Thư gửi cô giáo “bọ cạp”: Hãy kiềm chế 'con ngựa hoang' của mình!

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Với bọ cạp, ngay cả khi nó tự giết chết bản thân mình, cũng không bao giờ chịu thừa nhận mình đã bị đánh bại.

Theo nhiều tài liệu, những con bọ cạp thường sống độc thân, thích đi kiếm thức ăn vào ban đêm, ban ngày thì nghỉ ngơi trong hang động hoặc khe đá. Ở phần cuối của chiếc đuôi có một đoạn chứa nọc độc. Phần cong này lên đến phần lưng của nó, dùng để cảnh báo những loài động vật kiếm ăn hoặc những kẻ địch đang định xâm phạm nó không được tiến lại gần. Cho dù về bản chất, nọc độc là để tự vệ chứ không phải là để tấn công, nhưng khi đối phương khiêu chiến với nó, nó sẽ rời khỏi chỗ ẩn náu của mình, và lao vào chiến đấu. Ngay cả khi nó tự giết chết bản thân mình, cũng không chịu thừa nhận mình đã bị đánh bại.

Còn với cô giáo “bọ cạp” thì sao? Cô nói mình bị chạm đến lòng tự trọng, sự tự ái nên phải “xù lông” lên chửi để bảo vệ mình. Đỉnh điểm hơn, khi cơn bão của cộng đồng mạng đang đổ dồn vào cô, thì cô lại tỏ ra hả hê và đăng một sờ - ta – tút đầy khiêu khích: “Mình cảm ơn các bạn chửi, chỉ trong 1 ngày mà lượng tiếp cận Facebook tăng đột biến và hàng nghìn người biết đến Lena. Marketing cách này hiệu quả thật”.

Mô tả ảnh.
Cô giáo "bọ cạp" đang là tâm điểm của dư luận những ngày qua.

Chưa hết, trả lời trên nhiều tờ báo, cô còn cho rằng, mình là người bị hại, rằng clip được cắt ghép, rằng họ cố tình khiêu khích cô để quay clip bôi nhọ cô…

Thưa cô Lê Na, không biết khi “cơn bão” đang có phần dịu xuống, một giây phút nào đó, cô có nhận ra sự hiếu thắng trong mình đã quá lớn? Cô nói đó sự tự trọng, nhưng theo tôi, cô đã và đang quá hiếu thắng. Vì rằng dù bất kỳ ai cũng nhận thấy, cách cư xử của cô là quá lố nhưng riêng cô thì không chịu thừa nhận? Cô không chịu lép vế trước bất kỳ ai, mà vẫn cứ cố phải chiến thắng bằng được, bằng mọi cách, theo kiểu: “Thua ư. Không được. Mình chẳng làm gì sai cả. Mình phải làm cho chúng biết thế nào lễ độ khi động đến bọ cạp…”

Cô ạ, hiếu thắng không hẳn là quá xấu! Bởi, nếu biết tiết chế nó, chỉ giữ trong mình một chút - ở phương diện theo hướng tích cực – ví như lấy sự thua kém của mình làm động lực để vươn lên. Theo kiểu, thấy ai đó hơn mình, nhưng không muốn chịu kém hơn và luôn cố gắng để đạt bằng hoặc hơn người khác, thì chẳng phải cũng tốt sao?

Có lẽ, trong ai cũng có tính hiếu thắng, chỉ có điều cách của mỗi người thể hiện ra bên ngoài thế nào thôi. Tôi tin, khi được hỏi, thấy người khác thành công hơn mình, bạn có buồn không? Chắc chắn ai cũng buồn, ai cũng muốn khẳng định bản thân và luôn muốn mình hơn người khác.

Nhưng thưa cô, có lẽ chỉ nên giữ trong mình một chừng mực nào đó. Vì nếu hiếu thắng bằng mọi cách, thì người phải trả giá đầu tiên đó chính là bản thân mình. Khi cô quá hiếu thắng, chắc chắn trong cô sẽ luôn cảm thấy rất khó chịu, bực tức, lúc nào cô cũng phải nghĩ cách để hơn thua với người khác. Khi đó tâm không ổn, lòng không yên, ắt trí sẽ không thông. Vì thế rất dễ thất bại.

Đặc biệt, khi lòng hiếu thắng xâm chiếm cô, thì việc dìm người, nâng mình lên rất dễ xảy ra. Nhưng việc làm này thường sẽ bị phản tác dụng. Và bài học vừa rồi, hẳn cô đã thấy rõ. Bởi khi cô nói cô bị “chơi xấu”, bị người ta hãm hại thì cộng đồng lại càng dậy sóng hơn. Họ cho rằng, cô quá “cứng đầu” và chẳng ai hại cô mà chính cô đã tự “phun nọc” để giết chết chính mình.

Người khôn ngoan sẽ nhận ra những lỗi của mình và sẽ tốt hơn nếu biết cách nhận lỗi. Chẳng ai đánh giá bạn thấp hèn hay ngu xuẩn khi bạn nói từ xin lỗi! Mà ngược lại bạn sẽ nhận được nhiều thứ tốt đẹp – ví như lòng người, hơn là những thứ bạn tự ảo tưởng khi cho rằng mình là người chiến thắng.

Tôi không nhớ đã đọc ở đâu đó câu nói mà tôi rất thích. Tôi xin viết lại để tặng cho cô: Lòng hiếu thắng giống như một con ngựa hoang. Ai không thể điều khiển nó thì chỉ mang đến những tổn thương cho bản thân. Trên một con đường đua, người chế ngự được con ngựa này sẽ nhanh chóng về đích, còn kẻ nào không làm được thì cả chặng đường phải vật lộn với nó mà lợi ích đâu thì chưa biết, chỉ biết rằng mình phải giương mắt nhìn người ta đua nhau về đích còn mình thì mãi dậm chân tại chỗ.

Thế nên, cô giáo ạ, hãy biết tiết dây cương mong muốn chiến thắng của mình. Đặc biệt, với cô lại là một giáo viên. Dù có cá tính hay mạnh mẽ đến mấy thì sự điềm đạm, tĩnh lặng là rất cần thiết. Nhiều người đánh giá cô là người có năng lực, tôi tin điều đó, nhưng nếu cô biết kiềm chế con ngựa hoang trong mình, thì hẳn cô sẽ đạt được nhiều thành công. Còn nếu lòng hiếu thắng luôn là người bạn đồng hành cùng cô, thì cô sẽ luôn chỉ nhận được sự đau đớn, thất bại - do chính cô tạo ra.

Sự việc của cô ngày hôm nay, mong cô hay với bất kỳ ai đang luôn muốn hơn thua người khác - bằng mọi cách hãy lấy đó làm bài học!

Vụ cô giáo cung bọ cạp: Đừng để bị dắt mũi thêm nữa!
Vụ việc cô giáo L.N. có những lời lẽ xúc phạm học viên khiến dư luận bất bình. Nhưng hình như chúng ta đang bị đánh lừa, bởi cô, bởi “ekip” kia hay chính mình?
Theo:  khoevadep.com.vn