Những vụ bê bối đáng xấu hổ của ngành y 2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)-Năm 2013 dường như là năm đại họa của ngành y tế Việt Nam. Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của các y bác sĩ đã khiến cho dư luận xã hội bàng hoàng đến phẫn nộ.

Bác sĩ thẩm mĩ ném xác bệnh nhân xuống sông

Khoảng 12h ngày 19/10, tại thẩm mĩ viện Cát Tường (số 45, đường Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội), bác sĩ khoa ngoại của bệnh viện Bạch Mai-Nguyễn Mạnh Tường cùng 3 nhân viên của cơ sở thẩm mĩ, tiến hành hút mỡ, nâng ngực cho chị Lê Thị Thanh Huyền (39 tuổi, ở phố Hàng Thiếc,Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Bác sĩ Tường đã dùng ống bơm kim tiêm loại 50cc, hút khoảng 11 ống bơm mỡ từ phần bụng của chị Huyền rồi dùng các ống bơm kim tiêm nói trên bơm lượng mỡ vừa hút được từ bụng chị Huyền vào  bên ngực của chị này.

Bác sĩ thẩm mĩ Nguyễn Mạnh Tường đã ném xác bệnh nhân Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng.

Theo lời khai của bác sĩ này, sau khi tiến hành các bước phẫu thuật thẩm mĩ cho chị Huyền thì chị có biểu hiện co giật, sùi bọt mép. Dù được bác sĩ tiêm thuốc chống sốc, thuốc trợ tim và truyền dịch nhưng chị Huyền đã tử vong.

Sợ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của bệnh nhân, bác sĩ Tường cùng nhân viên bảo vệ của thẩm mĩ viện Cát Tường đã đem xác chị Huyền lên cầu Thanh Trì và ném xuống sông Hồng. Hiện đã hơn 10 ngày nhưng các cơ quan chức năng cùng gia đình nạn nhân vẫn chưa tìm được thi thể chị Huyền.

Tội ác của bác sĩ Tường khiến cho dư luận vô cùng bức xúc và bàng hoàng hơn khi biết được sự thật rằng bác sĩ Tường là bác sĩ giỏi của bệnh viện Bạch Mai. Thẩm mĩ Cát Tường là một trong hàng trăm cơ sở thẩm mĩ chưa được cấp phép cho hoạt động phẫu thuật và thẩm mĩ

Ở Hà Nội và bản thân bác sĩ "tử thần" này không hề được cấp phép hành nghề phẫu thuật thẩm mĩ. Hiện vị bác sĩ "tử thần" này bị khởi tố về 2 tội "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác" và "Hành vi xâm phạm thi thể". Do chưa tìm được xác chị Huyền, nên chưa đủ căn cứ để khởi tố bị can về tội giết người.

Điều đáng buồn sau cái chết thương tâm của chị Huyền là từ các sở ban ngành đến chính quyền cơ sở lại đổ vấy trách nhiệm cho nhau, không ai quản lí cơ sở thẩm mĩ đã hoạt động được 5 tháng này. 

Nhân bản kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Hoài Đức

Từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, hơn 1.000 phiếu xét nghiệm huyết học được BV đa khoa huyện Hoài Đức, Hà nội đã “nhân bản” và trả cho hơn 2.000 bệnh nhân. Tuy có sự khác nhau về lứa tuổi, bệnh tật nhưng các bệnh nhân đều được cấp cùng 1 kết quả xét nghiệm máu.

Người đưa sự thật động trời này ra ánh sáng là chị Hoàng Thị Nguyệt, Khuất Thị Định, Phan Thị Nam Đông - nhân viên của khoa xét nghiệm máu.

Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau.

Về sai phạm của BV đa khoa huyện Hoài Đức, cơ quan cảnh sát điều tra xác định bị can Nguyễn Trí Liêm - nguyên giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo nhân viên tăng cường xét nghiệm để tăng thu cho bệnh viện, dẫn đến việc các nhân viên đã in ra kết quả trùng nhau trả cho bệnh nhân.

Theo đó, 10 người bao gồm nguyên giám đốc và phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, nguyên trưởng khoa xét nghiệm, kĩ thuật viên trưởng khoa và một số nhân viên trong khoa xét nghiệm  bị đề nghị truy tố.

Quá trình điều tra vụ án, công an cũng nhận được đơn tố giác bà Hoàng Thị Nguyệt lập khống các kết quả xét nghiệm huyết học, thu tiền xét nghiệm của bệnh nhân không đưa vào sổ sách.

Cơ quan điều tra đã thu giữ 161 hồ sơ bệnh án bệnh nhân nội trú, xác định có 20 phiếu kết quả xét nghiệm huyết học trùng nhau do bà Nguyệt kí được đính vào phiếu xét nghiệm huyết học. Xét thấy bà Nguyệt là người chủ động tố giác sự việc tiêu cực xảy ra tại bệnh viện nên cơ quan điều tra không xem xét xử lí sai phạm của bà Nguyệt trong vụ án này mà tách ra để điều tra, làm rõ, nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ xem xét, xử lí sau.

Nhân viên y tế bị "tố" tiêm thiếu vắc xin cho trẻ

Ngày 10/5, Thường trực Thành ủy HN ra công văn yêu cầu xử lý nghiêm những cá nhân liên quan đến vụ "ăn bớt" vắc xin tại Trung tâm Y tế dự phòng HN (số 70, đường Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa).

Trước đó, Sáng ngày 19/4, anh Nguyễn Dương Lam (TP.Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) đưa con trai là Kiều Phong đến số 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội để tiêm vắc-xin Pentaxim mũi 3 và uống Rotateq. Tại đây anh phát hiện cán bộ tiêm cho con anh là Bùi Thị Phương Hoa chỉ tiêm 2/3 lọ vắc-xin Pentaxim cho con anh, còn 1/3 lọ cán bộ này đã giữ lại.

Thanh tra sở Y tế Hà Nội, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, Phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh đã vào cuộc điều tra và phát hiện việc ăn bớt vắc-xin là có thật. Bà Bùi Thị Phương Hoa giải thích rằng do ngày hôm đó sức khoẻ của bà không đảm bảo nên đã để xảy ra sơ xuất.

Hội đồng kỉ luật Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận định sai sót trong quy trình tiêm chủng của bà Bùi Thị Phương Hoa là nghiêm trọng và thống nhất cho bà Hoa thôi việc.

Đình chỉ bác sĩ, hộ sinh vụ 3 trẻ chết sau tiêm vắc-xin

Chiều 29/7, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế Quảng Trị cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với bác sĩ Lê Thị Kim Phượng và nữ hộ sinh Nguyễn Thị Hải Thuận.

Bác sỹ Lê Thị Kim Phượng là người chịu trách nhiệm chính trong ca trực còn nữ hộ sinh Hải Thuận là người đã trực tiếp tiêm vắc-xin cho 3 trẻ sơ sinh.

Trước đó, ngày 20/7, 3 em bé sơ sinh tại Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa đã tử vong sau tiêm vắc-xin.

Cha mẹ của một trong 3 trẻ bị nạn tại khoa sản Bệnh viện đa khoa Hướng Hóa, Quảng Trị - đau đớn đưa con về sau khi khám nghiệm tử thi.

Đây là sự cố chưa từng xảy ra trong suốt quá trình 25 năm triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Có nguồn thông tin cho rằng 3 trẻ tử vong là do các nhân viên y tế tiêm nhầm thuốc gây co bóp tử cung.

Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Trị đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự “vô ý làm chết người do vi phạm qui tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa.

Nguyên nhân chính thức dẫn đến cái chết của 3 trẻ nhỏ đang được điều tra làm rõ trước khi công bố thông tin chính thức đến người dân.

Bệnh nhân phong bị ăn bớt thuốc điều trị và bị "ép" ăn thịt sống 

30/9/2013, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở đã có kết luận chính thức thông tin Trung tâm Da liễu Hà Đông “ăn bớt” thuốc của bệnh nhân phong.

Qua kiểm tra thực tế 5 bệnh nhân phong đang được điều trị tại Khoa điều trị nội trú Trung tâm Da liễu Hà Đông thì tất cả các bệnh nhân này đều không nhận được đủ số lượng thuốc ghi trọng bệnh án cũng như số lượng thuốc đã kho đã xuất ra. Các bệnh nhân này đều thiếu ít nhất hai đến 3 loại thuốc trong tổng số thuốc được phát ra. Mỗi loại thuốc đều thiếu từ 12-24 viên.

Trước đó, cũng chính tại Khoa điều trị nội trú này đã xảy ra trường hợp ăn bớt thuốc của bệnh nhân để chuộc lợi bất chính khiến bệnh nhân cũng như các cán bộ, công nhân viên đang công tác tại đây bức xúc và phẫn nộ.

Những bệnh nhân bị "ép" ăn thịt sống

Vụ việc 21 bệnh nhân phong nặng của Trung tâm Da liễu Hà Đông hiện đang điều trị tại khoa Điều trị nội trú (trụ sở tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội) bị y bác sĩ bỏ đói, cho ăn thức ăn sống.

Cả 21 người nói trên đều là những bệnh nhân phong nặng, thuộc diện được chăm sóc toàn diện, tức được chăm lo toàn bộ quá trình ăn ở, sinh hoạt. Nhiều người trong số họ đã bị cụt tay, cụt chân, khả năng tự sinh hoạt cũng không còn.

Thế nhưng chỉ vì một lý do là… nhà bếp hết gas mà các hộ lý của khoa đã phát gạo, rau, thịt sống cho người bệnh để họ tự xoay sở. Câu chuyện “lùm xùm” này được tiết lộ từ khoa Điều trị nội trú của Trung tâm Da liễu Hà Đông vào ngày 5/5 vừa qua khi một y tá của khoa đi thăm khám cho bệnh nhân phát hiện một số bệnh nhân kêu khóc vì không có cơm ăn.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn