Ăn đào khi mang thai có sinh con lắm lông, bị câm điếc không: Hãy nghe chuyên gia nói

( PHUNUTODAY ) - Theo quan niệm dân gian, bà bầu kiêng tuyệt đối ăn đào nhất là trong 3 tháng đầu bởi đào sẽ gây sẩy thai. Vậy, quan niệm này có đúng hay không?

Bị cấm ăn quả đào vì sợ sinh con ra bị câm

Mẹ chồng đi chợ về xách túi đào lên nhà, cô con dâu L.P thèm đến mức mắt nhìn theo không dời. Biết con thèm ăn, cũng chẳng phải mẹ chồng xấu tính ki bo nhưng vì nghe dân gian truyền nhau, mẹ bầu ăn đào con sinh ra sẽ lắm lông, bị câm hoặc thai phụ dễ bị sảy nên bà một mực cấm con đụng đến đào.

Vì quá tủi thân uất ức nên bà bầu L.P (Phủ lý - Hà Nam) lên mạng xã hội tâm sự xả stress với hội chị em bỉm sữa, không ngờ sự việc này cũng có rất nhiều mẹ bầu gặp phải. Câu chuyện bà bầu ăn đào con sinh ra sẽ lắm lông, bị câm hoặc thai phụ dễ bị sảy được nhiều người nhảy vào bàn tán xôn xao.

Trước đây, cùng hoàn cảnh với chị P. là mẹ trẻ Đ.L.T (Yên Minh - Hà Giang) đang mang bầu ở tuần thứ 22, mang thai đúng vào mùa nhiều hoa quả ngon, bà bầu T. không kìm được cơn thèm nên nhiều loại quả được bố mẹ cảnh báo không được ăn, chị lén lút mua về cất nóc tủ ăn dần, trong đó có quả đào.

Tuy nhiên, dù đã sinh con được 3 năm nhưng con của chị hoàn toàn khỏe mạnh. Lúc này, ông bà mới ngớ ra không phải như quan niệm dân gian mẹ bầu ăn đào con sinh ra bị câm mà lâu nay người ta vẫn hay đồn thổi.

Đi ngược lại suy nghĩ của phần đa mẹ bầu, chị T.T (Cầu Giấy - Hà Nội) bày tỏ thẳng thắn, việc không nên ăn những gì mà thiên hạ đã mách nhau tránh ăn. Chị cho rằng, cần cảnh giác hơn là ăn vào lại phải lo lắng.

"Dù sao cũng chỉ có 9 tháng mang bầu, các mẹ nên vì con tránh ăn những đồ mà mọi người nói là không tốt. Vì ăn rồi không biết tác hại thế nào nhưng cứ suốt ngày ngồi lo có hại không thì cũng mệt lắm.

Ngày trước mình cũng thèm ăn đào, thịt chó, nhãn (đồ ăn nóng)... lắm lắm cũng biết là không có cơ sở khoa học nhưng thôi vì con cứ nhịn vậy. Trộm vía bé nhà mình bây giờ da dẻ mát lắm" - chị T.T nói.

Vậy thực hư câu chuyện bà bầu ăn đào con sinh ra sẽ lắm lông, bị câm hoặc thai phụ dễ bị sảy được lý giải ra sao?

Đào là trái cây giàu dinh dưỡng - có thể được ăn khi mang thai

TS Lê Thị Nhạn, Học viện Y dược học Cổ truyền Việt Nam cho biết, theo Đông y, đào tính ấm, vị ngọt chua, đi vào kinh tâm, can phế và đại trường, có công hiệu bổ khó sinh tân, dưỡng huyết, hoạt huyết, rất tốt cho các bệnh tiêu hóa, người mắc đại tràng và dạ dày.

Một quả đào chứa khoảng 2,5g chất xơ chủ yếu là lượng chất xơ không hòa tan, có lợi cho sức khỏe tim mạch, giúp nhu động ruột tốt, chống táo bón, ngăn ngừa ung thư đại tràng. Quả đào cũng đáp ứng 8% nhu cầu kali cơ thể cần cho một ngày nên tốt cho người bị viêm loét dạ dày, giải độc cho thận, hạn chế các bệnh sỏi thận, sạn thận…

Mặt khác, quả đào chứa khoảng 15% -20% nhu cầu vitamin C, chứa nhiều chất chống oxy hóa beta-carotene, có thể giúp chống lại các gốc tự do, nên có tác dụng phòng chống ung thư và giúp làm đẹp da cho chị em phụ nữ. Lượng calo ít so với các loại quả khác nên thích hợp cho những người béo. Quả đào có thể gây các phản ứng dị ứng ở một số người.

Những triệu chứng này bao gồm hội chứng dị ứng miệng, mày đay khi tiếp xúc như ngứa, các triệu chứng đường tiêu hóa và đường hô hấp như ho, viêm họng bởi chúng có lông, nên khi ăn phải chú ý rửa sạch, gọt vỏ để giảm các tác nhân trên.

Song, nó lại chứa hàm lượng amygdalin, emulsin, có tác dụng chữa chứng khó thở, ho ra đờm, tiêu ứ, là một trong những quả có hàm lượng sắt cao nhất, nên thích hợp cho những người kinh nguyệt không đều, rong kinh, người mệt mỏi. Bạn có thể dùng đào tươi gọt vỏ ăn, hoặc làm ô mai đào…. Vì đây là quả có tính nóng, nên người hay bị rôm sảy, nhiệt, phụ nữ mang thai… cần hạn chế sử dụng.

TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết thêm, một số người nói phụ nữ mang thai ăn đào là con có thể bị câm, chậm nói, nhưng đây chỉ là tin đồn, không có tính khoa học. Thực chất đào rất tốt, hạt và quả còn là vị thuốc trong đông y, giúp hành huyết, còn việc chậm nói hay nhanh còn phụ thuộc nhiều nguyên nhân như độ tuổi, môi trường, yếu tố gia đình…

Thuốc chữa bệnh trong Đông Y từ quả đào

Hoa đào

Sau phơi trong bóng râm, bảo quản trong các lọ thủy tinh, hoặc các túi chống ẩm; khi dùng, tán mịn, uống với nước ấm hoặc với rượu ấm. Cũng có thể bọc hoa trong các mảnh vải xô, rồi hãm với nước sôi. Ngày 20-30 g, trị các bệnh phù thũng, phát cước (các ngón chân, sưng nóng, đau nhức), hoặc bị ho, nhiều đờm.

Quả đào

Quả đào phơi hoặc sấy khô, có vị hơi chua, đắng, tính bình, có tác dụng chỉ huyết, liễm hãn. Dùng trong các trường hợp ra mồ hôi trộm, di tinh, thổ huyết, động thai. Khi bị động thai ra máu, có thể dùng 1 quả đào sao tồn tính (sao tới khi toàn bộ vỏ quả bị đen), tán bột mịn, uống với nước ấm.

Nhân từ hạt quả đào

Phơi hoặc sấy khô, có vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, dùng trị các bệnh bế kinh, đau bụng khi kinh nguyệt do máu kết thành cục: Đào nhân, hồng hoa, mỗi vị 6 g; xuyên khung 4 g, đương quy, xích thược, mỗi vị 10 g. Sắc uống, ngày 1 thang. Uống liền 2 tuần lễ. Lặp lại vài chu kỳ kinh nguyệt cho tới khi hết các triệu chứng nói trên.

Đào nhân còn có tác dụng chỉ ho, hóa đờm. Dùng trong các trường hợp ho nhiều đờm, phối hợp trần bì, bách bộ, mạch môn. Ngoài ra đào nhân còn có tác dụng lợi đại tiện, được dùng khi bị táo bón; dùng tốt cho các trường hợp táo bón do đoản hơi, đoản khí.

Lá đào

lá đào tươi vò nát, thêm nước để tắm cho khỏi lên rôm, sẩy trong mùa hè. Ngoài ra, có thể dùng lá tươi (30- 50 g), sắc uống để chữa sốt rét.

Rễ đào

Rễ đào rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, sao vàng, sắc uống, trị chứng vàng da, chảy máu cam, nôn ra máu, kinh nguyệt không thông hoặc rễ đào, rễ ngưu bàng, mã tiên thảo, mỗi vị 6 g; ngưu tất 12. Sắc uống. Ngày một thang, trước bữa ăn.

Tác giả:

Tin nên đọc