Dân nghèo thì nghèo trụ sở vẫn phải nguy nga

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Tiền ngân sách, tiền thuế của dân đấy, cơ quan công quyền xây to cao bề thế như vậy có lẽ cũng là để dân “đẹp lòng mát dạ”.

Ngày 13/3, UBND tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với thành viên Ban chỉ đạo xây dựng Trung tâm Hành chính – Chính trị mới của tỉnh.

Theo đề án trung tâm Hành chính - Chính trị mới của tỉnh được xây dựng tại xã Tam Phước (TP.Biên Hòa) với diện tích khoảng 20ha gồm khu Hành chính tập trung, trong đó có các cơ quan Đảng, tổ chức Đoàn thể - Chính trị bố trí chung trong một khối nhà có chiều cao khoảng 15 tầng. Ngoài ra, khu còn có Dịch vụ công tập trung các cơ quan có lượng giao dịch tiếp dân lớn, các đơn vị sự nghiệp có thiết bị chuyên dụng, chuyên ngành. 

Mô tả ảnh.
UBND tỉnh Đồng Nai hiện tại

Tổng vốn đầu tư của dự án hơn 2.200 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng trên 1.500 tỷ đồng. 

Thông tin này đã khiến dư luận cả nước xôn xao bởi danh sách những tỉnh có trụ sở cơ quan hành chính nguy nga, tráng lệ ở nước ta đã xuất hiện một tên mới thậm chí là "lợi hại hơn" những cái tên cũ.

Câu chuyện về trụ sở làm việc các tỉnh to đẹp, hoành tráng quả thực đã không còn mới với người dân bởi trong thời gian vừa qua một trào lưu thay các trụ sở làm việc cũ bằng mô hình mới là trung tâm hành chính nguy nga lộng lẫy đã xuất hiện và rất được ủng hộ ở nước ta.

Chẳng thế mà chúng ta có trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng đang được xây dựng trên diện tích 56.000m2 với Tổng vốn đầu tư là 1.014 tỉ đồng, trung tâm hành chính - chính trị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu rộng khoảng 2 ha có mức tổng đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, hay trung tâm chính trị - hành chính mới của tỉnh Bình Dương với tổng diện tích rộng hơn 20 ha và trị giá tới 140 triệu USD....

Có điều, quý vị chớ có mà thi nhau thở ngắn, than dài hay chê trách này nọ vì cho rằng lãng phí khi nghe thông tin nước ta có thêm trụ sở hành chính nguy nga.

Bởi ngay giữa phiên họp của  Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/9 vừa rồi, câu chuyện dinh thự các cơ quan công quyền nguy nga tráng lệ khắp 63 tỉnh thành đã được mang ra mổ xẻ, nhưng mà rồi nào cũng có chết ai vì chẳng có địa phương nào bị nêu đích danh. 

Cho nên, thay vào đó mọi người hãy có cái nhìn sâu rộng hơn, để thấy được mặt tích cực của vấn đề (cái mặt mà không phải ai cũng thấy được đâu nhé).

Đầu tiên, rõ ràng trụ sở các cơ quan công quyền là bộ mặt của cả tỉnh, mà bộ mặt là cái phơi ra cho thiên hạ thấy, thiên hạ nhìn vào thì có lý gì lãnh đạo lại để cho nó tồi tàn rách nát?

Đấy là chưa kể tiền ngân sách, tiền thuế của dân đấy, cơ quan công quyền xây to cao bề thế như vậy có lẽ cũng là để dân “đẹp lòng mát dạ”. Vậy nên dân nghèo thì nghèo, trụ sở làm việc của lãnh đạo vẫn phải nguy nga.

Mô tả ảnh.
Các trụ sở hành chính ở nước ta được xây dựng như "lâu đài", nguy nga tráng lệ.

Hơn nữa, quý vị cũng nên quên nhanh cái lý lẽ cũ rích rằng trong khi dân còn nghèo, đói thì không nên xây dựng trụ sở quá xa hoa lãng phí đi. Bởi dân là dân, trụ sở cơ quan công quyền là trụ sở chứ. Không thể đánh đồng hai thứ ấy với nhau được. Nếu trụ sở cũng ko khác gì nhà dân thì còn đâu sự uy nghiêm, hoành tráng của các cơ quan công quyền.

Dân mình tuy được tiếng là gan góc nhưng mà cũng nhát lắm. Thời xưa, mỗi khi có việc phải đến công đường là run như cầy sấy. Đánh trúng tâm lí đó của người dân, các sếp ngày nay đua nhau xây trụ sở thật to, càng uy nghi càng tỏ rõ cái uy của mình. 

Đứng trước những “cung điện” nguy nga như thế, đố người dân nào khi có việc mà dám gõ cửa công đường lại không run sợ, có gan cóc tía thì rồi cũng phải khép nép thôi. Cho nên, khi phải đối mặt với các vị công bộc, bao nhiêu sự chuẩn bị về tinh thần trước đó bỗng dưng biến mất, cái miệng chỉ còn biết vâng vâng dạ dạ. Và mọi việc cứ thế mà giải quyết thuận lợi, gọn gàng. Như vậy chẳng tốt quá còn gì.

Một vấn đề đáng nói nữa là trụ ở to đẹp ở ta phản ánh đúng bản chất thích chơi ngông của người Việt. Lâu đến nay, cả thế giới biết người Việt nghèo nhưng chơi ngông, tiêu thụ hàng xa xỉ có kém đất nước nào đâu. Có như vậy siêu xe, hàng hiệu mới xuất hiện ầm ầm ở nước ta đấy chứ.

Và cuối cùng, cũng là quan trọng nhất là mọi người cần phải hiểu trụ sở nguy nga như cung điện phản ánh tầm nhìn xa, rộng của lãnh đạo các tỉnh. 

Trên thực tế, với tình trạng bộ máy hành chính ngày càng phình to, nở rộng như hiện nay, việc xây trụ sở to rộng chính là "đi tắt đón đầu". Nếu xây trụ sở nhỏ, đến khi nhiều người quá, không đủ chỗ lại phải đập đi xây lại thì sẽ tốn kém.

Mọi người cũng đừng nghĩ tính toán như vậy là "lo bò trắng răng", bởi thực tế cho thấy đến Ngân sách nước ta hiện nay còn có biểu hiện không kham nổi bộ máy hành chính nữa là. Theo đó, dù Nghị quyết Quốc hội giao ngân sách năm 2014 phải triệt để tiết kiệm nhưng chỉ 2 tháng đầu năm bội chi lên tới hơn 20.000 tỉ đồng. Đáng lo ngại, trong khi chi đầu tư cho phát triển giảm mạnh thì chi sự nghiệp, cho quản lý hành chính lại tăng quá cao.

Thông thường chi tiêu hiệu quả là khi chi đầu tư tăng mạnh, còn chi thường xuyên (đặc biệt chi hành chính, bộ máy) giảm nhưng cơ cấu chi vừa qua lại bị đảo ngược hoàn toàn. Chi đầu tư phát triển chỉ đạt 23.270 tỉ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ, ngược lại chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng… gần 108.000 tỉ đồng, tăng 5,2% so cùng kỳ và bằng gần 16% dự toán.

Đấy, ai bảo nước mình nhiều công chức cắp ô, trình độ kém. Việc nhiều tỉnh xây công sở hoành tráng cũng là phản ánh các tỉnh có nhiều cán bộ biết tính sâu, tính xa còn gì.

Theo: