Nguyên nhân và cách phòng tránh bệnh tiêu chảy

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mùa hè đang đến gần mang theo những nỗi lo về căn bệnh tiêu chảy, căn bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng và đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ.

Hệ tiêu hóa của chúng ta rất nhạy cảm với những thay đổi trong chế độ ăn uống và lối sống. Một số loại vi-rút và vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ gây ra một số vấn đề về tiêu hóa như nôn mửa, đau bụng, táo bón và phổ biến nhất là bệnh tiêu chảy.

Mô tả ảnh.
Tiêu chảy là căn bệnh phổ biến trong mùa nắng nóng.

Tiêu chảy là gì?

Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng, đột ngột cảm thấy buồn đi ngoài và đi ngoài nhiều lần, ít nhất 3 lần một ngày và thường đi kèm với các triệu chứng đau bụng, chuột rút, buồn nôn và đầy hơi.

Tiêu chảy được phân thành 2 loại là tiêu chảy cấp và tiêu chảy mãn tính. Tiêu chảy cấp chỉ kéo dài trong một vài ngày trong khi tiêu chảy mãn tính có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng, gây ra những biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

Tiêu chảy là một chứng bệnh thường gặp. Gần như tất cả người dân Mĩ bị tiêu chảy 4 lần một năm. Trẻ em còn dễ mắc bệnh hơn, theo ước tính, hầu như trẻ nào cũng bị tiêu chảy khoảng 10 lần trước 5 tuổi.

Các tác nhân gây bệnh tiêu chảy bao gồm:

  • Vi-rút, vi khuẩn hoặc kí sinh trùng
  • Phản ứng kháng thuốc
  • Hội chứng rối loạn đường ruột như bệnh celiac, bệnh Crohn hay hội chứng ruột kích thích IBS
  • Dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm (chẳng hạn như với các sản phẩm từ sữa)

Làm thế nào để trị bệnh tiêu chảy?

Khi bị tiêu chảy, bạn không thể làm gì nhiều trong khi chờ đợi hệ tiêu hóa trở lại bình thường. Thậm chí, một số loại thuốc chống tiêu chảy không qua kê đơn còn có thể khiến bệnh nặng hơn và cản trở cơ chế chống tiêu chảy tự nhiên của cơ thể. Bạn chỉ nên làm những điều sau:

  • Bổ sung chất lỏng cho cơ thể (nước lọc, nước canh, nước ép trái cây, nước uống thể thao)
  • Tránh xa các sản phẩm từ sữa
  • Tránh dùng các thức ăn nhiều dầu mỡ
  • Loại bỏ caffeine
  • Tránh các thức ăn và đồ uống có đường
  • Dùng thức ăn nhẹ như bánh quy giòn, chuối, bánh mì nướng, nước canh, cháo trắng. Nếu không thích những thứ trên, bạn cũng có thể ăn khoai tây luộc hoặc thịt gà nướng đã được loại bỏ phần da. Trong trường hợp bạn phát hiện ra một loại thức ăn nào đó khiến cho bệnh tiêu chảy của bạn nặng hơn, hãy tránh xa nó và thông báo cho bác sĩ.

Khi nào nên điều trị bệnh tiêu chảy?

Nói chung, các trường hợp tiêu chảy cấp tính sẽ tự khỏi mà không cần chữa trị. Bạn chỉ cần nhớ phải bổ sung thật nhiều chất lỏng cho cơ thể bởi ngay cả khi diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn thôi thì tiêu chảy cũng làm cho cơ thể mất nước trầm trọng. Người mắc chứng tiêu chảy mãn tính cũng có nguy cơ bị suy dinh dưỡng do cơ thể không thể hấp thụ được thức ăn. Nếu bệnh tiêu chảy của bạn không tự hết sau một vài ngày, các bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm phân tìm vi khuẩn, vi-rút, kí sinh trùng gây bệnh và kê đơn thuốc.

Bạn nên đến bác sĩ để thăm khám và nhận tư vấn khi bệnh tiêu chảy đã kéo dài hai tuần hoặc hơn. Tiêu chảy kéo dài trong nhiều tuần khiến cơ thể mất rất nhiều nước. Trong một số trường hợp nặng, người mắc tiêu chảy mãn tính phải truyền nước và chất dinh dưỡng qua tĩnh mạch cho đến khi bệnh được kiểm soát.

Bệnh tiêu chảy đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ do các bé có xu hướng dễ bị mất nước hơn người lớn. Hãy gọi ngay cho bác sĩ nếu con bạn bị tiêu chảy kéo dài hoặc xuất hiện các triệu chứng mất nước như khô môi, khô miệng, mắt trũng sâu, đi tiểu đêm hay giảm đi tiểu và mệt mỏi.

Tiêu chảy gây ra cảm giác rất khó chịu cho người bệnh nhưng không đáng ngại cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn bị tiêu chảy kéo dài trong nhiều ngày hoặc kèm theo đau bụng dữ dội, sốt, hoặc mất nước, đừng chủ quan mà hãy đến khám bác sĩ ngay lập tức.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn