế trong một gia đình có 5 anh chị em.

Tuy nhiên cả gia đình chỉ có mình Thanh Thúy là làm ca sĩ, những người còn lại chỉ có một người em là Thanh Châu tuy làm kiến trúc sư nhưng cũng thỉnh thoảng tham gia ca hát mỗi khi có thời gian.

Ở Sài Gòn những năm 1960, không một ai là không biết và không nghe giọng hát Thanh Thúy. Nhiều người Sài Gòn vẫn giữ những bản thu âm giọng hát Thanh Thúy đến giờ. Nhiều thế hệ sau nghe giọng hát liêu trai, như khói như sương của Thanh Thúy vẫn phải trầm trồ, xuýt xoa.

Ca sĩ Thanh Thúy đến với âm nhạc như một lẽ sống, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bà trở thành ca sĩ từ năm 15 tuổi vì bản năng nghệ sĩ thiên bẩm và vì khao khát đến tuyệt vọng của một cô bé nghèo cần kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ.

Chị em ca sĩ Thanh Thúy sớm mồ côi. Thuở nhỏ, Thanh Thúy và các em đã phải theo mẹ đi tha phương khắp nơi, phiêu bạt từ Huế vào Phan Thiết rồi vào Sài Gòn sinh sống, cuộc sống cơ cực trăm bề. Thanh Thúy là một người con gái hiếu thảo hết mực với mẹ.

Từ năm lên 10 tuổi, bà đã biết làm việc kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Nhưng ở Sài Gòn, biến cố lại xảy đến với cuộc đời Thanh Thúy.

Mẹ Thanh Thúy do làm việc quá sức, sức khỏe yếu, nên đã lâm trọng bệnh khi Thanh Thúy 14 – 15 tuổi mà khi đó gia đình lại nghèo, mấy đứa con nheo nhóc, không kiếm đâu ra tiền trả viện phí. Thanh Thúy vì muốn kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, đã bước lên sân khấu ca hát khi vừa mới kịp trở thành thiếu nữ.

Thanh Thúy đã đã đi hát ở một số nơi nhưng chỉ khi hát ở phòng trà Đức Quỳnh (nằm bên cạnh rạp Việt Long, vào cuối năm 1974 được xây dựng lại lấy tên Văn Hoa Sài Gòn, còn bây giờ tên rạp là Thăng Long), bà mới tỏa sáng, được mọi người biết đến và được báo chí thời đó thường viết bài ca tụng.

Dù sao Thanh Thúy thực sự là một giọng ca được tổ nghề ưu ái. Hiếm có ca sĩ nào mới bước lên sân khấu ở tuổi 15 – 16 như Thanh Thúy mà lại sớm được đón nhận như bà. Thuở đó, khách đến thưởng thức nhạc ở phòng trà Đức Quỳnh có nhiều ấn tượng đẹp về Thanh Thúy.

Thanh Thúy đã tạo dựng tiếng hát truyền cảm đặc biệt của mình đi vào lòng khán thính giả khắp nơi, từ những năm 1960 như ánh sao lấp lánh trong khung trời âm nhạc.
Thanh Thúy đã tạo dựng tiếng hát truyền cảm đặc biệt của mình đi vào lòng khán thính giả khắp nơi, từ những năm 1960 như ánh sao lấp lánh trong khung trời âm nhạc.

Giọng ca Thanh Thúy trầm trầm, mang nỗi buồn man mác, nghẹn ngào, nức nở cùng với dáng dấp mảnh mai, yểu điệu thục nữ, mái tóc dài buông lơi trên vai gầy trong tà áo dài thuần túy của người phụ nữ Việt.

Khi là tà áo dài màu trắc, lúc lại là tà áo dài màu lam, khiến nhiều người nghẹn lại khi nghe Thanh Thúy hát trên sân khấu; mặc dù nhiều nữ ca sĩ trong thời kỳ này khi đi hát cũng đều mặc áo dài, nhưng không ai có được cái thần đặc biệt như Thanh Thúy.

Có lẽ bởi giọng hát liêu trai đặc biệt, cộng với dáng vẻ mong manh trong chiếc áo dài màu lam và gương mặt buồn như sương như khói mà Thanh Thúy trở nên nổi bật như thế trên sân khấu nhạc Sài Gòn những năm xưa.

Tuổi thơ của Thanh Thúy là một tuổi thơ sớm phải gánh gồng trên vai gánh nặng của gia đình. Đi hát cật lực để kiếm tiền chữa bệnh cho mẹ, nhưng nguyện vọng đó của người con gái hiếu thảo không thành.

Thanh Thúy phải chứng kiến sự ra đi vĩnh viễn của mẹ mình năm 1960, khi Thanh Thúy vừa bước sang tuổi 17 chưa lâu.

Sau nỗi đau mất mát to lớn đó, Thanh Thúy lại là người thay mẹ gánh vác gia đình, nuôi mấy em còn nhỏ dại, lo cho các em ăn học thành người. Sau này sang Mỹ, Thanh Thúy vẫn là người chị cả gắn bó với các em, gánh vác chuyện gia đình và là chỗ dựa tinh thần cho mấy người em gái.

Người ta nói có lẽ Thanh Thúy mang tâm trạng đau buồn vì thương nhớ mẹ, mà tiếng hát càng u sầu, não nùng, bi cảm, trong âm điệu mượt mà, ngọt ngào, du dương... khiến mọi người xúc động, tái tê từ phong cách trình diễn cho đến lời ca trầm mặc, thiết tha tạo nên nét độc đáo riêng biệt cho ngôi sao bồng bềnh giữa khói sương.

Vì sớm mang trong lòng mình những nỗi buồn bi ai, nên sau này, Thanh Thúy rất trân trọng những hạnh phúc mà mình có, như một lần bà trả lời phỏng vấn báo chí: “Tôi nghĩ ông trời cho tôi một giọng hát, và cho tôi thêm điều may mắn là gặp toàn những điều tốt đẹp trong cuộc đời.

Tôi luôn nghĩ mọi chuyện là do trời sắp đặt. Cuộc đời không ai không trải qua những sóng gió. Nhưng phải luôn nghĩ đó là cuộc đời. Mình nghĩ mình hạnh phúc thì mình sẽ hạnh phúc. Tôi sinh ra đã thiếu thốn tình cha, mẹ lại mất sớm, nên gia đình với tôi là tất cả.

Tôi quan niệm ông trời đã cho mình điều gì thì mình hãy chấp nhận, ngay khi có cả những gợn sóng bùng lên. Tôi trân trọng những hạnh phúc mình có”.

Sau khi mãn tang cho thân mẫu, giữa thập niên 1960 có một thời gian Thanh Thúy vắng bóng không đi hát vì vừa lập gia đình vào năm 1964, người chồng cũng là tài tử chính trong phim “Bão tình” (do Lưu Bạch Đàn sản xuất và đạo diễn).

Sau này hai vợ chồng Thanh Thúy sang Mỹ sinh sống. Tuy thỉnh thoảng vẫn hát trên sân khấu hải ngoại, nhưng Thanh Thúy không chọn sống ở Cali như nhiều người Việt khác mà chọn sống ở một nơi cách xa đấy cả trăm cây số, vì muốn được hưởng cuộc sống thanh bình bên gia đình mình.

Thanh Thúy là một nữ nghệ sĩ khiến nhiều người ái mộ, không chỉ bởi nhan sắc, bởi giọng hát thiên thần mà còn vì bà là một nữ nghệ sĩ hiếm hoi sống hạnh phúc bên gia đình, chồng con mà chưa hề có một điều tiếng nào trong bao năm làm nghệ thuật.

Hạnh phúc của Thanh Thúy là được sống bên chồng và gia đình người con trai duy nhất làm dược sĩ, cùng vui vầy với các cháu nội.

“Nàng thơ” trong sáng tác “Số phận” của Trịnh Công Sơn

Hàng đêm, Thanh Thúy đi hát tại phòng trà Đức Quỳnh rồi Anh Vũ, trong thời gian này, Thanh Thúy còn xuất hiện trước công chúng trên các Đại Nhạc Hội, các chương trình phụ diễn Ca Nhạc Kịch của các rạp chiếu phim.

Thanh Thúy nổi tiếng qua những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trúc Phương và Y Vân. Thanh Thúy đã tạo dựng tiếng hát truyền cảm đặc biệt của mình đi vào lòng khán thính giả khắp nơi, từ những năm 1960 như ánh sao lấp lánh trong khung trời âm nhạc.

Năm 1962, Thanh Thúy được bầu chọn là Hoa Hậu Nghệ Sĩ. Đồng thời trong 3 năm liền (1972-1974) theo cuộc trưng cầu ý kiến đọc giả của nhật báo Trắng Đen, Thanh Thúy được bình chọn là nữ ca sĩ ăn khách nhất.

Và còn nhận được rất nhiều mỹ từ do giới văn nghệ sĩ và báo chí phong tặng như “Tiếng hát liêu trai”, “Tiếng hát khói sương”, “Tiếng hát lúc không giờ”, “Tiếng sầu ru khuya”, “Tiếng hát lên trời”, “Tiếng hát khói sương chiêu niệm”, v.v…

Sau khi lấy chồng vào năm 1964, Thanh Thúy nghỉ hát một thời gian rồi quay lại với nghề hát. Dù đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc, nhưng Thanh Thúy không thể bỏ nghiệp cầm ca quên đi sự lưu luyến của mọi người, cho nên Thanh Thúy đã đi hát trở lại tại phòng trà khiêu vũ trường Queen Bee bấy giờ đang do Khánh Ly khai thác.

Rồi khi Khánh Ly ra lập phòng trà riêng, Thanh Thúy cùng nhạc sĩ Ngọc Chánh chính thức đứng ra khai thác nơi đây thêm một vài năm mới trở thành chủ nhân phòng trà khiêu vũ trường International Quốc Tế.

Không chỉ cùng làm chủ phòng trà Quốc Tế, sản xuất băng nhạc cùng với nhạc sĩ Ngọc Chánh, Thanh Thúy còn đóng phim nhưng không nhiều lắm (chỉ vài ba phim với hãng phim của nữ nghệ sĩ Kim Cương). Khi qua Mỹ, Thanh Thúy vẫn là giọng ca được yêu thích.

Đối tượng khán thính giả của Thanh Thúy phần đông là những người đứng tuổi, những người từng mến mộ giọng ca liêu trai này từ khi còn ở trong nước, và trải qua bao nhiêu năm tháng đổi thay nhưng vẫn trung thành với tiếng hát đã gợi lại tâm hồn họ biết bao nhiêu kỷ niệm.

(Kỳ II: Thanh Thúy–  "nàng thơ" của các văn nghệ sĩ một thời )

  • Thạch Anh
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn