Hỗn chiến đẫm máu trên cánh đồng

( PHUNUTODAY ) - Do vết thương quá nặng, nên cả hai anh em ông Viễn đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Giám định pháp y của Trung Tâm pháp y tỉnh Đồng Tháp kết luận, Phan Văn Viễn chết do thủng phổi, Phan Văn Hiển chết do thủng tim.

Chỉ vì không cho hàng xóm kéo lúa nhờ qua đất ruộng của mình nên giữa Mai Thanh Sơn (SN 1975) và Phan Văn Viễn (SN 1957, cùng ngụ xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) xảy ra mâu thuẫn dẫn đến xô xát. Để dằn mặt hàng xóm, Sơn đã gọi Mai Văn Đông (SN 1977, là em ruột) và Mai Hồng Tâm (SN 1984, là cháu ruột) đến đánh nhóm người của ông Viễn. Trong lúc xô xát, Tâm đã dùng dao đâm chết ông Viễn và Phan Văn Hiển (em ruột ông Viễn).
[links()]
Vụ án đã gây xôn xao vùng quê nghèo, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày mà những người nông dân này phải trả một cái giá quá đắt bằng 2 mạng người. Còn 3 người còn lại đang đối mặt với tội danh Giết người.

Vụ hỗn chiến đẫm máu trên cánh đồng

Quá trình điều tra giữa tháng 10/2012 cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Tháp đã có kết luận điều tra, làm rõ các tình tiết có liên quan đến vụ giết người dã man xảy ra tại cánh đồng ở ấp Bình Trung, xã Bình Thạnh, huyện Thanh Bình.

Theo đó 3 người trong một gia đình gồm: Mai Hồng Tâm (SN 1984), Mai Văn Đông (SN 1977) và Mai Thanh Sơn (SN 1975, cùng ngụ địa phương) đang chuẩn bị đối mặt với tội danh “Giết người”.

Theo hồ sơ công an, Mai Thanh Sơn và ông Phan Văn Viễn là hàng xóm của nhau. Cả 2 đều có đất ruộng gần nhau. Vào đầu vụ Đông Xuân năm 2012, ông Sơn trục đất ruột để canh tác thì ông Viễn không cho, vì nước bùn chảy sang sẽ gây thiệt hại cho ruộng lúa nhà ông Viễn nên hai bên xảy ra mâu thuẫn.

Câu chuyện từ đây đã dẫn đến một bi kịch tang thương, khiến làng quê nghèo không còn bình yên. Theo kết luận điều tra thì một buổi chiều, khi vừa thu hoạch lúa trên phần đất ruộng của gia đình mình xong, những người trong gia đình ông Viễn chuyển lúa ra đường lớn bán cho thương lái thu mua tại chỗ.

Nhưng phần ruộng của gia đình ông Viễn lại nằm sâu bên trong, muốn đưa lúa ra ngoài đường thì phải đi nhờ qua phần ruộng của gia đình ông Sơn.

Vẫn ấm ức hàng xóm về chuyện ông Viễn ngăn không cho mình trục đất ruộng hôm đầu vụ mùa, nên sẵn dịp này ông Sơn cũng “mặc cả” với hàng xóm và cấm không cho kéo lúa sang phần đất ruộng của mình.

Vì cả 2 bên đều “hậm hực” trong lòng nên đã xảy ra cãi vả nhau trên cánh đồng. Thấy ông Sơn có những lời thóa mạ cha vợ mình, nên Trần Văn Thành (con rể ông Viễn) đã lên tiếng bênh vực.

Chị Lý Thị Húa bên di ảnh của chồng, anh Phan Văn Hiển.
Chị Lý Thị Húa bên di ảnh của chồng, anh Phan Văn Hiển.

“Võ mồm” không đã, nên Thành và ông Sơn xông vào ẩu đả với nhau. Thấy con rể do bênh vực mình mà bị đánh nên ông Viễn cũng nhảy vào tham gia “trận chiến”. Thân cô thế cô, nên ông Sơn bỏ chạy về nhà gọi thêm lực lượng tiếp ứng.

Khi về đến nhà anh ruột là Mai Vũ Hồng, Sơn gặp Mai Hồng Tâm, Mai Hồng Cường (gọi mình bằng chú ruột) và Mai Văn Đông (em ruột ông Sơn). Ấm ức chuyện mình bị đánh hội đồng, nên ông Sơn kể lại sự việc vừa xảy ra trên đồng cho những người em ruột, cháu ruột nghe.

Khi đó, ông Sơn yêu cầu Tâm, Đông đến ruộng “rửa hận” đánh trả lại nhóm người của ông Viễn. Khi đó, Tâm nói ông Sơn đi về trước, còn Tâm vào nhà lấy dao Thái Lan rồi điều khiển xe chở Đông chạy đến nhà Sơn.

Dựng xe xong, Sơn, Tâm và Đông cùng đi bộ đến ruộng “nói chuyện” với cha con ông Viễn. Vừa thấy Thành trên ruộng, Tâm chẳng hỏi chẳng rằng liền xông vào đánh nhau với Thành. Khi thấy Tâm rút dao trong người ra, Thành liền bỏ chạy.

Cùng thời điểm đó, Đông cũng lao vào vật lộn với Phan Văn Hiển (là em ruột ông Viễn). Thấy chú mình bị ông Hiển đè dưới ruộng, nên Tâm lao đến dùng dao đâm chí mạng vào người ông Hiển làm ông này trọng thương.

Do mất nhiều máu, nạn nhân Hiển nằm bất tỉnh ngoài cánh đồng. Thấy em ruột bị đâm, ông Viễn cũng đang đánh nhau với ông Sơn gần đó liền lao đến xô ngã Tâm, ông Viễn cũng té theo. Tâm liền đứng bật dậy, cầm dao đâm liên tiếp vào lưng ông Viễn cũng làm ông này gục tại chỗ.

Gây án xong, Tâm vứt dao xuống kênh Cái Cỏ rồi bỏ về nhà. Do vết thương quá nặng, nên cả hai anh em ông Viễn đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Giám định pháp y của Trung Tâm pháp y tỉnh Đồng Tháp kết luận, Phan Văn Viễn chết do thủng phổi, Phan Văn Hiển chết do thủng tim.

Trở lại diễn biến sự việc, khi gây án xong, trên đường về nhà, Tâm gặp em ruột là Mai Hồng Cường và kể lại sự việc. Thấy anh gây án, nhưng vì còn vợ còn con, còn mình thì độc thân, nên trên đường về nhà, Cường đã đến thẳng Công an xã Bình Thành thú tội thay anh.

Chiều cùng ngày, Công an huyện Thanh Bình vào cuộc, đã tạm giữ Mai Thanh Sơn, Mai Văn Đông, Mai Hồng Tâm và Mai Hồng Cường để điều tra. Xét tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an huyện Thanh Bình đã chuyển vụ việc lên phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Đồng Tháp thụ lý điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Vụ án đã được khởi tố ngay sau đó. Trong quá trình điều tra vụ án, Công an tỉnh Đồng Tháp xác định đối tượng Mai Hồng Cường không có mặt tại hiện trường, không thực hiện hành vi phạm tội, nên đã “phóng thích” đối với người này.

Nỗi đau người ở lại

Con kênh Bình Thành, nước nặng phù sa từ lâu đã êm ả thanh bình. Còn nhớ thời điểm mấy ngày xảy ra vụ án, trời bỗng trở mưa liên tiếp khiến ai cũng xót thương cho số phận người đã khuất, nhưng gánh nặng thì lại đè lên vai những người còn lại và đến nay người dân địa phương lại mong chờ phiên tòa của công lý.

Khi chúng tôi đến thăm hai gia đình nạn nhân, trong nhà nay chỉ có mấy người phụ nữ và trẻ con. Chốc lại vang vọng vài lời nói thều thào một cách đứt quãng khi gợi lại chuyện. Ai cũng buồn, người tựa cửa, người nằm võng nhìn mưa rơi. 

Chị Lý Thị Húa (SN 1969, vợ nạn nhân Phan Văn Hiển) có lẽ là người đớn đau hơn cả, khi chứng kiến cảnh Mai Hồng Tâm dùng dao tước đi mạng sống của chồng mình và người anh rể nhưng không thể can ngăn.

Chị cũng không ngờ rằng buổi chiều gặt lúa ngày hôm ấy, lại chính là giây phút định mệnh của gia đình mình. Theo lời chị Húa kể lại, sáng hôm đó anh Viễn ra đồng gặt lúa. Do ruộng lúa nằm bên trong, nên phải đi nhờ qua phần đất của ông Sơn.

Lúc này, phần ruộng nhà ông Đông đã gặt xong nên việc những người có ruộng phía bên trong chở lúa gạo ra ngoài qua đây là việc bình thường. Nhưng không hiểu sao, khi thấy ông Viễn kéo lúa qua, ông Sơn lại la mắng: “Ruộng chúng tao không phải đường để chúng mày đi”.

Ông Viễn có giải thích là, trước khi kéo lúa qua cũng đã xin phép mẹ của ông Sơn rồi. Nhưng ông Sơn vẫn cứ sa sả mắng, cản trở ông Viễn chở lúa. Cứ thế lời qua tiếng lại giữa hai người. Rồi bi kịch xảy ra ít phút sau đó.

“Khi thấy Tâm cầm dao định đến đâm chồng tôi, tôi chạy ra giữa quỳ lạy, van xin bảo là chồng tôi chỉ là người can ngăn, xin đừng đâm anh ấy. Vừa dứt lời, chồng tôi đã bị đâm từ sau lưng, trúng tim, máu chảy ròng ròng. Hoảng quá, tôi chỉ biết lao vào ôm chồng la khóc” - chị Húa kể lại thời điểm xảy ra vụ án.

Chị Húa kể tiếp: “Có với nhau được 3 người con, hai đứa con gái lớn, một đã đi lấy chồng, một đang học năm thứ 3 đại học ở TP.HCM và thằng út năm nay được 15 tuổi. Biết cha bị chết oan, cô con gái đang học có ý định bỏ học vì không muốn mẹ ở một mình, cũng không còn tinh thần nào để tiếp tục học hành”.

Trong ký ức của người vợ, chồng chị hiền lành, đảm đang, biết chăm lo và hết mực yêu thương vợ con. Ngoài công việc đồng áng, khoảng 10 năm trở lại đây, hai vợ chồng chị hôm nào cũng bắt đầu dậy từ lúc 1 giờ rạng sáng để làm bún, làm hủ tiếu rồi đẩy bằng xe đi khoảng hơn 2 cây số bán cho công nhân làm ca đêm của một công ty sản xuất thủy sản hàng đông lạnh.

“Công việc vất vả, khó khăn nhưng chưa lần nào anh ấy càu nhàu với tôi nửa lời. Gần 10 năm nay vợ chồng chúng tôi mệt mài làm lụng nuôi con cái dù nhiều vất vả nhưng hạnh phúc, thương yêu nhau” - chị chia sẻ.

“Giá như họ đâm anh ấy vào chỗ khác, dù tật nguyền cả đời cũng được, miễn sao anh ấy vẫn được sống để vợ con tôi vẫn được chăm sóc. Thế mà họ cướp mạng sống bằng được mới thôi” - vẫn là những lời tâm sự đau đớn của người vợ.

Chị Húa cho biết, từ khi sự việc đau lòng xảy ra, chị không còn tâm trí đâu với công việc đồng áng. Việc làm hủ tiếu bán đêm cũng sẽ phải dừng lại vì riêng sức chị mà không có sự trợ giúp của chồng sẽ không làm được.

Đồng nghĩa với đó là gánh nặng mỗi tháng kiếm hơn 2 triệu đồng để gửi lên TP.HCM cho con ăn học sẽ đè nặng lên đôi vai gầy gò của chị. “Dù có khó khăn thế nào thì tôi cũng sẽ cố nuôi con cái ăn học cho tử tế để không phụ lòng anh ấy dưới suối vàng” - mắt nhìn xa xăm như thấy những khó khăn đã, đang và sẽ gánh chịu, người phụ nữ ấy tâm sự.

Còn gia đình anh Viễn, có ba người con gái, hai người đầu đã đi lấy chồng. Từ khi cha mất, giờ chỉ còn mẹ, nên dạo này hai cô về ở với mẹ cho đỡ tủi thân. Nhà có gần 10 công ruộng, chồng là lao động chính mà nay không còn, bà vợ lại là người ít nói nên suốt ngày chỉ biết lủi thủi quanh quẩn gần nhà.

Chị bảo rằng, xưa nay gia đình chị không có xích mích gì với gia đình ông Sơn, đến giờ chị cũng không hiểu vì sao chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ mà lại có thể đâm chết chồng chị. “Mẹ chồng tôi với mẹ ông Sơn trước đây là hàng xóm, chị em thân thiết, có gì cũng giúp đỡ nhau” - chị nói.

Hàng xóm ai cũng đánh giá hai nạn nhân là những người sống hiền lành, tử tế, chưa bao giờ làm mất lòng ai. Bởi vậy ai cũng thương tiếc khi họ phải từ giã cuộc đời một cách ấm ức, do những kẻ du côn gây ra.

Khi sự việc đau lòng xảy ra, người mẹ già của kẻ giết người lọ mọ chống gậy sang nhà nạn nhân ngậm ngùi khóc lóc, xin lỗi, mong nhận được sự thông cảm cho lỗi lầm con cháu.

  • Tiểu Viên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn