Bộ trưởng biết rõ đổi giờ học chỉ là "tình thế"!

( PHUNUTODAY ) - Đáng lẽ các nhà hoạch định chính sách, những người từng được tạo mọi điều kiện đi đây đi đó, phải hình dung ra trước những người khác cả chục năm về điều đó.

(Phunutoday) - "Không chỉ giao thông, mà mọi vấn đề khác đều sẽ như vậy. Cứ nói, cứ hô hào, cứ rao giảng… nhưng khi hành động thì ngược lại với những gì mình nói thì tôi và bạn còn được ngồi nói chuyện vẫn là may đấy. Nhưng hàng triệu người trước sau cũng phải trả giá, rất đắt và rất kinh khủng". - Nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ với Phunutoday về vấn đề dự thảo đổi giờ học, giờ làm khi Hà Nội đang đi vào thực hiện dựa trên những đề xuất của Bộ GTVT.

[links()]

"Theo tôi, nếu làm tốt, nếu điều chỉnh hợp lý thì tạm thời, tức là trong ngắn hạn, việc ùn tắc chắn chắn sẽ giảm" - Nhà văn Tạ Duy Anh.

PV: - Là nhà văn quan tâm nhiều tới các vấn đề xã hội, ông có nhận xét gì về việc đổi giờ học, giờ làm nhằm giải quyết ùn tắc giao thông Hà Nội của Bộ trưởng Đinh La Thăng?

Nhà văn Tạ Duy Anh: - Tôi nghĩ đây là nỗ lực đầy trách nhiệm của ông Đinh La Thăng, phản ánh đúng tính cách của ông là hành động thay cho lời nói. Chỉ trong thời gian có thể nói là rất ngắn kể từ khi ngồi vào ghế nóng Bộ trưởng Bộ GTVT, ông đã thực hiện một lượng công việc nhiều hơn bất cứ vị bộ trưởng nào và phần lớn những việc ông làm đều khá hiệu quả. Hoàn thành sân bay Đà Nẵng chỉ là một ví dụ.

Việc đổi giờ học để tránh tập trung quá cao lượng người tham gia giao thông trong giờ cao điểm, theo tôi, là một giải pháp cấp thiết, mang tính tình thế và hầu như chưa có cách nào hay hơn để giảm ùn tắc ở Hà Nội.

Nhà văn Tạ Duy Anh
Nhà văn Tạ Duy Anh

Theo tôi, ông Đinh La Thăng ý thức rất rõ nó chỉ mang tính tình thế. Nghĩa là ông đang nỗ lực để giải quyết tận gốc vấn nạn mang tính quốc gia đó. Mỗi giải pháp đều cần thời gian để có thể kiểm nghiệm về tính hiệu quả. Nó không thể hoàn hảo ngay được. Chúng ta nên kiên nhẫn và nên có cái nhìn khách quan, công bằng để giảm thiểu những bức xúc không cần thiết. Theo tôi, nếu làm tốt, nếu điều chỉnh hợp lý thì tạm thời, tức là trong ngắn hạn, việc ùn tắc chắn chắn sẽ giảm.

Về lâu dài thì phải có giải pháp khác, trong đó tăng diện tích đường cho giao thông, giảm số người trong khu vực nội thành, xây nhiều bãi đỗ xe, quy hoạch lại dân cư, giáo dục ý thức cho người đi đường, xử phạt nghiêm mọi hành vi sai trái khi tham gia giao thông, tập thói quen đi bộ…là những việc phải làm và tôi thấy ông Bộ trưởng Bộ GTVT đang biết rất rõ điều này trong hàng loạt việc tiếp theo có thể kiểm chứng. Hãy tin ở ông ấy.

PV: - Ông sống ở Hà Nội đã lâu, đã chứng kiến nhiều giải pháp chống kẹt xe, tắc đường giờ cao điểm như: quy định giờ cho xe tải, rơ mooc vào nội đô, cấm bán hàng rong, phân làn phân luồng các tuyến phố. Thậm chí, đã có lần người ta còn định đưa ra giải pháp biển số chẵn ra đường ngày chẵn, biển số lẻ ra đường ngày lẻ nhưng rồi chỉ "đánh trống bỏ dùi", vẫn tắc đường kẹt xe như cũ nếu không muốn nói là ngày càng tắc đường kẹt xe hơn. Ông có tin rằng, giải pháp đổi giờ học, giờ làm của Bộ trưởng Thăng sẽ không rơi vào tình trạng như thế?

Nhà văn Tạ Duy Anh: - Qua những việc ông Đinh La Thăng đã làm khi còn ở Sông Đà, khi ở Huế hay Tập đoàn Dầu khí và qua vài động thái gần đây của ông khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ GTVT, tôi tin ông Thăng sẽ không lặp lại những gì người khác đã từng thất bại, mà lý do của nó phần lớn ở sự thiếu quyết đoán.

Tôi hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Bộ trưởng là đã đến lúc hành động thay cho lời nói, nhất là những lời nói suông. Hành động sai thì sửa, còn hơn cứ nói và để đấy vì sợ sai. Vấn nạn ùn tắc có nguyên do từ lâu dài, nhiều người phải chịu trách nhiệm trong đó có hàng triệu người tham gia giao thông. Nay mọi người có xu hướng đổ trách nhiệm lên một mình ông Bộ trưởng là không công bằng. Ông ấy có phải là thánh thần đâu.

Giải pháp nào cũng có mặt bất cập của nó. Hàng triệu người là hàng triệu hoàn cảnh khác nhau, làm sao có thể đáp ứng được tất cả. Không ai làm được điều ảo tưởng này. Chẳng hạn trong việc đổi giờ học, giờ làm, có nhiều người bị xáo trộn nhưng cũng có rất nhiều người cảm thấy nhẹ cả người vì ra đường đỡ cảm giác chen vai thích cánh. Chẳng hạn như tôi, tôi thấy đỡ phải cập rập hơn trong việc lo bữa trưa cho con đi học. Mỗi người hãy lấy lợi ích chung để làm tiền đề cho những phát biểu của mình thì theo tôi mọi việc sẽ đơn giản và thuyết phục hơn.

PV: - Cơ sở nào khiến ông tin giải pháp đổi giờ học, giờ làm của Bộ trưởng Thăng sẽ giải tỏa quốc nạn kẹt xe?

Nhà văn Tạ Duy Anh: - Tôi nói rồi, đây chỉ là một trong nhiều giải pháp, nghĩa là còn cần hơn thế nữa những giải pháp đồng bộ để có thể giải toả nạn kẹt xe như cách bạn nói. Nhưng chúng ta hãy hình dung, có một đống rác bị tích lại từ hàng chục năm, cao chất ngất đến mức không ai dám động vào, nay có người muốn dọn cái đống rác ấy đi, thì trước hết phải cho họ thời gian, phải cho họ phương tiện, phải cho họ sự khích lệ để họ không nản lòng.

PV: - Là người am tường Hà Nội, ông có nhận xét gì về sự lệch pha giữa cơ sở hạ tầng giao thông với tốc độ gia tăng dân số, các phương tiện tham gia giao thông?

Nhà văn Tạ Duy Anh: - Đó là một sự khập khiễng mang tính thảm hoạ. Nhiều cảnh báo đã được gửi đi qua các loại phương tiện, trong đó có cả những cảnh báo của tôi, nhưng chả ai quan tâm, chả ai làm gì đáng kể. Đường thì chật, phố xá thì lem nhem, kỷ cương lỏng lẻo, văn hoá thấp… làm sao mà ứng xử trên đường tử tế được? Cứ ùn là chen nhau, chiếm đường của nhau, rất đáng xấu hổ.

Đáng lẽ các nhà hoạch định chính sách, những người từng được tạo mọi điều kiện đi đây đi đó, phải hình dung ra trước những người khác cả chục năm về điều đó. Nhưng hoá ra họ không làm gì cả, tôi rất lạ về điều này. Những toan tính vụ lợi cá nhân đã bị đặt cao hơn lợi ích của cộng đồng. Hậu quả là ngày nay, khi đất nước phát triển, mọi thứ thành ra cọc cạch, hạ tầng thậm chí chưa xong đã lỗi thời. Lỗi này trước hết thuộc về những nhà quy hoạch thiếu lương tri, tham lam và thiển cận.

PV: - Ông có cho rằng, nếu không giải quyết được sự mất cân bằng của bài toán trên thì các giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông Hà Nội chỉ là việc "dán bùa" cho phải phép?

Nhà văn Tạ Duy Anh: - Không chỉ giao thông, mà mọi vấn đề khác đều sẽ như vậy. Cứ nói, cứ hô hào, cứ rao giảng… nhưng khi hành động thì ngược lại với những gì mình nói thì tôi và bạn còn được ngồi nói chuyện vẫn là may đấy. Nhưng hàng triệu người trước sau cũng phải trả giá, rất đắt và rất kinh khủng.

  • Nguyên
TAGS:
Theo: