Nhà nghỉ, khách sạn giá “phi mã”, nhiều người dân không mua được vé xe

( PHUNUTODAY ) - Các điểm du lịch giá tăng chóng mặt nhưng vẫn không có chỗ để đặt. Còn tại bến xe ở TP HCM, người dân xếp hàng dài mấy tiếng đồng hồ nhưng vẫn không có xe để về nhà.

Giá dịch vụ lưu trú “tăng phi mã”

Các điểm du lịch nổi tiếng ở phía Nam như Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... vẫn không đủ chỗ lưu trú mặc cho giá cả đã tăng gấp 2 – 3 lần bình thường. Tại Đà Nẵng, do có Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng diễn ra nên rất nhiều khách sạn dọc các trụ chính như Phạm Văn Đồng, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp đều kín khách và không dư một phòng nào.

Giá cả tăng chóng mặt, các phòng khách sạn 4 – 5 sao ngày thường chỉ dao động từ 1 – 2 triệu đồng/đêm nhưng những ngày này đã tăng lên tới 2.5 – 3.6 triệu đồng/đêm, gấp 2-3 lần bình thường. Khách sạn 1 – 3 sao giá cũng lên tới 1 triệu đồng/đêm. Ngoài ra, dịch vụ cho thuê chỗ ngắm pháo hoa tại các nhà cao tầng quanh vị trí Lễ hội như đường Trần Hưng Đạo, Bạch Đằng cũng kín chỗ dù giá từ 200 – 300.000 đồng/chỗ.

Giá phòng nghỉ bình dân tại Đà Lạt tăng ít nhất 2.5 lần so với bình thường. Phòng đơn khu vực trung tâm có giá 1 triệu đồng/ ngày; phòng đôi trung bình lên 1.4 triệu đồng. Khách sạn 2 – 3 sao giá cũng lên tới 1.8 – 2 triệu đồng/phòng. Nhà nghỉ dạng homestay cũng lên giá 300.000 đồng/người/đêm hoặc 1 triệu đồng/ngày/phòng ở được từ 3-4 người.

Toàn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) có hơn 460 cơ sở lưu trú với hơn 12.500 phòng hiện nay cũng không còn phòng trống để nhận khách.

Ngược lại, tại Nha Trang, lượt khách tới đây cũng tăng khá nhẹ, đặc biệt là khách trong nước. Nguyên nhân do đặt phòng khách sạn 3 sao trở lên rất khó. Mặt khác, du khách lựa chọn nhiều điểm đến có sức cạnh tranh lớn như Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định, đặc biệt là Phú Quốc, để thay thế Nha Trang.

Chen nhau hàng giờ ở bến xe mà vẫn không thể mua vé

Người dân xếp hàng chờ mua vé xe (ảnh: nld)

Người dân xếp hàng chờ mua vé xe (ảnh: nld)

Hàng ngàn người đổ tới các bến xe, bến phà trên địa bàn TP HCM đi nghỉ lễ 30-4 và 1-5; trong khi ở nhiều tuyến đường cửa ngõ, dòng phương tiện cũng dày đặc.

Từ sáng sớm 29-4, Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây đã chật kín người tới mua vé đi nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Cho đến trưa cùng ngày, dòng người vẫn liên tục dồn về đây. Tuy nhiên nhiều nhà xe đã “cháy vé”.

Lượng khách tới Bến xe Miền Đông chủ yếu chỉ mua vé đi những khu vực gần TP HCM; còn những chặng dài về miền Trung, miền Bắc thì chỉ lác đác vài người mua. Một số người tuy không mua được vé theo đúng nhu cầu nhưng do đi chặng gần, thời gian ngắn nên họ cho biết không quá vất vả khi phải chuyển qua các xe có chất lượng thấp hơn so với dự định trước đó.

Nhiều quầy đã hết vé tại bến xe miền Đông (ảnh: nld)

Nhiều quầy đã hết vé tại bến xe miền Đông (ảnh: nld)

Trong khi đó, một số quầy vé các hãng xe lớn như Phương Trang, Thành Bưởi, Toàn Thắng... không đủ vé bán ra. "Chiều 28-4, tôi mới được nghỉ nên tranh thủ tới Bến xe Miền Đông mua vé đi Đà Lạt nhưng không mua được vé giường nằm của Phương Trang và Thành Bưởi. Tôi đành mua vé ghế ngồi của nhà xe khác" - chị Bảo Trân (ngụ quận 3) kể.

"Tôi cùng gia đình tới mua vé đi Vũng Tàu của nhà xe Toàn Thắng nhưng nhân viên thông báo phải tới đầu giờ chiều mới có vé nên đành xếp hàng chờ mua ở quầy khác" - chị Thanh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết.

Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), ngày 28-4 được xem là cao điểm nhất trong dịp lễ với khoảng 60.000 khách và 1.900 xe xuất bến. Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Phòng Điều hành Bến xe Miền Tây, cho biết bến xe phải điều 10 xe buýt để giải tỏa hành khách. Các lực lượng bảo vệ phải túc trực điều tiết trong khu vực bến, đồng thời phối hợp với lực lượng chức năng địa phương phân làn giao thông bên ngoài để tránh xảy ra ùn tắc.

Vào sáng 29/4, dòng người cũng liên tục dồn tới mua vé đi nghỉ lễ từ sáng sớm. Tại bến xe này, tình hình khá căng thẳng với những tuyến đường dài đi Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Cà Mau... 

Nhiều hành khách sau khi xếp hàng tới lượt thì không mua được vé hoặc có vé nhưng không đúng nhu cầu. "Tôi mua được vé về Cần Thơ nhưng phải đến 18 giờ mới có xe, coi như mất cả ngày này chờ đợi, nhưng có vé là tốt rồi" - anh Giang (quê Cà Mau) chia sẻ.

Lượng phương tiện cũng tăng cao trên nhiều tuyến đường cửa ngõ TP HCM như Quốc lộ 13 (đoạn qua quận Thủ Đức), Quốc lộ 1 (đoạn qua quận Bình Tân và huyện Bình Chánh). Khu vực phà Cát Lái (phía quận 2) từ sáng 28-4 đã xảy ra kẹt xe cục bộ. Căng thẳng nhất là trên tuyến cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Quốc lộ 1 tại cửa ngõ phía Tây TP HCM và khu vực qua phà Cát Lái (phía quận 2), lượng xe tăng cao khiến nhiều đoạn bị ùn ứ cục bộ. Trên nhiều tuyến đường, các gia đình bồng bế theo con nhỏ, lỉnh kỉnh đồ đạc chạy xe máy về quê và do đường kẹt, thời tiết oi bức khiến họ mệt mỏi, bơ phờ.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên Xung phong - đơn vị quản lý phà Cát Lái, cao điểm sẽ dồn vào sáng 30-4, dự báo khoảng 90.000 khách. Phà Cát Lái đã tăng thêm 240 chuyến để phục vụ nhu cầu của người dân.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn