Ông Bùi Kiến Thành:Dời bệnh viện là mở đường cho tiêu cực!

( PHUNUTODAY ) - Lý do tránh ùn tắc giao thông, tránh ô nhiễm môi trường v.vhellip; là ngụy trang dẫn tới việc mở cửa cho tiêu cực.

(Phunutoday) - …“Riêng cá nhân tôi, tôi thấy cái lợi ích kinh tế của các bệnh viện và tôi thấy không nên di dời. Muốn làm bệnh viện mới ở ngoại ô thì cứ việc làm, cứ làm thêm đi. Mà với tình hình hiện nay, xét chung cả nước, chúng ta còn cần rất nhiều bệnh viện nữa chứ không phải chỉ là những bệnh viện hiện có”… – Chuyên gia kinh tế, tài chính Bùi Kiến Thành chia sẻ với Phunutoday về vấn đề di dời bệnh viện đang gây tranh cãi trong thời gian vừa qua.
[links()]

Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành

PV: - UBND TP Hà Nội vừa có chủ trương di dời một số cơ sở bệnh viện, y tế ra ngoại thành. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Bùi Kiến Thành: - Bệnh viện, những dịch vụ y tế là vấn đề an sinh xã hội. Có thể nói, ai cũng phải dùng đến bệnh viện dù cách này hay cách khác, nghĩa là nó có tính toàn dân nên khi thay đổi vị trí của nó thì cần phải hỏi ý kiến của người dân chứ không nên duy ý chí. Nó rất quan trọng trong đời sống người dân nên nó càng quan trọng trong hệ thống quản lý Nhà nước.

 
 

"Nhà nước phải có vai trò, trách nhiệm hơn trong quản lý. Đừng tư duy hoạt động theo nhiệm kỳ, chạy theo thành tích".

 
 - Chuyên gia Bùi Kiến Thành -

Việc bố trí các bệnh viện nó ở đâu, tại sao phải dời từ chỗ này sang chỗ khác là việc của các nhà hoạch định chính sách và họ phải trình bày cho người dân biết lý do tại làm sao phải dời đi. Đấy là nhìn từ góc độ xã hội, còn phải nhìn từ phía quy hoạch đô thị, phải tham chiếu từ những phân tích về kinh tế nữa mới đủ.

Ở các nước trên thế giới ít khi người ta dời bệnh viện lắm. Bệnh viện bên Pháp, bên Mỹ… ban đầu dựng lên ở đâu thì nó vẫn tồn tại ở đó cho đến tận bây giờ, hàng trăm năm rồi. Con gái tôi sinh ra ở New York, tại Saint Luke Hospital, một bệnh viện của nhà thờ tin lành. Đấy là bệnh viện tư nhân và nó đã ở đấy hàng trăm năm nay rồi, không có lý do gì ngày mai bắt nó dời đi chỗ khác.

Những bệnh viện công của Nhà nước cũng vậy, và có những bệnh viện cực kỳ lớn Presbyterian Hospital, hay Rockefeller Hospital họ chi ra 300 – 400 triệu đô la làm bệnh viện không phải để “một ngày đẹp trời nào đó” sẽ chuyển nó đi chỗ khác.

Ở nước ta, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Từ Dũ… nằm ở vị trí đấy bao nhiêu lâu rồi, tất cả mọi người dân đều thông thuộc đường đi lối lại, không cần phải chỉ dẫn nữa thì không có lý do gì chính đáng mà tự nhiên di dời nó được.

Riêng cá nhân tôi, tôi thấy cái lợi ích kinh tế của các bệnh viện và tôi thấy không nên di dời. Muốn làm bệnh viện mới ở ngoại ô thì cứ việc làm, cứ làm thêm đi. Mà với tình hình hiện nay, xét chung cả nước, chúng ta còn cần rất nhiều bệnh viện nữa chứ không phải chỉ là những bệnh viện hiện có. Cần gấp 2, gấp 3 lần số bệnh viện mình hiện có mới đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Chẳng những bệnh viện mà các đơn vị thấp hơn bệnh viện là những bệnh xá cũng cần có thêm rất là nhiều. Vì vậy cho nên, tôi không thấy lý do gì chính đáng để di dời bệnh viện đi cả. Bệnh viện, bệnh xá là phải ở gần dân chứ không nên bố trí xa dân.

Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành
Chuyên gia Kinh tế Bùi Kiến Thành

PV: - Lý do mà nhà quản lý đưa ra là để giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân…Ông nghĩ gì về những vấn đề này?

Ông Bùi Kiến Thành: - Những bệnh viện đặc trưng lại là một chuyện khác. Đối với người nghiên cứu về vấn đề an sinh xã hội, vấn đề có tính chất vĩ mô về kinh tế thì không thấy có lý do gì để mà di dời đi cả. Nếu bây giờ người ta nói ở bệnh viện này không đủ trang thiết bị thì giải pháp đưa ra là: không đủ thì thêm vào cho đủ. Chứ không phải không đủ thì dời đi nơi khác.

Rồi những vấn đề vệ sinh, nước thải, động chạm đến môi trường… biết như vậy thì phải giải quyết đúng những cái đấy chứ không phải vì thế mà dời bệnh viện đi được. Thí dụ về vấn đề nước thải bệnh viện thì cần có một trung tâm xử lý nước thải từ bệnh viện ra. Dù cho có xây dựng bệnh viện ở nơi khác thì cũng làm thế chứ không phải vì ở chỗ này không có trung tâm xử lý nước thải bệnh viện nên cần di dời nó ra ngoài kia và vẫn không làm trung tâm xử lý nước thải bệnh viện. Với rác thải bệnh viện cũng thế. Nếu viện cớ như để như vậy sẽ ảnh hưởng đến dân cư xung quanh thì càng không được vì dân ở đâu cũng là dân.

Lý do giảm ùn tắc giao thông theo tôi cũng không chính đáng. Vấn đề ùn tắc giao thông các nước khác họ giải quyết bằng cách ưu tiên xe cấp cứu, có các quy tắc về vấn đề giao thông cho việc cấp cứu bệnh nhân đến bệnh viện. Chứ không phải bệnh viện nằm giữa thành phố ùn tắc giao thông phải dời đi. Tư duy đúng phải là: Đông dân cư chừng nào thì phải có bệnh viện chừng đấy. Chứ không phải vì đông dân quá nên đem bệnh viện bỏ ra ngoài ruộng kia cho đỡ ách tắc giao thông! Ngược lại, bệnh viện càng cần phải có nhiều đường chạy đến nó và quãng đường đến bệnh viện càng ngắn càng tốt. Bệnh viện mà ở tít mù khơi, chở được người bệnh tới nơi thì người ta chết rồi còn cứu chữa gì nữa.

Về môi trường cũng thế, cần phải giải quyết môi trường chứ không phải di dời bệnh viện ra ngoài đồng không kia thì không phải giải quyết vấn đề môi trường nữa. Anh cứ xả thoải mái rác bệnh viện ra đồng, ra ruộng của người ta sao? Nên theo tôi, mấy cái lý do đó không chính đáng.

Bệnh viện phải ở trong dân, gần dân. Bệnh viện phải phục vụ dân chứ không phải dân chạy theo các quyết định duy ý chí. Theo tôi, nếu quyết định di dời các bệnh viện thì cần phải có cái lý do gì đó thuyết phục hơn nữa.

10 năm trước chúng ta cũng đã có chủ trương di dời bệnh viện, trường đại học ra khỏi nội đô để giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường cũng như nâng cao chất lượng y tế, giáo dục. Thế nhưng, cho đến nay chúng ta chưa di dời một bệnh viện, một trường học nào ra ngoại thành, thậm chí có nhiều bệnh viện, trường học còn xây to hơn thì chủ trương này tôi không thấy tính khả thi ở đâu cả.

PV: - Nếu nói như vậy thì đâu là mấu chốt của vấn đề này thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: - Tôi chỉ sợ một điều rằng từ cả chục năm nay rồi cái mà người ta quan tâm, người ta đặt ra câu hỏi rất lớn là: lý do thật sự phải di dời bệnh viện, trường học ra ngoại ô là gì? Khu đất sau khi bệnh viện, trường học di dời đi được sử dụng làm gì? Nhà nước phải giải quyết những vấn đề lợi ích cho dân. Quản lý Nhà nước là vì quyền lợi của lợi ích dân chứ không phải vì quyền lợi của lợi ích nhóm. Những người nghiên cứu về vấn đề xã hội, kinh tế, văn hóa… cần giải thích rõ ràng minh bạch.

PV: - Phải chăng những khu đất cũ của những bệnh viện, cơ sở y tế dự kiến di dời là những mảnh đất vàng mà giới đầu tư nào cũng muốn nhòm ngó?

Ông Bùi Kiến Thành: - Đã nói đến đất bệnh viện, trường học thường là những mảnh đất lớn. Bởi bệnh viện được chia làm nhiều khoa, các khoa này xây cấp lên thì ít mà sân đất trống thì nhiều, lịch sử để lại là như vậy. Hồi trước, bệnh viện thường thiết kế rất thấp, chỉ có 5 – 7 tầng, vì thang máy rất ít. Đồng thời, là bệnh viện thì phải thoáng mát... nên nhìn vào ai cũng thấy đấy là một khu đất hết sức màu mỡ cho giới bất động sản. Dù cho áp dụng hệ số 70% mặt đất, hay 50% xây dựng nên 10, 20 rồi 30 tầng thì thành ra một khu đất vàng cho bất động sản. Nếu không làm minh bạch lý do di dời bệnh viện, trường học thì dân người ta nghi ngờ di dời là vì lợi ích nhóm. Sẽ rất không tốt.

Mình nói là không cho xây nhà cao tầng rồi cuối cùng lại cũng cho phép. Hay người ta cứ việc xây lên rồi cuối cùng phạt hành chính xong rồi vẫn để nó đứng đấy. Nói bệnh viện làm ùn tắc giao thông nhưng nếu sau khi di dời họ xây lên cái tòa nhà 20 –30 tầng thì ùn tắc sẽ không biết là bao nhiêu nữa, làm sao giải quyết được vấn đề rác thải, vấn đề môi trường như lý do để di dời bệnh viện ra ngoại ô?

PV: - Vậy làm thế nào để tránh tác động không đúng đắn của các nhóm lợi ích làm sai lệch định hướng của chủ trương này, thưa ông?

Ông Bùi Kiến Thành: - Nhà nước phải có vai trò, trách nhiệm hơn trong quản lý. Đừng tư duy hoạt động theo nhiệm kỳ, chạy theo thành tích. Nguy cơ ở đây là người ta sẽ chụp những miếng đất này để làm những dự án mà nó sẽ tạo ra cái vấn đề ùn tắc gấp mấy lần hiện giờ, tạo ra vấn đề môi trường ô nhiễm gấp mấy lần hiện giờ.

Lý do tránh ùn tắc giao thông, tránh ô nhiễm môi trường v.v… là ngụy trang dẫn tới việc mở cửa cho tiêu cực.

PV: - Xin cám ơn ông!

  • Khải Nguyên (Thực hiện)
TAGS:
Theo: