Sợ rác thải, kẹt xe nên "đuổi" bệnh viện ra ngoài?

( PHUNUTODAY ) - Ở nước ngoài, quy hoạch có dân thì phải có bệnh viện. Thêm một thành phố mới, thêm một khu mới, việc đầu tiên người ta nghĩ tới là phải xây dựng trường học và bệnh viện.

(Phunutoday) - Ngay một đất nước cạnh chúng ta Singapore trong thành phố của họ đầy bệnh viện, trường đại học. Nhiều người sang đấy chữa bệnh, học hành đều ở thành phố đấy chứ...- PGS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc bệnh viện Việt Đức cho biết.
[links()]
Với lý do giải quyết tình trạng quá tải về giường bệnh, cơ sở hạ tầng đang xuống cấp một cách nghiêm trọng, phục vụ bệnh nhân tốt hơn, hệ thống xử lý rác thải y tế chưa đạt chuẩn dẫn tới ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông… UBND TP đã có chủ trương di dời các cơ sở y tế ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội.

Ngày 9/12/2011 vừa qua, vấn đề này một lần nữa lại làm nóng phiên chất vấn của Hội đồng Nhân dân TP. Là những đơn vị liên quan trực tiếp đến công cuộc di dời, các lãnh đạo bệnh viện TP Hà Nội đã có những chia sẻ thẳng thắn với Phunutoday về vấn đề này:

PGS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức: Lý do di dời bệnh viện để giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm là chưa thuyết phục.

PGS.TS Trần Bình Giang. Ảnh: IE
PGS.TS Trần Bình Giang. Ảnh: IE

Bệnh viện, trường học là những cơ sở phục vụ dân sinh cho nên ở đâu có dân, ở đâu có người thì phải có bệnh viện và trường học. TP Hà Nội của chúng ta từ thời Pháp thuộc quy hoạch cho khu đô thị có dân cư vào khoảng 300.000 người và cho đến nay TP Hà Nội của chúng ta đã hơn 7 triệu người thì chúng ta thử nhìn xem chúng ta có bao nhiêu cái bệnh viện, thêm được bao nhiêu cái bệnh viện? Và sau này di dời bệnh viện sang bên Đông Anh, sang bên Gia Lâm thì người dân Hà Nội người ta ốm thì sẽ đi khám bệnh ở đâu?

Tôi đã đi một số nơi trên thế giới, kể cả thủ đô Paris ở Pháp có lịch sử lâu đời, thì nhiều bệnh viện lớn vẫn nằm trong thành phố như bệnh viện Hôtel-Dieu de Paris nằm giữa trung tâm thành phố Paris ngay cạnh tòa thị chính thành phố, cạnh nhà thờ Đức Bà nổi tiếng vẫn tồn tại mấy trăm năm nay và chẳng bao giờ người ta di dời bệnh viện ra khỏi thành phố cả.

Lý do đưa ra để giảm ùn tắc giao thông khi mà mọi người khắp nơi đi lên thành phố khám bệnh và để giảm lượng rác thải y tế từ bệnh viện không phải là những lý do thuyết phục. Bởi vì tôi thấy tất cả những khu mà đã di dời ra ví dụ như Nhà máy Dệt mùng 8 tháng 3, xây một loạt những chung cư cao tầng lên, chả thấy giảm mật độ dân cư chút nào mà lại tăng lên gấp mấy lần. Nếu nói về rác thải thì hiện nay có đủ phương án công nghệ để xử lý rác thải làm cho các cơ sở y tế hoàn toàn thân thiện với môi trường. Trên thế giới chả ai trốn rác thải để người ta “đuổi” bệnh viện ra khỏi thành phố cả.

 
 

- PGS.TS Trần Bình Giang, Phó Giám đốc bệnh viện Việt Đức.

Còn việc để giảm tình trạng quá tải thì phải xây thêm bệnh viện. Bây giờ chúng ta đang thiếu số lượng bệnh viện, giường bệnh trên đầu người. Cũng giống như trong TP Hà Nội thiếu trường Tiểu học, trường Mẫu giáo cho học sinh đi học, người bệnh thiếu chỗ chữa bệnh thế bây giờ bảo bỏ bệnh viện đi thì tôi không hiểu là tại sao?

Ngoài ý nghĩa về mặt điều trị, những bệnh viện ấy còn có ý nghĩa về mặt lịch sử bởi vì để có được một bệnh viện làm việc nó có lịch sử hàng trăm năm, có một cái truyền thống rất lớn của nó chứ không phải đơn giản nói một câu là di dời. Chúng ta có thể xây dựng thêm bệnh viện ở ngoài nội thành, tôi không phản đối những bệnh viện lớn như bệnh viện Việt Đức, bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện K hoàn toàn có thể có cơ sở thứ hai ở ngoài chứ không phải chúng ta đập cái bệnh viện ấy đi rồi chúng ta xây cái bệnh viện khác.

Nhưng muốn làm được cũng cần có sự quyết tâm, vào cuộc thực sự của cả hệ thống xã hội chứ một mình bệnh viện hay ngành y tế thì không thể nào làm được. Ví dụ như trước đây có ý kiến bảo đưa thêm cho Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai 10 ha để làm thêm khu bệnh viện ở bên Sài Đồng, khi chúng tôi sang đến nơi người dân nhao nhao phản đối rằng phải đền bù, phải thế nọ, thế kia. Làm sao bệnh viện, bác sĩ có thể lo cái chuyện đất cát đền bù, giải phóng mặt bằng được?

Quan điểm của tôi là chúng ta phải có thêm nhiều bệnh viện, đặc biệt phải phát triển các bệnh viện địa phương cả về cơ sở vật chất và nguồn lực để người bệnh từ các địa phương yên tâm chữa bệnh có hiệu quả tại đó, không phải kéo về các thành phố lớn.

Ở nước ngoài, quy hoạch của họ là có dân thì phải có bệnh viện. Thêm một thành phố mới, thêm một khu mới việc đầu tiên người ta nghĩ tới là phải xây dựng trường học và bệnh viện. Ngay một đất nước cạnh chúng ta Singapore trong thành phố của họ đầy bệnh viện, trường đại học. Nhiều người sang đấy chữa bệnh, học hành đều ở thành phố chứ họ làm gì có đất để đưa bệnh viện, trường học ra ngoài.

Tôi cho rằng đối với các bệnh viện ở trong thành phố thì chúng ta cần phải cải tạo một cách nghiêm túc để cho nó trở thành một cơ sở không thể gây ô nhiễm, vấn đề rác thải, vấn đề nước thải, vấn đề quy hoạch, xây dựng nó phải trở thành những cái cơ sở đảm bảo tốt nhất về mặt vệ sinh và về mặt sinh hoạt cho người bệnh, là nơi tập trung cho việc nghiên cứu phát triển. Phải cải tạo cho nó trở thành một bệnh viện hết sức hiện đại, hết sức đảm bảo về mặt tiêu chuẩn, là những trung tâm cao về mặt nghiên cứu, về mặt phát triển khoa học công nghệ. Đấy là điều quan trọng và cái đó thì phải bỏ nhiều tiền ra để thực hiện.

Thứ hai là không tăng quy mô của các bệnh viện này lên nữa, những quy mô của nó như thế nào thì để như thế. Và cái thứ 3 là chúng ta phải xây những bệnh viện vệ tinh của nó ở ngoài, ở những nơi khác thậm chí không phải Hà Nội mà là ở nơi đông dân. Ví dụ như một tỉnh Thanh Hóa 4 triệu dân mà bệnh viện còn chưa được trang bị thỏa đáng về cơ sở vật chất và đầu tư thích đáng về nguồn nhân lực, chưa được phát triển là làm sao? Đáng ra là những trung tâm đó phải được đầu tư và xây dựng để phục vụ cho hàng mấy triệu người và nó cũng phải rất mạnh mới phải.

Bệnh viện không có đủ, trường học thiếu, các cháu mẫu giáo thì bố mẹ phải đi xếp hàng nửa đêm gà gáy đến tận sáng mà vẫn không có được chỗ cho con vào học. Hỏi đến thì bảo vẫn có trường mẫu giáo nhưng hóa ra là trường mẫu giáo tư thục, thu học phí đắt gấp nhiều lần so với bình thường thì làm sao các gia đình công nhân, viên chức, người lao động cho con vào học được?

Rồi trong Hà Nội, nếu nói đến y tế mới phát triển, tôi thấy là những phòng khám những bệnh viện tư nhân được đầu tư một cách chưa đảm bảo tiêu chuẩn về bệnh viện cả. Người ta dựa trên một cái nhà cao tầng mà được xây với mục đích để làm chung cư hay để làm khách sạn rồi lại chuyển đổi sang thành bệnh viện. Tôi đã đi kiểm tra ở những nơi như thế và nó hoàn toàn không theo một cái chuẩn mực nào cả. Như vậy có thực sự giảm tải được số bệnh nhân vào nội đô hay không mà người dân lại nhận được những dịch vụ khám chữa bệnh không xứng đáng với số tiền mà họ phải bỏ ra?

PGS. TS Lê Thanh Hải, PGĐ Viện Nhi Trung ương: Đừng thấy bệnh viện chỗ này đông thì di dời sang chỗ kia!

PGS.TS Lê Thanh Hải
PGS.TS Lê Thanh Hải

Theo tôi, chỉ có xây cơ sở mới ở ngoại thành là tốt nhất. Hiện bệnh viện vẫn thiếu cho nên phải xây thêm để phục vụ nhân dân. Nên xem xét bệnh viện nào di dời, bệnh viện nào để lại bởi di dời hết ra thì khi dân nội thành ốm đau thì họ đi đâu? Khi đã có kế hoạch xây thêm bệnh viện thì phải xây ra ngoại thành cho phù hợp với quy hoạch của quốc gia.

Chuyện di dời là cũng tốt thôi, nhưng xu hướng phải xây mới, xây thêm các bệnh viện lớn ở khu vực ngoại thành là đúng hơn là di dời đùng một cái tất cả các bệnh viện ra ngoài nội thành. Bởi không phải nói di dời một cái là được ngay, phải mất 5 – 10 năm mới làm việc được. Cái này phải có kế hoạch quy hoạch tổng thể cho cả một khu vực lớn của Hà Nội.

Bởi vì trong tổng thể quy hoạch lớn của thủ đô trong toàn khu mới, quy hoạch làm sao cho nó bền vững độ khoảng 30 năm, 50 năm sau, thậm chí 100 năm sau nó vẫn còn có giá trị. Chứ còn bây giờ cứ thấy chỗ này đông di sang chỗ kia thì độ khoảng 5 – 10 năm sau nó lại đông nguyên, không đi đến đâu. Thấy năm nay tắc đường quá, sang năm đề nghị chuyển thì không làm được đâu.

 
 

"Nếu có di chuyển ra bên ngoài thì phải chuyển ra nơi có tổng thể rất hiện đại, có yếu tố bền vững, trong đó phải xây dựng được hệ thống hạ tầng rất tốt, đặc biệt lưu ý đến vấn đề cung cấp nước, rác thải".

 

 - PGS.TS Lê Thanh Hải -

Trước mình cũng có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra ngoại thành để giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm. Lác đác nhà máy chuyển đi thì nhà cao tầng mọc lên, các khu đất ấy trở thành các khu đất vàng, xây thêm các khu thương mại, các dịch vụ...thì nó vẫn ùn tắc, vẫn ô nhiễm.

Tôi thấy quy hoạch của thủ đô bây giờ còn nhiều bất ổn, nó chưa có tầm nhìn cho 10 năm – 20 năm sau, chưa nói là kỳ vọng cho 100 năm sau. Lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành khá chậm chạp, thì việc di dời các bệnh viện cũng có thể lắm.

Nếu như mà quỹ đất được dời ra đấy mà chưa sạch, lại cộng thêm rác thải y tế nữa thì chắc chắn ô nhiễm môi trường càng tăng thêm. Cho nên, nếu có di chuyển ra bên ngoài thì phải chuyển ra nơi có tổng thể rất hiện đại, có yếu tố bền vững, trong đó phải xây dựng được hệ thống hạ tầng rất tốt, đặc biệt lưu ý đến vấn đề cung cấp nước, rác thải. Đó là những vấn đề phải nghĩ trước khi nghĩ đến việc xây cái nhà lên. Việc di dời đầu tiên phải tìm được một quỹ đất rất rộng rãi, thuận lợi về vi khí hậu, giao thông.

Bây giờ dân số sinh ra khoảng 1 – 1,5 triệu trẻ em, tức là dân số trung bình của một tỉnh, mà số bệnh viện xây dựng thêm đâu có tương xứng với dân số phát triển. Trước mắt từ từ hãy di dời mà hãy xây những bệnh viện. Nếu mà bây giờ dân mình chưa tin ở các vùng nông thôn lắm hãy tìm thêm ở vùng phụ cận đi đã cho vận hành trơn tru sau rồi vận hành.

Theo tôi chuyển cũng được thôi nhưng không phải chuyển riêng cái xác bệnh viện đâu mà kèm theo cái xác đấy còn bao nhiêu nội dung kèm theo. Nếu không xây dựng những khu nhà của nhân viên kèm theo, của người nhà thì chí ít phải giao thông thuận tiện. Còn chuyển ra mà vẫn tắc đường thì thôi thà cứ để ở trong nội thành chứ chuyển làm gì.

Vũ Bá Quyết, PGĐ Bệnh viện Phụ Sản Trung ương: Kinh phí là bài toán nan giải đối với việc xây dựng bệnh viện.

TS. Vũ Bá Quyết
TS. Vũ Bá Quyết

Tôi đã sang Paris, sang Mỹ, tất cả khu dân cư đông đúc nhất thì đều rất đông bệnh viện. Ngay Paris là khu phố cổ nhất, bệnh viện còn mọc chi chít, phố của chúng ta là do người Pháp thiết kế mà bệnh viện chúng ta do người Pháp thiết kế những cái đấy thực sự là rất hữu ích đến giờ.

Thứ hai, với cơ chế giao thông hiện nay, bệnh viện Phụ sản Trung ương mà chạy ra Mỹ Đình hoặc Gia Lâm mà bệnh nhân cấp cứu hoặc chuẩn bị đẻ thì chắc chắn là không thể đi đâu được cả.

Thứ 3, cái cơ bản bây giờ là tiền lực. Bệnh viện mà cần chuyển nhất là bệnh viện lớn, mỗi năm cần phải có 25 – 27 tỷ để giải phóng mặt bằng, mà có bệnh viện tôi biết mỗi năm Nhà nước cung cấp cho 5 tỷ, đấy là có đất rồi mà chưa đủ tiền để giải phóng mặt bằng thì không thể khởi công mà làm được. Bệnh viện Bạch Mai ngày xưa gần như ngoại thành, bây giờ nó lại là giữa trung tâm thành phố, bao nhiêu dịch bệnh mà Quốc hội chưa chuyển được huống chi là các bệnh viện khác. Vì kinh phí đâu ra. Ví dụ, xây Bệnh viện Phụ sản Trung ương giờ ít nhất phải có 10.000 tỷ được cơ sở vật chất, với điều kiện này mua một cái máy tính còn khó chứ lấy đâu vài nghìn tỷ để xây một cái bệnh viện. Kinh phí là bài toán nan giải đối với việc xây dựng bệnh viện.

 

     "Nội thành nào cũng cần bệnh viện, bệnh viện phải gần dân, không gần dân thì bệnh viện cũng chết.".

 - TS. Vũ Bá Quyết -

Ngoài ra còn bài toán kinh phí với tình hình khủng hoảng như thế này thì ra ít nhất 5 – 10 năm nữa may ra cơ chế kinh tế phục hồi thì giờ mới nghĩ đến chuyện mua một cái máy tính, bệnh viện giờ muốn tin học hóa giờ không mua nổi một cái máy tính.

Nội thành nào cũng cần bệnh viện, bệnh viện phải gần dân, không gần dân thì bệnh viện cũng chết. Các nơi phải xây dựng các cơ sở hai để giải phóng, để dãn ra và đấy là cái tốt nhất. Giờ để một bệnh viện như Việt Đức có truyền thống hơn 100 năm thành lập, chúng tôi phải mất hơn 50 năm mới có được bệnh viện Phụ sản Trung ương, nhưng để sinh ra một bệnh viện như vậy nữa thì phải mất 10 năm. Nếu bây giờ chúng ta có cơ sở hai thì việc đào tạo phải tăng cường rồi, đội ngũ các thầy tận dụng để người ta dạy thì 10 năm sau may ra mới có được bệnh viện Việt Đức, Phụ sản, Viện Mắt... thứ 2. Còn không với cơ sở này, với tính chất này thì càng quá tải.

Các cơ sở đầu ngành được Nhà nước tạo ra một cơ sở ở ngoại thành thì tự chúng ta đẻ ra hai bệnh viện, khi trình độ ngang nhau thì người ta ra cơ sở hai, cơ sở 3, cũng trình độ bác sĩ ngang như vậy, người dân chắc chắn đến đấy khám chữa bệnh chứ chẳng phải đến viện Phụ sản nữa. Mấu chốt là ở chỗ để cơ sở hai được như cơ sở 1 thì phải mất rất nhiều thời gian, tiền lực để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị xây dựng, ít nhất với điều kiện này chắc 5 năm nữa chắc chưa có tiền để xây dựng một bệnh viện.

  • Khải Nguyên (Thực hiện)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn