Kịch bản Nga tấn công chớp nhoáng vào Ukraine

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tác giả Mark Galeotti trên trang In Moscow’s shadows vẽ lên kịch bản của cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Tấn công chớp nhoáng

Theo Galeotti, mục tiêu của quân đội Nga là tiến hành chiến tranh chớp nhoáng trước khi Ukraine có cơ hội huy động các lực lượng và quan trọng hơn, trước khi phương Tây có thể có hành động. Ông cho rằng một cuộc chiến tranh như vậy sẽ giúp Nga vẽ ra đường biên giới mới, giống những gì Mátxcơva đã làm ở Crimea (mặc dù cuộc chiến này sẽ khó khăn và đẫm máu hơn rất nhiều).

Mô tả ảnh.
Các lực lượng Nga ở biên giới với Ukraine theo ước tính của Galeotti: 80.000 binh sĩ, 270 xe tăng, 180 xe bọc thép, 90 trực thăng, 380 khẩu pháo, 140 máy bay quân sự và 19 tàu hải quân.

Nga có thể sẽ không có ý định chiếm toàn bộ Ukraine mà sẽ chỉ nhắm tới những vùng nào ủng hộ Mátxcơva và có nhiều người Nga sinh sống. Galeotti cho rằng xa nhất, Nga cũng sẽ chỉ tiến tới vùng Odessa.

Theo đó, trong giai đoạn đầu tiên, Nga sẽ cho các lực lượng đặc nhiệm và đặc vụ xâm nhập vào cả phía đông và phía tây Ukraine. Đồng thời Nga cũng sẽ xây dựng các mạng lưới đồng minh và đặc vụ địa phương bao gồm các phần tử của Cơ quan an ninh Ukraine (SBU) có mối liên hệ mật thiết với Mátxcơva. Trong khi đó, Nga sẽ tăng cường năng lực giám sát và làm tắc nghẽn các kênh thông tin liên lạc của Ukraine.

Nga đã điều động máy bay cảnh báo sớm Beriev A-50 và máy bay do thám tới quốc gia láng giềng Belarus để theo dõi Ukraine.

Kịch bản có tên gọi Vremya Cha (Không giờ) sẽ được ghi dấu bằng nhiệm vụ phá vỡ hệ thống thông tin liên lạc, chỉ huy và kiểm soát của Ukraine bằng mọi con đường từ gây nghẽn mạng liên lạc cho tới tấn công mạng hay phá hoại trực tiếp.

Tên lửa, máy bay ném bom và pháo sẽ không chỉ nhắm tới các lực lượng quân đội Ukraine mà sẽ phá hủy các cầu, cầu tàu và đường ray xe lửa đồng thời “cày xới” các con đường trên bộ với mục đích ngăn Ukraine tập trung lực lượng trong những giờ đầu và ngày đầu của cuộc chiến. Theo Galeotti, mục đích của Nga là nhằm gây ra tình trạng rối loạn để khiến Kiev mất thăng bằng và lung lay ý chí.

Trong khi đó, Nga sẽ chiếm các sân bay ở các thành phố phía đông Ukraine như Donetsk và Dnipropetrovsk, nơi Mátxcơva được giới chức ủng hộ. Sau đó, các lực lượng nhảy dù của quân đội Nga được huy động ở gần đó sẽ nhanh chóng xâm nhập. Một điều gần như chắc chắn là Nga sẽ kiểm soát không phận Ukraine và lực lượng này sẽ được “thả” xuống từ máy bay chiến đấu hạng nặng. Sau đó, Nga sẽ chiếm đóng các thành phố chính.

Quân nhảy dù có thế mạnh về tốc độ di chuyển và độ tinh nhuệ cao, tuy nhiên lực lượng này có điểm yếu là dễ bị “bẻ gãy” nếu đối đầu với các lực lượng quân sự cơ giới hóa. Do đó, các lực lượng bộ binh thông thường của Nga sẽ vượt qua biên giới để tiếp viện cho lực lượng này.

Không chỉ có các lực lượng bọc thép và cơ giới hóa được tập trung dọc theo biên giới với sự hậu thuẫn đầy đủ của pháo binh mà cả các đơn vị hậu cần cung cấp năng lượng, đạn được, quân y vân vân, cũng được điều động với số lượng lớn.

Mục tiêu của quân đội Nga là di chuyển nhanh chóng để chiếm giữ và xác lập một đường biên giới mới ở nơi mà Mátxcơva mong muốn. Có thể quân đội Nga sẽ tránh quân đội Ukraine càng nhiều càng tốt và để cho lực lượng này tập trung sau. Rủi ro lớn nhất là quân đội Nga có thể bị “sa lầy” trong lúc quân Ukraine tập trung lực lượng và có thể cả phương Tây có thời gian để hành động.   

Theo Galeotti, có thể Nga có lợi thế về quân số và không quân có năng lực vượt trội nhưng điều đó không đảm bảo một chiến thắng nhanh và dễ dàng. Nước Nga cũng đối mặt với nguy cơ chiến tranh du kích và không nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế, đặc biệt là khả năng phương Tây hành động đáp trả.

Tuy nhiên, xin hãy nhớ rằng tất cả những điều này chỉ là "kịch bản trong tưởng tượng" của một nhà báo bởi tỷ lệ khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh xâm lược này là vô cùng nhỏ. Nó phần nào phản ánh ý đồ "gây hoang mang" đối với Ukraine và những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ khi vẽ ra một viễn cảnh những khu vực này dần dần sẽ bị Nga thôn tính. Sự hoang mang của các nước láng giềng của Nga sẽ tạo điều kiện cho chiến lược mở rộng về phía Đông của NATO trở nên thuận lợi hơn.

8.000 binh sĩ Ukraina xin nhập tịch Nga

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm 4/4 cho hay, hầu hết các quân nhân Ukraine đang phục vụ tại Crimea nói rằng họ muốn được gia nhập Lực lượng Vũ trang Nga và họ đã được trao cơ hội này.

Mô tả ảnh.
8.000 binh sĩ Ukraina đồn trú tại Crimea nộp đơn xin gia nhập quân đội Nga và khoảng 3.000 người đã nhận nhiệm vụ mới.

"Tính tới hôm nay đã có hơn 8.000 quân nhân nộp đơn xin cấp hộ chiếu Nga. Khoảng 3.000 trong số họ đã được giao nhiệm vụ. Chúng tôi đang phải tạo điều kiện để nhanh chóng bố trí họ phục vụ trong quân đội Nga," hãng tin Ria Novosti trích lời ông Shoigu phát biểu tại một cuộc họp bộ trưởng.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng tuyên bố rằng các binh lính Ukraine có thể dễ dàng rời khỏi Crimea để trở về Ukraine.

Đa số quân nhân Ukraine sẵn sàng tiếp tục phục vụ trong các Lực lượng Vũ trang Ukraine đã rời Crimea và để lại khoảng 400 người chịu trách nhiệm thu hồi thiết bị chiến đấu, Vitaliy Yarema, phó thủ tướng thứ nhất của chính phủ lâm thời Ukraine tại Kiev cho biết. Ông không đưa ra thời hạn cụ thể về việc đưa hoàn toàn quân đội và máy móc ra khỏi Crimea.

"Tôi không thể nói chắc chắn, vì điều đó còn phụ thuộc vào một số nhân tố như tốc độ tiến triển, các phương tiện và hoạt động của đường sắt. Tuy nhiên, cho tới hôm nay không có gì cản trở tiến độ cả", ông nói thêm.

Cộng hòa tự trị Crimea đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào hôm 16/3 với kết quả 97% phiếu ủng hộ tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Liên bang Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký luật liên bang phê chuẩn việc thống nhất giữa Crimea và Liên bang Nga vào hôm 21/3. Mặc dù bị phương Tây lên án nhưng Nga vẫn hoan nghênh kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea và tuyên bố nó hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn
TIN MỚI CẬP NHẬT