Cô giáo cung bọ cạp - nạn nhân của công nghệ?!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) -Nghề giáo cao quý là thế, nhưng một khi đi kèm với những thứ kiểu như “bún mắng cháo chửi” thì sự cao quý – nhìn ở góc độ nào, cũng có phần méo mó

Mấy ngày nay, tin tức trên các trang mạng xã hội lan truyền câu chuyện “cô giáo bọ cạp” ở trung tâm ngoại ngữ L.N một cách chóng mặt. Dư luận thì muôn đời vẫn vậy, người phản đối gay gắt, người đồng cảm ủng hộ - dù ít dù nhiều. Nhưng đa phần sự trách móc đổ dồn lên hai tiếng cao quý “nghề giáo”.

Từ ngàn năm nay, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” đã trở thành một chuẩn mực của xã hội phương Đông. Chẳng thế mà khi con trẻ chừng 3 – 4 tuổi mà chưa đi học là người lớn đã cuống quýt giục nhau: “Phải cho đi học thôi, ở nhà hư lắm”.

Cũng không thiếu những câu chuyện kiểu như ở nhà bố mẹ nói chưa chắc đã nghe nhưng ngày mai cô giáo bảo đến hạn nộp “kế hoạch nhỏ” mà không có đủ “kế hoạch nhỏ” thì sợ không dám đến lớp nữa hoặc khóc nhè bắt đền cha mẹ…

Mô tả ảnh.
Cô giáo L.N tự nhận mình cung bọ cạp và lăng mạ học sinh hết lời. Ảnh cắt từ clip

Tất nhiên, ngoài sức mạnh của sự chuẩn mực thì còn nhiều yếu tố từ môi trường giáo dục. Thế nhưng không phủ nhận, thầy cô giáo có tầm ảnh hưởng rất lớn đến ứng xử và tương lai của mỗi chúng ta. Có khi chỉ vì thần tượng một buổi bình thơ, bình văn lãng đãng mơ màng của thầy cô trong một năm học nào đó mà sau này quyết tâm phải trở thành cô giáo dạy văn như cô…

Nhiều người làm thầy than thở: “Học sinh bây giờ không giống như tụi mình ngày xưa, các em ấy cứ thiếu thiếu một cái gì đó giống như tâm hồn, sự say mê”… Có học sinh mánh khóe đến mức, biết giáo viên cấm dùng điện thoại trong lớp thì luôn thủ sẵn hai, ba chiếc điện thoại “cùi bắp” trong người để “thế mạng” khi bị phát hiện.

Có cô giáo kể, nếu phát hiện học sinh để chuông điện thoại trong giờ học thì giáo viên chỉ thu điện thoại đến hết giờ sẽ trả. Nhưng cô giáo đã phải giao lại điện thoại cho hiệu trưởng xử lý vì học sinh mắc lỗi quá nhiều lần.

Không phủ nhận những ưu điểm của công nghệ với sự học nói chung nhưng một khi mặt trái lên ngôi thì thầy cô cũng phút chốc thành nạn nhân trong ê chề. Thay vì chúng tôi đã từng len lén viết ra tấm giấy nhỏ và khéo léo đặt lên bàn giáo viên khi thấy chiếc cúc áo của cô (vì sự say sưa với bài giảng) mà không “ở yên một chỗ” thì các em học sinh bây giờ có thể lén lút đặt điện thoại chộp ngay thành clip “lộ hàng” để rúc rích bàn tán, bình luận. Và, clip ấy cũng là “vũ khí” để phòng khi cô giáo có gì “không phải” là sẵn sàng tung lên mạng “cho bõ tức”.

Thay vì rút kinh nghiệm khi làm việc sai trái bị cô giáo phê bình thì nhiều em học sinh lại “tích góp” những ấm ức thành một khối nặng đầy ngang bướng chống đối lại chính thầy cô của mình. Nếu thầy cô nào kiềm chế được thì các em hả hê vì nghĩ không ai dám động đến mình. Nhưng chỉ cần thầy cô nghiêm khắc một chút thôi là các em chộp lấy, quay clip tung lên mạng.

Không ít thầy cô giáo đã bị kỷ luật, thôi việc vì không kiềm chế được, biến phản ứng với sự vô lễ thành hành động ví như một cái tát…

Trong vụ “cô giáo bọ cạp”, nếu học sinh kia biết những điều vô lý ở trung tâm có thể kiến nghị lên trang web hoặc phản ánh tới những người có chức vụ phía trên cô L.N để được giải quyết.

Tất nhiên, không phải sự im lặng nào cũng là vàng nhưng sự im lặng trong một số trường hợp nào đó lại có thể tránh cho con người những rắc rối về sau. Chẳng hạn như cô giáo cung bọ cạp kia có thể im lặng và âm thầm “giải quyết” với hiệu trưởng ngôi trường mà bạn kia đang theo học (như ý định của cô) thay vì gay gắt nói đi nói lại đầy thách thức khiến người nghe bị chối tai.

Nếu một sự “vô học” mà bị đáp lại bằng một sự “vô học” khác thì rõ rang, sự “vô học” đáp lại là hèn hạ và bị đánh giá thấp hơn sự “vô học” khởi điểm.

Ai cũng biết học trò “nhất quỷ nhì ma”, nếu cô giáo mang cái “bọ cạp” để đối đáp lại với sự “nhất quỷ nhì ma” ấy thì những câu chuyện tai tiếng như thế này sẽ còn tiếp diễn. Nên chăng, học trò chấn chỉnh mình ở phần “lễ nghĩa”, thầy cô giáo kiềm chế bản thân ở khuôn khổ nhất định… để môi trường giáo dục dù “công” hay “tư” cũng là giáo dục đúng nghĩa.

Nên phạt nặng những người đặt trà đá từ thiện ở vỉa hè!
Các bạn nghĩ rằng việc (cố tỏ ra) thương người nghèo chứng tỏ mình văn minh? Khi lấy hoàn cảnh biện minh cho việc phá hoại kỷ cương xã hội, thì các bạn chưa văn minh được đâu!
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn