Đồng phục giá một tạ thóc hòa nhập Hà Nội văn minh

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Xét đi thì cũng nên xét lại, bộ đồng phục giá ngang 1 tạ thóc này có ưu điểm là thể hiện sự hòa nhập một cách tuyệt đối của người Thường Tín khi trở thành một bộ phận của Thủ đô văn minh, hiện đại.

Theo báo Vnexpress, mức giá cho bộ quần áo mùa hè (váy áo với nữ) và áo vest cho mùa đông được nâng lên gần gấp đôi so với năm trước: lớp 1-2 giá 629.000 đồng, lớp 3 giá 661.000 đồng và lớp 4-5 giá 693.000 đồng.

 Phụ huynh của một học sinh lớp 4 khi nghe những phụ huynh khác nói về giá, vội đến gặp cô giáo chủ nhiệm xin không mua thì được thông tin, số đo đã được gửi xuống nhà may. "Cô chủ nhiệm bảo đã thông báo đồng phục và giá tiền cho học sinh để về nói với bố mẹ. Nhưng hỏi con thì chúng bảo cô không nói gì về giá cả, chỉ biết là đi đo đồng phục", chị cho hay.

Mô tả ảnh.
Trường tiểu học Văn Bình. Ảnh: VNE

 Một phụ huynh khác cho biết, cách đây nửa tháng chị có nghe nói về việc may đồng phục. Tưởng là vẫn may như đã thỏa thuận vào cuối năm học trước nên chị không để ý. Tuy nhiên, đến khi con kể là quần áo đẹp, mặc thử trông như chú rể, chị mới giật mình. Vội vàng đạp xe lên nhà cô chủ nhiệm để hỏi thì được biết đồng phục học sinh năm nay đổi mới, giá cũng cao hơn. Cô giáo bảo chị cố may cho con vì thằng bé rất thích.

Một phụ huynh có hai con đang học tại trường tâm sự, xã có khoảng 60-70% là nông dân, chỉ biết trông vào mấy sào ruộng nên lo tiền học đầu năm cho con đã khó, thêm khoản đồng phục giá cao thế này thì không biết xoay xở đường nào. Quả thật, 700.000 đồng một bộ đồng phục, tính ra là hơn tạ thóc chứ đâu ít ỏi gì.

Theo lẽ thường, gười ta có thể không đồng ý, thậm chí phản ứng gay gắt vì mức giá của bộ đồng phục quá cao so với thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên, xét đi thì cũng nên xét lại, bộ đồng phục này có ưu điểm là thể hiện sự hòa nhập một cách tuyệt đối của người Thường Tín khi trở thành một bộ phận của Thủ đô văn minh, hiện đại.

Mô tả ảnh.
Bộ đồng phục thể hiện sự hòa nhập với thủ đô của người dân Thường Tín

Đúng như phát biểu tại lễ tổng kết 5 năm sáp nhập Hà Nội hôm 31/7 của ông Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội: “Sau 5 năm, kinh tế thủ đô tăng trưởng theo hướng tích cực, GDP chiếm hơn 10% cả nước, tốc độ tăng trưởng bình quân cả năm đạt 9,5%, cao hơn 1,5 lần mức bình quân cả nước, thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2012 tăng gấp 2,6 lần so với năm 2008...”.

"Người dân Hà Nội, đặc biệt là càng ở những vùng khó khăn trước đây của tỉnh Hà Tây (cũ), của huyện Mê Linh hay 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình hợp nhất về Hà Nội càng thấy tự hào và phấn khởi bởi những đổi thay nhanh chóng. Không chỉ vậy, nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế cũng khẳng định và đánh giá rất cao" - ông Phạm Quang Nghị cho biết thêm.

Có thể thấy, sự hòa nhập, thay đổi của người dân các huyện khi sát nhập vào thủ đô hiện diện trên mọi mặt của đời sống xã hội vì vậy mà bộ đồng phục của các em học sinh trường tiểu học Văn Bình trở nên hiện đại, sang trọng, đẹp mắt và đắt đỏ dường như cũng là điều dễ hiểu.

Và điều quan trọng nhất đó chính là đồng phục mới phù hợp với sở thích nguyện vọng của các em học sinh. Được khoác lên mình Com-lê Veston đẹp đẽ, hiện đại như cô dâu chú rể quả là niềm vui lớn, niềm vui này sẽ có thể nhân lên rất nhiều khi mỗi ngày các em được mặc quần áo đồng phục đẹp đến trường. Và với các bậc phụ huynh, có điều gì hạnh phúc hơn là được chứng kiến nụ cười của các em, được thấy con em mình vui vẻ đến trường.

Chính vì vậy mà thiết nghĩ  văn bản yêu cầu các nhà trường không được tùy tiện thay đổi đồng phục hằng năm hoặc thêm bớt các chi tiết làm khó khăn cho HS, phụ huynh mới được ban hành gần đây của Sở GD-ĐT TP.HCM là lo lắng thừa thãi. Bởi truyền thống từ ngàn đời ở nước ta hiện nay vẫn là "hy sinh đời bố, củng cố đời con", vì tương lai của con cái, các bậc cha mẹ luôn sẵn sàng cố gắng hết sức.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn