Chuyện đời ngài đại sứ lừng danh Việt Nam

( PHUNUTODAY ) - #160; (Phunutoday) - Năm nay tính tròn thì ông đã 93 tuổi, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc - Đại tá Hà Văn Lâu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, vẫn còn khoẻ mạnh, rắn rỏi và minh mẫn. Cách nay không lâu, cô Hoa hậu Hà Kiều Anh, cháu nội của ông, chỉ đường cho tôi tới nhà thăm ông bà trong một khu dân cư mới khá yên tĩnh ở quận Tân Phú- TP Hồ Chí Minh.

(Phunutoday) - Năm nay tính tròn thì ông đã 93 tuổi, cựu Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc - Đại tá Hà Văn Lâu - Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, vẫn còn khoẻ mạnh, rắn rỏi và minh mẫn. Cách nay không lâu, cô Hoa hậu Hà Kiều Anh, cháu nội của ông, chỉ đường cho tôi tới nhà thăm ông bà trong một khu dân cư mới khá yên tĩnh ở quận Tân Phú - TP Hồ Chí Minh. Kiều Anh còn cho biết thêm: “Có người đến nhà chơi là ông vui lắm. Ông hay leo lên, leo xuống cầu thang tầng một lấy cái này, cái nọ là để tập thể dục luôn đó mà”.


Quả đúng như lời cô cháu cưng của ông nói, trong suốt buổi ngồi trò chuyện, dễ có hàng chục lần ông lên xuống cầu thang lấy tài liệu, hình ảnh mà vẫn chưa thấy mệt. Ngắt quãng trong câu chuyện kể, thỉnh thoảng ông lại lên tầng trên lấy thêm hình ảnh, tài liệu minh họa cho những điều ông mới nói, dường như cái tuổi “cửu thập” vẫn không làm đôi chân nhanh nhẹn của ông mệt mỏi. Song khó nhất với ông là hai tai nghe đã kém hẳn.

Khi trò chuyện, tôi phải nhờ cụ bà Nguyễn Tăng Diệu Hương (88 tuổi) người bạn đời của ông ngồi sát bên làm “phiên dịch”. Cụ bà nói nhẹ nhàng, bằng chất giọng đặc sản của người Huế: “Mình ơi, ba nó à ”…ấy thế mà ông nghe rất rõ. Còn tôi dù có cố nói to đến đâu thì ông cũng nghe khó vì không nghe quen giọng.

Ra đi từ bến làng Sình

Đại tá Hà Văn Lâu sinh ngày 9 tháng 12 năm 1918 ở làng Sình, ngã ba sông Hương cách nội đô Huế không xa lắm. Cha ông là thầy giáo tiểu học trường làng Hà Văn Phu, còn gọi là thầy Cửu Phu. Khi ông lên 7 tuổi thì cha ông qua đời, ông được bà ngoại và mẹ nuôi nấng ăn học. Ông tốt nghiệp bậc Thành chung nhưng do không có điều kiện theo học tiếp nên phải thi công chức vào ngạch thư ký Tòa sứ.

Với ý định du học Pháp, ông xin vào học một trường quân sự của Pháp ở Đông Dương, sau đó tốt nghiệp hạ sĩ quan trù bị vào năm 1942. Tuy nhiên, chính quyền Pháp sau đó giải tán các trường đào tạo huấn luyện và đình chỉ tăng quân, ông buộc phải trở về nghề cũ. Thời gian này, ông gặp bà Nguyễn Tăng Diệu Hương, một tiều thư nhà khá giả thuộc dòng dõi quý tộc trong triều đình Huế, rồi hai người nên duyên vợ chồng.
Bà Diệu Dương lúc trẻ
Bà Diệu Dương lúc trẻ

Vì hoàn cảnh gia đình, ông thi vào ngành Thương chánh, với mong muốn có việc làm tốt hơn, có điều kiện hơn để chăm lo cho gia đình. Năm 1943, ông được bổ nhiệm trông coi một đồng muối ở phủ Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Cũng tại đây, vào năm 1944, ông gia nhập mặt trận Việt Minh. Khởi đầu con đường cách mạng theo ông đến suốt đời với quân hàm Đại tá, với câu chuyện đôi dép râu Bình Trị Thiên và làm đại sứ tại Cu Ba, Liên hợp quốc và tại Pháp với chức danh cuối cùng là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Trong những câu chuyện kể của ông, miền ký ức xa xưa hiện về… Đó là những đêm trăng như rắc vảy vàng xuống dòng sông Hương thơ mộng, tiếng cô gái chèo đò cất giọng hò lanh lảnh làm nao lòng viễn khách:

Hò ơi…Đò từ Đông Ba, đò qua Vĩ Dạ.
Đò từ Đập Đá, thẳng ngã ba Sình
Lờ đờ, bóng ngã trăng chênh,
Tiếng hò xa vọng chạnh tình nước non…

Nước non ngày ấy đang quặng đau dưới gót giày quân xâm lược. Nhân dân ngày ấy thấm đẫm buồn đau, cơ cực và nỗi nhục mất nước. Ông giáo Hà Văn Phu, thường gọi là thầy Cửu Phu ở bến Làng Sình, có vợ là cô Tăng Thị Nga cũng như bao người dân khác, sống cuộc sống nghèo khó với một đàn con nheo nhóc. Hàng ngày, cô Nga buôn thúng bán mẹt ở chợ làng Sình, tảo tần nuôi 6 người con ăn học.

Cậu Sáu Hà Văn Lâu là con út, lớn lên trong gia cảnh như vậy nên rất hiếu học và chăm làm lụng. Sáu Lâu học rất giỏi và siêng năng nhưng hoàn cảnh gia đình mỗi lúc càng thêm khó khăn chồng chất. Học xong bằng Thành chung, rủi thay, cậu Sáu không thể vào được trường Quốc học Huế mà phải theo học trường tư thục Phú Xuân. Tại đây, Sáu Lâu được học các bậc tài thầy giỏi như Tạ Quang Bửu, Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh…

Đã có một lần, người chú ruột là Hà Văn Huy làm nghề thú y ở trong Nam  gợi ý tài trợ cho Sáu Lâu du học ở Pháp nhưng hai mẹ con bàn tính rồi cuối cùng quyết định: không du học vì làm khổ chú. Thế là mơ ước lớn nhất của Sáu Lâu không thể nào đạt được, vì gia đình trọng sĩ diện, không muốn mắc nợ người khác cho dù là họ hàng thân tộc. Sáu Lâu thi đỗ vào ngạch công chức Tòa sứ nhưng không làm việc ở Huế mà lại được cử lên Tòa sứ Kon Tum, chốn rừng núi hiểm trở, xa xôi để làm việc vào năm 1937.

Rừng núi Kon Tum ngày xưa là miền heo hút, u buồn ảm đạm nhất cho những ai “xui xẻo” bị đày đến. Chiến tranh thế giới đang chuyển biến phức tạp, nước Pháp không nằm trong phe phát xít, nên khả năng bị Đức quốc xã tấn công là điều không tránh khỏi. Những công chức ở nước thuộc địa như Sáu Lâu, bị điều động huấn luyện đăng lính cho Pháp. Đang phân vân giữa ngã ba đường, thì tại Pháp quốc, thống chế Pétain đầu hàng phát xít Đức, trường võ bị huấn luyện của Pháp ở Đông Dương rã đám. Sáu Lâu trở về Huế tiếp tục nghề  “cạo giấy” ở Tòa sứ.

Thời gian này, anh công chức Hà Văn Lâu làm quen với cô nữ sinh Đồng Khánh Huế tên Nguyễn Tăng Diệu Hương, vừa tròn 19 tuổi. Diệu Hương là “con gái rượu” của ông Hường Lô Tự Khanh Nguyễn Tăng Lộc và bà Công Tôn Nữ Tuyền Kinh là cháu ngọai của nhà thơ Tuy Lý Vương - Nguyễn Phúc Miên Trinh - hoàng tử triều Nguyễn. Kể lại chuyện ngày xưa, ông quen bà ra sao, cả hai ông bà đều rất vui vẻ và nhớ rõ từng chi tiết nhỏ.

Bà Diệu Hương cười vui và nói tới cô cháu nội Hà Kiều Anh trở thành Hoa hậu Việt Nam từ năm 1992: “Nó giống bà lắm đó. Ngày xưa bà là hoa khôi nữ sinh Đồng Khánh Huế, răng mà lâu dữ rứa…”. Nói đoạn, bà đứng dậy đến bên tủ gỗ cạnh giường, lấy hai tấm ảnh đen trắng chụp thời nữ sinh áo dài trắng với chiếc răng khểnh rất duyên, tay cầm quai nón bài thơ xứ Huế duyên dáng và thơ mộng. Tôi thì đoan chắc rằng, thời trẻ bà xinh đẹp hơn cô cháu nội hoa hậu rất nhiều, vì bà là Hoa khôi xứ Huế thời ấy mà.

Ông Hà Văn Lâu thêm vào: “Hồi bà ấy là nữ sinh, ông tán tỉnh bằng câu thơ châm chọc con trai đất Quảng:  Học trò xứ Quảng ra thi
 Thấy cô gái Huế, chân đi không đành”

Chàng trai làng Lại Ân, ngã ba Sình, Hà Văn Lâu  đem lòng yêu cô hoa khôi nữ sinh Đồng Khánh Diệu Hương nên đã bạo gan nhiều lần viết thư tỏ tình, nhờ đứa bạn thân đưa tận tay hoa khôi. Mỗi lần chờ đợi đọc thư xong, Diệu Hương liền vo tròn rồi hủy ngay, vì sợ cha mẹ bắt gặp. Các cụ thời ấy rất khắt khe với con cái, đặc biệt là những gia đình gia giáo, hoàng tộc lại càng nghiêm khắc hơn.

Năm 1941, lấy vợ rồi mà gia cảnh của Hà Văn Lâu vẫn rất nghèo. Chỉ thương cô vợ trẻ vốn dòng dõi cháu ngoại thi nhân Tuy Lý Vương nay lại phải lận đận bán hàng xén phụ chồng kiếm thêm tiền sinh nhai. Tình yêu đã làm nên những điều kỳ diệu, mà dường như số phận đã cố ý sắp đặt riêng cho mỗi con người. Bàn tay tiểu thư của hoa khôi Đồng Khánh đã chai sần, má hóp sâu vì cơ cực, phải thức khuya, dậy sớm. Phấn son, lụa là ngày ấy bỗng trở nên xa lạ trong cuộc sống của cặp vợ chồng công chức nghèo. Thương vợ, thương gia đình cực khổ, Sáu Lâu quyết tâm học và thi đỗ vào ngạch Thương chánh, mong kiếm tiền nuôi gia đình, sau đó chuyển vào Nha Trang làm việc ở Công ty Muối phủ Ninh Hòa, Nha Trang (nay là tỉnh Khánh Hòa).
 
1
Phidel tiếp đại sứ Hà Văn Lâu

Chính từ cuộc sống thực tiễn và tranh đấu của người dân Khánh Hòa đã giác ngộ và lôi cuốn Hà Văn Lâu vào cuộc cách mạng. Từ cán bộ kháng chiến ở Khánh Hòa đến chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa, Hà Văn Lâu trở thành cán bộ chủ chốt của quân đội trong cuộc kháng chiến chống pháp. Sau này, ông được cử làm Cục trưởng Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu với quân hàm đại tá và là một nhà ngoại giao xuất sắc của Việt Nam từ năm 1954 đến ngày về hưu. Ông là nhà ngoại giao duy nhất mang quân hàm Đại tá từ năm 1954 cho đến nay.

Những kỷ niệm không thể nào quên

Từ tháng 5/1951, ông được điều ra Việt Bắc công tác, đây là những năm tháng hạnh phúc tuyệt vời nhất trong cuộc đời của Đại tá Hà Văn Lâu vì được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ. Ông có rất nhiều kỷ niệm không thể nào quên trong những năm tháng đáng nhớ này.

Ông kể chuyện, trưa ngày 19-5-1950, sau buổi làm việc với Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trở về nhà nằm nghỉ, Sáu Lâu cứ trằn trọc không sao chợp mắt được vì nghĩ đến ngày sinh nhật của Bác, mà từ khi ở chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa ra đến nay, anh vẫn chưa có dịp gặp Người. Đang lơ mơ với ý nghĩ trong đầu, thì chợt anh cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch đến báo tin: “Chuẩn bị chiều nay đi gặp Bác Hồ”.

Hết di chuyển bằng ngựa, rồi đi bộ lội ngược dòng con suối nhỏ, người dẫn đường đưa Sáu Lâu đến nơi Bác và Bộ Chính trị ở. Sáu Lâu mừng đến run người khi thấy có mặt các đồng chí cán bộ cao cấp của Chính phủ như cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, luật sư Phan Anh… đang tổ chức mừng thọ Bác 60 tuổi. Bác xuất hiện với bộ áo quần màu chàm như một ông ké miền Việt Bắc, giản dị, gần gũi mà vĩ đại vô cùng. Mọi người tặng hoa và chúc mừng xong, Bác đáp lại bằng mấy câu thơ:

Sáu mươi tuổi vẫn còn xuân chán
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon làm việc khỏe
Trần mà như thế kém chi tiên

Sau đó, Bác mời mọi người ăn bữa cơm thân mật. Bác hỏi thăm Hà Văn Lâu về gia đình, tình hình quân dân mặt trận Bình Trị Thiên. Phấn khởi quá, Sáu Lâu báo cáo Bác :“Thưa Bác, ở Bình Trị Thiên mỗi khi chiến đấu, bộ đội xung phong lên giết giặc thường hô to: Hồ Chí Minh muôn năm…” nói đến đây Sáu Lâu nghẹn lời im lặng hồi lâu. Anh nhìn thấy Bác cũng rưng rưng nước mắt xúc động.

Thấy Sáu lâu quên cả ăn, Bác gắp thức ăn cho vào chén rồi ân cần nói: “Thôi, chú Lâu ăn đi. Bác không hỏi nữa”. Sau bữa cơm với Bác, Sáu Lâu lấy bức ảnh Bác mang theo xin Bác ký tên lưu niệm, Bác vui vẻ ngồi viết nắn nót mấy chữ: “Kháng chiến nhất định thắng lợi” và ký tên Hồ Chí Minh bên dưới. Sáu Lâu trân trọng đón nhận bức ảnh Bác kí tặng như một báu vật mà suốt một đời cách mạng bao giờ ông cũng mang theo  để nhớ và để răn mình.

 Đang lúc ông say sưa với chuyện kể về lần đầu tiên được gặp bác Hồ, bà Diệu Hương thêm vào: “Bà cũng gặp Bác Hồ, bất ngờ mà cứ ngỡ đang mơ… Trở lại chiến rường Bình Trị Thiên, Tư lệnh Hà Văn Lâu tiếp tục cuộc chiến đấu đến tháng 5/1951 thì được Trung ương điều động ra Việt Bắc, sau đó bà Diệu Hương mới ra theo.

d
Niềm vui bên cháu nội Hoa hậu Hà Kiều Anh

Bà kể lại rằng một hôm Bác Hồ đi ngang qua nhà, nhìn thấy bà đang bế cậu con trai Hà Tăng Lâm (bố đẻ hoa hậu Hà Kiều Anh), Bác hỏi: “Con trai chú Lâu phải không?”. Rồi Bác bế cu Lâm một chút. Quay sang Diệu Hương, Bác hỏi:“Cháu nuôi con có vất vả lắm không? Có gì cho con bồi dưỡng không?”. Hôm sau Bác gửi cho cu Lâm một hộp sữa. Bà tiếc không nỡ dùng, đành tìm một hộp sữa khác cho Lâm uống, còn hộp sữa Bác tặng thì cất giữ làm kỷ niệm.

Trận chiến mới trên bàn ngoại giao

Đại tá Hà Văn Lâu được Phó Thủ tướng - Kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao - Phạm Văn Đồng cử tham gia vào các phái đoàn Chính phủ Việt Nam đàm phán ngoại giao từ những năm 1953 cùng các ông Tạ Quang Bửu, Phan Anh, Trần Công Tường. Bước ngoặt quan trọng đầu tiên trong cuộc đời đại tá Hà Văn Lâu xảy ra vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 8/5/1954, tại Giơnevơ - Thụy Sỹ. Hà Văn Lâu thắt cà vạt trắng theo các đồng chí Phạm Văn Đồng, Tạ Quang Bửu bước vào chiếc xe ô tô bóng bẩy, cắm cờ đỏ sao vàng, hiên ngang trong tư thế chiến thắng cùng đoàn xe hộ tống, chạy bon bon dưới nắng chiều vàng tuyệt đẹp của đất nước Thụy Sỹ, đến khai mạc Hội nghị Giơnevơ lịch sử.
 
1
Vợ chồng Đại sứ Hà Văn Lâu thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chiều ngày 7/5/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chiến thắng lẫy lừng ở chiến dịch Điện Biên Phủ, bắt sống tướng Đờ-cát-xtơ-ri, kết thúc cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp. Cuộc đàm phán Hội nghị Giơnevơ chính là giờ phút ký kết Hiệp định lịch sử chấm dứt sự thống trị của người Pháp tại Việt Nam. Kể từ giờ phút đó, Hà Văn Lâu thật sự giã từ chiến trường đạn lửa binh nghiệp để bước vào trận chiến đấu mới, đòi hỏi rất cao về bản lĩnh chính trị, sự cân não, trí tuệ và sự kiên trì, nhẫn nại trên mặt trận ngoại giao.

Trong cuộc đời làm ngoại giao của Đại sứ Hà Văn Lâu có hai lần đi sứ trong điều kiện hết sức đặc biệt: hai lần thay thế người tiền nhiệm đột ngột qua đời. Một hôm, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho gọi Sáu Lâu đến và giao nhiệm vụ đặc biệt mà Bộ Chính trị và Bộ Ngoại giao đã thống nhất, cử ông sang làm đại sứ tại Cu Ba do đại sứ đương nhiệm bệnh nặng qua đời.

Năm 1977, lúc vợ chồng Đại sứ Hà Văn Lâu đang công tác tại Cu Ba thì nhận được thư của con trai Hà Tăng Lâm gửi từ Hà Nội sang cho biết: vì là người của Bộ Quốc phòng gửi đi học nên tốt nghiệp xong ĐH Bách Khoa Hà Nội, kỹ sư vô tuyến điện Hà Tăng Lâm được điều về Viện Kỹ thuật Quân sự công tác, phong quân hàm Thiếu úy. Lúc bấy giờ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng có ý đưa Lâm về Bộ Ngoại giao công tác, chuyên về kỹ thuật máy tính.

Cuối tháng 5/1977, lại một thư bên nhà gởi sang khiến bà Diệu Hương mừng quýnh, đứng ngồi không yên. Thư con trai Hà Tăng Lâm báo tin: vợ anh là cô Vương Kiều Oanh hạ sinh một cô con gái đầu lòng đặt tên là Hà Kiều Anh. Bà Diệu Hương bồn chồn, nóng lòng mong về nhà bế cháu nhưng vì đường quá xa xôi, đi lại khó khăn nên đành dằn lòng chịu vậy. 

Rời Cu Ba, Đại sứ Hà Văn Lâu được điều đến New York (Mỹ) làm đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc. Lần này, người tiền nhiệm của ông bị tai nạn xe cộ qua đời đột ngột. Đại sứ Hà Văn Lâu công tác liên tục 3 năm 6 tháng tại đây.  Đây là thời kỳ nhiều thử thách gay go, khó khăn nhất trong cuộc đời làm cách mạng của Đại sứ Hà Văn Lâu.

Cùng tập thể Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam, Đại sứ Hà Văn Lâu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tháng 3/1982 Bộ Ngoại giao rút Đại sứ Hà Văn Lâu về Hà Nội. Chính phủ giao cho ông một trọng trách lớn hơn: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kiêm Trưởng ban Việt kiều Trung ương. Tháng 10/1984, Chính phủ cử Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Văn Lâu làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại  Cộng hòa  Pháp.
Đôi dép râu huyền thoại của ngài đại sử Hà Văn Lâu

Từ ngã ba làng Sình - Huế, ông lên Tây Nguyên, vào Nha Trang, vào căn cứ kháng chiến rồi ra “thủ đô gió ngàn” Việt Bắc. Từ Việt Bắc, ông sang Thụy Sỹ, rồi Paris, Cu Ba, Hoa Kỳ… cùng rất nhiều quốc gia khác, khắp năm châu bốn biển, trọn vẹn một cuộc đời làm cách mạng của vị đại sứ duy nhất mang quân hàm đại tá từ năm 1954. Ông trở về với căn nhà nho nhỏ trong một khu phố mới rất yên tĩnh, lặng lẽ sống những ngày tuổi già.
Ông bà Hà Văn Lâu
Ông bà Hà Văn Lâu


Bóng chiều nghiêng nghiêng đổ xuống hai mái đầu bạc phơ, bà Diệu Hương và cựu Đại sứ Hà Văn Lâu vẫn sống rất hạnh phúc trong căn nhà nhỏ khá yên tĩnh ở cuối đường Đỗ Công Trường, quận Tân Phú, TP.HCM. Trên bàn làm việc của ông vẫn chất đầy báo chí, tài liệu, tư liệu và đặc biệt là bức ảnh Bác Hồ ghi chữ tặng ông nhân dịp sinh nhật Người, ngày 19/5/1950 tại Chiến khu Việt Bắc, treo trang trọng trên tường.

Đại tá Hà Văn Lâu là nhà ngoại giao nổi tiếng từng tham dự Hội nghị Genève 1954, Hòa đàm Paris về Việt Nam và nhiều hội nghị quốc tế khác từ thời kháng chiến chống Pháp đến thời kháng chiến chống Mỹ. Nhưng có một chuyện ít người biết: ông chính là người phát minh ra đôi dép râu gắn liền với bước chân bách chiến bách thắng của anh bộ đội Cụ Hồ.

Nhà văn Trần Công Tấn viết về cuộc đời hoạt động quân sự và ngoại giao của nhân vật huyền thoại - Đại tá Hà Văn Lâu, có đoạn nói về xuất xứ của đôi dép râu (dép Bình Trị Thiên) trong kháng chiến: "Đôi dép cao su ra đời là “tác phẩm” của Hà Văn Lâu. Người Thừa Thiên lúc ấy nói Sáu Lâu đã khai sinh ra đôi dép huyền thoại ấy”.

Đại tá Hà Văn Lâu kể lại: “Vào tháng 3/1947, tôi bảo ông Sáu Đen phỏng theo cách của mấy ông phu xe, làm thử mấy đôi bằng vỏ ruột xe hơi. Sự tiện lợi của đôi dép này là ở chỗ có thể thích ứng với mọi địa hình, gặp chỗ bùn sình lại cởi dép cầm tay, qua khỏi lại mang vào. Các loại giày da, giày vải đi rừng, lội ruộng gặp sên, vắt, đỉa chui vào thì thành của nợ ngay. Dần dần, việc làm dép phát triển thành phong trào. Các đơn vị hành quân hễ gặp chỗ nào có săm lốp là mang về làm dép”.

Chẳng bao lâu sau, tất cả cán bộ chiến sĩ đều có thể tự trang bị được loại dép này và mỗi chiến sĩ đều mang theo bên mình vài sợi cao su cùng một cái nẹp bằng vỏ tre mỏng, cứng để trên đường đi, nếu quai bị sút thì có thể sửa lại ngay. Năm 1948, ở chợ xép thuộc chiến khu Hòa Mỹ (Thừa Thiên) đã xuất hiện những hàng quán làm dép bán cho bộ đội. Vì đôi dép có xuất xứ ở Thừa Thiên nên lúc đầu người ta gọi là dép Bình Trị Thiên. Sau này có nơi gọi dép lốp, có nơi gọi dép râu.
Ảnh có bút tích của Bác Hồ
Ảnh có bút tích của Bác Hồ

“Vào năm 1950, trong lần ra Việt Bắc để dự sinh nhật lần thứ 60 của Bác Hồ thì tôi thấy Bác cũng mang dép này nhưng quai dép của Bác to bản hơn. Tôi mang dép này trong nhiều năm từ Bình Trị Thiên đến Việt Bắc. Đầu tháng 4.1954, tôi sang Trung Quốc và sau đó đi dự Hội nghị Genève; từ đó chuyển sang thời kỳ... đi giày. Nhưng cho đến những ngày hòa bình lập lại, ngay ở Thủ đô, tôi vẫn thấy nhiều anh em bộ đội mang dép Bình Trị Thiên”, ông Hà Văn Lâu nhớ lại.

Một đời thanh bạch, giản dị, ông để lại cho thế hệ sau không chỉ là sự ngưỡng mộ về tài năng mà còn là phẩm chất cao quý, sự tài trí, mưu lược trên cả chiến trường lẫn trên bàn ngoại giao.

Nam Yên
TAGS:
Theo: