Vụ quan chức chơi cờ tiền tỷ: "Chìm xuồng" nếu...

( PHUNUTODAY ) - Phải xử lý theo pháp luật thôi. Bây giờ anh đã khởi tố điều tra thì anh phải điều tra.

(Phunutoday) - “Về mặt kỷ luật, việc sắp xếp lại tổ chức thì hoàn toàn có thể làm được. Ừ thì chuyện xử lý theo pháp luật còn phải chờ chứng cứ, nhưng rõ ràng anh không còn uy tín để làm việc nữa. Sắp xếp lại tổ chức là một cách xử lý mềm mà vẫn là xử lý được chứ không phải là không”... - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ với Phunutoday xung quanh vụ hai quan chơi cờ tiền tỷ của tỉnh Sóc Trăng.
[links()]
PV: - Vụ quan chức chơi cờ tiền tỷ đang khiến dư luận xôn xao, bất bình và dư luận đang chờ cách xử lý công khai, minh bạch. Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu phải xử lý nghiêm nhưng vẫn phải “chờ thêm chứng cứ”, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Theo tôi, pháp luật đã quy định phải thực hiện đúng pháp luật thôi. Chơi cờ ăn tiền, thực chất, là một hình thức đánh bạc. Đó là hành vi cấu thành tội phạm và phải xử lý theo luật hình sự. Ý kiến của Bộ trưởng Đinh La Thăng là rất đúng. Tội như thế nào thì xử như thế ấy. Pháp luật bất vị thân.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng đúng, khi nói phải chờ thêm chứng cứ. Trách nhiệm pháp lý phải được áp đặt dựa trên chứng cứ, chứ không phải dựa trên những thông tin của báo chí. Thông tin của báo chí chỉ là cơ sở ban đầu cho hoạt động kiểm tra, thanh tra hoặc điều tra sau này. Đây là nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn.

Luật pháp nghiêm minh là phải xét xử đúng người đúng tội, chứ không nên xét xử theo phong trào.  

Câu hỏi tiền ở đâu ra để đánh bạc với một số lượng lớn như thế lại là một vấn đề khác nữa. Tiền lấy ở đâu ra để đánh bạc là một cái mà ai cũng có thể nghĩ tới ngay: Có phải là tiền tham nhũng không?... Riêng những chuyện này nó phụ thuộc vào quyết định tiếp theo của cơ quan điều tra người ta xem thực chất có đủ chứng cứ để khởi tố một vụ án về việc này không.

Điều quan trọng ở đây là đương sự giải trình được câu hỏi tiền lấy ở đâu ra. Nếu người ta giải trình được thì không nhất thiết phải khởi tố một vụ án tiếp theo.
 

TS Nguyễn Sĩ Dũng
TS Nguyễn Sĩ Dũng


PV: - Đây là vụ quan chức chơi cờ với số tiền cực lớn và do xiết nợ mới tự tố nhau. Theo ông, đây có phải là hiện tượng phổ biến mà chúng ta chỉ nhìn thấy phần nổi của "tảng băng" chìm?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Có thể có một “tảng băng” như vậy, nhưng nó lớn đến bao nhiêu chắc phải cần thêm thông tin nữa chúng ta mới biết được.

Dầu sao, thì vụ này cũng đánh động đến hiện tượng suy thoái về đạo đức. Ngoài ra, đối với quan chức cao cấp nó còn có một khái niệm nữa đó là sự đúng đắn về chính trị. Có những cái pháp luật không cấm nhưng anh đã ở cái chức đó mà lại làm việc đó là không đúng đắn về chính trị.

Dứt khoát phải có sự ràng buộc như vậy. Tức là đối với các quan chức càng cao thì sự ràng buộc càng nhiều.

PV: - Theo ông, vụ việc này nên xử như thế nào mới thỏa đáng, thưa ông?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Phải xử lý theo pháp luật thôi. Bây giờ anh đã khởi tố điều tra thì anh phải điều tra.

PV: - Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng có nói tiếng là ngành Bộ quản lý nhưng nhân sự ngành giao thông ở tỉnh là do Tỉnh ủy quyết định, bổ nhiệm. Ông có cho rằng “quả bóng” trách nhiệm đá đi đá lại như thế sẽ không giải quyết được vấn đề?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Hiện nay, đó là một thực tế của hệ thống mình. Theo ngôn ngữ chuyên môn thì đây là sự song trùng trực thuộc.

Một quan chức vừa trực thuộc địa phương, vừa trực thuộc bộ chuyên ngành Trung ương. Và nếu mà như vậy nó có trách nhiệm của tỉnh nữa. Mà trách nhiệm không nhỏ, vì tỉnh chọn người.

Hệ thống song trùng trực thuộc có nhưng ưu điểm của nó, nhưng rõ ràng là chế độ trách nhiệm rất khó quy kết trong hệ thống này.

PV: - Thưa ông, việc phân quyền, phân cấp gắn với trách nhiệm cụ thể như thế nào để tránh tình trạng “đá bóng câu giờ” dẫn đến chìm xuồng?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Thực chất, thiết kế mô hình quan hệ giữa Trung ương và địa phương có 4 mô hình: Mô hình song trùng trực thuộc của Xô Viết là mô hình ta đang có; mô hình thứ hai là song trùng giám sát (mô hình của Pháp); mô hình thứ ba là mô hình độc lập theo luật (mô hình của Anh) và thứ tư là mô hình phân quyền của Đức. Cách phân quyền của các mô hình khác có vẻ như rõ trách nhiệm nó rõ hơn mô hình Xô Viết.

Về việc “đá bóng câu giờ” thì có mấy yếu tố có thể tác động nên khó xác định. Cái thứ nhất, báo chí mà canh chừng thì rất khó cho chìm xuồng, mà báo chí cho chìm xuồng luôn thì nó cũng chìm thôi.

Báo chí có thể bị những vấn đề lớn hơn ập đến và lãng quên vụ này, nhưng nếu báo chí cứ canh chừng, cứ nhắc thì sẽ rất khó chìm xuồng.

Thứ hai nữa là ban lãnh đạo trực tiếp, người đứng đầu cơ quan lãnh đạo trước hết là ở tỉnh nếu ông Bí thư Tỉnh ủy quan tâm xử lý, cấp ủy địa phương quan tâm xử lý thì không thể chìm xuồng được.

Còn bây giờ, về mặt kỷ luật, sắp xếp tổ chức thì hoàn toàn có thể làm được. Ừ chuyện xử lý theo pháp luật còn phải chờ chứng cứ, nhưng rõ ràng anh không còn uy tín để làm việc. Nếu sắp xếp lại thì đó là một cách xử lý mềm, tức là xử lý bằng biện pháp tổ chức.

PV: - Thưa ông, số tiền mà quan đánh bạc đó thừa nhận trong mỗi ván là từ 1 – 5 tỷ đồng. Và dư luận cũng đặt câu hỏi rằng: Phải chăng những đồng tiền mà các ông đó bỏ túi ra chơi đấy là "tiền chùa" nên mới có thể dễ dàng phung phí như vậy?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Thực chất, đó là một suy luận dễ được chấp nhận.

PV: - Thưa ông, công cuộc chống tham nhũng, hối lộ luôn được coi trọng và có những UB mang trọng trách điều tra, xử lý. Nhưng thi thoảng lại có vụ đột xuất do dư luận phát hiện ra và nêu trước công luận. Ông có nhận xét gì về điều này. Tại sao chúng ta vẫn để lọt lưới những công chức như thế?

TS Nguyễn Sĩ Dũng: - Con người ta một nửa phần con, một nửa phần người, ở đâu cũng thế. Ở đâu một cơ chế chính sách chặt, quy trình minh bạch và năng lực giám sát mạnh thì ở đó tiêu cực ít xảy ra hơn.

Ở đâu mà những điều đó chưa phát triển lên được, chưa đạt đến tầm thì tiêu cực nhiều hơn. Thành thử nếu thấy của mình mà nhiều hơn, mình phải nghĩ ngay đến cách thức tổ chức mô hình quản trị của mình.

Nó có thể là có vấn đề cần phải cải tiến để cho minh bạch. Chính sách phân bổ cũng vậy. Những vấn đề đó mình cũng phải tính.

Tiếp theo nữa là năng lực giám sát của hệ thống cần phải nâng lên nữa. Đồng thời việc giám sát bên ngoài như công luận, báo chí… là một cách rất hiệu quả cần phải tăng cường. Và phải có thái độ trân trọng, ủng hộ cho một nguồn giám sát rất mạnh đó là báo chí. Còn cái phần con và phần người luôn luôn tồn tại bên nhau, mô hình nào cũng thế thôi.

- Xin cảm ơn ông!

Huyền Biển (Thực hiện)

[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn