Nhật ký vợ chồng "thổ tả": Từ Phnôm Pênh về Hà Nội

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - 6.000 km, 35 ngày, 30 triệu, 2 người, 1 xe máy, và 1 đống thứ "thổ tả". Ở tuổi 26, bạn có dám cưới vợ? Cưới xong rồi, bạn có dám vác cô vợ ấy đi?

Với nhiều người, tuần trăng mật là một kỳ nghĩ lãng mạn. Nhưng đối với vợ chồng anh Đinh Đức Dũng (sinh năm 1988 ở Đông Các, Hà Nội) và chị Nguyễn Thu Quỳnh (sinh năm 1989 ở Hà Tĩnh), tuần trăng mật của họ lại rực rỡ những gam màu, đầy "phấn khích", bất ngờ. Cùng đam mê du lịch bụi nên họ quyết định ghi dấu ấn trong cuộc đời bằng một chuyến đi phượt xuyên Đông Dương. Một chuyến đi thú vị mà anh Dũng đã tự trào phúng gọi là chuyến trăng mật "lôm côm" của đôi vợ chồng... thổ tả. Chúng tôi xin trích đăng lại những dòng nhật ký của chính "khổ chủ" trên các cung đường mà họ đã đi qua.

6.000 km, 35 ngày, 30 triệu, 2 người, 1 xe máy, và 1 đống thứ "thổ tả". Ở tuổi 26, bạn có dám cưới vợ? Cưới xong rồi, bạn có dám vác cô vợ ấy đi hay không?

Kỳ 1: Lần đầu "xuất ngoại"

Kỳ 2: Lạc ở thiên đường Luang Prabang

Kỳ 3: Đến khu đèn đỏ lớn nhất thế giới

Đường về Phnôm Pênh thì khá giống với đường Việt Nam, nhưng vắng vẻ hơn một chút. Tôi có nhận được một vài cảnh báo về việc sẽ rất nắng, nhưng hôm đó chúng tôi đi thì lại khá mát mẻ.

Các chợ ven đường Campuchia đều có những sạp bán côn trùng như thế này. Sự tích về món côn trùng nướng hay chiên ở Campuchia xuất hiện vào thời Pol Pot, khi đó do quá đói kém nên nhiều người phải ăn cả những con côn trùng như nhện, dế mèn hay rắn nước... Lâu dần hình thành văn hóa ẩm thực.

Món trưng kiến ở Hà Nội mùa tháng Mười là đặc sản, đắt lắm, mà ở bên này chỉ có 1 USD/cốc.

Ở Phnôm Pênh có hai điểm mà bạn nên đi. Đó là Cánh đồng chết và nhà tù Toulsleng, hai nơi này tái hiện rõ nét cuộc thảm sát kinh hoàng dưới chế độ Pol Pot ở Campuchia.

Bắt đầu với Cánh Đồng chết, cách thủ đô Phnôm Pênh tầm 25 km. Mua vé vào cửa ở đây nếu chúng tôi nhớ không nhầm là 8 USD, thêm 4USD là thuê máy hướng dẫn (và bạn nên nghe máy này để biết chính xác những gì xảy ra). Người ta sẽ hỏi bạn dùng ngôn ngữ gì, và họ có cả tiếng Việt, bạn cứ đeo tai nghe vào, đi đến cái biển nào có số nào thì bấm vào số đó, sẽ có đoạn thuyết minh tương ứng.

Nếu đi theo lộ trình, thì bạn sẽ đến tầm gần 20 địa điểm lòng vòng trong khu Choeung Ek. Đây chỉ là một trong số hàng vạn cánh đồng chết khắp Campuchia, và nó là cái lớn nhất.

Nếu các bạn nghĩ đến cánh đồng chết sẽ thấy đủ thứ chết chóc như công cụ tra tấn, máy chém, nhà giam, nơi hành quyết.. thì bạn đã nhầm to. Cánh đồng chết đơn giản chỉ là nơi người ta đưa người đến đây và giết. Sau chiến tranh Pol Pot, người dân Campuchia đã phá bỏ tất cả những gì thuộc chính quyền Pol Pot ở đây. Một phần là để lấy nguyên vật liệu xây dựng, phần nữa là họ muôn quên đi. Tất cả những gì bạn còn thấy ngày hôm nay như: một nền móng nhà, một cái hố, một cái cây hay thậm chí 1 cái hàng rào... bản thân nó nhìn rất bình thường, nhưng đều có những lịch sử quá kinh khủng. Đó là lí do vì sao bạn nên tham quan và nghe thuyết minh kĩ lưỡng để cảm nhận một phần sự kinh hoàng trước kia.

Choeung Ek được xây dựng trên một nghĩa địa người Hoa cũ, với tường ba phía và một phía cánh đồng, để người bên ngoài không biết được thực sự bên trong đang làm gì. Những chiếc loa phát những bài hát dân tộc sẽ át tiêng tù nhân kêu gào lúc bị hành quyết.

Đây là một trong những hố chôn tập thể, tầm chục mét vuông, nhưng chôn hơn 400 người, và có rất nhiều hố như thế ở đây. Không có lời tưởng niệm nào đủ cho từng đó sinh mạng, khách du lịch chỉ để lại những vòng tay như thế này.

Người ta cũng nói rằng lượng xương người ở đây quá nhiều, tầng tàng lớp lớp, và họ quyết định không khai quật thêm bât cứ ngôi mộ nào. Nhưng thời gian và thời tiết không làm theo điều đó. Sau những cơn mưa lớn, răng và xương người vẫn lộ ra sau những lớp đất bị bóc đi. Bạn có thể nhìn thấy một chiếc răng trong ảnh phía dưới, vì trước đó là một cơn mưa lớn. Người ta chỉ thu gom những mảnh xương lộ thiên như thế và để vào những chiếc tủ khác.

Đây là hình ảnh về một trong những cuộc khai quật hố chôn tập thể trước đây.

Đây là tháp tưởng niệm chính tại cánh đồng chết, với 17 tầng toàn xương và đầu lâu.

Mỗi chiếc đầu lâu ở đây đều có vết nứt chia hộp sọ làm 3 mảnh, kết quả của việc một cái chày khá to nện thẳng vào đầu theo tư thế nạn nhân quỳ xuống, hoặc cũng có thể là một cái cuốc.

Một vài hộp sọ có thể một cái lỗ nhỏ, chính là một viên đạn của bọn chúng dành cho người chưa chết hẳn. Không thể đếm nổi bao nhiêu xương ở đây. Nó quá nhiều. Hàng triệu người dân Campuchia đã chết chỉ trong bốn năm cầm quyền của Pol Pot.

Tại một nhà trưng bày gần đó, bạn sẽ thấy bộ sưu tập các công cụ giết người được dùng tại đây. Có một số công cụ mà bạn sẽ không tưởng tượng được là nó sử dụng để giết người như xương lá của cây giống cây cọ.

Buổi chiều cùng ngày, chúng tôi tiếp tục thăm quan một địa danh khác là nhà tù Toulsleng, nằm trong thủ đô Phnômpênh. Trước kia nó vốn là một trường học, nhưng chế độ Pol Pot đã gia cố thành một nhà tù vững chãi.

Các hành lang này đều được rào dây thép gai, họ làm thế không phải là để ngăn người tù bỏ trốn, họ sẽ chẳng trốn di đâu được khi cả thủ đô Phôm Pênh lúc bấy giờ đều là của Pol Pot. Dây thép gai này rào lại để tránh việc người tù tự tử bằng cách nhảy lầu để tự giải thoát cho mình khỏi những khổ sở đau đớn. Giai đoạn đầu, khi chưa có rào thép gai, quân lính Pol Pot thường phàn nàn rằng bọn chúng phải dọn dẹp quá nhiều người tự tử.

Đi lại trong các hành lang hun hút của dãy nhà tra tấn đem lại một cảm giác khó tả, vì chúng tôi biết chỉ vài chục năm trước, rất nhiều người đã chết ở đây, bị đánh đập, tra tấn đến chết.

Trước lúc từ Phnôm Pênh đi về, tôi gào khóc van xin vợ cho nghỉ thêm một ngày vì quá mệt, nhưng vợ tôi vẫn nhất quyết kéo tai lôi đi. Trái với dự đoán, đoạn đường về TP. HCM khá đẹp, đường trải nhựa phẳng lì và hầu như không có ổ gà, lại vắng nên chúng tôi không tốn nhiều thời gian.

Cửa khẩu về Việt Nam thì to đẹp hơn hôm chúng tôi đi ra khỏi Na Mèo rất nhiều. Lâu lâu mới được nói tiếng Việt nên chúng tôi vui lắm. Chú hải quan mặt lạnh như tiền nhìn chúng tôi từ đầu tới chân rồi vừa cười vừa gọi đồng nghiệp ra và bảo:"Ra mà xem mấy đứa Campuchia quê Hà Nội này". Kết quả là các anh biên phòng và các bác xe ôm vừa nhìn chúng tôi từ đầu đến chân vừa cười khanh khách.

Về đến TPHCM, chúng tui đã bắt đầu cảm thấy nhớ nhà. Thế nhưng, chúng tôi vẫn tranh thủ đi du lịch một vòng khắp TP. HCM, lên Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An rồi mới bắt tàu về Hà Nội.

Mô tả ảnh.
Vợ tôi lúc nào cũng nhí nhố như này.
Mô tả ảnh.
Chúng tôi du lịch Đà Lạt.
Mô tả ảnh.
Đây là tôi đang tạo dáng xì tin trước biển.
Mô tả ảnh.
Chúng tôi bơi lóp ngóp dưới biển.

Kết quả đến gần trưa ngày thứ 35 trong hành trình xuyên Đông Dương, chúng tôi mới có mặt ở Hà Nội. Về đến nhà, việc đầu tiên của tôi là ngoái sang hỏi vợ một câu mà tôi đã hỏi rất nhiều trong suốt 35 ngày vừa qua: "Em này, chúng mình định ở thành phố này bao lâu nhỉ?".

Mô tả ảnh.
Điểm đầu cũng là điểm cuối trong chuyến du lịch xuyên Đông Dương của cặp vợ chồng "thổ tả" chúng tôi.

6000km. 35 ngày, 30 triệu (18 triệu đi ba nước, Lào, Thái Lan, Campuchia; 12 triệu đi khắp Việt Nam). 2 người, 1 xe máy. Tất nhiên, chúng tôi cũng có chút nuối tiếc. Nhưng kết thúc là kết thúc. Mà có lẽ nó cũng chưa kết thúc đâu nhỉ? Sẽ có những chuyến đi khác, gọi nôm na là nối dài giấc mơ... Biết đâu lúc đó, lại không chỉ có hai người?

Đôi điều nhắn nhủ với các bạn đang "ủ mưu" du lịch như chúng tôi

Đúng là việc ra đi khám phá thế giới là một việc nên làm, nhưng nếu có thể, hãy làm cho đúng. Sau khi chúng tôi chia sẻ những hình ảnh về chuyến du lịch xuyên Đông Dương của mình lên các diễn đàn, tôi cảm thấy rất lo lắng khi thấy rất nhiều người tag nhau vào, và hỏi nhau có đi không? Có thể đó là những người có rất nhiều kinh nghiệm, hơn cả chúng tôi, nhưng họ chưa có cơ hội thực hiện chuyến đi. Nhưng cũng có thể chỉ là những người mới chập chững, còn khá ít kinh nghiệm du lịch. Liệu chuyến đi của họ, có thể suôn sẻ như của chúng tôi không? Đó là điều tôi sẽ luôn băn khoăn.

Đúng là chúng tôi đã có một chuyến đi vô cùng thuận lợi, và an toàn. Đúng là chúng tôi chuẩn bị với thời gian khá ngắn. Nhưng xin hãy hiểu, chung tôi có rất nhiều lợi thế khác: Những kinh nghiệm di chuyển từ các chuyến đi khác, kinh nghiệm trên các diễn đàn du lịch, thậm chí là cả của những người bạn đã đi trước đây của chúng tôi. Thời gian chuẩn bị tuy ngắn, nhưng chúng tôi đã thực sự tập trung vào việc này và có một sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng, với lịch trình khung cơ bản, các thông tin hữu ích, số điện thoại khi có sự vụ khẩn cấp v.v... Hoàn toàn không có việc cứ đi là đến nhé. Dĩ nhiên là cũng có những phút ngẫu hứng, nhưng cái ngẫu hứng đó nó cũng có đầy đủ thông tin rồi. Tôi cũng là người cẩn thận, tự hào mà nói thì từ hồi đi xe máy đến giờ tôi may mắn chưa gặp tai nạn nào, nhưng trong chuyến đi này tôi đã phải gồng mình căng mắt cẩn thận gấp nhiều lần so với đi trong nước.

Mục đích ban đầu của tôi khi viết bài này là để chia sẻ những góc nhìn cá nhân của mình về chuyến đi này, để những người chưa đi có thể thấy và mường tượng ra một bức tranh toàn cảnh về chuyến đi, để họ có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn chúng tôi chứ không phải là để cổ xúy cho kiểu du lịch này.

Chỉ có một điều xin nhắc lại với các bạn, và tôi sẽ nhắc lại điều này rất nhiều: Chuyến đi nào cũng có những nguy hiểm rình rập, du lịch bụi, và đặc biệt là bằng xe máy nếu nói đúng ra thì có rất nhiều mối nguy hiểm khó lường. Chúng ta không bao giờ có thể loại bỏ hoàn toàn điều đó, chỉ có thể hạ thấp nó một cách tối đa bằng cách chuẩn bị thật kĩ lưỡng, cả về tinh thần, kinh nghiệm, kĩ năng và thể chất. Không bao giờ là thừa đâu nhé. Những ai đang ấp ủ một ước mơ tương tự trong đầu thì hãy suy nghĩ kĩ về điều này.

Hẹn gặp lại các bạn, trong một bài viết tương lai, biết đâu nó có thể là "Vòng quanh thế giới cùng cặp đôi thổ tả quen thuộc"?

Nhật ký vợ chồng "thổ tả": Đến khu đèn đỏ lớn nhất thế giới
6.000 km, 35 ngày, 30 triệu, 2 người, 1 xe máy, và 1 đống thứ "thổ tả". Ở tuổi 26, bạn có dám cưới vợ? Cưới xong rồi, bạn có dám vác cô vợ ấy đi hay không?
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn