Bauxite hay vàng, bất động sản... nóng hơn trên bàn Quốc hội?

08:22, Thứ hai 20/05/2013

( PHUNUTODAY ) - Hôm nay (20/5), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc, nhiều vấn đề “nóng” được cử tri qua tân đã thông qua những người đại diện của mình gửi tới Quốc hội.

Hôm nay (20/5), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc, trước thềm kỳ họp, nhiều vấn đề “nóng” được cử tri qua tân đã thông qua những người đại diện của mình gửi tới Quốc hội, và mong mỏi những vấn đề đó sẽ được tiếp thu, giải quyết.
[links()]
1. Quản lý thị trường vàng

Cách đây một năm, trước sự lên xuống bấp bênh của giá vàng trong nước vì theo giá thế giới, và sự chênh lệch của giá luôn duy trì ở mức 500.000 – 1 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng như thế là “không ổn”, có sự đầu cơ làm giá, nên tuyên bố chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới chỉ cần 400.000 đồng là hợp lý.

Quản lý thị trường vàng của NHNN khiến cử tri lo lắng.
Quản lý thị trường vàng của NHNN khiến cử tri lo lắng.

Và để thực hiện điều này, NHNN từng bước độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu, và tham gia mua – bán vàng miếng. Qua từng bước đi của NHNN, các thương hiệu vàng khác dần biến mất chỉ còn vàng miếng SJC, rồi giá vàng trong nước cứ nới dần khoảng cách với giá vàng thế giới lên 2 rồi 3 triệu đồng mỗi lượng. Tới cuối tháng 3/3013, khi NHNN chính thức tham gia bán vàng thông qua việc đấu thấu vàng miếng SJC, chênh lệch chẳng những không được thu hẹp như tuyên bố trước đó của NHNN mà còn tiếp tục nới rộng thêm, thường duy trì “ổn định” ở mức chênh lệch từ 3-5 triệu đồng mỗi lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 7 triệu đồng/lượng.

Ngày 30/3, tai phiên họp Ban chỉ đạo công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127), thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) khẳng định, vàng SJC đã được hưởng lợi từ chính sách coi SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, trong khi những thương hiệu khác bị phương hại. Đồng thời xuất hiện tình trạng vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các doanh nghiệp kinh doanh để bán cho dân.

Sau đó thiếu tướng Lực có nói thêm với tờ Tuổi trẻ rằng, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm bắt tình hình, điều tra về tình trạng vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào bán cho dân.

Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 của Quốc hội của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nêu rõ: “Tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri và nhân dân về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng”.

Cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình hình bất ổn của thị trường vàng, việc Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng nhưng chưa đạt hiệu quả cao, chưa kéo được chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước và việc sử dụng vàng.

Đề nghị của nhiều công dân với Nhà nước là cần có giải pháp hiệu quả để quản lý thị trường vàng trong nước với chủ trương là không khuyến khích đầu tư vàng, kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; có kế hoạch dự trữ vàng quốc gia để dự phòng trong những trường hợp cần thiết.

2. Giải cứu thị trường bất động sản

Từ khi chủ trương Nhà nước “bơm” 30.000 tỷ đồng để “giải cứu” thị trường bất động sản (BĐS) tới khi nó chính thức được thực hiện (ngày 15/5 vừa qua), hầu hết các chuyên gia kinh tế, giới phân tích đều tỏ ý không đồng tình, và đưa ra lời khuyên không nên cứu bất động sản. Vì hiện nay thị trường này chưa đủ minh bạch, ngay số lượng căn hộ, diện tích đất nền chưa bán được là bao nhiêu, giá bán ở mức nào được xem là giá trị thức vẫn chưa được đưa ra, thì NHNN vẫn quyết bơm 30.000 tỷ cho người dân và doanh nghiệp vay để mua và hoàn thiện nhà ở xã hội.

giai-cuu-thi-truong-bat-dong-san-phunutoday.vn
Cử tri đặt câu hỏi có hay không lợi ích nhóm trong việc giải cứu thị trường bất động sản? Ảnh: VnEconomy.

Dư luận đặt câu hỏi, tại sao nhà nước lại phải cứu bất động sản, gói hỗ trợ là để cứu doanh nghiệp hay hỗ trợ người dân? Thậm chí, một số chuyên gia còn lên tiếng thẳng thắn, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho BĐS thực chất là cho vay để người dân mua nhà và gánh hộ doanh nghiệp tiền lãi ngân hàng. Vì thực chất số tiền này chẳng đáng là bao so với nhu cầu của thị trường.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh phản ánh ý kiến cử tri cho rằng có vấn đề lợi ích nhóm trong việc giải cứu thị trường bất động sản. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại vì sao Nhà nước phải đứng ra giải cứu thị trường bất động sản, có phải chăng do một số người có cổ phần trong đó nên có những hoạt động chi phối nhằm phục vụ cho lợi ích của mình hay không?

3. Giá xăng dầu

Trong nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây vấn đề quản lý giá xăng dầu liên tục được cử tri nêu ra làm nóng nghị trường. Tuy nhiên, việc chuyển biến chưa nhiều. Tình trạng giá xăng dầu tăng 10 rồi giảm 1 vẫn xảy ra, trong khi giá thế giới giảm thì Việt Nam đột ngột tăng chạm mức kỷ lục, việc minh bạch trong sử dụng Quỹ bình ổn…

Xăng dầu là vậy, tăng nhanh giảm nhỏ giọt, nhưng khi nói về lương thì Chính phủ nhiều lần xin hoãn tăng lương, dù thực tế là tăng lương để bù lạm phát chứ không phải tăng lương để nâng cao mức số người lao động.

Nhiều cử tri cho rằng có vấn đề lợi ích nhóm trong việc quản lý giá xăng dầu. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại vì sao quản lý giá xăng dầu gặp khó khăn, có phải chăng do một số người có cổ phần trong đó nên có những hoạt động chi phối nhằm phục vụ cho lợi ích của mình hay không?

quan-ly-gia-xang-dau-Phunutoday.vn
Cử tri trông đợi sự minh bạch trong quản lý giá xăng dầu. Ảnh: TTO.

4. Biển Đông

Tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, một số đoàn đại biểu Quốc cho biết, nhiều cử tri rất lo lắng và bất bình về tình hình tranh chấp trên biển Đông hiện nay.

Trung Quốc đã thành lập thành phố Tam Sa, đưa khách du lịch ra Hoàng Sa... Vì vậy, đề nghị Đảng và Nhà nước có thái độ kiên quyết hơn nữa đối với các hành động xâm phạm của phía Trung Quốc.

Cử tri Hà Nội cũng từng so sánh “cuộc sống khổ dân có thể khắc phục được, nhưng chạm vào chủ quyền thì bức xúc lắm”.

Cử tri TP. HCM lo lắng về tình hình biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp. Đồng thời đề nghị Nhà nước cần có những động thái quyết liệt hơn, đẩy mạnh công tác ngoại giao nhân dân, kiên quyết giữ vững độc lập chủ quyền biển đảo.

Người dân TP. HCM cho rằng, cần tăng cường ngân sách cho an ninh quốc phòng, đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, quan tâm chăm lo đời sống, có giải pháp hỗ trợ cho ngư dân bám biển, tổ chức các lực lượng tuần tra trên biển nhằm kịp thời bảo vệ tài sản và tính mạng cho ngư dân.

Ngư dân Trung Quốc thả thuyền nhỏ để đánh bắt trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngư dân Trung Quốc thả thuyền nhỏ để đánh bắt trái phép tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu.

Ngoài ra, những vấn đề liên quan tới lấy ý kiến Dự thảo sủa đổi Hiến pháp năm 1992; giám sát các dự án bauxite ở Tây Nguyên; lấy phiếu tín nhiệm; công khai xử lý các cá nhân người đứng đầu sai phạm liên quan tới Vinashin, Vinalines…; tái cơ cấu các Tập đoàn, tổng công ty nhà nước; sửa đổi Luật đất đai; chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo; các vấn đề giáo dục, y tế… cũng được cử tri cả nước quan tâm gửi nguyện vọng tới Quốc hội.

Phát biểu tại phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói về chương trình giám sát tối cao của năm sau: “Năm 2014 nên chọn hai chủ đề lớn là tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế để phát triển bền vững và chính sách giảm nghèo gắn với mục tiêu thiên niên kỷ. Cần giám sát xem mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng đặt ra đến 2015 thì đến 2014 đã làm được đến đâu và cần làm tiếp những gì”.

Theo chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội cũng dành thời gian thỏa đáng để xem xét đề nghị của Chính phủ về các giải pháp thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản.

Một trong những nội dung được cử tri, nhân dân quan tâm cũng sẽ được trình bày tại phiên khai mạc, đó là báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến nhân dân và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Tại buổi họp báo hôm 17/5, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, kỳ họp này Quốc hội sẽ triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn, với 49 chức danh lãnh đạo.

Văn phòng Quốc hội đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung một số báo cáo riêng gửi đại biểu Quốc hội, như bổ sung báo cáo về Công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, bảo đảm lợi ích của người dân; việc thực hiện quy định không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng miếng thông qua đấu giá trong thời gian vừa qua; đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về các nội dung về thủy điện, thị trường vàng, tình hình thực hiện các dự án bauxite ở Tây Nguyên… để gửi cho đại biểu; việc quản lý, sử dụng các quỹ theo quy định hiện hành (quỹ bảo hiểm y tế; quỹ bình ổn xăng, dầu; quỹ bảo trì đường bộ...)…

Đấy là những mong mỏi của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII khai mạc sáng 20/5.
 

  • P.V (tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc