Chuyện gái phố làm dâu quê: Khi đỏng đảnh phá tan hạnh phúc

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Yêu và cưới những anh chàng tỉnh lẻ, nhưng nhiều cô tiểu thư thành phố vẫn không thể chấp nhận sự thật.

Sự khác biệt trong suy nghĩ, lối sống với gia đình chồng, nhất là khi nhiều nàng dâu vẫn còn giữ thái độ phân biệt quê - phố nặng nề đang là nguyên nhân gây ra không ít những sóng gió trong gia đình.

Vợ phố lên mặt coi thường, chê bai nhà chồng

Thu là con gái độc nhất trong 1 gia đình công chức tại Hà Nội. Xinh đẹp, nghề nghiệp ổn định, gia đình lại có điều kiện, bố mẹ Thu đã từng hy vọng con gái mình phải lấy được  chàng rể môn đăng hậu đối. Thế rồi duyên số run rủi, Thu dẫn về nhà một anh chàng tỉnh lẻ, gia đình mấy đời làm nông, và nằng nặc đòi cưới. Biết chẳng thể khuyên nhủ được con, bố mẹ Thu đành tặc lưỡi để cô con gái rượu theo chàng về dinh cách thành phố ngót nghét cả trăm cây số.

Cưới xong, Thu kéo chồng đi tưởng tuần trang mật, rồi lại lấy lý do phải lên thành phố đi làm, để khăn gói rời nhà chồng sớm. Mang tiếng là đã lập gia đình, nhưng cuộc sống của Thu cũng chẳng khác thời con gái là mấy khi chồng cô đồng ý ở rể. Được bố mẹ đẻ chiều chuộng, nên Thu đã quen với việc ngồi mát ăn bát vàng và chẳng phải động tay vào bất cứ việc gì, kể cả những công việc nhà đơn giản. Bởi thế, mỗi khi chồng bảo về quê thăm bố mẹ chồng, là Thu lại tìm cớ thoái thác. Khi thì cô bảo bận việc, lúc thì cô lại lấy lý do sức khỏe không tốt.

Mô tả ảnh.
Không chịu thích nghi, vẫn giữ lối sống thành phố khiến nhiều cô con dâu mất điểm trước mắt mẹ chồng. ảnh minh họa

Thế rồi Thu có mang và việc bầu bí được cô tận dụng triệt để như tấm bình phong để khỏi phải về nhà chồng. Con dâu không về được, nên bố mẹ chồng lại lặn lội từ quê ra thăm, tha lôi theo vài con gà và ít rau sạch cho con dâu bồi bổ. Thế nhưng, Thu chẳng buồn cảm động. Trái lại, cô cảm thấy xấu hổ khi hàng xóm nhìn thấy và chê bôi bố mẹ chồng cô là quê mùa, nhếch nhác.

Tối đến, cô hậm hực với chồng: “Anh bảo bố mẹ ra thành phố thì ăn mặc cho tươm tất vào. Cũng không phải mang gà ra đâu. Nhà mình có ai biết làm gà đâu, thích ăn thì ra chợ mua đầy”. Vừa nói, Thu vừa lột hết chăn ga, vỏ gối ở phòng bố mẹ chồng nghỉ lại hôm trước để mang đi giặt vì sợ bẩn.

Sinh con xong, Thu cũng nhất quyết không về nhà chồng ở cữ, với lý do ở quê thiếu thốn điều kiện chăm sóc con. Nào là nhà cửa ẩm thấp, lại gần chuồng nuôi lợn nên mùi xú uế rất khó chịu. Nào là không có máy giặt, giặt đồ bằng tay thì bao giờ mới khô. Nào là muốn mua cho con hộp sữa hay bịch bỉm thì phải xuống chợ huyện cách đó cả chục cây số. Đó là chưa kể nếu con phải đi viện, thì phải đi tận mấy chục cây mới tới bệnh viện. Vậy là, Thu cứ ở rịt nhà bố mẹ đẻ.

Họ hàng nhà chồng kéo lên thăm thì cô tỏ ra khó chịu. Nhà cửa ở thành phố chật chội, mà người đến thăm thì đông, chỉ riêng khoản cơm nước cho đám khách quê cũng đã mệt phờ. Cứ nghĩ đến cảnh đám người kia kéo vào phòng ngủ, rồi thay nhau bế con mình là Thu lại sợ. Cô sợ con phải vía người lạ, lại sợ đoàn khách đi lại đường xá xa xôi, quần áo bụi bặm không tốt cho trẻ nhỏ. Đã vậy, người quê lại vô ý vô tứ, cười nói như vỡ chợ khiến cho đứa bé giật mình.

Thu biết thái độ của mình với gia đình chồng khiến cho chồng khó chịu. Nhưng chồng cô luôn phải nhẫn nhịn, vì người ta vẫn bảo ở rể như “chó chui gầm chạn”. Song, dù chồng có chịu nhịn đến đâu, thì Thu cũng không thể trốn tránh việc về nhà chồng được mãi. Tết vừa rồi, khi đứa con được hơn 1 tuổi, chồng Thu đã đưa vợ con về nhà ăn Tết. Trước đó, Thu đã ra siêu thị mua sẵn một thùng đồ ăn, vì sợ thực phẩm ở quê không đảm bảo vệ sinh, nhất là trong thời kỳ đang cho con bú.

Ngồi ăn chung với mọi người trong gia đình, Thu chỉ gảy gón, động đũa cho có. Khi chồng hỏi, thì Thu bảo món ăn không hợp khẩu vị. Thu chỉ ăn quen những món chiên xào bằng dầu thực vật, nên về quê dùng bằng mỡ lợn, cô lại chê hôi. Hay, cô đã quen với việc thái đồ ăn chín phải dùng găng tay, nên khi thấy mọi người dùng tay trần, Thu không dám ăn vì sợ bẩn. Ngay đến cả nước uống, cô cũng phải dùng nước đóng chai đã mua sẵn, mà không dùng nước mưa đã đun sôi, vì sợ nước mưa có rất nhiều tạp chất.

Mô tả ảnh.
Tính cách đỏng đảnh của những cô "dâu quê" không khỏi khiến nhà chồng khó chịu. Ảnh minh họa

Cung cách tiểu thư không phải lối của Thu khiến nhiều gia đình chồng rất khó chịu, đến nỗi mẹ chồng của cô phải thốt lên rằng: “Mẹ vẫn ăn như thế suốt bao năm qua mà có sao đâu, thậm chí vẫn nuôi được chồng con to cao, khỏe mạnh như thế này”. Còn chồng Thu, cũng không thể chịu đuợc thái độ cư xử kém cỏi của vợ, đã giáng ngay cho cô 1 cái bạt tai, kèm lời đe dọa: “Lấy chồng thì phải theo chồng. Nếu cô chê nhà tôi khổ, nhà tôi bẩn thì còn lấy tôi làm gì?”.

Sau lần đó, anh này cũng quyết định dọn khỏi nhà vợ và thuê nhà riêng để ở, dù Thu đã hết lời can ngăn và xin lỗi.

Hãy thích nghi, đừng phân biệt

Chuyện gái phố lấy trai quê đã không còn hiếm. Nhưng cư xử thế nào để người ở quê xóa tan định kiến về con gái thành phố là tiểu thư, đỏng đảnh, vụng về thì không phải ai cũng làm được. Người xưa vẫn nói “nhập gia tùy tục”, có nghĩa là khi các chị em đã quyết tâm lấy chồng ở quê, thì cũng nên tìm cách thích nghi. Nhà chồng ở quê dù nghèo, dù bẩn, dù thiếu tiện nghi, thì cũng là nơi chồng mình đã sinh ra và lớn lên.

Dĩ nhiên, người chồng và gia đình chồng sẽ thông cảm cho những thiếu sót do sự khác biệt giữa lối sống, phong tục ở những vùng miền khác nhau. Nhưng sự dè bỉu hay phân biệt quê với phố sẽ chỉ khiến cho mối quan hệ giữa vợ chồng hay nàng dâu với gia đình nhà chồng ngày càng xấu đi mà thôi.

(Xi nhan) - "Nếu đã rửa từ đầu, lỡ mệt mỏi, bận bịu không rửa được sẽ bị kêu ca trách móc. Còn nếu từ đầu không rửa, hôm nào hứng lên rửa lại được khen là chăm chỉ".

 

 

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn