Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã bắt giữ Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, ở An Giang), nghi phạm giết 5 người trong gia đình nhà ông Mai Xuân Chinh (46 tuổi, Thanh Hóa) chủ cơ sở gia công máng xối inox ở quận Bình Tân, TP.Hồ Chí Minh.
5 người bị sát hại gồm ông Chinh, bà Mai Thị Hồng (37 tuổi, vợ ông Chinh), Mai Xuân Triệu (13 tuổi), Mai Huyền Diệu (11 tuổi), Mai Huyền Diệp (6 tuổi).
Thông tin ban đầu, Tình là người làm thuê cho vợ chồng ông Chinh. Chỉ vì bị la mắng mà Tình nuôi hận và quyết tâm sát hại ông Chinh và bà Hồng. Sau tiệc tất niên tối 13/2 (27 tết), hai người làm công khác về quê chỉ còn Tình ở lại nhà vợ chồng ông Chinh.
Khoảng 4h sáng ngày 14/2 (28 tết) Tình sử dụng 2 con dao có sẵn trong nhà ông Chinh và ra tay sát hại ông Chinh và bà Hồng. Để bịt đầu mối, tình ra tay luôn đối với 3 người con của vợ chồng ông Chinh. Sau khi gây án, Tình lấy chiếc xe tay ga hiệu Airblade của vợ chồng ông Chinh bỏ trốn.
Về góc độ pháp lý, trao đổi với tờ SaoStar, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm, những ngày giáp Tết vừa qua khi nhân dân cả nước đang chuẩn bị đón mừng năm mới thì dư luận lại kinh hoàng trước vụ thảm sát 5 người trong một gia đình ngay giữa trung tâm TP. HCM. Các nạn nhân bị sát hại dã man bao gồm vợ chồng ông Mai Xuân Chinh và 3 cháu nhỏ.
“Đúng như nhận định ban đầu, nghi phạm gây án là người quen của gia đình, là người làm công cho xưởng gò hàn của vợ chồng ông Chinh. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt và để có tiền tiêu Tết, nghi phạm đã ra tay tàn độc sát hại cả nhà để chiếm đoạt tài sản của người đã cưu mang, tạo công ăn việc làm cho mình. Không những không mang ơn mà vì lợi ích vật chất tầm thường, nghi phạm đã đi ngược lại những giá trị cơ bản nhất của con người, của tình đồng loại gây ra vụ án rúng động dư luận xã hội bởi sự tàn ác, mất nhân tính”, luật sư Thơm chia sẻ.
Mọi hành vi tước đoạt quyền sống của con người trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo luật định. Hành vi phạm tội của nghi phạm gây ra vụ thảm sát là đặc biệt nghiêm trọng, không những xâm mạng đến tính mạng của nhiều người mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.
“Nghi phạm thực hiện hành vi phạm tội rất tàn ác, dã man, thực hiện tội phạm đến cùng, gây hoang mang căm phẫn trong xã hội và gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại. Hành vi của các đối tượng phạm tội thể hiện không còn tính người. Dư luận cả nước đã rất căm phẫn trước hành vi của các đối tượng đã gây ra và mong muốn phải trừng trị nghiêm khắc nhất đối tượng phạm tội”, luật sư Thơm nêu quan điểm.
Luật sư Hà Huy Phong (Giám đốc Công ty luật Inteco) cũng đánh giá rằng, vụ án sát hại 5 người trong gia đình ông Chinh là thảm án kinh hoàng, khiến dư luận bàng hoàng, đau xót hơn khi vụ án diễn ra sát Tết Nguyên đán.
“Thông tin ban đầu cho thấy, Tình đã giết 5 người và lấy xe máy của gia đình ông Chinh. Hành vi phạm tội của nghi phạm là đặc biệt nghiêm trọng không những xâm hại đến tính mạng của nhiều người mà còn xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ.
Hành vi của nghi phạm đã đủ yếu tố cấu thành 2 tội đặc biệt nghiêm trọng quy định trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi là tội “Giết người” và “Cướp tài sản””, luật sư Phong nói.
Luật sư Phong cho rằng, riêng tội “Giết người” nghi phạm Nguyễn Hữu Tình đã đối diện với mức án cao nhất là tử hình bởi hành vi của nghi phạm này đã phạm vào hàng loạt tình tiết tăng nặng của tội “Giết người” như: Giết 2 người trở lên (giết 5 người); Giết người dưới 16 tuổi (3 người dưới 16); Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác (giết các con ông Chinh để bịt đầu mối); Có tính chất côn đồ (sử dụng dao sát hại 1 lúc 5 người).
“Hành vi của nghi phạm rất tàn ác, dã man. Sau khi giết vợ chồng ông Chinh, nghi phạm còn giết cả 3 cháu nhỏ để che giấu tội phạm. Hành vi này cho thấy hung thủ không còn tính người. Vụ thảm án gây hoang mang căm phẫn trong xã hội và gây tang thương mất mát cho gia đình người bị hại vì vậy hung thủ gây án cần bị trừng trị nghiêm khắc”, luật sư Phong nói.
Trong khoảng một thời gian ngắn, nghi phạm đã phạm 2 tội đặc biệt nghiêm trọng được qui định tại BLHS đó là Tội Giết người và Cướp tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm a, b, g, n khoản 1 Điều 123 BLHS 2015 và Điều 168 BLHS 2015
“Qua thông tin ban đầu, nghi phạm sinh tháng 01 năm 2000, thời điểm phạm tội vừa bước qua tuổi 18 nên mức hình phạt cao nhất mà nghi phạm phải đối diện là tử hình cho cả 2 tội”, luật sư Thơm lý giải.
Điều 93. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
n) Có tính chất côn đồ;
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Tác giả: