Rớt nước mắt thương dân còng lưng gánh nợ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Mỗi người dân Việt Nam đang gánh 868,36USD nợ công (gần 20 triệu đồng). Trong số nợ ấy, có bao nhiêu phần phải gánh cho các vụ tham ô xuyên quốc gia?

Mấy ngày gần đây, một thông tin từ nước Nhật xa xôi đã "rung chuyển" cả xã hội Việt Nam. Đó là tin ông Tamino Kakinuma – Giám đốc Công ty tư vấn giao thông Nhật Bản khai nhận đã đưa hối lộ 80 triệu yen (hơn 16 tỉ đồng) cho một số quan chức quản lý dự án ngành đường sắt Việt Nam. 

Mô tả ảnh.
Chủ tịch của JTC tiết lộ đã hối lộ một quan chức ngành đường sắt Việt Nam 16 tỉ đồng để trúng thầu dự án (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ)

Chỉ cần tin ấy cũng đã đủ là "bom tấn" đối với dư luận cả nước. Đằng này những thông tin tiếp theo càng khiến quả bom có uy lực mạnh mẽ hơn. 

Theo đó JTC trúng thầu tư vấn dự án với giá 900 tỉ đồng, nhưng chỉ sau 2 năm, điều chỉnh tăng lên 1.226 tỉ đồng. Lẽ dĩ nhiên là, nhà thầu đưa ra nhiều lý do để yêu cầu tăng thêm tiền và Ban quản lý dự án cũng nhiệt tình hợp tác bằng cách đồng ý dễ dàng.

Thì tiền cả nước vay chỉ có phải một vài cá nhân vay đâu mà lo, tăng thêm vài trăm tỉ đồng cũng chẳng chết ai!

Mặc dù người dân đã không còn quá lạ lẫm với những vụ hối lộ "xuyên quốc gia". Trước đó đã có vụ Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) thú nhận dưa hối lộ cho một quan chức Việt Nam hàng trăm nghìn USD trong dự án Đại lộ Đông – Tây (TPHCM). Vụ việc thậm chí đã được xét xử, người phạm pháp đã vào đếm lịch trong tù thay vì đếm tiền trong két.

Thế nhưng dư luận vẫn rất quan tâm, đòi hỏi cần phải xử lý nghiêm khắc, đúng người đúng tội. Bởi nếu nếu không làm rõ và xử lý thật nghiêm thì chúng ta sẽ làm mất lòng tin của các đối tác cho vay vốn hỗ trợ. Người ta cho vay tiền để xây dựng các công trình phục vụ cho dân và phát triển kinh tế, chứ đâu phải để các tham quan hưởng thụ, chia chác.

Chỉ có điều việc xử lý một hành vi tham nhũng, nhận hối lộ là không hề đơn giản, nhất là các hành vi tham nhũng ấy lại có yếu tố nước ngoài. Bởi từ khi được phát giác thì cũng phải đến 2 năm sau, tháng 10/2010, phiên tòa đầu tiên mới được mở với bản án chung thân (sau giảm xuống 20 năm) cho cáo buộc ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây) nhận hối lộ 262.000USD.

Mặc dù đã có tín hiệu tích cực là Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có những phản ứng nhanh chóng và rất quyết liệt ngay sau khi có thông tin đưa hối lộ từ báo chí Nhật Bản. Ông Thăng tuyên bố dứt khoát sẽ xử lý nghiêm khắc những vi phạm, bất kể người đó là ai.

Thế nhưng có những việc vượt quá thẩm quyền của ông. Ngoài những chuyện nội bộ ngành giao thông, để điều tra hành vi vi phạm pháp luật phải là công việc của ngành công an. 

Rồi người ta hoàn toàn có quyền lo lắng vào một ngày đẹp trời bỗng dưng một “ông anh” nào đó đứng ra can thiệp... Bởi 16 tỉ đồng từ phía đối tác rất có thể không phải một người nhận mà khả năng là một “nhóm lợi ích” cùng chia. 

Mô tả ảnh.
Đồng hồ nợ công chỉ tới con số nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 80,070 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 886,36 USD.

Trong khi đó, mới đây bản đồ nợ công toàn cầu cho thấy mỗi người dân Việt Nam đang gánh 868,36USD nợ công (gần 20 triệu đồng). Trong số nợ ấy, có bao nhiêu phần phải gánh cho các vụ tham ô xuyên quốc gia, chưa kể những thất thoát, lãng phí khác?

Nói ra mới thấy đúng là chỉ có dân nghèo là khổ. Còng lưng làm việc quần quật cả ngày chẳng đủ ăn mà không hay biết rằng có một khoản nợ lớn (số tiền mà nhiều người nghèo ở ta có dành dụm cả đời cũng không dám mơ tới) đang lơ lửng trên đầu, ngày càng to hơn nặng thêm. 

Và bởi khoản nợ ấy có thể khiến dân còng lưng bất cứ lúc nào.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn