Whitney Houston: Cùng một lúc em đếm những giọt nước mắt...

( PHUNUTODAY ) - Những cái quá liều đều tai hại nhưng trước sự ra đi của các huyền thoại, có lẽ âm nhạc Mỹ cũng cần tăng liều để được lại nhưhellip; ngày xưa.

(Phunutoday)-Mọi buổi biểu diễn đều cháy vé, dân da trắng mê Whitney hơn cả dân da màu, những kỷ lục trên các bảng xếp hạng lần lượt bị Whitney xô đổ. Cô trở thành niềm tự hào cho các nàng ca sĩ mun đen muốn dấn thân vào thị trường âm nhạc.

Danh ca Whitney Houston
Danh ca Whitney Houston

Khi mà mọi người đang chuẩn bị nâng cốc chúc mừng cho một mùa Grammy với nhiều nhân tố mới rất đáng hy vọng, khi mà lễ tình nhân Valentine đang rỉ rả những lời yêu thương từ bài hát quen thuộc, Saving all my love for you thì hôm qua các hãng thông tấn đã đưa một tin nhỏ gọn mà xám xịt: Whitney Houston qua đời.

Những ly rượu Grammy bắt đầu đắng nghét và bài hát cũ dường như chỉ phả những lời buồn đau.

Whitney ra đi bất ngờ như khi cô xuất hiện. Gần 30 năm trước khi bài hit All at Once bắt đầu xuất hiện trên MTV và radio, người ta chẳng có khái niệm Whitney Houston là ai. Trước đó, người ta chỉ biết Diana Ross, Dionne Warwick, Roberta Flack… những bà hoàng trên các bảng xếp hạng, những diva da màu không thể bị thay thế. Vậy mà xuất hiện một cô nàng 23 tuổi, mun đen, tóc dài chảy mượt trong chiếc đầm khêu gợi, hát giọng nữ trung luyến láy và ngân “Cùng một lúc em đếm những giọt nước mắt và cả triệu giọt đã rơi, mắt em mọng nước và những giấc mơ của em cùng nhau tan biến”. Whitney hát về tình yêu tan vỡ mà nhẹ nhàng như hơi thở, tha thiết đến tận cùng.

Ngày 14/3/1985 ấy, khi album đầu tay cùng tên được trình làng, người ta mới biết một ngôi sao mới bắt đầu xuất hiện, ngôi sao mà tờ New York Times đánh giá “sẽ còn rất lâu mới xuất hiện trở lại”. Whitney Houston xuất hiện bất ngờ như thể trên trời rơi xuống, một giọng hát như “chim sơn ca được Thượng đế ban tặng” và mau chóng dâng tiếng hát cho đời.

Ngay album đầu tay đã biến Whitney thành diva, một diva thật sự với bệ phóng là hãng đĩa Arista và phía sau là ông trùm của những ông trùm ngành ghi âm, Clive Davis. Nhưng không phải một phát nhấn nút thành sao. Whitney đã phải chờ đợi, khá ngắn, để được đặc cách vào thẳng vòng chung kết mà không cần qua vòng loại. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1983 khi ông trùm Clive Davis đến xem Whitney diễn trong một quán bar nhỏ ở New York. Ngay trong đêm đó ông đã chìa ngay bản hợp đồng độc quyền và một tờ séc để trống con số, Whitney có thể ký và đổi đời hoặc không bao giờ gặp lại nhau nữa. Không cần quá 30 giây, hợp đồng được ký kết và sau đó Whitney Houston biến mất 2 năm trời.
 
Whitney xuất hiện khá lưa thưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông trùm Clive Davis sở dĩ phải “cất” cô đến hai năm là để tìm một ê kíp sáng tác/ sản xuất đỉnh cao cho Whitney và ra lệnh “ngay album đầu tiên phải là một cú trời giáng không ai đỡ kịp”. Lệnh ban, tất cả được thi hành và may mắn được thượng đế thương tình, chỉ sau một thời gian phát hành, album đầu tay đã bán gần 15 triệu bản, 10 bài trong album được phát đều khắp các đài phát thanh và MTV.

Danh ca Whitney Houston
Danh ca Whitney Houston

Ở Việt Nam những năm cuối thập niên 80, quán café nào cũng suốt ngày mở Saving all my love for you, All at once, The greatest love of all… như thể thanh quản của Whitney là thần may mắn. “Nếu Whitney không phải là một giọng hát trời ban thì không bao giờ tôi mạo hiểm với cô ấy đến vậy. Khi lần đầu tiên nghe cô ấy hát tôi biết chắc nếu không ký ngay đêm nay thì ngày hôm sau chúng tôi sẽ buồn bã nhìn đối thủ của mình làm giàu”, Clive Davis nhớ lại và với ông, đó là quyết định sáng suốt nhất trong cuộc đời làm âm nhạc của mình.

Whitney Houston là con gà đẻ trứng vàng cho Arista và ngành công nghiệp ghi âm Mỹ. Chỉ tính riêng ở Mỹ cô đã bán được gần 60 triệu album, một con số mà bất cứ hãng đĩa nào cũng dám mơ ước. Whitney chỉ ở Arista mà không đầu quân cho bất cứ ai khác, bởi cô yêu bố già Clive Davis như cha và chỉ ở ngôi nhà Arista mà cô mới có được mọi thứ.

Mọi buổi biểu diễn đều cháy vé, dân da trắng mê Whitney hơn cả dân da màu, những kỷ lục trên các bảng xếp hạng lần lượt bị Whitney xô đổ. Cô trở thành niềm tự hào cho các nàng ca sĩ mun đen muốn dấn thân vào thị trường âm nhạc phổ thông, cô trở thành biểu tượng của chống phân biệt chủng tộc, cô đủ quyền lực để từ chối hát ở những chỗ đã từng hắt hủi người da màu…

Càng nổi tiếng bao nhiêu Whitney càng cô đơn trong ngôi nhà của mình. Có lẽ yêu và cưới Bobby Brown là một sai lầm lớn nhất trong đời cô khi chính nam ca sĩ này đã đưa cô vào đời với hàng trắng, đã đánh cô lên bờ xuống ruộng trong những trận say điên loạn. Vậy mà Whitney vẫn yêu. “Tôi không hiểu được vì sao tôi yêu Bobby nhiều đến thế, có những thứ bạn nhìn ở ngoài như thể bạn thấy hai chúng tôi lệch pha nhưng thực tế chúng tôi từ một lò mà ra, chúng tôi từng là những người da màu bị ngược đãi và điều đó làm chúng tôi luôn có thể tha thứ cho nhau”, nhưng Whitney chẳng tha thứ được lâu, những trận đòn và phê hàng đến mức phải nhập viện đã khiến đôi ca sĩ này cuối cùng cũng phải ra tòa ly dị vào năm 2007.

Bobby Brown nghe tin vợ cũ chết khi đang hát trên sân khấu. Ban nhạc đã phải dừng lại, một mình Bob khóc như mưa và thút thít “Anh yêu em, Whitney”.

Tất cả mọi người đều yêu Whitney, từ Celine Dion cho đến Mariah Carey, hết Toni Braxton lại đến Christina Aguilera, cả Britney Spears và Lady Gaga… ai cũng thừa nhận mình chịu nhiều ảnh hưởng của Whitney Houston.

Nếu như album đầu tay đưa đưa Whitney lên ngôi cao chót vót với cả cầu trường đứng dậy vỗ tay tại Grammy 1986 thì bây giờ, ngay trước giờ công bố Grammy 2012 cô lại một lần nữa nhắc nhở Grammy phải nhớ đến mình, lần này là một phút mặc niệm. Có điều gì đó còn hơn cả nỗi buồn cho làng nhạc.

Năm 1983, Whitney Houston ký hợp đồng độc quyền cho hãng đĩa Arista. Tháng 10/2011 công ty mẹ, RCA, quyết định giải tán Arista, có nghĩa Whitney sẽ thuộc về RCA. Nhưng Whitney không bao giờ thuộc về RCA. Clive Davis ra đi, Arista giải tán, Whitney Houston qua đời, một điều gì đó giống như số phận đã khép lại. Mãi mãi.

Hai năm trước Michael Jackson ra đi, năm ngoái đến lượt Amy Winehouse và giờ là Whitney, ba sự ra đi đều cùng chung một nguyên nhân: quá liều. Những cái quá liều đều tai hại nhưng trước sự ra đi của các huyền thoại, có lẽ âm nhạc Mỹ cũng cần tăng liều để được lại như… ngày xưa.

  • Minh Cường
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn