Số phận khốn cùng của những bệnh nhân trong "khách sạn ung thư"

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Rời xa quê hương, các bệnh nhân ung thư tìm đến các thành phố lớn để tìm kiếm, giành giật sự sống nhỏ nhoi bằng các phương pháp điều trị hiện đại

Chỉ cách xa 1 trong những bệnh viện nghiên cứu và chữa trị ung thư hàng đầu Trung Quốc vài trăm mét, những "khách sạn ung thư" cung cấp nơi ăn chốn ở với mức giá bình dân cho hàng trăm bệnh nhân đến từ mọi miền đất nước.

Cứ đêm đến, những tiếng kêu rên vì đau đớn lại vang lên. Rời xa quê hương, họ đến đây để tìm kiếm, giành giật sự sống nhỏ nhoi bằng các phương pháp điều trị hiện đại mà tại quê nhà, họ khó lòng có được.

Mô tả ảnh.
Lối vào của 1 trong những "khách sạn ung thư" tại Bắc Kinh. Khách sạn này nằm ngay gần 1 trong những thành phố chữa trị ung thư hàng đầu Bắc Kinh.

"Tôi tưởng như đã sụp đổ hoàn toàn khi nghe được chẩn đoán của bác sĩ", anh Liu Dajiang, người đang chăm sóc vợ bị ung thư tại khách sạn này cho biết.

Kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng vào tháng 9/2014, 2 vợ chồng anh Liu đã phải sống trong những căn phòng giá rẻ gần bệnh viện để tiết kiệm tiền chữa trị bệnh.  

Mô tả ảnh.
Căn phòng đơn sơ bên trong "khách sạn ung thư".

Mặc dù không có những dịch vụ chăm sóc y tế tận nơi nhưng tại các "khách sạn ung thư" này, gian bếp công cộng chính là nơi để các bệnh nhân tìm đến, giúp đỡ lẫn nhau.

"Không ai ở vùng quê hẻo lánh có thể chữa bệnh cho cô ấy", anh Liu chia sẻ.

Mô tả ảnh.
Một bệnh nhân tự mua cho mình bông hồng nhỏ để vực lại tinh thần trong những ngày tháng chống chọi với bệnh tật.

Tỷ lệ người mắc bệnh ung thư đáng báo động ở Trung Quốc

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư tại Trung Quốc đang tăng lên một cách "đáng sợ" với 2,2 triệu phụ nữ và nam giới chết vì ung thư mỗi năm, trong đó, nam giới thường bị ung thư phổi và phụ nữ thường bị ung thư vú.

Ông Bernhard Schwartlander, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Trung Quốc, chia sẻ trên CNN rằng các "khách sạn ung thư" ngày một mọc lên như nấm xung quanh các bệnh viện chữa trị ung thư có tiếng tại quốc gia này.  

Điều trị ung thư thường rất tốn kém. "Việc chi trả cho thuốc thang, dịch vụ chăm sóc y tế và các lần xạ trị luôn là vấn đề đối với những người dân nghèo đến từ các vùng nông thôn. Vì vậy, việc 1 người thân bị mắc bệnh ung thư sẽ khiến cả gia đình rơi vào nghèo khó thê thảm", ông Bernhard chia sẻ.

Mô tả ảnh.
"Khách sạn ung thư" cung cấp nơi ăn chốn ở cho những bệnh nhân nghèo từ xa tới Bắc Kinh chữa bệnh.

Tuy nhiên, để có được cơ hội sống dù là nhỏ nhất, họ vẫn xoay sở để tìm đến các bệnh viện danh tiếng hàng đầu trong nước. Và họ cũng bất chấp tất cả để chờ đợi được chữa trị bởi các chuyên gia hàng đầu tại các thành phố lớn.

Căn phòng mà anh Liu cùng vợ thuê trọ có 2 giường, 1 chiếc ti vi và không có gì khác nữa. Khi phóng viên tới ghé thăm, vợ anh nằm trên giường, mắt nhắm nghiền dù ti vi vẫn đang bật. Cô không muốn nói chuyện với phóng viên.

"Cô ấy đang ốm mệt", anh Liu cất tiếng. "Cô ấy hiếm khi đặt chân ra khỏi giường lắm. Thỉnh thoảng, tôi chỉ đưa cô ấy sang các phòng bên cạnh chơi thôi".

Số phận của những người kém may mắn

Meng, chủ khách sạn, cho biết ông đã gặp nhiều bệnh nhân phải bán cả nhà cửa, đồ đạc để lấy tiền chữa bệnh. "Hầu hết trong số họ đều được chữa trị, nhưng nhiều người không bao giờ quay trở về (từ bệnh viện)", ông Meng chia sẻ.

Vào năm 2010, ông Meng đã thuê 1 tòa nhà và sửa chữa lại nó thành khách sạn 70 phòng với 10 phòng bếp chung. "Các bệnh nhân đều cần được bổ sung dưỡng chất đầy đủ. Họ có thể làm bất cứ món gì họ thích. Tại những khách sạn khác, họ sẽ không thể nấu ăn như ở đây".

Mô tả ảnh.
Những người ở đây thường tự đi mua đồ ăn về nấu để tiết kiệm tiền.

Đến với khách sạn này đều là những người kém may mắn, vì vậy, họ không bao giờ tranh cãi hay đánh nhau vì những việc vụn vặt. "Họ đều bị bệnh, đều có nỗi đau riêng nên họ hiểu nhau hơn ai hết", ông Meng nói.

Trong những năm qua, ông Meng cho biết mình đã từng đón tiếp không biết bao nhiêu bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và chứng kiến biết bao câu chuyện cuộc đời kém may mắn.

Mô tả ảnh.
Bảng giá cho thuê phòng được đặt ngay ngoài cửa.

"Chết dần chết mòn"

Nhiều người khi đến khách sạn ung thư thường không nghĩ rằng mình phải ở lại đây lâu đến vậy. Một người đàn ông giấu danh tính cho biết ông đã ở khách sạn của ông Meng gần 2 tháng nay cùng vợ con. Ông cho biết vì tin rằng dịch vụ y tế tại Bắc Kinh tốt hơn nhiều so với ở quê nhà nên ông đã quyết định tới đây để cắt bỏ khối u ở miệng. Kể từ khi nhập viện, ông đã tốn 70.000USD (hơn 1,5 tỷ đồng).

Mô tả ảnh.
Một căn phòng "hạng sang" trong khách sạn.

"Ai cũng muốn được bác sĩ giỏi điều trị cho, thế nhưng, thực ra, bạn cũng không biết được rằng việc điều trị có thực sự hiệu quả. Vị bác sĩ điều trị cho tôi thậm chí còn chẳng buồn tốn hơi nói chuyện với tôi nữa. Tôi đã mất 15.000NDT (hơn 50 triệu đồng) chỉ để nhập viện, chưa kể chi phí điều trị. Tôi đang chết dần chết mòn vì bệnh tật và cả tiền chữa chạy", người đàn ông này chia sẻ.

Mô tả ảnh.
Gian bếp chung tại khách sạn.

Hiện, vợ của anh Liu chỉ còn 1 lần hóa trị nữa là được trở về nhà. Thế nhưng, ngoài nỗi lo về căn bệnh chưa được chữa trị dứt điểm, vợ chồng anh còn phải đối mặt với số tiền 30.000USD (gần 650 triệu đồng) mà vợ chồng anh phải vay mượn cho lần chữa trị tại Bắc Kinh.

Liu cho biết kể từ khi vợ bị bệnh, anh cũng đã tạm dừng kinh doanh để cùng vợ lên Bắc Kinh chữa bệnh. Cũng giống như hầu hết mọi người trong khách sạn ung thư, Liu thường đi chợ nấu cơm để tiết kiệm tiền. "Chúng tôi phải tính toán từng đồng xu để lấy tiền chi trả cho dịch vụ y tế đắt đỏ ở đây", anh nói.

Rơi lệ bà mẹ ung thư bị cắt 1 bên ngực vẫn cho con bú
Hình ảnh người phụ nữ bị ung thư vú phải cắt bỏ một bên ngực nhưng vẫn cố gắng cho con bú khiến cộng đồng mạng rơi lệ.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn