Nỗi ám ảnh khi đi khám bảo hiểm y tế

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trước khi rời khỏi bệnh viện còn bị chị điều dưỡng chặn lại hỏi “Bác ơi bác, bác thấy những thuốc bảo hiểm này xài ngoài phòng cấp cứu được không?"

Chuyện là thế này, khi bệnh nhân vào phòng cấp cứu ngoại chẩn, sau khi khám cấp cứu xong không có chỉ định nhập viện bác sĩ ghi toa cho về. Ngặt nỗi, nếu bệnh nhân thuộc diện bảo hiểm y tế thì chỉ cho toa được có ba ngày. Chính vì lẽ đó, nhiều khi bác sĩ bị hố, vì kê toa vượt số ngày quy định. Thế mới có chuyện bị điều dưỡng nhắc “Bác ơi, ca này bảo hiểm chỉ cho được có ba ngày thôi!”

Ám ảnh bảo hiểm y tế
Ám ảnh Bảo hiểm y tế.

Vậy là bác sĩ vắt óc, cố nhớ lại danh mục thuốc quy định trong bảo hiểm. Lần này bệnh viện đang tính toán cách nào đó phát thuốc bảo hiểm y tế tại chỗ phòng cấp cứu luôn.

Trong trại cũng tương tự, nhiều khi không để ý, bác sĩ cho toa xuất viện ghi liền một mạch uống trong bảy ngày. Lần này cũng bị điều dưỡng nhắc nhở. Bác sĩ đành bỏ cái toa đó ghi lại toa khác, rất mất thời gian. Thuốc trong năm ngày theo qui định, thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế. Nếu bệnh nhân cần thuốc thêm thì nên tái khám phòng khám để có thể lãnh thuốc thêm điều trị theo tuyến bảo hiểm.

Ở trường hợp cấp cứu, nhiều bệnh nhân cự lai, cớ gì cho thuốc có ba ngày sao mà hết bệnh được? Thế là nhân viên y tế đành phải bỏ thời gian ra giải thích và giải thích.

Bệnh nhân muốn điều trị hoàn toàn theo thuốc bảo hiểm đành phải hẹn bệnh nhân ra phòng khám, sau ba ngày hết thuốc đến khám lại ở phòng khám để có thuốc điều trị tiếp, thật là mất công và phiền phức. Cho nên, nhiều bệnh nhân không đồng ý dùng thuốc bảo hiểm. Trong trường hợp đó, bệnh nhân lại phải làm bảng cam kết là bệnh nhân đồng ý mua thuốc ngoài vì lý do nhân viên y tế sợ sau này người bệnh thưa kiện là họ thuộc diện bảo hiểm sao lại cho thuốc ngoài.

Người bệnh đóng bảo hiểm, hóa ra lại cảm thấy bảo hiểm y tế hành mình. Phải đi tới đi lui khám bệnh mới có thuốc, mà theo người ta nghĩ thuốc trong bảo hiểm thì chắc gì thuốc tốt.

Bảo hiểm y tế là gì, chẳng qua là cơ quan quản lý một cái qũy, tiền của bệnh nhân, với ý nghĩa lấy đa số lo cho thiểu số. Người bệnh là khách hàng của cơ quan bảo hiểm y tế, nhân viên y tế là đồng nghiệp của bảo hiểm y tế, nhưng nhân viên y tế đâu có liên quan gì tới chuyện lời lỗ của cơ quan bảo hiểm.

Không có cơ quan bảo hiểm y tế, thì cái ngành y nó vẫn hoạt động bình thường mà.

Bảo hiểm y tế can thiệp vào ngành y, nhưng rõ ràng họ đang học việc. Nay quy định này, thấy không được lại đổi qua quy định khác, họ đặt ra vô số các quy định quy trình của họ bắt ngành y nói chung và nhân viên y tế nói riêng phải theo. Vì họ đang mò mẫm cái mô hình gì đó của họ nên nhân viên y tế phải mệt theo. Bác sĩ và điều dưỡng thường xuyên phải nom nóp lo sợ làm sai quy định quy trình của bảo hiểm sẽ bị trừ tiền, đền tiền, không quyết toán của cơ quan bảo hiểm, nỗi lo đó không nhỏ!

Suy ra, ngành y làm dâu trăm họ rồi còn phải làm người tình bất đắt dĩ của ông tình nhân khó tính bảo hiểm y tế nữa.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn