Táo bón là gì?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bên cạnh tiêu chảy, táo bón cũng là một căn bệnh thường gặp vào mùa hè nắng nóng, làm cơ thể mất đi nhiều dưỡng chất có lợi.

Mô tả ảnh.
Táo bón thường xuất hiện đột ngột và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn.

Táo bón là tình trạng đi ngoài ít hơn 3 lần một tuần

Táo bón là vấn đề tiêu hóa thường gặp, có biểu hiện đi ngoài khó khăn và không thường xuyên. Táo bón không phải là bệnh lí mà chỉ là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau.

Tần suất đi ngoài ở từng người không giống nhau, có người đi 3 lần một ngày nhưng cũng có người chỉ đi 3 lần một tuần.

Nếu số lần đi ngoài trong tuần của bạn ít hơn 3, rất có thể bạn đang bị táo bón. Khi đó, phân của bạn khô cứng, việc đi ngoài trở nên rất khó khăn và thậm chí là đau đớn. Mỗi lần đi ngoài, bạn phải rặn nhiều và có cảm giác như không thể tống phân ra ngoài.

 Nguy cơ

Theo Viện nghiên cứu Quốc gia về bệnh tiểu đường, hệ tiêu hóa và bệnh thận (NIDDK), táo bón là một trong những vấn đề tiêu hóa thường gặp nhất tại Hoa Kì, ảnh hưởng đến khoảng 42 triệu người, tương đương với 15% dân số nước này.

Cũng theo ước tính của NIDDK, vào năm 2004, khoảng 6,3 triệu lượt khám ngoại trú và 5,3 triệu đơn thuốc được kê có liên quan đến táo bón.

Táo bón có thể ảnh hưởng đến bất kì ai, nhưng đối tượng có nguy cơ cao nhất là:

  • Phụ nữ
  • Tuổi từ 65 trở lên
  • Thu nhập thấp
  • Không có nguồn gốc châu Âu

Bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu đang mang thai, vừa sinh em bé hoặc vừa trải qua một ca phẫu thuật.

Nguyên nhân gây ra táo bón

Đường tiêu hóa của chúng ta bao gồm một loạt các cơ quan rỗng trải dài từ miệng đến hậu môn, có chức năng tiêu hóa thức ăn, hấp thụ chất dinh dưỡng và loại bỏ chất thải.

Đường tiêu hóa được chia thành đường tiêu hóa trên và đường tiêu hóa dưới. Ở đường tiêu hóa dưới, ruột già (còn gọi là ruột kết hay đại tràng) và trực tràng có nhiệm vụ hấp thụ nước thức ăn đã được tiêu hóa và tạo bã thức ăn thành phân.

Táo bón xảy ra khi thức ăn đã được tiêu hóa ở lại quá lâu trong ruột già. Ruột già hấp thụ quá nhiều nước, khiến cho phân của bạn cứng và khô và gây khó khăn cho các cơ trực tràng đẩy phân ra khỏi cơ thể.

Các nguyên nhân đến táo bón bao gồm:

  • Chế độ ăn uống thiếu chất xơ
  • Ít hoạt động thể chất
  • Hàm lượng chất lỏng nạp vào cơ thể thấp
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc kháng một số loại a-xít, thuốc bổ sung chất sắt, thuốc chống co giật và co thắt, thuốc trị bệnh Parkinson hay thuốc chẹn kênh can-xi trong bệnh huyết áp cao và tim mạch.
  • Thường xuyên sử dụng thuốc nhuận tràng và dụng cụ thụt hậu môn
  • Thay đối trong cuộc sống hoặc thói quen thường ngày
  • Tần suất đi ngoài thấp (trừ các trường hợp khẩn cấp)
  • Mắc các bệnh tiêu hóa hoặc hội chứng rối loạn như hội chứng ruột kích thích, u bướu, bệnh celiac hoặc polyp đại tràng
  • Mắc các chứng bệnh như đa xơ cứng, tiểu đường, suy giáp, Parkinson, đột quỵ hay tổn thương thần kinh

Các biến chứng của bệnh táo bón

Táo bón thường xuất hiện đột ngột và chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp mãn tính có thể gây ra biến chứng.

Một số biến chứng của táo bón có thể xảy ra là:

  • Bệnh trĩ (viêm, sưng tĩnh mạch ở trực tràng hoặc quanh hậu môn có thể gây đau và chảy máu trực tràng)
  • Nứt hậu môn (thường kèm theo ngứa, đau và chảy máu hậu môn)
  • Phân đóng khối (phân cứng lại, bám chặt trong ruột kết và trực tràng, không thể đẩy ra ngoài cơ thể)
  • Sa trực tràng (tình trạng một phần trực tràng nhô ra khỏi hậu môn)
Theo:  khoevadep.com.vn