Sốc: Trẻ bị điếc vì nghe nhạc từ trong bụng mẹ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Liệu có phải cứ cho thai nhi nghe nhạc là bé thông minh? Nghe nhạc khi bầu bí thế nào mới đúng?

Chị Trần Thanh Hà ở Trần Hưng Đạo, Q.5, Tp.HCM mang thai được 28 tuần tuổi, chị bắt đầu cho thai nhi “nghe” nhạc từ tuần 23. Bởi chị nghe nói cho thai nhi nghe nhạc từ trong bụng mẹ (từ tuần thứ 23) sẽ giúp trẻ thông minh hơn. Vì lúc này thai nhi có thể phân biệt được những âm thanh bên ngoài, khi cho bé nghe các loại nhạc thính phòng, nhạc cổ điển êm ả, sẽ giúp trí não trẻ phát triển tốt hơn. Sau khi ra đời, trẻ cũng thẩm thấu âm nhạc tốt hơn.

Tương tự chị Hà, chị Hoàng Thanh Hiền, rút kinh nghiệm từ đứa trước chị không cho nghe nhạc ngay từ trong bụng mẹ nên sinh ra cháu, không thích nghe nhạc, tính tình bưởng bỉnh, ít hòa đồng với mọi người thường hay lầm lũi một mình. Nên lần sinh thứ hai chị quyết tâm đầu tư cho con ngay từ trong bụng. Hai vợ chồng chị săn lùng khắp nơi các bản nhạc giúp bé thông minh, nhất là những loại nhạc của các nhà thiên tài như Mozart, Beethoven…

Mỗi lần cho con nghe nhạc chị Hiền lại thấy bé lấy chân đạp nhẹ vào bụng mẹ, chị rất thích thú vì cho rằng con đang vui nên mới như vậy. Số giờ chị cho con nghe nhạc tăng dần lên mỗi ngày, ăn chị cũng cho con nghe, ngủ chị cũng ru con bằng âm nhạc, bất kỳ lúc nào rảnh rỗi chị lại đeo tai nghe vào bụng rồi mở nhạc cho hai mẹ con cùng nghe.

Tuy nhiên, sau khi sinh con được 6 tháng, chị Hiền thấy con có những biểu hiện khác lạ, ít phản ứng với những âm thanh xung quanh, bố mẹ nựng thì không có phản ứng lại không giống như những đứa trẻ khác, đem con đi khám các bác sỹ kết luận con chị bị thính lực kém, dù cháu chưa bị điếc nhưng âm thanh tác động phải to thì mới có khả năng nhận biết.

Giải thích điều này, BS. Trần Thị Tuyết Lan cho biết: “Việc cho thai nhi nghe nhạc từ trong bụng mẹ chưa chắc sẽ làm cho trẻ thông minh hơn, mà ngược lại nó có thể ảnh hưởng tới khả năng nghe của trẻ, bởi nhiều bà mẹ cho con nghe nhạc quá to, đặc biệt là cho nghe bằng tai phone áp sát vào bụng mẹ kkiến cho sóng âm thanh phát ra tác động trực tiếp tới tai thai nhi, khiến cho trẻ sau khi sinh ra bị giảm thính lực, thậm chí là bị điếc bẩm sinh.

Mặc dù không có nghiên cứu chính thức kết luận cho việc thai nhi nghe nhạc cổ điển sẽ thông minh hơn nhưng các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng nghe nhạc là một lựa chọn tốt khi mang thai dù cho nó có tác động trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi hay không. Nếu thai phụ yêu thích âm nhạc cổ điển, âm nhạc có thể giúp mẹ làm dịu tinh thần. Và khi mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn, bớt căng thẳng thì điều này sẽ có tác dụng tích cực đối với thai nhi.

Lựa chọn tốt nhất khi mẹ và thai nhi nghe nhạc đó là sử dụng loa ngoài. Nhiều mẹ lo âm lượng loa ngoài không đủ để thai nhi nghe tiếng nhạc nên áp tai nghe vào bụng để bé dễ nghe hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mẹ bầu không được áp tai nghe vào bụng quá một giờ mỗi lần bởi lẽ nước ối có khả năng khuyếch đại âm thanh, nếu nghe nhạc quá to trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thính lực của bé sau khi ra đời. Để đảm bảo an toàn, mỗi ngày mẹ có thể cho bé nghe từ 2-3 lần và mỗi lần nghe không quá 20 phút.

Thông thường đến tháng thứ 4 thai nhi đã có thể phản ứng với những âm thanh bên ngoài nhưng thai đạp mạnh không có nghĩa là biểu hiện bé thích nghe nhạc. Chủ yếu thời gian trong bụng mẹ thai nhi dành để ngủ, âm thanh bất ngời làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ có thể gây ra rối loạn nhịp sinh học của bé. Do đó, thói quen mở nhạc thật to vì sợ con không nghe thấy của nhiều ông bố bà mẹ là hoàn toàn sai lầm.

bà bầu nghe nhạc

Áp tai nghe vào bụng quá một giờ với âm lượng to có thể ảnh hưởng tới thính lực của trẻ (ảnh minh họa).

Âm thanh như thế nào là quá to?

Thai nhi hay trẻ sơ sinh và thậm chí cả người lớn cũng chỉ tiếp nhận được một lượng âm thanh nhất định. Nếu nhạc quá to, khi sinh ra thính giác của trẻ có thể không tốt.

Học viện Nhi khoa Mỹ đã nghiên cứ các thai phụ làm việc trong những lĩnh vực tiếp xúc nhiều với tiếng ồn lớn đã thấy thai nhi tiếp xúc với những tiếng ồn này trong thời gian dài có nhiều khả năng bị sinh non, trọng lượng sinh thấp cũng như khả năng mất thính lực cao hơn các bé khác.

Hiện nay, nhạc tại các cửa hàng thường có âm lượng khoảng 65 decibel (dB), âm lượng này có thể làm tổn thương hoặc khiến thai nhi bị giật mình nếu nghe trong thời gian dài. Lời khuyên cho mẹ là khi nghe nhạc, mẹ nên duy trì âm thanh dưới 50 dB là an toàn cho thai nhi, đây cũng là mức âm thanh được sử dụng hầu hết ở các đơn vị chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh.

Âm nhạc cũng giống như đồ ăn thức uống: ít quá sẽ bị thiểu dưỡng trí năng, nhiều quá gây ra bội thực; có loại âm nhạc bổ ích, có loại âm nhạc độc hại và có bản nhạc hợp với người này nhưng không hợp với người kia.

Sử dụng âm nhạc như thế nào để tốt cho thai nhi? Câu hỏi này đến nay giới khoa học vẫn chưa có chỉ dẫn rõ ràng, mà chỉ có những lời khuyên căn cứ trên những phân tích về mặt logic khoa học nhiều hơn là những bằng chứng khoa học xác đáng. "Nghe nhạc nhiều giúp thai nhi thông minh hơn?"  là câu hỏi chưa được kiểm chứng nhưng có một điều chắc chắn nghe nhạc nhẹ nhàng giúp mẹ bầu thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi, ngủ ngon giấc, điều này rất có lợi đối với mẹ và là ảnh hưởng gián tiếp của âm nhạc đến sự phát triển của thai nhi.

Điều độ là chìa khóa khi sử dụng âm nhạc cho mẹ và bé. Thay vì ép thai nhi phải nghe thật nhiều nhạc, áp tai nghe vào thành bụng hoặc mẹ phải cố nghe thật nhiều (kể cả những bản nhạc khiến mẹ khó chịu), thì hãy để cho bé được tiếp thu âm nhạc một các tự nhiên hơn. Ví dụ như mẹ có thể chọn nghe những loại hình âm nhạc mình yêu thích, nghe trong lúc tâm trạng vui vẻ, thoải mái, hay mẹ có thể hát những ca khúc mình yêu thích để cả hai mẹ con cùng nghe, đừng bao giờ cố gắng nghe hay áp đặt một bản nhạc mình nhất định phải nghe. Mẹ hãy nhớ thai nhi đang là một phần của cơ thể mẹ, mọi hoạt động thể chất của mẹ thai nhi đều có thể cảm nhận thấy.

Dưới đây là mức decibel của âm thanh phổ biến trong gia đình, mẹ có thể dựa vào đó để điều chỉnh âm lượng của bản nhạc sao cho phù hợp nhất:

- Máy giặt: 50-70 dB

- Máy rửa chén: 55-70 dB

- Máy hút bụi: 60-85 dB

- Máy sấy tóc: 60-95 dB

- Đồng hồ báo thức: 65-80 dB

- Tiếng dội nước trong WC: 75-85 dB

- Chuông điện thoại: 80 dB

Theo:  khoevadep.com.vn copy link