"Hà Nội - có gì rất đau..."

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - “Hà Nội có gì rất đau...” Câu hát này ám ảnh tôi khi nghe và lại ám ảnh tôi khi chiếc ghế đá thời Lê bên bờ hồ Hoàn Kiếm đã vỡ tan tành.

Hà Nội là thủ đô, trái tim của cả nước, nên Hà Nội là của chung chứ nào của riêng ai. Vậy mà tôi lại có cảm giác rằng Hà Nội là của ai đó chứ không phải của mình nữa rồi. Cái cảm giác xa lạ mỗi lần ra thăm thủ đô và sự lo lắng bản thân Hà Nội mất mát đi “chất Hà Nội” của mình. 

Một chỗ không được phép để xe lại có xe hơi đậu vào. Một di sản cổ cần được bảo vệ lại tan tành trong cơn chếnh choáng của kẻ say. Và thủ phạm đã bỏ đi thản nhiên vì liệu có phải nghĩ rằng chỉ là một phiến đá vỡ tan có gì mà quan tâm. Sự thản nhiên bỏ đi mà báo chí phản ánh ấy phải chăng chính là sự thản nhiên của nhận thức hời hợt và thiếu văn hóa?

Cái ghế đá cổ từ thời Lê đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bao nhiêu con người đã đến hồ Gươm? Tôi không biết nữa. Thậm chí tôi còn chưa ngồi lên nó lần nào. Nhưng bạn cũng không nhất thiết phải chèo thuyền ra tháp Rùa, bắc thang leo lên cửa Bắc, ngủ đêm tại Hoàng thành Thăng Long,... thì mới yêu Hà Nội. Mỗi lần ra Hà Nội tôi lại thơ thẩn ngắm những con phố, hàng cây, những địa danh đã đi vào lòng người và trường tồn cùng lịch sử. Những di sản ấy, nó là trầm tích thâm sâu của bao lớp tiền nhân để lại cho cháu con gìn giữ và tự hào mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì. Vậy mà chúng bị xâm hại không thương tiếc.

Xâm hại di tích là có tội, luật đã quy định rõ!

Nhưng tại sao những di tích được nhà nước công nhận lại vẫn cứ bị xâm hại một cách thản nhiên?

Theo thống kê, Hà Nội có 2.000 di tích được xếp hạng nhưng có đến 400 di tích bị xâm hại. Có những di tích không bao giờ có thể phục hồi được....

Bạn cứ đến lăng Hoàng Cao Khải (Thái Hà) mà hỏi về đồi Nghinh Phong thử xem. Xin thưa chẳng còn cái đồi mang tên Nghinh Phong nào cả mà chỉ có những ngôi nhà nghinh mặt nhìn bạn như sự thách thức về tính ngu dốt của con người trong việc ứng xử với lịch sử, với tiền nhân.

Bạn cứ đến Hàng Lược mà chứng kiến ngôi chùa mang tên Vĩnh Trù như thế nào. Tôi chỉ có một khái niệm ngắn: bát nháo! Chốn linh thiêng thành nơi buôn bán, sân chùa chẳng khác nơi chứa đồ. Báo chí từng phản ánh, cơ quan chức năng địa phương từng hứa chấn chỉnh rồi... đâu lại vào đấy.

Đây chỉ là hai ví dụ mà tôi biết còn nếu cần một ví dụ mang tính phổ biến thì cứ nhìn lớp rác dày cộm bên hồ Gươm sẽ rõ. Người Hà Nội bớt thanh lịch đi nhiều hay những người “ngụy Hà Nội” đang tàn phá thủ đô bằng thứ ứng xử giàu tàn nhẫn với di sản như vậy?

Một cô em gái Hà Nội đã trả lời khi tôi hỏi về câu chuyện chiếc ghế đá thời Lê: “Mọi thứ có thể xảy ra, có thể được gầy dựng nên, có thể đổ vỡ. Nghe bác hỏi em thấy tiếc cho những thứ không thể đổ vỡ mà vẫn bị xâm hại, không thể bị xâm hại mà vẫn biến mất dễ dàng.”

Nếu không chỉ là phiến đá, mà nhiều di tích lớn khác,... do chính chúng ta, chứ không phải chiến tranh gây ra, thì Hà Nội có còn là Hà Nội không? Hay lúc đó chỉ còn biết lẩm nhẩm “Hà Nội - có gì rất đau...”

Vâng!

Hà Nội.

Có gì rất đau...

70% ông đồ thi trượt: Chuyện đâu chỉ mấy con chữ
Chả nên trách các cụ khi mà xu thế "Trưởng giả học làm sang" đang khiến cho các giá trị có nguy cơ bị lệch chuẩn.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn