Chuyện tình vượt thời gian của vị tướng dũng mãnh

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Sức mạnh giúp ông vượt qua mưa bom bão đạn để sống và chiến đấu oanh liệt trong chiến tranh, là tình yêu nước và tình yêu của người vợ hiền.

Nhân vật chính của những lá thư này là Thiếu tướng Phan Khắc Hy và người vợ hiền thảo của ông. Cả cuộc đời gắn bó với chiến trường bom đạn, nhưng ông vẫn vô tư  bảo "số không chết". Theo tâm sự của ông, sức mạnh giúp ông vượt qua mưa bom bão đạn để sống và chiến đấu oanh liệt trong chiến tranh, là tình yêu nước và tình yêu của người vợ hiền.

Một thời oanh liệt

Sinh ra trên mảnh đất Quảng Bình "khô cằn sỏi đá", Thiếu tướng Phan Khắc Hy (SN 1927, tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) nối tiếp truyền thống cách mạng của cha ông. ở tuổi vị thành niên, ông xin  cha mẹ được tòng quân tham gia hoạt động cách mạng. Năm 23 tuổi, ông được cử làm Tỉnh đội trưởng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Những năm tháng công tác, chiến đấu tại mặt trận Bình - Trị -Thiên, cuộc đời ông đã dệt nên những trang sử hào hùng và một tình yêu viên mãn.

Bây giờ, tuổi đời đã xấp xỉ  90 nhưng ông vẫn nói rằng, gần 90  mùa xuân ấy, tôi cũng có những mùa xuân của tình yêu mãnh liệt và tươi đẹp. Chiến tranh kết thúc, rời chiến trường trở về bên mái ấm nhỏ, Thiếu tướng Phan Khắc Hy mang theo những kỷ niệm một thời đã qua, đó là những bức thư tình giữa hai vợ chồng ông. Người lính già bảo rằng, chính những lá thư đó đem đến cho cuộc đời ông những kỷ niệm và động lực vững chắc về tinh thần vượt qua bom lửa của kẻ thù.

Mô tả ảnh.
Vợ chồng tướng Phan Khắc Hy trong Album kỷ niệm 60 năm ngày cưới năm 2012.

Sau quá trình hoạt động cách mạng, ông được lãnh đạo tin tưởng bầu chọn giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng như: Chủ nhiệm Chính trị Ban Nghiên cứu sân bay (tiền thân của Quân chủng Không quân), rồi Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân và Phó Tổng Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Sau năm 1975, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Năm 1980, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987 - 1992). Năm 1993, ông nghỉ hưu. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam.

Tình yêu thời bom đạn

Nói về hàng trăm bức thư nồng nàn tình yêu nước, tình yêu lứa đôi, Tướng Hy nhớ lại: "Sau khi vào mặt trận Bình Trị Thiên, tôi với vai trò Tỉnh đội trưởng, thường xuyên phải lên Văn phòng Chính trị Mặt trận liên hệ công tác. Từ đây, tôi gặp cô văn thư Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1932, tại Hương Khê, Hà Tĩnh, vợ ông bây giờ). Qua tìm hiểu, tôi biết, Lan là một trong bốn cô gái xung phong ra mặt trận được điều vào làm công tác văn thư. Sau nhiều lần gặp gỡ cô văn thư  dịu dàng, đoan trang, tôi cảm nhận rõ trái tim mình rung động lạ thường. Khi "kiểm tra" kỹ lại tình cảm bản thân, tôi quyết tâm thổ lộ tâm tình với cô gái thật nhanh, kẻo lại phải ra chiến trường thì không kịp".

Tuy nhiên, Ngọc Lan không bằng lòng bởi cô không dám quyết định chuyện riêng tư. Cô đề nghị anh Tỉnh đội trưởng phải hỏi ý ông ngoại và bố mẹ trước. "Vậy là tôi gặp thử thách lớn. Tôi đã chia sẻ với anh Trần Quý Hai - Chỉ huy trưởng Mặt trận Bình -Trị -Thiên và được anh  giúp đỡ bằng cách viết thư về cho ông ngoại và phụ huynh của Lan trình bày vấn đề. Nhờ vậy, tôi được gia đình Lan tin tưởng đồng ý cho phép tìm hiểu con gái họ. Sau gần hai năm tìm hiểu, chúng tôi đã nên duyên vợ chồng vào cuối năm 1952 tại chiến khu Ba Lòng", ông Hy chia sẻ.

Như bao người lính khác, sau một tuần cưới vợ, người lính trẻ Phan Khắc Hy phải chia tay vợ lên đường làm nhiệm vụ. Nơi chiến trường xa vắng, bao nhiêu nỗi nhớ người vợ trẻ, nhớ gia đình, quê hương chàng lính trẻ chỉ biết gửi vào những trang thư. Trong suốt khoảng thời gian sau khi cưới vợ từ 1952 đến 1975, vợ chồng Thiếu tướng Hy chỉ gặp nhau qua những cánh thư, thi thoảng có dịp đi công tác ông mới ghé thăm nhà.

Năm 1956, bà Lan sinh con trai đầu lòng đặt tên Phan Thành Công với hy vọng kháng chiến sẽ thành công. Sau đó, bà trở về quê hương Quảng Bình xin đi học bổ túc văn hóa, rồi thi đậu vào đại học Y. Từ năm 1963 -1968 bà đi học ngành Y khoa nhi. Thời gian này, chiến tranh vẫn ác liệt ở miền Nam, ông Hy vẫn  biệt tích nơi xa trường. Thời gian cứ trôi, sự chịu đựng hy sinh của người vợ lính đã giúp bà Lan ngày một vững tin vào ngày cách mạng thành công. Năm 1973 bà  được cấp trên cử đi học chuyên tu tại Tiệp Khắc. Vậy là vợ chồng bà lại đằng đẵng xa cách. Những lá thư vẫn là cầu nối cho tình yêu của họ.

550 bức thư tình vượt thời gian

Ngay khi giải phóng miền Nam, ông Phan Khắc Hy dừng chân tại TP.HCM để viết thư  theo thói quen cho vợ, báo tin vui chiến thắng. Trong suy nghĩ của ông,  khoảng thời gian này là thời gian thử thách nhất với hai vợ chồng. Mặc dù chiến tranh đã kết thúc, non sông thu về một mối, Nam - Bắc chung một nhà, nhưng gia đình nhỏ bé của ông vẫn ở ba nơi. Ba con, một trai hai gái sống cùng ông bà nội, ngoại ở quê.  Vợ ông đang  học tập bên Tiệp Khắc, còn ông có nhiệm vụ bảo vệ TP.HCM vừa thống nhất.

Sau năm 1976,  bà Lan hoàn thành khóa học, gia đình tướng Hy được đoàn tụ. Thời gian này, ông cũng tranh thủ ngồi đếm lại tất cả những kỷ vật tình yêu của hai vợ chồng. Đó là những lá thư đầy nhung nhớ, tâm tình chuyện kháng chiến, chuyện học hành, chuyện đất nước, tình yêu. 550 bức thư, chưa kể những bức bị thất lạc, đều là những thông điệp yêu thương, rất chính trị mà trữ tình. Đó là những tâm tình của người chí sỹ, người đồng chí về cuộc chiến, về niềm tin chiến thắng của dân tộc. Tất cả được lồng ghép trong nỗi nhớ đau đáu, cồn cào của hai vợ chồng lúc chia xa.

Mô tả ảnh.
Gần 550 bức thư tình trong thời chiến của vợ chồng tướng Hy.

Trong số hàng trăm lá thư của tướng Hy viết cho vợ, có một lá thư đã được nhà báo Đặng Vương Hưng chọn để in trong quyển "Những lá thư thời chiến Việt Nam". Lá thư được viết vào dịp Sài Gòn giải phóng, trong đó có đoạn "Ngày 7/5/1975... Chắc em không ngờ ngày 7/5 năm nay anh lại ngồi viết thư cho em tại Sài Gòn giải phóng. Nhiều cảm xúc thật đặc biệt, nhiều chuyện Sài Gòn trước, trong và sau ngày giải phóng không thể viết vội cho em được. Anh sẽ ghi lại nhật ký hai tháng qua, bây giờ phải dành thời gian để ghi lại những ngày lịch sử anh đã sống, để sau này em cùng được sống lại với anh những ngày bằng hàng chục năm đó... Tròn 30 năm tham gia cách mạng, trực tiếp được dự ngày lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, ngày vĩnh viễn giành độc lập tự do thống nhất Tổ quốc, anh và mọi người đã trào nước mắt vui sướng...".

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan đã hồi âm: "Praha (Tiệp Khắc)...! Không có gì mừng hơn khi một lúc nhận được sáu thư. Em mừng quá sức, từ khi được tin giải phóng Sài Gòn thì đã sung sướng và mừng vui vô hạn, tuy nhiên niềm vui chưa hoàn toàn trọn vẹn vì vẫn còn chờ thư anh. Từ nay em bớt đi một phần lo lắng, cái lo lắng thường xuyên như cơm bữa. Nó đã theo Mỹ ngụy cút luôn rồi. Giá trị của độc lập hòa bình cảm thấy thiết thân và cụ thể như sờ thấy được anh ạ...".                           

Cảm nhận hạnh phúc được kết tụ từ chiến tranh

Năm 2007, vợ chồng tướng Phan Khắc Hy được mời tham dự cùng  bốn cặp đôi khác trong Đêm giao lưu "Tình yêu trong chiến tranh" tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM. Đây là một sự kiện nhắc nhở những thế hệ trẻ biết về cội nguồn với những tình yêu sâu sắc chung thủy của người chiến sỹ cách mạng Việt Nam. Tâm sự về cuộc sống hiện tại, Thiếu tướng Phan Khắc Hy nói: "Nhìn lại hiện tại, cả ba con của chúng tôi đã trưởng thành trong cuộc sống. Vợ chồng tôi đã cảm nhận được sự hạnh phúc được kết tụ từ chiến tranh. Cứ mỗi ngày cuối tuần, các con, cháu, chắt lại tụ họp về thăm ông bà, cùng quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Đây là một món quà tinh thần lớn mà suốt những năm tháng chiến tranh vợ chồng tôi luôn mong đợi"...

Theo:  khoevadep.com.vn copy link