Đường nước sông Đà vỡ lần 9: Nếu Hà Nội cũng có một Bộ trưởng Thăng

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Đường ống nước Sông Đà vỡ. 70.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Nguyên nhân: Do vật liệu ống sử dụng cho công trình chưa phù hợp. Trách nhiệm: Trước tiên thuộc về nhà đầu tư là Tổng Công ty Vinaconex.

Đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 2. Nguyên nhân…

Đường ống nước Sông Đà vỡ lần thứ 8. Trách nhiệm…

Và mới đây nhất, là lần thứ 9.

Duong nuoc song Da, vỡ đường ống nước sông Đà lần thứ 9,
Đường ống nước sông Đà liên tiếp vỡ và đây là lần thứ 9 (Ảnh: Báo Lao động).

Trong 6 năm, công trình nhận Cúp vàng chất lượng đã 9 lần vỡ. Vỡ ngay trong thời điểm phiên HĐND TP. Hà Nội chất vấn. Vỡ ngay sau lời kêu gọi nhân dân dùng tiết kiệm nước. Và chẳng cần phải “thần thánh” gì cũng có thể đoán biết 9 chưa phải là con số cuối cùng.

Vậy thì 7 vạn dân thủ đô và hàng triệu người khác quan tâm đến “sự cố” phải chịu khổ sở, bức xúc đến bao giờ.

Câu trả lời là chưa biết đến bao giờ khi biện pháp khắc phục bây giờ chỉ là: Vỡ đâu vá đấy. Biện pháp mà có cụ ông đã không ít chua chát giỡn rằng: Vỡ đâu vá đấy, vá đấy vỡ đâu, vá đâu vỡ đấy.

Còn trách nhiệm ư? Thì đúng là Vinaconex. Nhưng họ đã phải chịu trách nhiệm gì đâu.

Hồi đường ống nước chất lượng vàng này vỡ lần thứ 7, ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) khẳng định, chính ông đã nhiều lần cảnh báo chủ đầu tư cùng đơn vị thiết kế dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu, nhưng họ “phớt lờ”, không nghe mà cứ làm khi không xử lý nền đất yếu.

“Có lẽ do “ngại” việc đội chi phí, mất thêm nhiều thời gian mà chủ đầu tư cứ làm cho kịp tiến độ mà không xử lý móng của tuyến ống nên mới có kết cục vỡ đường ống nhiều lần”- ông Trung nói.

Không ai quan tâm đến ý kiến này ngay cả khi nó được công khai trên báo chí.

Tôi sẽ đặt ra đây một câu hỏi nhỏ, nếu một ngôi nhà cao tầng, một cây cầu, hay một sân vận động được làm trên nền đất yếu không được xử lý, thì chuyện gì, hậu quả gì sẽ xảy ra sau đó.

duong nuoc song Da, vo duong ong nuoc song Da lan 9
Ai chịu trách nhiệm về việc cung cấp nước sạch cho dân: Vinaconex hay chính là Thành phố?

Nhiều người trong chúng ta ước rằng Hà Nội có một vị tư lệnh như Bộ trưởng Thăng. Có thể định ngay trách nhiệm tới từng đơn vị, từng cá nhân trước một con đường lún, một chuyến bay lạc. Và sau đó, xử lý ngay, xử lý quyết liệt chẳng cần phải nhiều lời. Còn đơn vị nào ngoài diện quản lý của thành phố thì có thể đề xuất với các bộ, ngành chủ quản kiên quyết “trảm” tướng như ông Thăng đã từng trảm với các đơn vị trong ngành.

Hôm qua, đã có ý kiến nói về việc truy cứu trách nhiệm tới tận từng đơn vị, từng cá nhân khi hậu quả mà họ gây ra không thể nói là không nghiêm trọng. Điều này là cần thiết, bởi vì người ta không thể gian dối chất lượng bằng một cái cúp vàng. Bởi nếu câu chuyện trách nhiệm cứ u u minh minh, không “ra ngô ra khoai” thì chẳng loại trừ sau sự cố vỡ đường ống sẽ là sự cố sập nhà.

Còn một điều nữa cần phải nói. Đó là cách mà đại diện Thành phố trả lời chất vấn về sự cố này. Bạn có để ý không, cái cách thông báo đường ống tiếp tục vỡ, cái cách nói về trách nhiệm của Vinaconex, và ngay cả biện pháp bất đắc dĩ là kêu gọi 7 vạn dân thủ đô tiết kiệm nước, dường như là cách nói của người ngoại cuộc.

Ai chịu trách nhiệm về việc cung cấp nước sạch cho dân: Vinaconex hay chính là Thành phố?

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn