Tiền lương lại tăng, ai là người được lợi?

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Giả sử có tăng đến 20% lương mà mức lạm phát cũng tăng 20% thì đời sống của người lao động vẫn sẽ… tiến lên bằng cũ.

Sau nhiều phiên họp không có kết quả, sáng 6.8 Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu chọn phương án cuối cùng về đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2015. Theo đó, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã nhất trí với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2015 từ 300.000-400.000 đồng, mức tăng dao động trong khoảng 15% so với năm 2014.

tăng lương người lao động

Lương tăng nhưng giá cả mọi thứ cũng tăng thì người lao động có lợi gì đâu

Đây là năm thứ hai, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp với sự tham gia của ba bên: Đại diện cho người lao động, chủ sử dụng lao động và Chính phủ để thống nhất phương án tăng lương tối thiểu năm.

Để đi đến kết quả này là những cuộc tranh luận khá căng thẳng khi mỗi bên vẫn giữ lý lẽ riêng bảo vệ cho con số tỉ lệ của mình.

Đại diện chủ sử dụng lao động là Phòng Công nghiệp & Thương mại Việt Nam (VCCI) đề nghị mức tăng lương tối thiểu năm 2015 là 11%, tức là mức lương tối thiểu năm 2015 cho vùng 1 là 3 triệu đồng.

Lý giải về đề xuất này, VCCI cho biết tình hình kinh tế năm 2015 có thể sẽ vẫn rất khó khăn nên chỉ nên tăng dưới 12% để tạo điều kiện củng cố thêm việc làm bền vững cho người lao động. Nếu mức tăng lương tối thiểu cao thì các doanh nghiệp sẽ siết chặt việc mở rộng kinh doanh, tuyển dụng nhân sự…

Tuy nhiên, quan điểm của đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng mức tăng lương như vậy là quá thấp bởi mức lương hiện nay mới đảm bảo được 70% mức sống tối thiểu. Vậy làm sao để đến năm 2018, tiền lương có thể đạt được 100% nhu cầu sống tối thiểu?

Tổng liên đoàn Lao động đề nghị cần phải tăng lương tối thiểu vùng 1 năm 2015 lên mức 3,4 triệu đồng/người/tháng, tức là tăng gần 26% so với mức lương tối thiểu cũ.

Do đó, mức tăng 15% như kết quả của Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa thông qua với 64,3% số phiếu bầu đã không nhận được sự đồng tình của đại diện cho người lao động là Tổng LĐLĐ VN.

Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN - cho rằng mức lương này chưa thỏa mãn với đề xuất của Tổng LĐLĐ VN.

Về sự chênh lệch giữa đề xuất của hai bên, có lẽ cũng không khó lý giải bởi đây là qui luật tất yếu của xã hội loài người. Người lao động của bất cứ thời nào, ở đâu cũng muốn được tăng lương và một ông chủ của bất cứ thể chế nào cũng muốn lợi nhuận thu về cho mình cao nhất.

Song, bài toán Win &Win ở đây có lẽ chưa phải làm thế nào để cả hai cùng có lợi mà là làm thế nào để cả hai cùng chấp nhận được. Tức là hai bên phải cùng nhau chia sẻ để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Chỉ có một chiếc bánh nhỏ, ai cũng đòi phần to là không hợp lý.

Tuy nhiên, điều lo ngại nhất với người lao động hiện nay có lẽ không phải chỉ là tăng bao nhiêu % lương mà ở chỗ thị trường có ổn định và có kiềm chế được lạm phát hay không.

Trả lời phỏng vấn báo chí, đại diện cao nhất phía người lao động, ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch TLĐLĐ VN lo ngại: “Việc tăng lương cần phải song hành với kiềm chế, kiểm soát được lạm phát. Đừng để lương chưa tăng mà giá đã tăng”.

Giả sử có tăng đến 20% lương mà mức lạm phát cũng tăng 20% thì đời sống của người lao động vẫn sẽ… tiến lên bằng cũ.

 

Theo:  khoevadep.com.vn